NỀN CỘNG HÒA THỨ BA
Sau cuộc chiến tranh Pháp-Phổ năm 1870, nền Cộng hòa Thứ Ba được thành lập và tồn tại cho đến cuộc bại trận quân sự năm 1940.
Thế chiến Thứ I đã mang đến những tổn thất lớn lao về người và của cho nước Pháp. Trong thập kỷ 1920, Pháp đã thiết lập một hệ thống phòng ngự biên giới rộng rãi để chống lại lực lượng của Đức. Nền Cộng hòa Thứ Ba của Pháp diễn ra giữa Đế chế Thứ Hai và nền Cộng hòa Thứ Tư. Đây là một nền dân chủ lập hiến cộng hòa được thành lập ngày 4 tháng 9 năm 1870 sau khi Đế chế của Napoleon III sụp đổ trong cuộc chiến tranh Pháp-Phổ.
Thực tế đây là một nền cộng hòa bất ngờ và không được nhân dân yêu mến, đã vấp váp qua hết cuộc khủng hoảng này đến cuộc khủng hoảng khác trước khi sụp đổ. Napoleon III đã trở nên hoàng đế thứ hai của Pháp, theo bước chân của chú ông ta là Napoleon I. Tuy nhiên Đế chế thứ Hai của Pháp chỉ tồn tại vẻn vẹn 18 năm vì sự nổi lên của một lực lượng thế giới khác, một lực lượng sẽ làm thay đổi cán cân ở châu Âu, đó là Đế Quốc Đức.
Thủ tướng Bismarck của Phổ đã nhận ra rằng nếu như Đế quốc Đức được hình thành thì đế quốc Pháp sẽ phải sụp đổ. Bằng sự lôi kéo khéo léo, Bismarck đã kích động nước Pháp tham gia vào cuộc chiến tranh Pháp-Phổ, và đã dẫn tới việc hoàng đế Pháp bị thua trận và bị lật đổ. Sau khi Napoleon bị quân Phổ bắt giữ tại Sedan, nước Pháp về mặt thực tế đã trở thành một nước cộng hòa bảo thủ, mặc dù Công xã Paris vẫn cố thủ cho đến cuộc đàn áp đẫm máu vào tháng 5 năm 1871.
Sau khi chế độ của Napoleon III bị sụp đổ, đại đa số nhân dân Pháp muốn nước Pháp theo chế độ quân chủ lập hiến. Năm 1871 ngai vàng được trao cho Comte de Chambord, với tước hiệu là Henry V. Khi Henry V qua đời, ngai vàng đã được truyền đến người kế vị là Com te de Paris.
Tháng 2 năm 1875, một loạt các đạo luật đã hình thành cơ cấu cho nền cộng hòa mới. Người đứng đầu đất nước là tổng thống của nền cộng hòa. Một nghị viện gồm lưỡng viện đã được hình thành, cùng với một bộ dưới quyền thủ tướng có trách nhiệm báo cáo cho cả tổng thống lẫn quốc hội. Trong suốt thập kỷ 1870, vấn đề đối kháng giữa quân chủ và cộng hòa đã chiếm ưu thế trong các cuộc tranh luận chung.
Ngày 16 tháng 5 năm 1877, với ý kiến của quần chúng nghiêng về chế độ cộng hòa, tổng thống MacManhon vốn là người theo chủ nghĩa quân chủ, đã cách chức vị thủ tướng thiên về cộng hòa và cử một công tước theo chủ nghĩa quân chủ lên thay. Sau đó ông ta đã giải tán quốc hội và tổ chức một cuộc tổng tuyển cử vào tháng 10 năm 1877. Nếu như hy vọng của ông là ngăn chặn sự tiến đến chế độ cộng hòa, thì nó lại có kết quả đảo ngược một cách ngoạn mục, với sự việc tổng thống bị lên án là đã tiến hành cuộc đảo chính lập hiến, ngay sau khi cuộc đảo chính xảy ra.
Những người cộng hòa lại trở lại tư thế chiến thắng, tiêu diệt hẳn triển vọng phục hồi một nền quân chủ ở Pháp. MacMahon đã từ chức vào ngày 28 tháng Giêng năm 1879, để lại một ngôi vị tổng thống yếu kém, yếu kém đến độ 80 năm sau tổng thống Charles de Gaulle phải đơn phương giải tán quốc hội. Để đánh dấu sự cáo chung của chế độ quân chủ, năm 1885 những chiếc vương miện của Pháp đã bị phá hủy hoặc đem bán. Chỉ còn vài chiếc vương miện, trong đó ngọc quý đã được thay bằng thủy tinh màu, là được giữ lại.
Mặc dù nước Pháp theo một chế độ cộng hòa rõ rệt, nhưng nó lại không ưu ái gì lắm với nền Cộng hòa Thứ Ba. Các chính quyền bị sụp đổ liên tục, ít có chính quyền nào tồn tại được quá vài tháng, vì các đảng Cấp tiến, Xã hội, Tự do, Bảo thủ, Cộng hòa và Quân chủ đều giành giật quyền kiểm soát đất nước. Nền cộng hòa này cũng bị lung lay bởi hàng loạt cuộc khủng hoảng, trong đó nổi tiếng nhất là vụ Dreyfus năm 1894, khi một sĩ quan người Do Thái trong quân đội Pháp bị bắt lầm do tình nghi làm gián điệp cho Đức. Mặc dù có sự rối lọan đó, nền Cộng hòa Thứ Ba vẫn được coi như một thời kỳ hoàng kim của cái đẹp, sự đổi mới và hòa bình với các nước láng giềng châu Âu. Những phát minh mới làm cho đời sống của mọi tầng lớp trong xã hội trở nên dễ chịu hơn, văn hóa hưng thịnh, điện ảnh ra đời, và nghệ thuật có hình thức mới với chủ nghĩa ấn tượng và Nghệ thuật Mới. Nhưng sự huy hoàng của thời điểm chuyển giao thế kỷ này đã chấm dứt khi Thế chiến Thứ I nổ ra.
Trong suốt 70 năm lịch sử của mình, nền Cộng hòa Thứ Ba trải qua hết cuộc khủng hoảng này đến cuộc khủng hoảng khác, từ những chính quyền bị sụp đổ cho đến việc bổ nhiệm một tổng thống bệnh hoạn về tinh thần. Đất nước này đã phải chiến đấu với sự xâm lược của người Đức trong Thế chiến Thứ I. Khi quân phát xít xuất hiện năm 1940, cả cánh tả lẫn cánh hữu của nền cộng hòa đều bị ghét bỏ. Khi nước Pháp được giải phóng, rất ít người chủ trương phục hồi lại nền Cộng hòa Thứ Ba. Một Hội đồng Lập hiến được thành lập năm 1946 để dự thảo bản hiến pháp cho chính quyền tiếp theo, được gọi là nền Cộng hòa Thứ Tư.
Nước Pháp trong Thế chiến Thứ II
Pháp đã sớm đầu hàng phát xít Đức trong Thế chiến Thứ II (ngày 24 tháng 6 năm 1940). Quân phát xít đã chiếm đóng ba phần năm lãnh thổ của Pháp, phần còn lại nằm dưới quyền của chính quyền Henri Phil1ppe Pétain, được thành lập vào tháng 10 năm 1940. Những người lãnh đạo bằng lòng với việc cướp đoạt các nguồn tài nguyên của Pháp, cũng như đưa lao động cưỡng bức đến nước Đức phát xít. Làm việc đó, họ cho và có hy vọng giữ được một phần nào chủ quyền lãnh thổ của Pháp. Tuy nhiên, họ phải trả giá khá cao cho việc chiếm đóng của quân phát xít, vì quân Đức đã tước đoạt hết hẳn một nửa thu nhập nhà nước của Pháp. Mặt khác, những người từ chối không chịu sự thất bại và cộng tác với quân phát xít Đức đã tổ chức một phong trào chống đối, gọi là lực lượng Pháp quốc Tự do. Lực lượng này bắt đầu hoạt động ở Anh Quốc và với sự hỗ trợ của người Anh.
Sau bốn năm bị chiếm đóng và xung đột, nước Pháp đã được lực lượng Đồng minh, cùng với Pháp quốc Tự do, giải phóng vào năm 1944.