NƯỚC CỘNG HÒA WEIMAR (1918-1933)
Nước Cộng hòa Weimar, được công bố vào ngày 9 tháng 11 năm 1918, ra đời từ những thất bại về quân sự và cuộc cách mạng xã hội. Tháng Giêng năm 1919 một quốc hội đã được bầu ra để soạn thảo hiến pháp. Chính quyền, bao gồm những người xuất thân từ quốc hội, có những chính đảng như đảng SPD, đảng Dân chủ Đức, đảng Trung tâm. Đến tháng 2, Quốc hội đã bầu Friedrich Ebert làm Tổng thống đầu tiên của nước Cộng hòa này. Theo hiến pháp, nước Cộng hòa mới này bao gồm 19 bang, với Tổng thống là người thay thế cho Hoàng đế trước kia. Tổng thống được bầu ra theo nhiệm kỳ 7 năm và có thể tái ứng cử. Tổng thống sẽ chỉ định thủ tướng, và theo ý kiến của thủ tướng chỉ định luôn cả các bộ trưởng trong nội các.
Việc bầu Quốc hội được thực hiện theo hình thức phổ thông và bỏ phiếu kín. Do đó nước Đức đã có một quốc hội thật sự dân chủ. Tuy nhiên Tổng thống có quyền bãi nhiệm nội các, giải tán Quốc hội và phủ quyết các luật lệ. Quyền lập pháp của Quốc hội lại còn bị suy yếu hơn với điều khoản tổng thống có quyền trưng cầu ý dân. Ngoài ra, điều 48 của hiến pháp còn cho phép Tổng thống quyền để cho nội các điều hành quốc gia mà không cần sự đồng ý của Quốc hội trong trường hợp xét thấy cần thiết để duy trì trật tự công cộng.
ĐỆ TAM QUỐC XÃ: SỰ CỦNG CỐ QUYỀN LỰC
Hitler đã nhanh chóng biến Cộng hòa Weimar thành một quốc gia độc tài. Bởi vì các đảng phái hình thành nội các không chiếm đa số trong Quốc hội, Hindenburg đã giải tán quốc hội vào năm 1933 và cho bầu lại Quốc hội mới. Trước ngày bầu cử này toà nhà Quốc hội đã bị cháy. Những người Phát xít đã cho rằng thủ phạm vụ cháy là đảng Cộng sản, và ngày 28 tháng 2, Tổng thống đã vận dụng điều 48 của hiến pháp để ký một sắc lệnh cho phép quân Phát xít quyền được đàn áp những người đối lập chính trị. Những người Xã hội và Cộng sản đã bị bắt hoặc bị đe dọa.
Hitler đã trình trước quốc hội một dự thảo luật cho phép ông ta cai trị đất nước mà không cần đến Quốc hội trong vòng 4 năm. Ngày 23 tháng 3 đạo luật đã được thông qua với sự ủng hộ của đảng Trung tâm và các đảng khác. Tất cả các đại biểu của đảng Cộng sản và đảng Dân chủ Xã hội đã bị cấm không được tham gia biểu quyết cho đạo luật này. Hitler sau đó đã vận dụng đạo luật này để thi hành một chính sách đưa tất cả các cơ sở và các tổ chức vào tầm kiểm soát của Phát xít. Trước hết, tất cả các đảng cánh tả bị cấm hoạt động, sau đó đến tháng 7 năm 1933 nước Đức đã được công bố là một quốc gia độc đảng.
Những người Do Thái và những người cánh tả bị thanh lọc ra khỏi bộ máy công chức và bộ máy tư pháp của nhà nước. Chính quyền địa phương của các bang đã được tổ chức lại với nhân viên là những người Phát xít. Các nghiệp đoàn bị giải tán và được thay thế bởi các tổ chức Phát xít. Tất cả những người chống đối đều bị giết trong các cuộc thanh lọc, trong đó có cả Schleicher. Sau khi Hindenburg qua đời vào năm 1934, Hitler đã gộp văn phòng Tổng thống và văn phòng thủ tướng thành một. Tất cả các binh sĩ đều phải thề trung thành vô điều kiện với Hitler.
Một khi chế độ đã được thiết lập, khủng bố là phương tiện chính được sừ dụng để duy trì sự kiểm soát ở Đức. Các cuộc bắt bớ của cảnh sát, vốn tập trung vào những người Cộng sản và những người Xã hội, đã được mở rộng đến những người Do Thái. Một số người bị chế độ này coi là kẻ thù đã phải chạy ra nước ngoài. Tuy nhiên hầu hết những người chống lại Hitler đều rút về để bày tỏ ý kiến của mình trước công chúng và hy vọng một sự hủy diệt của chế độ đó.
Cũng giống như các cơ sờ thế tục, những nhà thờ ở Đức cũng bị lệ thuộc vào sức ép của Phát xít. Họ từ chối sự hợp tác với chế độ và giữ một mức độ độc lập cần thiết. Tình hình này được chế độ nới tay, với điều kiện là nhà thờ không can thiệp vào bất kỳ hoạt động nào trong việc kiểm soát đời sống dân chúng. Những nạn nhân chính của chế độ là những người Do Thái Cộng sản, Xã hội, những người lãnh đạo công nhân, và các nhà văn, thường không có mối quan hệ chặt chẽ với nhà thờ, và sự ngược đãi đối với họ chỉ được chứng kiến trong im lặng.
Joseph Goebbels, Bộ trưởng Bộ tuyên truyền, đã góp phần thêm cho sự củng cố chế độ bằng cách thành lập Phòng Văn hóa Quốc xã để nhân rộng tư tưởng quốc xã vào hệ thống giáo dục, phương tiện truyền thanh và các cơ sở văn hóa. Tuy nhiên, một hệ thống kiểm duyệt rộng khắp để kiểm soát báo chí không được coi là cần thiết. Những tờ báo phi Phát xít trước đó đã bị đàn áp. Chủ bút của những tờ báo còn lại cũng đã nhận ra những nội dung phù hợp để đăng tải. Goebbels còn quan tâm đến ngành điện ảnh của Đức, buộc nó phải sản xuất những loại phim mua vui thoải mái để làm xao lãng công chúng Đức vào những giờ nhàn rỗi.
Chế độ này chẳng bao lâu đã đạt được sự củng cố theo ý muốn. Nhiều người Đức ủng hộ nó, một số vì chủ nghĩa cơ hội, một số vì họ thích một số mặt của chế độ này, chẳng hạn như tình trạng tất cả đều có việc làm. Chế độ này cũng đã lập lại trật tự xã hội một điều mà rất nhiều người Đức hoan nghênh sau l5 năm hỗn loạn về chính trị và kinh tế. Nhiều người bị chinh phục bởi những thành công về ngoại giao của Hitler, vốn có được chẳng bao lâu sau khi ông ta lên nắm quyền và tiếp tục cho đến thập kỷ 1930, và vốn phục hồi được vị trí của nước Đức trong cộng đồng quốc tế.