Tài liệu: Nhật Bản - Đất nước mặt trời mọc

Tài liệu
Nhật Bản - Đất nước mặt trời mọc

Nội dung

NHẬT BẢN (JAPAN) - ĐẤT NƯỚC MẶT TRỜI MỌC

 

1. Nguồn gốc tên gọi

Nhật Bản là đảo quốc nằm ở phía đông bắc châu Á, góc tây bắc Thái Bình Dương. Thời cổ gọi là “Bát Đại Châu Quốc”, “Vĩ Nguyên Trung Quốc”, “Phong Vĩ Nguyên Thụy Tuệ Quốc”.v.v... Đến thời Thần Vũ Thiên Hoàng (năm 42 tr.CN) đã gọi nơi dựng nước là Yamato, tức là “Hòa” hay “Đại Hòa”, trong tiếng Nhật, “Yama” có nghĩa là “núi”, “to” có nghĩa là “vùng đất”, hợp lại có nghĩa là “vùng đất của núi non”, là tên nước đặt theo địa hình. Như vậy, tên “Đại Hòa” đã trớ thành tên của Nhật Bản.

Khoảng thế kỷ I, nguyên thủy thị tộc của các đảo Nhật Bản bắt đầu sụp đổ, thủ lĩnh mỗi thị tộc nhao nhao chia đất lập nước, trong đó lớn mạnh nhất là nước Oa Nô (người Oa). Đến cuối thế kỷ III đầu thế kỷ IV, ở vùng Đại Hòa, lại xuất hiện nước Tà Ô thống trị cả bắc Cửu Châu, thế lực đến tận Quan Đông, cũng xưng chính quyền “Đại Hòa”. Vì vậy, thời đó gọi tên của Nhật Bản là “nước Oa” hoặc “Đại Hòa”.

Theo “Tùy thư” chép: Đại Nghiệp năm III (năm 607), Nhật Bản cử sứ giả Tiểu Dã Muội Tử đi Tùy (triều đình nhà Tùy), quốc thư viết “Nhật xuất xứ thiên tử trí thư nhật một xứ thiên tử” (Thiên tử nơi mặt trời mọc gửi Thiên tử nơi mặt trời lặn), là lần đầu tiên nước Oa dùng chữ “Nhật” thay cho tên nước. Đại Hóa năm đầu (năm 645), Nhật Bản đời thứ 36 Hiếu Đức Thiên Hoàng (Côtôcư) kế vị, sau Đại Hóa (Taica) cách tân, Nhật Bản đã học theo nhà Đường, lập ra tập đoàn phong kiến trung ương trị quốc, để phân biệt với chính quyền Đại Hòa trước kia, đã chính thức gọi tên nước là Nhật Bản. Trên các văn kiện triều đình của Nhật Bản đều đổi thành Nhật Bản, năm 720, Nhật Bản dùng văn Hán viết “Nhật Bản thư kỷ”, đã đổi tất cả tên gọi Nhật Bản xưa như “Đại Hòa” và “Oa”.v.v... thành “Nhật Bản”. Sử sách từ sau đời Đường ở Trung Quốc bắt đầu đổi tên nước Oa Nô thành Nhật Bản. “Cựu Đường thư - Đông Di liệt truyện - Nhật Bản” chép: “Nhật Bản quốc, Oa quốc chi biệt xưng dã. Kỳ quốc tại Nhật biên, cố dĩ Nhật Bản vi danh. Hoặc viết Oa quốc tự ố kỳ danh bất nhã, cải vi Nhật Bản” (Nước Nhật Bản là tên gọi khác của nước Oa. Nước này ở gần mặt trời, nên lấy tên là Nhật Bản. Có lẽ nước Oa tự ghét tên nước mình không cao nhã, nên đổi thành Nhật Bản). (tân Đường thư - Đông Di liệt truyện - Nhật Bản” cũng chép: “Hàm Hanh nguyên niên (671 niên), khiển sứ Hạ Bình Cao Li; hậu sảo tập Hạ âm, ố Oa danh, canh hiệu Nhật Bản, sứ giả tự ngôn, quốc cận nhật sở xuất, dĩ vi danh” (Hàm Hanh năm đầu tiên (năm 671) cử sứ giả Hạ Bình Cao Li, học được một ít âm Hạ, đổi tên Nhật Bản, sứ giả tự nói nước gần nơi mặt trời mọc, lấy làm tên).

Trong khoảng nửa thế kỷ trước khi thế chiến II kết thúc, Nhật Bản là một nước đế quốc chủ nghĩa quân sự phong kiến. Năm 1868, sau Minh Trị duy tân, chủ nghĩa dân tộc bành trướng của Nhật Bản dần dần ngóc đầu. Hiến pháp Minh Trị công bố năm 1889, gọi tên nước là “Đại Nhật Bản đế quốc”. Trong chiến tranh thế giới II, “Đại Nhật Bản đế quốc” chiến bại đầu hàng. Hiến pháp công bố tháng 11 năm 1946, gọi Nhật Bản là “Nước Nhật Bản”, tên này liên tục sử dụng cho đến ngày nay.

 

2. Quốc kỳ - quốc huy

·        Quốc kỳ

Màu trắng, ở giữa là một vầng Mặt trời đỏ, còn gọi là cờ Mặt trời. Màu trắng tượng trưng cho thuần khiết và chính trực, màu đỏ tượng trưng cho sự chân thành và nhiệt tình. Từ “nước Nhật Bản” có nghĩa là nước Mặt trời mọc. Theo sử liệu ghi lại thì vào thế kỉ VIII sau CN, Hoàng cung tổ chức nghi thức đón năm mới, khi đó đã có lá cờ Mặt trời, sau đó lá cờ Mặt trời được gọi là cờ Thiên hoàng. Tết nguyên đán dương lịch năm thứ 5 đời Minh Trị, người dân thành Tokyo yêu cầu treo cờ chúc mừng và việc này đã được quan Thái chính cho phép, từ đó về sau lá cờ Mặt trời chính thức được quy định là quốc kỳ Nhật Bản.

·        Quốc huy

Là một huy trưng của nhà Vua. Đồ án là một bông hoa cúc vàng 16 cánh bằng nhau. Hình vẽ này cũng là hình vẽ trên huy trưng của Hoàng thất. Thiên hoàng là tượng trưng của Nhật Bản, huy trưng của Thiên hoàng là biểu tượng của Hoàng thất. Năm 1867, xác định Hoàng huy là quốc huy của nước Nhật Bản.

3. Quốc ca

Triều đại của quân vương, đời đời truyền mãi mãi không thôi, một ngàn đời, tám ngàn đời, cho đến khi hòn đá nhỏ trở thành đỉnh núi lớn, khắp đỉnh núi là rêu xanh phủ kín.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/314-02-633386852151406250/Chau-A/Nhat-Ban---Dat-nuoc-mat-troi-moc.ht...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận