ĐỊA HÌNH
Với hình dạng kéo dài và không đều, nước Đức là một ví dụ điển hình về tính tuần hoàn của địa mạo. Một vùng đồng bằng có những hồ nước, truông, đầm lầy và những cánh đồng thạch nam kéo dài từ biển vào đất liền, nơi đó khu vực này biến thành những dãy đồi chằng chịt những dòng suối, con sông và các thung lũng. Những ngọn đồi này cao dần, hình thành các cao nguyên và những cánh rừng và cuối cùng lên đến cực điểm là những dãy núi ngoạn mục.
Vào giữa thập niên 1990, có khoảng 37% tổng diện tích của cả nước có thể canh tác được, 17% là đồng cỏ, 30% là rừng và 16% sử đụng vào các mục đích khác. Các nhà địa lý thường chia nước Đức thành 4 vùng khác nhau: vùng Đất thấp phía Bắc, vùng cao Trung tâm, vùng phía Nam và vùng Núi Alps và Lân cận.
VÙNG ĐẤT THẤP PHÍA BẮC
Vùng Đất thấp phía Bắc là một phần của vùng Đại Đồng bằng châu Âu vốn chạy dài qua châu Âu từ rặng Pyrenees ở Pháp đến núi Ural ở Nga. Tất cả các khu vực Schleswig- Holstein, Hamburg, Bremen, Mecklenburg-Western Pomerania, Brandenburg, Berlin, phần lớn khu vực Lower Saxony và Saxony-Anhalt, và một phần của Saxony và Bắc Rhine-Westphalia đều nằm trong vùng này.
Những ngọn đồi ở vùng đất thấp hiếm khi đạt đến độ cao 200 mét, và hầu hết vùng này đều ở dưới 100 mét trên mặt nước biển. Vùng đất thấp trượt dần xuống phía biển với một độ dốc hầu như không thể nhận ra. Phần bờ biển tiếp giáp với Biển Bắc không có các vách đá và bao gồm một dải rộng những bãi cát và đầm lầy. Vùng đầm lầy giữa cửa sông Elbe và biên giới Hà Lan được tin là cao hơn mặt nước biển trong thời kỳ La Mã và đã bị ngập nước khi bờ biển chìm xuống vào thế kỷ 13. Ở khu vực phía Tây, những đụn cát trước kia đã biến thành quần đảo Đông Frisian. Vùng đầm lầy giữa quần đảo này và bờ biển sẽ lộ la khi nước thủy triều xuống thật thấp và chằng chịt vô số những luồng lạch với kích thước khác nhau, từ những lạch nhỏ cho đến những lạch lớn hình thành những cửa sông của các con sông Elbe và Weser. Bùn và cát ở đây luôn dời chỗ, và cả bến cảng lẫn những luồng nước giao thông phải được bảo trì liên tục.
Những hòn đảo ngoài khơi có độ cao tối đa dưới 35 mét và phải chịu sức xói mòn khủng khiếp khi có những cơn bão lớn. Những đoạn bờ biển bị thủy triều xói mòn nhiều nhất đã được củng cố vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Trong khi quần đảo Đông Frisian kéo dài gần như một đường thẳng thì quần đảo Bắc Frisian lại có hình dạng không đều và các đảo nằm ở những vị trí ngẫu nhiên. Một phần lớn đầm lầy giữa quần đảo này và bờ biển cũng lộ ra khi thủy triều xuống thấp.
Bờ biển Baltic ở khu vực Schleswig-Holstein khác một cách rõ rệt với bờ biển ở Biển Bắc. Bờ biển này bị cắt bởi những vịnh hẹp, nhỏ và sâu với bờ vịnh dốc đứng, vốn được những dòng sông tạo thành khi đất ở đây bị bao phủ bởi băng hà. Về phía Đông, bờ biển Baltic bằng phẳng và có nhiều cát. Rugen, hòn đảo lớn nhất của Đức nằm ngay ở ngoài khơi khu vực Stralsund.
Ở những khu vực trập trùng và nước được thoát tốt, đất đai rất màu mỡ và cho năng suất cao. Điều này đặc biệt đúng với những khu vực có chứa đất hoàng thổ giống như phù sa, vốn tốt hơn hầu hết các loại đất khác ở Đức. Những khu vực này nằm dọc theo rìa phía Nam của Vùng Đất thấp phía Bắc, bắt đầu từ phía Tây sông Rhine gần thung lũng Ruhr và trải dài về phía Đông đến vùng lòng chảo Leipzig. Khu vực Magdeburg nổi tiếng nhất trong vùng này. Những khu vực khác nằm gần Frankfurt am Min, Bắc Baden-Wurttemberg, và trong vùng phía Bắc Ulm và Munich. Bởi vì những vùng có đất hoàng thổ cũng có một khí hậu lục địa ôn hòa với mùa canh tác kéo dài, những vùng này được coi như vựa lúa của nước Đức.
VÙNG CAO TRUNG TÂM
Vùng cao Trung tâm của Đức là một bộ phận của Vùng cao Trung tâm Châu Âu, kéo dài từ khối núi Trung tâm ở Pháp đến Ba Lan và Cộng hòa Czech. Vùng cao nguyên của Đức có độ cao vừa phải và ít khi nào vượt quá 1.100 mét. Vùng này bao gồm khu vực Saarland, Hesse và Thuringia; phía Bắc Rhineland-Palatinate; phần lớn khu vực phía Nam của Bắc Rhine-Westphalia, khu vực Hạ Saxony và Saxony- Anhalt; và những khu vực phía Tây của Saxony.
Về phía Tây, Vùng cao Trung tâm bắt đầu với vùng cao Rheinish, một khởi hình chữ nhật khổng lồ với đá phiến và đá phiến sét cùng với một cao nguyên hơi dợn sóng có độ cao khoảng 400 mét và các đỉnh núi từ 800 đến 900 mét. Vùng cao Rheinish được chia cắt bởi hai thung lũng sâu là thung lũng Moselle và thung lũng Rhine. Khu vực có nhiều đồi ở phía Nam Moselle là Hunsruck, và khu vực ở phía Bắc là Eifel. Sông Rhine đã chia cắt những khu vực này ở phía Đông, tại Taunus; và phía Bắc, tại Westerwald. Ở phía Bắc và phía Đông Westerwald là những khu vực nổi bật của vùng cao Rheinish, trong đó có rặng đồi nhỏ Siebengebirge chạy từ Bonn băng qua dòng sông Rhine, và những khu đồi lớn hơn là khu Siegerland, Bergishes Land, Sauerland và Rothaargebirge. Ở những chỗ cao của vùng cao Rheinish rừng mọc dày đặc, trong khi những chỗ thấp rất thích hợp cho việc trồng ngũ cốc, trái cây và khoai tây.
Do độ cao thấp của những thung lũng (từ 200 đến 350 mét), vùng cao Hesse có những con đường xuyên qua dễ dàng ở Vùng cao Trung tâm. Mặc dù không gây ấn tượng bằng thung lũng sông Rhine, trong nhiều trăm năm con đường này đã là đường giao thông quan trọng giữa phía Bắc và phía Nam, với Frankfurt am Main ở một đầu và Hanover ở đầu kia, và khu vực Kassel trên sông Weser ở vị trí trung tâm. Các cao nguyên của vùng cao Hesse nguyên thủy là khu vực núi lửa, trong đó đáng chú ý nhất là các cao nguyên Rhon (950 mét) và Vogethurg (774 mét).
Về phía Bắc của vùng cao Hesse có hai rặng núi, rặng Teutoburger Wald và rặng Wiehengebirge, vốn là những rặng núi tận cùng phía Bắc của Vùng cao Trung tâm của Đức. Ở khu vực Porta Westfalica gần Minden dòng sông Weser cắt qua rặng Wiehengebirge để đến vùng Đất thấp Phía Bắc của nước này.
Một trong những điểm cao nhất của Vùng cao Trung tâm là đỉnh Broken (1.142 mét) trong rặng núi Harz. Rặng núi này tọa lạc cách Gottingen 40 km về phía Đông Bắc và hình thành ranh giới phía Tây Bắc của khu lòng chảo Leipzig, một khu mở rộng của Vùng Đất thấp Phía Bắc. Rặng Harz vẫn còn rất nhiều rừng ở những độ cao thấp, còn ở những nơi cao hơn thì có những đồng hoang cằn cỗi. Vốn là một trung tâm du lịch quan trọng vào thập kỷ 1990, rặng núi này trước kia là một nguồn phong phú của nhiều loại khoáng sản.
Thuringer Wald, một rặng núi hẹp có bề ngang 100 km ở phía Tây Nam Thuringia, có đỉnh cao nhất chỉ dưới 1.000 mét. Chạy dọc theo hướng Tây Bắc rặng núi này nối Vùng cao Trung tâm với khối núi Bohemian ở Cộng hòa Czech và hình thành đường ranh giới phía Tây Nam của khu lòng chảo Leipzig. Còn đường ranh giới phía Đông Nam của khu lòng chảo này được hình thành bởi rặng Erzgebirge, vốn chạy dài về phía Đông Bắc và thẳng góc với rặng Thuringer Wald. Là một phần của khối núi Bohemian, rặng Erzgebirge có đỉnh cao nhất ở mức 1.214 mét.
Về phía tận cùng Đông Nam của Vùng cao Trung tâm có rừng Bohemian và rừng Bavarian. Cả hai khu rừng này thuộc về khối núi Bohemian. Rừng Bohemian, với đỉnh cao 1.450 mét, đã hình thành đường biên giới giữa Đức và Cộng hòa Czech.
VÙNG PHÍA NAM
Giữa Vùng cao Trung tâm và Vùng núi Alps và Lân cận là Vùng phía Nam của Đức, bao gồm hầu hết khu vực Wurttemberg, phần lớn khu vực Bắc Bavaria, và một số phần của khu vực Hesse và Rhineland-Palantinate. Dòng sông Main chạy qua phần đất phía Bắc của vùng này. Thung lũng Thượng sông Rhine, với chiều dài gần 300 km và chiều ngang khoảng 50 km, làm thành đường ranh giới phía Tây của vùng này. Khu thung lũng rộng của sông Rhine tại đây tương phản rõ ràng với thung lũng hẹp và cao ở vừng cao Rheinish. Vùng ranh giới phía Nam của miền Nam nước Đức được hình thành bởi sự mở rộng của những rặng núi Jura của Pháp và Thụy Sĩ. Một trong những rặng núi này hình thành khu rừng Đen, với đỉnh cao nhất là Feldberg. (1.493 mét), và chạy dài về phía Bắc đến những khu đồi tháp Odenwald và Spessart. Một rặng Jura khác núi Swabian và kéo dài thành núi Franconian. Rặng Hardt ở khu vực Rhineland-Palatinate, tọa lạc về phía Tây sông Rhine, cũng là một nhánh của rặng Jura.
Quang cảnh của Vùng phía Nam nước Đức thường có những vách đá và thung lũng, trong đó có những vách sa thạch và đá vôi bị xói mòn hướng về phía Tây Bắc. Vùng đất thấp ở các thung lũng sông Rhine, sông Main và sông Neckar, với khí hậu khô và ấm, thích hợp cho việc canh tác nông nghiệp và cho năng suất rất cao. Vùng đồng bằng Rhine-Main với đất hoàng thổ và đất mùn được canh tác rộng rãi, có những vườn nho và vườn cây ăn quả sum sê. Vùng đồng bằng Rhine-Main này có dân số rất lớn, và Frankfurt am Main là trung tâm, đóng vai trò là thủ đô tài chính của Đức và là một trung tâm giao thông của châu Âu.
VÙNG NÚI ALPS VÀ LÂN CẬN
Vùng núi Alps và Lân cận bao gồm hầu hết khu vực Bavaria và phần lớn của Baden-Wurttemberg. Vùng lân cận có dạng gần như hình tam giác, có chiều ngang từ Đông sang Tây là 400 km và chiều dọc từ Bắc xuống Nam vào khoảng 150 km, giáp ranh với hồ Constance và núi Alps về phía Nam, núi Swabian và Franconian về phía Bắc, và rừng Bavarian về phía Đông. Độ cao trong vùng lân cận này nâng dần từ 400 mét ở gần Danube đến 750 mét ở chân núi Alps. Ngoại trừ Munich và các thành phố nhỏ Augsburg, Ingolstadt và Ulm, vùng lân cận này chủ yếu là nông thôn. Đất đai ở đây nhìn chung là cằn cỗi, chỉ có một số khu vực có đất hoàng thổ, và hầu hết vùng này chỉ là đồng cỏ hoặc chỉ trồng được loại cây có sức chịu đựng cao.
Phần đất ở dãy núi Alps chỉ chiếm một diện tích nhỏ trong lãnh thổ nước Đức và chỉ bao gồm một vỉa núi chạy dọc theo biên giới với Thụy Sĩ và Áo, từ hồ Constance ở phía Tây đến Salzburg, Áo ở phía Đông. Phần phía Tây của dãy Alps trong nước Đức là núi Algauer Alps, nằm giữa hồ Constance và sông Lech. Núi Bavarian Alps, là bộ phận trung tâm, nằm giữa sông Lech và sông Inn, trong đó có đỉnh cao nhất của Đức là Zugspitze (2.963 mét). Núi Salzburg Alps, vốn bắt đầu ở sông Inn và bao quanh Berchtesgaden, tạo thành bộ phận cực Đông của dãy Alps trong nước Đức.