Nước Đức bị chia cắt
Sau thất bại trong Đại chiến thế giới II, Đức bị bốn nước của phe đồng minh chiếm đóng (Anh, Pháp, Mỹ và Liên Xô). Tuy nhiên, tới năm 1949, biến động chính trị đã dẫn đến sự hình thành hai nhà nước Đức riêng biệt. Cộng hoà Liên bang Đức (thường dược gọi là Tây Đức) đi theo hệ thống tư bản của phương Tây, còn Cộng hoà Dân chủ Đức (Đông Đức) chọn theo đường lối Xã hội chủ nghĩa của Liên Xô.
Trong suốt hơn 40 năm của thời kỳ Chiến tranh lạnh, Đông Đức và Tây Đức đã cùng tồn tại, tuy không dễ dàng gì. Tây Đức, lúc đầu được Mỹ viện trợ, đã trở nên thịnh vượng. Đông Đức vẫn trong tình trạng tương đối nghèo và ít phát triển quan hệ với các nước phương Tây. Tuy nhiên nhà nước cũng tạo đủ công ăn việc làm cho người dân.
Berlin, một thành phố bị chia cắt
Berlin, thủ đô của nước Đức thống nhất ngày nay, đã trải qua những thay đổi lớn sau nhiều năm tháng. Là thủ đô của nước Đức, từ 1871 đến 1945, nó đã bị 4 nước đồng minh chiếm đóng và chia cắt sau đại chiến thế giới II. Chịu sự kiểm soát của đồng minh có nghĩa là:
- Không có hộ chiếu Đức cho công dân Berlin.
- Không có quyền bầu cử trong các cuộc bầu cử Nghị viện.
- Không có quân đội Đức ở Berlin và nam giới không được tham gia vào các dịch vụ công.
- Tuân thủ các luật của đồng minh.
- Chịu sự cai quản của các lực lượng quân sự đồng minh.
Trên thực tế, mọi việc không đơn giản như vậy. Từ bốn khu vực phân chia ban đầu, chỉ còn lại hai khu vực là Đông Berlin và Tây Berlin.
Tây Berlin vẫn nằm dưới sự kiểm soát của đồng minh với các hệ quả như đã nêu ở trên, mặc dù với các luật lệ của Tây Đức. Riêng Đông Berlin đã được hợp nhất hoàn toàn vào nhà nước Xã hội chủ nghĩa Đông Đức và trở thành thủ đô của nhà nước này vào năm 1960. Những người dân ở Đông Berlin có tất cả các quyền lợi và nghĩa vụ như mọi dân cư Đông Đức khác
Bức tường Berlin
Năm 1961, cuộc sống đã thay đổi mạnh mẽ trong thành phố bị chia cắt khi Bức tường Berlin được dựng lên. Trước đó, mặc dù có chính quyền riêng và đồng tiền riêng, người ta vẫn có thể qua lại tự do giữa Đông và Tây Berlin. Nhiều người có thể sống ở Đông Berlin và làm việc ở Tây Berlin.
Quyền tự do qua lại này đã kết thúc đột ngột ngày 13/8/1961. Chỉ qua một đêm, Đông và Tây Berlin bị chia tách và mọi tuyến đường bị phong toả. Sau khi đường điện thoại bị cắt năm 1952, giữa Đông và Tây hầu như không thể liên lạc được nữa. Bức tường đã làm cho cuộc sống của người dân Tây Berlin trở nên đặc biệt khó khăn khi nó biến Tây Berlin thành hòn đảo nằm giữa CHDC Đức và người dân gặp nhiều khó khăn khi muốn đi ra ngoài.
Tình trạng chia cắt này kéo dài suốt 28 năm cho đến khi bức tường bị dỡ bỏ, vào tháng 11 năm 1989. Từ đó, đã cần rất nhiều nghị lực, tiền bạc và thiện chí để khắc phục sự chia cắt nhằm thống nhất thành phố Berlin. Berlin trở thành thủ đô của nước Đức tái thống nhất vào năm 1990.