Tài liệu: Nước Đức - Môi trường

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Việc thống nhất đất nước đã nhanh chóng biến Liên bang Đức từ một quốc gia có môi trường tốt, thậm chí là ưu việt,
Nước Đức - Môi trường

Nội dung

MÔI TRƯỜNG

            Việc thống nhất đất nước đã nhanh chóng biến Liên bang Đức từ một quốc gia có môi trường tốt, thậm chí là ưu việt, sang một đất nước phải đối đầu với hàng loạt những hiểm họa về sinh thái. Các chuyên gia đã ước lượng số tiền phải bỏ ra để phục hồi môi trường đã tăng từ 220 tỉ Đức mã vào năm 1990 lên khoảng 400 tỉ Đức mã trong 2 năm sau.

            Bắt đầu từ thập kỷ l960 những mối quan tâm về sinh thái đã ngày càng phổ biến ở Tây Đức. Chẳng hạn như trong cuộc trưng cầu dân ý năm 1990 có 70% người dân cho rằng việc bảo vệ môi trường phải là công tác ưu tiên hàng đầu của chính quyền và của nền kinh tế đất nước. Năm 1974 Cơ quan Môi trường Liên bang được thành lập. Những luật lệ mới hình thành các nguyên tắc cho những chính sách về môi trường của Đức. Các luật lệ này đã giúp ngăn chặn ô nhiễm bằng cách giám sát dự án và việc sản xuất các loại sản phẩm mới. Các luật lệ này đã buộc những người gây ô nhiễm, thay vì cả xã hội, phải bồi thường cho những thiệt hại do họ gây ra.

            Cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973-1974 và sự suy thoái chung cả thế giới đã dẫn tới sự kiện giảm thiểu sự tích cực của chính quyền Tây Đức trong công tác bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, rất nhiều tổ chức của nhân dân đã hình thành và gây sức ép trong việc gia tăng công tác này. Tai nạn xảy ra ở nhà máy năng lượng hạt nhân trên đảo Three Mile của Mỹ năm 1979 đã kích hoạt thêm cho sự tăng trưởng của những tổ chức này. Các thành viên của phong trào môi trường đã thành lập một chính đảng, gọi là đảng Greens vào năm 1980, và đến năm 1983 đã có được một số ghế trong quốc hội. Quan trọng nhất là các vấn đề môi trường nội địa  như sự ô nhiễm trên Biển Baltic và các con sông như sông Rhine và sông Main, cùng với sự hủy hoại rừng cây của những trận mưa a-xít.

            Vào đầu thập kỷ 1980 những mối quan tâm về môi trường càng lan rộng hơn nữa trong dân chúng, và tất cả các chính đảng trong nước buộc phải đối đầu với nó. Mối quan tâm này càng gia tăng hơn nữa khi xảy ra hàng loạt hiểm họa về môi trường vào năm 1986: tai nạn tại nhà máy hạt nhân Chernobyl tại Liên Xô và hàng loạt những vụ đổ chất thải hóa học độc hại vào sông Rhine ở Basel tại Thụy Sĩ. Ngay sau thảm họa Chemobyl, thủ tướng Helmut Kohl đã thành lập Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên và An toàn Lò Phản ứng.

            Việc kiểm soát môi trường nghiêm ngặt hơn đã dẫn đến những cải tiến đáng kể về chất lượng không khí. Trong vòng từ 1966 đến 1988 lượng sulfur dioxide thải ra ở Tây Đức đã giảm đi một phần ba. Lượng đất bụi, vốn ở  mức 3,2 triệu tấn năm 1980 đã giảm xuống còn 550.000 tấn vào cuối thập kỷ 1980. Chất lượng nước sông cũng đã được cải tiến hơn. Sông Rhine và sông Main, vốn hầu như ở mức “chết chóc cho sinh vật”, vào thập kỷ 1960, đã là môi trường cho một số loài cá có thể sinh sống vào đầu thập kỷ 1990. Sông. Ruhr, nằm ở trung tâm của khu vực sản xuất lớn nhất nước Đức, đã trở nên con sông “công nghiệp” sạch nhất ở Tây Đức sau khi người ta xây dựng hàng loạt đập nước và tái trồng rừng trên những đống xỉ và những vùng đất hoang.

            Khi thống nhất, tình hình sinh thái ở Đức lại khác hẳn. Bởi vì có đến 95% nước thải công nghiệp không được xử lý và  32% nhà ở không được nối liền với hệ thống thoát nước, hơn 40% sông và 24% hồ nước không thể dùng làm nguồn nước uống, chỉ có 3% sông và l% hồ nước được coi như lành mạnh về mặt sinh thái. Một số dòng sông có độ ô nhiễm cao hơn 200 lần so với mức độ cho phép của Cộng đồng châu Âu. Việc sử dụng rộng rãi than bùn đã dẫn đến việc gia tăng mức khí thải sulfur dioxide lên mức kỷ lục.

            Cuộc Chiến tranh Lạnh cũng hủy hoại môi trường Đông Đức, nhưng không đến mức nặng nề như Tây Đức. Trong vòng gần 5 thập kỷ, hàng triệu quân đội ở cả Đông lẫn Tây Đức đã tận dụng lãnh thổ của hai nước này để làm các căn cứ quân sự và các bãi huấn lquyện. Chi phí để làm sạch các môi trường này ước tính lên đến vài trăm triệu đô la. Nhận thức được tình trạng này, Bộ Quốc phòng Mỹ đã giúp quỹ để cải tạo những thiệt hại cho môi trường ở Đức.

            Với sự thống nhất năm 1990, nước Đức phụ thuộc vào các luật lệ về môi trường của Cộng hòa Liên bang và của khối EC, mặc dù cả hai bộ luật này chỉ được áp dụng từ từ. Chuẩn mực trong một số lĩnh vực mãi đến năm 2000 mới có hiệu lực. Tình hình sinh thái ở Đức đã được cải thiện dần dần, mặc dù đa số những sự cải thiện này bắt nguồn từ việc đóng cửa những nhà máy lỗi thời vì lý do kinh tế. Các dự án như xây dựng những nhà máy xử lý không khí, nước và đất và hiện đại hóa những nhà máy cũ, giảm thiểu mức sử dụng than bùn, và giải tỏa những đống rác sẽ dần dần khắc phục những thiệt hại về sinh thái trong nhiều thập kỷ vừa qua.

            Nhiều vấn đề nghiêm trọng về môi trường vẫn tiếp tục thử thách nước Đức. Mặc dù có những nỗ lực bất đầu từ đầu thập kỷ 1970, tình hình ''chết rừng'' do mưa a-xít vẫn tiếp diễn. Trong năm 1992 có khoảng 68% cây cối trong nước đã bị ảnh hường đáng kể. Những rừng cây ở phía Tây Bắc chịu ảnh hưởng ít nhất của lượng mưa a-xít, còn các rừng ở phía Nam và phía Đông chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Các nông dân của Đức cũng gây ra nhiều ô nhiễm do việc sử dụng đại trà những loại phân hóa học. Vì đây là một lực lượng tạo lợi nhuận khá lớn, việc đưa ra những đạo luật điều tiết các phương pháp canh tác của họ và rất khó khăn.

            Nguồn năng lượng hạt nhân cũng gây ra vấn đề cho nước Đức ở Tây Đức, trong giữa thập kỷ 1990 nguồn năng lượng này đã cung ứng cho 35% nhu cầu trong nước. Các hoạt động để tạo nguồn năng lượng này cũng dao động tùy theo các sự kiện và các cuộc khủng hoảng trên thế giới. Tuy nhiên, cũng từ giữa thập kỷ 1990 khả năng xây dựng thêm những nhà máy hạt nhân mới là rất thấp.

            Khi thống nhất, Cộng hòa Liên bang đã thừa hưởng được hai nhà máy hạt nhân của Đông Đức, vốn được xây dựng theo đặc điểm kỹ thuật của Liên Xô. Việc đóng cửa các nhà máy này sẽ dẫn đến tình trạng gia tăng sự lệ thuộc vào các nhà máy điện dùng than vốn đã gây nhiều ô nhiễm. Tuy nhiên, viễn cảnh một thảm họa giống như kiểu Chernobyl đã buộc người ta phải đóng cửa những nhà máy thiếu an toàn này. Năm 1995 có nhiều nhà máy năng lượng phù hợp hơn về sinh thái đã được xây dựng để thay thế cho những nhà máy hạt nhân và những nhà máy sử dụng than bùn.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1971-02-633469585861406250/Dia-ly/Moi-truong.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận