Giao thông
Tại Pháp, giao thông là một phần quan trọng trong chính sách vùng của chính phủ. Các dự án giao thông chiếm gần 1/3 ngân sách chính phủ cấp cho các vùng. Paris là thủ đô chính trị và kinh tế của Pháp, do đó là trung tâm dân cư lớn nhất, vì vậy cần ưu tiên cải thiện các tuyến đường nối Paris với các vùng còn lại của đất nước. Thêm vào đó, để phát triển vùng, theo kế hoạch quốc gia, đến năm 2015, bất kỳ nơi nào ở Pháp sẽ chỉ cách đường cao tốc, đường ô tô hai chiều hoặc nhà ga trên đường cao tốc 50km hay 45 phút xe chạy.
Đường bộ
Mạng lưới đường bộ của Pháp dựa trên một loạt đường ô tô cao tốc tỏa ra từ Paris. Đường cao tốc cũng kết nối các vùng. Năm 2000, Pháp có 9.000km đường cao tốc và trong những năm 1990, lưu lượng giao thông tăng 20%. Khi đi trên đường cao tốc, bạn phải trả lệ phí sử dụng. Nhìn chung, các tuyến đường cao tốc đi vòng qua các thành phố trung tâm. Giờ đây bạn có thể đi khắp nước Pháp, từ Calais đến Marseille nhờ mạng lưới đường cao tốc.
Với số lượng ô tô lớn, ùn tắc giao thông tại các thành phố là một vấn đề lớn. Paris là một ví dụ điển hình. Khoảng 1/3 số người đi làm từ ngoại ô vào thành phố trung tâm bằng ô tô và hơn 100 triệu tấn hàng hóa được chuyển đến và đi mỗi năm. Mặc dù có 800km đường cao tốc, ùn tắc giao thông vẫn luôn xảy ra nghiêm trọng.
Đường sắt
Pháp đã xây dựng một mạng lưới đường sắt tốc độ cao cho các đoàn tàu TGV nổi tiếng (xem bản đồ phần Giới thiệu nước Pháp\Liên minh Châu Âu). Tàu TGV có thể đạt tới 300km/h, với vận tốc trung bình 170km/h. Tuyến TGV đầu tiên bắt đầu hoạt động năm 1981 và tuyến đường hầm xuyên biển Manche hoạt động năm 1994. Năm 2001, tuyến đường nối dài 250km từ Valence đến Marseille dã hoàn thành. Giờ đây bạn chỉ mất 3 tiếng để đi từ Paris đến Marseille và mất 6 tiếng để đi từ Paris đến Tarbes (trong dãy Pyrénées). Chính phủ chi trả cho hầu hết việc xây dựng và đóng tàu, và vẫn tiếp tục trợ cấp cho hệ thống đường sắt TGV. Các tuyến tàu TGV kéo dài sang Bỉ, Hà Lan, Đức và Thụy Sĩ.
Ba tuyến TGV tỏa ra từ Paris nối với nhau bằng một đường vòng. Trên đường vòng này có sân bay Charles de Gaulle và công viên Disneyland Paris. Để đi lại trong khu vực Paris, có thể sử dụng hệ thống tàu điện ngầm. Hệ thống này phủ kín khu vực thành phố trung tâm và kết nối với các tuyến đường sắt nội vùng của Paris. Đường sắt nội vùng Paris gần đây được phát triển để phục vụ khu ngoại ô và các thành phố mới. Hơn 50% lượt đi lại trong vùng Paris đều dùng các tuyến đường sắt này. Mỗi ngày có hơn 600.000 người đi và về bằng tàu đến trung tâm Paris. Chính phủ hỗ trợ 50% giá vé để khuyến khích đi lại bằng phương tiện vận tải công cộng.
Chính phủ trợ cấp cho vận tải công cộng tại tất cả các thành phố lớn và nhiều thành phố có các hệ thống giao thông vận tải hiện đại. Ví dụ, trong 20 năm trở lại đây, Lille đã xây dựng hai tuyến đường ngầm với các đoàn tàu tự động hóa và hệ thống đường xe điện nối thành phố này với các thành phố Roubaix và Tourcoing lân cận.
Hàng không
Pháp có hai sân hai quốc tế lớn là Charles de Gaulle và Orly. Cả hai sân bay này đều nằm ở Paris, Charles de Gaulle đứng vị trí thứ bảy trong số các sân bay nhộn nhịp nhất thế giới. Nằm trong vùng Paris có nhiều nhà cao tầng, sân bay Orly đang tăng cường các chuyến bay nội địa và trong khu vực châu Âu. Cả hai sân bay này đều gắn với mạng lưới đường cao tốc và TGV.
Chính phủ Pháp khuyến khích phát triển các sân bay vùng, như Toulouse, Nice, Dijon và Lyon. Trong một số trường hợp, như Lyon chẳng hạn, sân bay nối liền với mạng lưới TGV. Tuy nhiên, nhờ có đường cao tốc và các tuyến TGV, đi lại trong nước Pháp bằng đường không chưa chắc nhanh hơn đường bộ.