Tài liệu: Nước Đức - Tây Đức và cộng đồng Quốc tế

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Cuối Thế chiến Thứ II, Đức là một quốc gia bại trận bị các lực lượng nước ngoài chiếm đóng.
Nước Đức - Tây Đức và cộng đồng Quốc tế

Nội dung

TÂY ĐỨC VÀ CỘNG ĐỒNG QUỐC TẾ

            Cuối Thế chiến Thứ II, Đức là một quốc gia bại trận bị các lực lượng nước ngoài chiếm đóng. Đất nước này đã bị mất chủ quyền và thế giới nhìn họ như một dân tộc hạ đẳng, có tội ác chưa từng thấy trong lịch sử. Ngoài việc xây dựng lại đất nước đã bị phá hủy theo nghĩa vật chất của nó, hầu hết những nhà lãnh đạo chính trị của Đức còn nhìn thấy mục tiêu chính của họ trong những thập kỷ sắp tới và khôi phục lại uy tín của đất nước, giành lại chủ quyền, và một lần nữa có được thế đứng tốt đẹp trong cộng đồng quốc tế. Khuôn mặt nổi bật trong nền chính trị Tây Đức trong hai thập kỷ đầu tiên là Konrad Adenauer, một nhà chính trị tận hiến cho việc phục hồi chỗ đứng danh dự của Đức trong các quốc gia trên thế giới. Ông đã xây dựng một nước Tây Đức cường thịnh gắn liền với cộng đồng phương Tây. Adenauer đã trở thành thủ tướng đầu tiên của đất nước này. Một trong những mục tiêu chính của Adenauer là giành lại chủ quyền cho đất nước.

            Đạo luật Chiếm đóng năm 1949 do ngoại trưởng của bốn nước chiếm đóng lúc đó soạn ra đã cho các chính quyền chiếm đóng quyền giám sát chính sách, mậu dịch và hàng không dân dụng của đất nước mới này. Đồng thời Đạo luật Ruhr cũng được ban hành năm 1949, qui định quyền kiểm soát của nước ngoài đối với các tài nguyên và tiềm năng công  nghiệp của khu vực Ruhr. Trước kia khu vực này là trọng tâm trong việc chế tạo các loại máy móc quân sự của Đức. Nước Pháp đã giữ an toàn cho họ trước những đe dọa trong tương lai bằng cách hình thành Chính quyền quốc tế ở Ruhr, và dưới sự cai quản của các nước Pháp, Bỉ, Hà Lan và Luxembourg, chính quyền này đã kiểm soát việc phân phối các nguồn tài nguyên của khu vực Ruhr.

            Mặc dù Đạo luật Ruhr được ban hành để ngăn chặn nước Đức không trở thành một mối đe dọa cho các nước láng giềng, sau đó nó đã có tác dụng như công cụ đầu tiên cho việc hợp tác kinh tế trong khu vực. Theo Hiệp định Petersberg năm 1949 với các nước Đồng minh phương Tây, Cộng hòa Liên bang Đức đã trở thành một thành viên của Chính quyền Quốc tế ở Ruhr và được cấp quyền đặt quan hệ lãnh sự với các nước khác. Thêm vào đó, việc tháo dỡ các nhà máy công nghiệp ở Ruhr đã được chấm dứt, và Đức đã lại có quyền đóng các tàu thương mại. Việc đạt được những nhượng bộ quan trọng này là thành công lớn đầu tiên của Adenauer với chức vụ thủ tướng của ông.

            Mùa Xuân năm 1950, ngoại trưởng Pháp là Robert Schuman đề nghị thành lập Cộng đồng Than và Thép châu Âu để phục hồi sự hợp tác kinh tế châu Âu và ngăn chặn những xung đột trong tương lai giữa Pháp và Đức. Theo kế hoạch của Schuman, những quốc gia sẵn sàng đặt nền công nghiệp than và thép của họ dưới tay một nhà chức trách độc lập đều có thể tham gia vào cộng đồng này. Một lần nữa Adenauer nắm lấy cơ hội để đưa Tây Đức hội nhập vào cộng đồng Tây Âu. Cộng hòa Liên bang Đức đã thương thuyết với Pháp, Bỉ, Hà Lan, Luxembourg và Ý trong việc thành lập cộng đồng này. Cộng đồng Than và Thép châu Âu đã  thay thế cho Chính quyền Quốc tế ở Ruhr và đặt nền móng cho Cộng đồng châu Âu trong tương lai. Chính sách đối ngoại hòa hoãn nhưng cương quyết của Adenauer cũng giúp cho Cộng hòa Liên bang Đức tham gia vào Hội đồng châu Âu, một tổ chức được thành lập vào tháng 5 năm 1949.

            Một bước quan trọng khác của Cộng hòa Liên bang Đức trong bước đường tái hội nhập với cộng đồng thế giới là việc Adenauer bồi thường cho các nạn nhân của tội ác Phát xít. Một hoạt động quan trọng khác là việc bình thướng hóa quan hệ với Israel và với người Do Thái. Năm 1952 một thỏa ước bồi thường đối với Israel đã được thực hiện với 3 tỉ Đức mã chi trả cho người Do Thái trong vòng 2 năm.

 THỜI KỲ ULBRICHT (1949-1971)

            Trong khi đó các nhà lãnh đạo Đông Đức do tổng thư ký Walter Ulbricht dẫn đầu đã công bố những chính sách kinh tế mới nhằm chặn đứng việc tăng giá và gia tăng lượng hàng hóa tiêu dùng. Sinh tại Leipzig năm 1893, Ulbricht đã phục vụ trong mặt trận phía Tây trong Thế chiến Thứ I, và đã tiến thân rất nhanh trong sự nghiệp chính trị. Ông đã trở thành đại biểu quốc hội năm 1928. Sau khi Hitler lên nắm quyền, ông đã bị đi đày. Từ 1937 đến 1945 ông  làm việc tại Mát-xcơ-va. Đến 1950, qua nhiều chức vụ khác nhau ông đã lãnh đạo Đông Đức trong vòng hai thập kỷ và đã thành công trong việc loại bỏ các đối thủ chính trị của mình.

THỜI KỲ HONECKER (1971-1989)

            Người kế vị của Ulbricht ở Đông Đức là Erich Honecker. Sinh năm 1913 tại Saarland, Honecker đã gia nhập đảng Cộng sản Đức năm 1929. Là một ủy viên thường trực, ông đã tiếp tục các phong trào bí mật sau khi Hitler lên cầm quyền năm 1933, cho đến khi ông bị quân Phát xít bắt năm 1935. Bị cầm tù cho đến khi Thế chiến thứ II kết thúc Honecker đã tiếp tục sự nghiệp của mình vào năm 1945, trở thành phụ tá của Ulbricht khi ông này từ Liên Xô trở về Đức, Từ 1946 đến 1955 Honecker là chủ tịch của Đoàn Thanh niên Tự do Đức. Honecker đã chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc xây dựng Bức tường Bá Linh vào năm 1961. Khi Ulbricht rời khỏi vị trí quyền lực vào năm 1989, Honecker đã kế vị ông ta và trở thành thủ lĩnh của đảng SED. Honecker đã trở thành người đứng đầu Cộng hòa Dân chủ Đức từ năm 1976 cho đến khi ông từ chức vào năm 1989. Mặc dù không cứng rắn bằng Ulbricht, thể hiện qua việc ký các thìa ước với phía Tây để mở cửa phần nào Cộng hòa Dân chủ Đức và làm cho cuộc sống của dân chúng được thoải mái hơn, Honecker vẫn là một người cộng sản kiên định cho đến ngày ông qua đời.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1970-02-633469578068906250/Lich-su/Tay-Duc-va-cong-dong-Quoc-te.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận