Tài liệu: Nước Đức - Thời kỳ chuyên chế (1648-1789)

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Mặc dù Đế chế La Mã thần thánh không còn vai trò nổi bật trong nền chính trị châu Âu sau cuộc Chiến tranh Ba mươi năm, nó vẫn còn khá quan trọng ở Đức.
Nước Đức - Thời kỳ chuyên chế (1648-1789)

Nội dung

THỜI KỲ CHUYÊN CHẾ (1648-1789)

            Mặc dù Đế chế La Mã thần thánh không còn vai trò nổi bật trong nền chính trị châu Âu sau cuộc Chiến tranh Ba mươi năm, nó vẫn còn khá quan trọng ở Đức. Phần việc quan trọng nhất của đế quốc này là đảm bảo an ninh cho rất nhiều bang nhỏ và thành phố tự do của Đức, mà nếu không có đế quốc này một số nơi có thể đã bị các nước láng giềng lớn hơn nuốt chửng. Vì đã suy yếu nên đế quốc này đã không còn khả năng thống trị nước Đức. Mối nguy hiểm chính đối với nước Đức đến từ bên ngoài. Mối đe dọa chính là nước Pháp, vốn đã chiếm giữ một phần phía Nam nước Đức từ cuối thập kỷ 1600. Những đội quân của Pháp cũng đã chiến đấu trên đất của Đức trong cuộc chiến tranh Tây Ban Nha (1704-1714).

CUỘC CÁCH MẠNG PHÁP VÀ NƯỚC ĐỨC

            Cuộc Cách mạng Pháp nổ ra vào năm 1789 với việc phá ngục Bastille ở Paris, lúc đầu có được sự ủng hộ của một số trí thức người Đức vốn hoan nghênh việc công bố hiến pháp và tuyên ngôn nhân quyền của những người cách mạng. Nhưng chỉ trong vòng vài năm sự ủng hộ này đã hầu như tiêu tan, nhường chỗ cho nỗi lo sợ chủ nghĩa quốc gia hung hãn của Pháp và việc hành hình những người chống cách mạng. Năm 1792 quân đội Pháp đã xâm lược nước Đức, và lúc đầu đã bị lực lượng đế quốc đẩy lùi. Nhưng đến trận Vahmy vào cuối năm 1792 quân Pháp đã đánh bại đội quân chuyên nghiệp của đế quốc. Năm 1794 Pháp đã kiểm soát được vùng đất Rhineland.

            Trong khi chiếm đóng vùng Rhineland, nước Pháp theo chính sách truyền thống là tách rời Áo và Phổ đồng thời thao túng các bang nhỏ hơn ở Đức. Để tuân thủ Hiệp ước Basel năm 1795, các lực lượng của Phổ và Đức đã ngưng không tấn công người Pháp. Nước Áo chịu nhiều thất bại dưới tay người Pháp, nổi bật nhất là trận Austerlitz năm 1805. Nước Phổ bị bại trận nặng nề trong trận Jena, đã bị quân đồng minh Nga bỏ rơi và mất lãnh thổ của họ theo Hiệp ước Tilsit năm 1807. Sự thất bại này đã thúc đẩy người Phổ tiến hành những cuộc cải cách về xã hội và quân sự. Sau đó người Phổ đã cùng với người Áo và người Nga đánh bại Napoleon trong trận Leipzig vào cuối năm 1813 và đuổi ông ta ra khởi Đức. Các lực lượng của Phổ đã có được chiến thắng cuối cùng với Napoleon trong trận Waterloo năm 1815.

            Mặc dù Napoleon bị thất bại, một số thay đổi đã có ở Đức từ thời kỳ Pháp chiếm đóng vẫn được duy trì. Việc quản trị hành chính được cải tiến, chế độ phong kiến bị suy yếu, các phường hội buôn bán bị giảm số lượng, và bộ luật Napoleon đã thay thế những luật lệ truyền thống trong nhiều khu vực. Với kết quả của những cải cách này, một số khu vực của Đức đã được chuẩn bị tốt cho việc công nghiệp hóa vào thế kỷ 19.

            Chính quyền chiếm đóng của Pháp đã để cho các bang nhỏ và các thành phố tự do sát nhập vào các nước láng giềng lớn hơn. Năm 1789 có khoảng 300 nước tồn tại trong Đế chế La Mã Thần thánh, nhưng đến năm 1814 chỉ còn lại khoảng 40. Đế quốc đã không còn tồn tại khi Francis II của nước Áo từ bỏ ngơi vị hoàng đế. Thay vào đó Napoleon đã thành lập Liên bang Sông Rhine, hình thành các bang ở phía Tây và phía Nam nước Đức dưới sự cai quản của người Pháp. Sau khi Napoleon bị đánh bại liên bang này đã giải tán.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1970-02-633469567380781250/Lich-su/Thoi-ky-chuyen-che-1648-1789.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận