TÌNH HÌNH GIÁO DỤC TẠI PHÁP
Nước Cộng hòa Pháp có khoảng 60 triệu dân, sống trong 22 khu vực trung tâm và 4 khu hải ngoại. Bất kể sự kiện là dân số tăng nhẹ (khoảng 0,4% mỗi năm), số lượng và tỉ lệ của lớp trẻ dưới độ tuổi 25 lại giảm. Hiện nay thành phần này có khoảng 19 triệu người, chiếm 32% tổng dân số, so với 40% vào khoảng năm 1970 và 35% của năm 1990. Nước Pháp có sự già hóa dân số khá chậm so với một số quốc gia láng giềng khác.
Có 15 triệu học sinh và sinh viên, chiếm một phần tư dân số, trong hệ thống giáo dục tại đây. Trong số này có trên 2 triệu sinh viên đang theo học ở các cấp độ giáo dục cấp cao.
Trong năm 1999, tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Pháp chiếm gần 9.000 tỉ France (1.330 tỉ Euro), với mức sản phẩm tính theo đầu người là 150.000 France (22.000 Euro). Trong tổng số này, chỉ có trên 600 tỉ France (95 tỉ Euro) được dành cho giáo dục, chiếm tỉ lệ 7,2% GDP. Xét về mặt chi phí cho giáo dục, nước Pháp đứng ở mức trung bình, sau Thụy Điển và Đan Mạch, nhưng cao hơn so với ý và Nhật Bản. Ngày nay Pháp có một vực tượng lao động 26 triệu người, trong số đó có dưới 2 triệu người thất nghiệp, chiếm tỉ lệ dưới 9%. Trong số đó có 6% lực lượng dao động (chiếm khoảng 1,5 triệu việc làm, kể cả 1 triệu nhân viên nhà nước và quan chức chính quyền địa phương) là đang được đào tạo.
Cấu trúc Giáo dục
Trong toàn nước Pháp hiện có khoảng 13 triệu học sinh phổ thông đang đến trường. Hệ thống giáo dục ở đây là một hệ thống nhất được tiến hành từ thập kỷ 1960 và 1970, thay thế cho hệ thống cũ vốn có sự tách biệt giữa cấp tiểu học và cấp trung học.
Từ thập kỷ 1970 Pháp cũng có một sự phát triển kỷ lục về giáo dục mẫu giáo, với tất cả các trẻ từ 3 đến 5 tuổi đến trường. Từ năm 1967, việc đi học đã trở thành cưởng bách đối với độ tuổi từ 6 đến 16 tuổi. Pháp có 60.000 trường tiểu học dành cho các học sinh ở năm năm đầu tiên trong hệ thống giáo dục chính quy. Chương trình này được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn căn bản trang bị những kỹ năng thiết yếu cho học sinh, và giai đoạn củng cố để hoàn tất chương trình tiểu học.
Trung học cũng được chia thành hai giai đoạn. Từ năm 11 tuổi đến năm 15 tuổi, học sinh học ở các trường trung học cơ sở, từ lớp thứ 6 đến lớp thứ 3. Sau lớp thứ 3, học sinh sẽ tiếp tục học ở trường phổ thông, trường kỹ thuật hoặc trường dạy nghề. Tất cả các trường này đều chuẩn bị cho học sinh thi để lấy bằng Tú tài vào năm 18 tuổi.
Những quyết định về quá trình học tập của học sinh (lưu ban, lên lớp hay đổi chương trình) được rút ra từ quá trình thảo luận giữa nhà trường (các giáo viên, ban quản trị và nhân viên) với gia đình và học sinh. Mặc dù các giáo viên đưa ra ý kiến trong cái gọi là hội đồng lớp học - bao gồm đại biểu học sinh, giáo viên và phụ huynh - các phụ huynh có quyền kháng lại một quyết định và yêu cầu (đưa theo trình độ của học sinh) cho con em của họ lên lớp thay vì lưu ban, hoặc lưu ban thay vì phải theo một chương trình mà họ không muốn cho con em họ theo học. ở tất cả các trường đều có những nhà tư vấn chuyên môn để giúp cho các học sinh, phụ huynh và giáo viên giải quyết các vấn đề vướng mắc.
Ngày nay, lớp thứ 3 (lớp cuối cùng ở cấp trung học cơ sở) là lớp đầu tiên mà học sinh có quyền chọn các môn mình thích học, và chọn lựa hướng đi của chương trình (mặc dù về ngoại ngữ, chúng bắt buộc phải chọn một ngoại ngữ ở lớp thứ 6, và một ngoại ngữ thứ hai ở lớp thứ 4).
Hầu hết các học sinh đều theo học các trường do Bộ Quốc gia Giáo dục quản lý. Tuy nhiên có khoảng 100.000 học sinh thiểu năng đến các trường đặc biệt được điều hành dưới sự bảo trợ của Bộ Y tế, và 200.000 học sinh khác đến các trường trung học nông nghiệp (học các khóa về kỹ thuật và dạy nghề). Ngoài ra còn có khoảng 300.000 học sinh từ 16 tuổi trở lên học theo chế độ vừa học vừa làm để lấy các hoại chứng chỉ về học nghề.
Song song với hệ thống giáo dục bình thường, còn có những lớp học đặc biệt, thường được kết hợp với các trường tiểu học và trung học. Những chương trình dạng này có CLIS - những lớp học có tác dụng như cầu nối để đưa học sinh vào hệ thống chính qui, và SEGPA - những chương trình giáo dục phổ thông hoặc dạy nghề được thiết kế đặc biệt cho những trẻ có vấn đề về mặt tâm lý, tình cảm hay cách ứng xử, và cho những người học chậm. Những chương trình tương tự cũng có ở các trường đặc biệt, đặc biệt là những trường hoạt động dưới sự bảo trợ của Bộ Y tế. Mục đích của những chương trình này là giúp những học sinh này (chiếm tỉ lệ khoảng 5%) đạt được những kỹ năng tối thiểu cần thiết.
Các trường học do Bộ Quốc gia Giáo dục quản lý có thể là trường công lập hoặc tư thục. Bộ phận các trường tư thục đào tạo cho khoảng 15% các học sinh tiểu học và 20% các học sinh trung học; tỉ lệ này đã giữ mức ổn định trong vòng một thập kỷ vừa qua. Phần lớn các trường tư thục là trường Thiên chúa giáo, có hợp đồng với nhà nước. Số ít còn lại không có hợp đồng với nhà nước có khoảng 50.000 học sinh, và những học sinh này phải chịu mức học phí cao hơn.