Tài liệu: Nước Đức - Các hệ thống giao thông

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Trong bất kỳ một nền kinh tế cạnh tranh hiện đại nào, hệ thống giao thông có hiệu quả cực kỳ quan trọng
Nước Đức - Các hệ thống giao thông

Nội dung

Các hệ thống giao thông

Trong bất kỳ một nền kinh tế cạnh tranh hiện đại nào, hệ thống giao thông có hiệu quả cực kỳ quan trọng. Nước Đức không chỉ có những hệ thống đường bộ và đường sắt rộng lớn mà còn là một trung tâm vận chuyển hàng không lớn. Nước Đức cũng tận dụng khả năng to lớn của các tuyến đường thuỷ nội địa để vận chuyển hàng hoá.

Chỉ có mạng đường ô tô của Mỹ là lớn hơn mạng đường ô tô dài tới 11.000km của Đức mà thôi. Chương trình xây dựng đường cao tốc (đường ô tô cao tốc) đã được bắt đầu từ những năm 1930 để vận chuyển quân đội và trang bị quân sự một cách nhanh chóng khắp đất nước. Mặc dù chương trình này đã tạo ra một hệ thống đường bộ hiệu quả cao, nhưng hiện nay chính phủ Đức rất không khuyến khích việc sử dụng nó bằng cách đầu tư nhiều tiền hơn vào phát triển giao thông đường sắt và đường thuỷ và đang thực hiện các biện pháp đánh thuế vào xe hơi (xem trang 40). Như một phần của chính sách về môi trường xe tải cũng bị hạn chế đi lại trong những ngày nghỉ cuối tuần. Để giảm mật độ của các loại phương tiện tham gia giao thông, trong tháng 8/2003, một loại phí cầu đường mới đã được áp dụng bắt buộc các xe tải chở trên 12 tấn hàng hoá phải trả phí sử dụng đường cao tốc. Tuy nhiên, kế hoạch sau đó đã bị huỷ bỏ.

A20: Một dự án gây tranh cãi

Một trong những đường cao tốc mới được xây dựng trong những năm gần đây (hoàn thành năm 2003) là đường A20 ở vùng Mecklenburg - Vorprommern, dọc theo bờ biển Ban Tích. Nó nối thành phố Luheck với đường A11 ở phía bắc thành phố Brandenburg, là đường chạy từ Berlin đến miền Bắc Ba Lan. Đường cao tốc mới dài 324km và tốn khoảng 1,85 tỷ EUR để xây dựng.

Việc xây dựng đường A20 đã gây tranh cãi căng thẳng. Phía những người ủng hộ xây dựng nó cho đó là một sự cần thiết để tạo tiền đề cho sợ phát triển kinh tế của vùng đông bắc kém phát triển của nước Đức. Nhưng phía những người phản đối dự án lo ngại rằng việc xây dựng con đường sẽ tàn phá môi trường tự nhiên hoang sơ hầu như còn chưa bị tác động mấy của con người, điểm lợi thế chủ yếu của khu vực này.

Những người ủng hộ việc xây dựng con đường đã thắng, tuy nhiên nhiều nhượng bộ về vấn đề môi trường đã được triển khai. Ví như việc xây một cây cầu vượt qua thung lũng Uecker để bảo vệ vùng đầm lầy của nó. Ngoài ra, những cây cầu cho hươu nai đi qua, những hàng rào và tường chắn bảo vệ động vật hoang dã và các hầm cho động vật lưỡng cư trú ngụ cũng được xây dựng.

Dịch vụ đường sắt và giao thông công cộng

Các hệ thống đường xe lửa quốc gia của Tây Đức và Đông Đức trước đây được sáp nhập và gọi là Đường sắt Đức (Deutsche Bahn). Từ đó, mạng lưới đường sắt rộng lớn của đất nước được nâng cấp. Những tuyến đường cao tốc được đưa vào hoạt động năm 1991 với dịch vụ tốc hành liên đô thị đầu tiên (ICE) và những xe lửa màu trắng sử dụng công nghệ cao hiện nay là hình ảnh quen thuộc ở các ga xe lửa khắp nước Đức. Đi lại bằng xe lửa được ưa chuộng hơn nữa bởi giá cả hấp dẫn và sự kết hợp hiệu quả cao giữa phương tiện này với các phương thức giao thông khác. Không chỉ sự đi lại bằng xe lửa liên đô thị mà cả những dịch vụ đi lại hàng ngày bằng vé tháng cũng được phổ cập. Điều này được trù tính để đảm bảo rằng những người trong các khu dân cư lớn sẽ lựa chọn sử dụng phương tiện giao thông công cộng hơn là dùng xe hơi riêng của họ để đi lại trong khu vực. Hệ thống này vận hành rất tốt vì đường sắt khu vực (S-Bahn) xe điện ngầm (U-Bahn), xe điện và xe buýt có các bảng giờ phối hợp và các điểm chuyển đổi giữa các tuyến. Quan trọng nhất là một vé dùng được cho mọi tuyến, mọi phương tiện.

Đi lại bằng xe đạp

Đi xe đạp được khuyến khích ở Đức qua việc bố trí những làn đường nhỏ an toàn dành riêng cho xe đạp ở tất cả các thành phố. Hơn nữa, những chuyến đi một phần bằng xe đạp và một phần bằng đường sắt được thực hiện tương đối dễ dàng vì xe lửa và cả xe điện ngầm đều cung cấp những phương tiện thuận lợi để chuyên chở xe đạp.

Munster – Một thành phố thân thiện với xe đạp

Đã hơn 50 năm, thành phố Munster ở vùng North Rhine Westphalia khuyến khích người dân đi xe đạp trong nội thị. Chính sách này được khởi xướng sau Đại chiến thế giới II, khi mà Munster, cũng như nhiều thành phố khác ở Đức, có khu trung tâm bị phá huỷ. Trong khi xây dựng lại, người ta đã quyết định chọn xe đạp và xe buýt làm các phương tiện chủ yếu của giao thông thành phố, và các tuyến đường đã được thiết kế để đáp ứng mục tiêu này.

Ngày nay, không một thành phố nào khác ở Đức có được cơ sở hạ tầng đồng bộ như vậy cho người đi xe đạp. Một tuyến đường vòng cung trồng cây xanh bao quanh trung tâm thành phố (Đường đi dạo), được sử dụng dành riêng cho người đi xe đạp và đi bộ. Những người đi xe đạp có các đèn hiệu giao thông riêng của họ, có các khu vực đỗ xe và những đặc quyền trên các con đường, như la quyền đi vượt qua xe hơi ở nhiều khu vực và việc sử dụng cả hai chiều cho những đường phố quy định một chiều.

Trẻ em được cảnh sát hướng dẫn đi xe đạp, bắt đầu từ khi ba tuổi và được kiểm tra khi ở khoảng 9 tuổi. Kết quả của những chính sách này và sự quảng cáo rộng rãi là hiện nay ở Munster theo thống kê có tới 43% các chuyến đi trong thành phố được thực hiện bằng xe đạp, so với 48% bằng xe hơi. Đây là tỷ lệ đi xe đạp cao nhất so với đi xe hơi ở Đức.

Đi lại bằng đường thủy

Nước Đức hầu như là nước duy nhất ở châu Âu có một hệ thống rộng lớn mạng lưới đường thuỷ liên kết. Những tuyến đường này dùng để chở các loại hàng hoá có thể vận chuyển bằng tàu thuỷ, đặc biệt là những hàng hoá siêu trường siêu trọng, không thích hợp với vận chuyển đường bộ Các cảng lớn đáng chú ý của nước Đức bao gồm: Berlin, Cologne, Dresden và Stuttgart, tất cả chúng đều là những cảng nằm xa biển. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc mở rộng và mức độ sử dụng hệ thống đường thuỷ nội địa.

Trong số 7.450 km đường thủy nội địa của Đức, quan trọng nhất là sông Rhine. Đứng ở bất kỳ điểm nào trên bờ sông Rhine cứ một phút đều có thể thấy ít nhất một chuyến tàu chở than, đá, quặng, đồ phế thải kim loại hay vật liệu tương tự chạy ngang qua. Những xà lan trên sông Rhine rất lớn và có thể chở được gấp nhiều lần số hàng hoá của một xe tải. Chúng cũng là những phương tiện chuyên chở thân thiện hơn với môi trường.

Vận tải hàng không

Nước Đức có hơn 20 cảng hàng không quốc tế, đứng đầu trong số đó là Frankfurt, một trong những sân bay chính của châu Âu, đặc biệt là cho những chuyến bay xuyên lục địa. Số sân bay vẫn tiếp tục tăng thêm vì các hãng hàng không giá rẻ hiện đang hoạt động khắp châu Âu và mở liên tục những đường bay mới. Những đường bay mới này có thể tác động tích cực tới việc phát triển kinh tế địa phương vì chúng tạo cơ hội cho một số sân bay nhỏ hoặc bị bỏ phế trước đây hoạt động trở lại. Vì một loạt những đường hàng không giá rẻ đã hoạt động trong phạm vi nước Đức, nên vận chuyển hàng không đang trở thành một sự thay thế bền vững và nhanh chóng cho đường sắt trong vận chuyển liên tỉnh.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2812-02-633547431773133750/Ha-tang-co-so/Cac-he-thong-giao-thong.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận