Tài liệu: Nhật Bản - Cải cách Giáo dục ở Nhật Bản

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Sau Thế chiến thứ II, người Nhật nhận ra rằng cơ hội bình đẳng trong giáo dục và các chuẩn mực hạng cao của nền giáo dục quốc gia đã trở thành động lực cho việc phát triển kinh tế xã hội.
Nhật Bản - Cải cách Giáo dục ở Nhật Bản

Nội dung

Cải cách Giáo dục ở Nhật Bản

Sau Thế chiến thứ II, người Nhật nhận ra rằng cơ hội bình đẳng trong giáo dục và các chuẩn mực hạng cao của nền giáo dục quốc gia đã trở thành động lực cho việc phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên để đạt đến tình trạng hiện nay của nền giáo dục, người Nhật đã phải đối đầu với nhiều vấn đề.

Đầu tiên, trước việc hạ tỉ lệ sinh sản và cả việc đô thị hóa, cùng với sự sa sút của nhiệm vụ giáo dục ở nhà và ở các cộng đồng địa phương, người Nhật đã phải đối phó với nhiều vấn đề giáo dục, trong đó có tình trạng ức hiếp trong trường học, tình trạng bỏ học, bạo lực ở nhà trường, việc phá phách lớp học và các tội phạm liên tục gây ra bởi giới trẻ. Ngoài ra, có một khuynh hướng ngày càng gia tăng trong việc quá nhấn mạnh đến quyền cá nhân và quên đi tập thể cộng đồng, cùng với khuynh hướng của giới trẻ là rút vào một thế giới riêng tư của chúng.

Thứ hai, qua việc chuẩn hóa giáo dục từ kết quả của chủ nghĩa quân bình, sự nhồi nhét kiến thức thái quá, nền giáo dục đã có chiều hướng cá nhân và khả năng của trẻ không được quan tâm đến.

Thứ ba, hệ thống giáo dục truyền thống đã bị cách ly so với những tiến bộ của thời đại và xã hội trong bối cảnh những chuyển biến vĩ mô của xã hội, với những phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ, với sự toàn cầu hóa và vi tính hóa nền kinh tế xã hội.

Trong năm 2002, một số biện pháp liên quan đến việc cải tổ hệ thống luật pháp về giáo dục và ngân sách giáo dục đã được tiến hành. Tháng 11 năm 2001, Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ (MEXT) Nhật Bản đã có những cuộc thảo luận với sự tham khảo ý kiến của Hội đồng Trung tâm Giáo dục để sửa đổi lại bộ Luật Cơ bản về Giáo dục và vạch ra một kế hoạch cho việc xúc tiến cải cách giáo dục với mục đích nêu bật những khái niệm cơ bản về giáo dục trong thiên niên kỷ mới.

Để đo lường được sự tin tưởng của các bộ phận quần chúng và các tầng lớp xã hội, điều cấp thiết là phải thực hiện ngay công cuộc cải cách. Để đẩy mạnh cuộc cải cách, việc hiểu biết và hỗ trợ của mọi người là yếu tố cần thiết không thể thiếu được. Còn những tiếp cận tích cực vào công cuộc này sẽ dành cho các cơ quan liên quan, trong đó có cả nhà trường và đội ngũ giáo viên.

HỆ THỐNG TRƯỜNG HỌC NĂM NGÀY MỖI TUẦN

Mục tiêu của Hệ thống

Hệ thống này được áp dụng từ năm 2002. Mục đích là để học sinh có thêm thời gian ở nhà và sống trong cộng đồng, đồng thời tham gia vào các hoạt động xã hội và các hoạt động hướng về thiên nhiên. Bằng cách này trẻ sẽ tăng cường khả năng học tập và suy nghĩ độc lập, làm phong phú thêm về nhân cách cũng như phát triển về sức khỏe và thể lực. Hệ thống cần được sự hợp tác giữa học đường, gia đình và xã hội cùng với những kỹ năng liên quan về giáo dục của các thành phần này.

Chương trình mới

Từ năm 2002, với chương trình học tập mới, các trường đã có sự hướng dẫn chi tiết và sâu sắc đối với từng học sinh, giúp trẻ có được những khả năng tự học tập và suy nghĩ.

Với mục đích thực hiện mục tiêu của chương trình mới, MEXT đã nỗ lực cải tiến “năng lực về học thuật” của học sinh. Những nỗ lực này bao gồm các hướng dẫn, việc tăng số lượng giáo viên và phát hành các loại tài liệu liên quan. Ngoài ra MEXT còn tăng cường việc giáo dục đạo đức cũng như mời những người có kinh nghiệm đến giảng dạy ngoại khóa ở các trường.

Nâng cao Giáo dục Tại nhà

Việc giáo dục ở nhà là xuất phát điểm cho mọi loại hình giáo dục và đóng một vai trò quan trọng trong việc bồi dưỡng lòng say mê cuộc sống. Điều rất quan trọng là cha mẹ và trẻ phải có thời gian tiếp xúc với nhau, tham gia vào một số chương trình, và từ đó cải thiện các chức năng giáo dục của gia đình.

MEXT đã có nhiều biện pháp hỗ trợ cho giáo dục tại nhà, bao gồm việc xuất bản các sách hướng dẫn và những tờ bướm về giáo dục tại nhà, đồng thời phát triển hệ thống tư vấn để trả lời cho những băn khoăn của phụ huynh về con em của họ.

MEXT đã tạo môi trường cho cộng đồng trong việc nuôi dạy trẻ em, xúc tiến các dịch vụ và những hoạt động của cộng đồng, trong đó có các hoạt động tự nguyện cùng với một số chương trình sau học đường hoặc chương trình cuối tuần với sự kết hợp với những con người trong các cộng đồng.

HỌC SUỐT ĐỜI

Học suốt đời là gì?

Nhằm tạo một xã hội phong phú và năng động cho thế kỷ 21, điều quan trọng là hình thành một xã hội học suốt đời, trong đó mỗi người có thể tự do chọn lựa cho mình những cơ hội học tập vào bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời của họ.

Việc học suốt đời bao gồm hai mặt: khái niệm về việc xem lại các hệ thống khác nhau, trong đó có hệ thống giáo dục, nhằm tạo ra một xã hội học tập suốt đời; và khái niệm học tập ở mọi giai đoạn trong cuộc đời. Việc học tập trong bối cảnh học suốt đời không những chỉ bao gồm việc học bài bản tại nhà trường và việc học trong xã hội mà còn học qua việc tham gia vào các lĩnh vực như thể thao, các hoạt động văn hóa, các thú tiêu khiển, thư giãn và các hoạt động tự nguyện. Chỗ để tiến hành các hoạt động học tập cũng rất đa dạng, bao gồm trường tiểu học, trung học và đại học và các cơ sở giáo dục cấp cao khác, thư viện, nhà bảo tàng, các phương tiện văn hóa, các phương tiện thể thao, các phương tiện học suốt đời trong các bộ phận kinh tế tư nhân, các công ty và các văn phòng.

Hướng tới Một Xã hội Học suốt đời

Nền tảng Xã hội

Những nhân tố xã hội sau đây cần các biện pháp để xúc tiến việc học tập suốt đời:

1/ Cần phải sửa đổi những tác dụng xấu của quan điểm học tập kinh viện. Quan điểm từ trước tới nay là chỉ có việc học tập bài bản theo chương trình nhà trường mới được coi là học tập. Người ta cần phải tạo một môi trường xã hội trong đó việc học tập ở bất kỳ giai đoạn nào trong cuộc sống vẫn được đánh giá đúng mức, bất kể việc học này có được tiến hành bài bản kinh viện hay không.

2/ Nhu cầu học tập của người trưởng thành ngày càng gia tăng. Với những người đã trưởng thành trong xã hội Nhật, thu nhập gia tăng và thời gian rảnh rỗi nhiều hơn đã tạo ra một nhu cầu cho hoạt động học tập.

3/ Nhu cầu học tập để đáp ứng cho những thay đổi về xã hội và kinh tế. Người Nhật ngày nay cần phải thường xuyên cập nhật những kiến thức và kỹ năng để bắt kịp với những vấn đề tác động đến xã hội và kinh tế, bao gồm những tiến bộ về khoa học và công nghệ, sự gia tăng sử dụng công nghệ thông tin, những thay đổi và quốc tế hóa trong cấu trúc công nghiệp.

Các Biện pháp Tiến hành việc Học suốt đời

1/ Phát triển một cơ cấu để xúc tiến việc học suốt đời

Năm 1990 Luật Xúc tiến Việc Học Suốt Đời đã được ban hành. MEXT đã thành lập Văn phòng Chính sách cho Việc Học Suốt Đời để đưa ra các chính sách cần thiết. Ngoài ra Tiểu ban Học Suốt Đời cũng được thành lập, trực thuộc Hội đồng Trung ương về Giáo dục, nhằm thảo luận về những chính sách cho việc học suốt đời.  Ở các chính quyền địa phương cũng có những kế hoạch cơ bản cho công tác này.

2/ Sự Quảng bá Công cộng

Sự quảng bá công cộng là một phương tiện thiết yếu để nâng cao ý thức của người dân Nhật về sự quan trọng của việc học suốt đời và để khuyến khích họ tham gia vào việc học.

3/ Mở rộng các Cơ hội Học tập

MEXT đã làm việc để mở rộng các cơ hội đa dạng qua việc xúc tiến công tác này ở các trường học, ở xã hội và trong các hoạt động văn hóa và thể thao.

MEXT đã mở rộng việc tiếp cận với giáo dục cấp cao, sử dụng các thủ tục đặc biệt dành cho những ứng viên lớn tuổi đối với các lớp ngày và lớp đêm. Đồng thời, những loại hình trường lớp mới cũng được bổ sung, chẳng hạn như Đại học Từ xa và hệ thống học theo tín chỉ ở các trường phổ thông trung học. MEXT cũng mở trường Cao đẳng Mở ELNET, sử  dụng vệ tinh để truyền các bài giảng cho mọi người có thể học tại nhà.

4/ Đánh giá Kết quả Học tập

Việc hình thành một xã hội học suốt đời đòi hỏi cả các hoạt động học tập lẫn việc đánh giá đúng mức kết quả học tập.

MEXT đã duyệt để các hội đoàn tư nhân tiến hành những cuộc trắc nghiệm đánh giá. Đối với những người học ngoài phạm vi trường học cũng có chế độ tín chỉ dành cho họ.

Kiểm tra Chất lượng vào Đại học

Ngoài ra MEXT còn đặt ra chương trình Kiểm tra Chất lượng vào Đại học để đánh giá cho những người không học ở các trường phổ thông trung học và do đó không có chứng chỉ cần thiết để đăng ký vào đại học. Kỳ thi của chương trình này sẽ giúp đánh giá các ứng viên, xem họ có đủ trình độ giống như những người đã tốt nghiệp phổ thông trung học hay không. Những người đậu trong kỳ thi này sẽ được cấp giấy chứng nhận để vào đại học. Mỗi năm chương trình tổ chức hai đợt thi.

GIÁO DỤC CHÍNH QUY

Hệ thống Trường lớp

Hệ thống trường lớp hiện nay tại Nhật đã được bắt đầu từ năm 1872. Đến năm 1947 Luật Cơ bản về Giáo dục và Luật Giáo dục Học đường được đưa vào áp dụng và hệ thống 6-3-3-4 được tiến hành cho các cấp học (6 năm tiểu học, 3 năm trung học cơ sở, 3 năm trung học phổ thông và 4 năm đại học). Các trường trung học phở thông lần đầu được thành lập  năm 1948, có những lớp toàn thời gian và những lớp bán thời gian.

Hệ thống mới cho các trường đại học được đưa vào năm 1949. Hệ thống cao đẳng được thành lập trên cơ sở tạm thời năm 1950 và trên cơ sở chính thức năm 1964, sau khi Luật Giáo dục Học đường được sửa đổi.

Các trường cao đẳng công nghệ được thành lập lần đầu năm 1962 cho các học sinh phổ thông cơ sở học trong thời gian 5 năm. Đầu tiên, các môn học ở đây chỉ giới hạn trong các ngành về kỹ thuật và thương nghiệp, nhưng sau khi Luật Giáo dục Học đường được sửa đổi năm 1991, các ngành khác đã được bổ sung thêm, và những trường này cũng có thể mở những lớp đại học dạng không cấp bằng.

Những học sinh và sinh viên thiểu năng được giáo dục một cách hợp lý tại các trường mù, trường điếc và các trường thiểu năng khác, hoặc có thể học tại những lớp đặc biệt tại các trường tiểu học và trung học cơ sở, tùy theo loại hình và mức độ thiểu năng.

Ngoài hệ thống trên còn có các trường mẫu giáo, các trường cao đẳng đặc biệt và các trường hướng nghiệp chuyên dạy các bộ môn kỹ thuật cho học sinh.

PHƯƠNG TIỆN HỌC

Các biện pháp Nâng cấp Phương tiện học

Nhằm xây mới và mở rộng thêm các trường công lập cũng như tái thiết những cơ sở đã quá cũ, MEXT đã bỏ ra một nửa ngân sách dành cho các trường mới và bổ sung thêm cho các trường cũ, và một phần ba ngân sách để tái thiết và sửa đổi các trường cũ. MEXT đã đưa ra chương trình “Năm năm Củng cố Phương tiện của Các Trường Đại học Quốc gia”, theo đó những cơ sở vật chất sau đây được nâng cấp: các trường cấp sau đại học, các cơ sở nghiên cứu trọng điểm, các bệnh viện của các trường đại học, và các cơ sở nghiên cứu về giáo dục.

MEXT cũng xúc tiến việc phát triển cơ sở vật chất của các trường tư thục qua các dự án tài trợ dưới sự quản lý của Công ty Xúc tiến và Hỗ trợ Các Trường Tư thục tại Nhật Bản.

Phương tiện học Đáp ứng Cho những Thay đổi Xã hội

Nhằm đảm bảo môi trường giáo dục phù hợp và phát triển các phương tiện giúp học sinh học tập một cách sinh động, MEXT đã có những hướng dẫn để củng cố các phương tiện học tại nhà trường, trong đó cụ thể hóa những điểm cần chú ý trong việc hoạch định và thiết kế các phương tiện dành cho từng loại trường học. Những hướng dẫn này đã được gởi tới các ban giáo dục của từng quận huyện và những cơ quan giáo dục có liên quan.

MEXT cũng đã xúc tiến chương trình “Không gian Học tập Thế hệ mới”, trong đó các lớp học công nghệ thông tin và các lớp học theo nhóm nhỏ được mở cho các trường tiểu học  và trung học cơ sở từ năm học 2002.

Việc tăng cường cơ sở vật chất cũng được tiến hành đối với các lớp học dành cho người lớn tuổi. Ngoài ra cơ sở vật chất của các nhà trường cũng là phương tiện nhằm đảm bảo  an toàn cho học sinh. Trong trường hợp này, những phương tiện đó sẽ là môi trường cứu hộ cho nhân dân địa phương trong những trường hợp khẩn cấp. MEXT đã tiến hành những dự án củng cố các phương tiện chống động đất và xây các phương tiện kho bãi dành cho công tác này.

GIÁO DỤC TIỂU HỌC VÀ TRUNG HỌC

·  Tổng quan về Giáo dục Tiểu học và Trung học

Giáo dục Mẫu giáo

Mục tiêu của giáo dục mẫu giáo là bồi dưỡng cho các trẻ từ 3 tuổi cho đến khi chúng vào học tiểu học, cung cấp cho chúng một môi trường phù hợp cho việc học tập và hỗ trợ cho sự phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ.

Cưỡng bách Giáo dục

Ở Nhật, chế độ cưỡng bách giáo dục được áp dụng cho các học sinh trong độ tuổi tiểu học và trung học cơ sở.

Các trẻ ở độ tuổi từ 6 đến 12 tuổi sẽ vào học các trường tiểu học. Những trẻ ở độ tuổi từ 12 đến 15 sẽ theo học các trường phổ thông cơ sở.

Giáo dục Trung học Phổ thông

Cấp trung học phổ thông dành cho những học sinh đã qua hết thời gian cưỡng bách giáo dục ở cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở. Cấp này bao gồm hai loại chương trình: chương trình trung học phổ thông bình thường và chương trình trung học phổ thông chuyên nghiệp (nông nghiệp, công nghiệp, kinh doanh, nghề cá, kinh tế gia đình, y tá, khoa học, toán, tiếng Anh, v.v...). Tuy nhiên, kể năm 1994, theo chương trình cải cách giáo dục, một chương trình mới đã được áp dụng, trong đó tổng hợp hai loại chương trình kể trên và cho phép học sinh chọn các môn nhiệm ý theo ý mình.

Một số trường trung học phổ thông có chế độ dạy ngoài giờ cho những công nhân trẻ, muốn học thêm trong khi đang đi làm. Từ tháng 4 năm 1999, một loại hình trường kết hợp giữa trung học phổ thông và trung học cơ sở đã được thành lập. Thay vì học sinh phải học hết chương trình ở trường trung học cơ sở và vào tiếp trường trung học phổ thông, nay học sinh chỉ học một trường trong thời gian 6 năm để hoàn tất cấp trung học của mình. Mỗi quận huyện có một trường dạng này để đáp ứng cho nhu cầu của những học sinh muốn theo học hình thức này.

Giáo dục Đặc biệt

Những học sinh thiểu năng được nhận một sự chăm sóc đặc biệt theo loại hình và mức độ thiểu năng của từng em để các em có thể phát huy được khả năng của mình hầu hòa nhập vào xã hội. Những trường đặc biệt dành cho trẻ em mù, hoặc điếc, hoặc thiểu năng về mặt khác cũng theo chương trình giống như các trường nẫu giáo, tiểu học và trung học bình thường khác. Ở đây các em sẽ nhận được phương pháp giảng dạy đặc biệt để vượt qua sự thiểu năng của mình.

Có những lớp đặc biệt được tổ chức ngay tại các trường tiểu học và trung học cơ sở dành cho những trường hợp thiểu năng ở mức độ nhẹ.

Ngoài ra, để đáp ứng cho những trẻ có khó khăn trong học tập như những trẻ thiểu năng về tiếp thu, những trẻ mất khả năng chú ý hay mắc chứng tự kỷ, MEXT đã có chương trình nghiên cứu để đề ra những tiêu chuẩn đánh giá và những phương pháp dạy riêng cho những trường hợp này.

Chương trình học

MEXT đã quy định các chuẩn mực cho chương trình học từ mẫu giáo đến trung học phổ thông với mục đích ở khắp nơi trên đất Nhật đều áp dụng những chương trình đã được chuẩn hóa.

Từ năm 2002, học sinh ở Nhật đã học theo chương trình mới, trong đó nhấn mạnh khả năng học tập và suy nghĩ độc lập. Những cải tiến trong chương trình mới có một số điểm như sau:

- Giúp học sinh nắm tận gốc những điểm cơ bản của kiến thức bằng cách hướng dẫn tỉ mỉ cho từng cá nhân.

- Phong phú hóa chương trình bằng cách mở rộng phạm vi các môn nhiệm ý

- Giúp học sinh giải quyết vấn đề một cách độc lập và sáng tạo

- Tăng cường việc học theo kinh nghiệm và giải quyết vấn đề bằng cách bồi dưỡng khả năng học tập và suy nghĩ một cách tự giác.

- Nâng cấp về đạo đức bằng cách trang bị cho học sinh ý thức phán đoán về cái đúng và cái sai.

Để có thể thực hiện được những cải cách đó, MEXT đã đưa ra các biện pháp thực hiện:

- Trang bị cho trẻ những kiến thức cơ bản và khả năng học tập và suy nghĩ độc lập qua việc giảng dạy kỹ lưỡng và chu đáo.

- Phát triển năng lực của trẻ đi đôi với nhân cách bằng cách học tập một cách rộng rãi, bao quát.

- Tăng cường sự hiếu học của học sinh qua việc học tập có hứng thú.

- Tạo thói quen học tập bằng cách làm phong phú các cơ hội học tập.

Sách Giáo khoa

Luật Giáo dục Học đường đã qui định tất cả học sinh phải dùng sách giáo khoa, và sách giáo khoa đó phải do MEXT ủy quyền biên soạn hoặc do MEXT nắm bản quyền.

Sách giáo khoa được biên soạn và biên tập bởi các thành phần tư nhân. Sau đó MEXT sẽ duyệt căn cứ theo các chuẩn mực đã ban hành. Quá trình này đảm bảo rằng sách giáo khoa sẽ khách quan, vô tư, không có lỗi và tập trung vào những vấn đề giáo dục một cách đúng đắn.

Ban giáo dục địa phương, vốn là cơ quan mở các trường học ở địa phương, sẽ quyết định những sách giáo khoa nào sẽ được sử dụng trong từng trường trong địa phương của mình. Để thực hiện đúng khái niệm về cưỡng bách giáo dục như đã nêu trong hiến pháp, tất cả các loại sách giáo khoa ở các trường quốc gia, trường công lập và trường tư thục đều được phát miễn phí cho học sinh.

Hướng dẫn học sinh

MEXT đã cải tiến chương trình hướng dẫn học sinh để đảm bảo tất cả đều đạt được mục đích phát triển tính cách cá nhân của mình, và đời sống ở nhà trường trở thành đáng giá cho các học sỉnh.

Những vấn đề trong nhà trường thời gian gần đây làm cho mọi người phải quan tâm. Mặc dù tình trạng hiếp đáp lẫn nhau đã giảm, những hành động bạo hành tiếp tục gia tăng, và tình trạng học sinh bỏ giờ học vẫn còn xảy ra.

Nguyên nhân và nền tảng của những hành động đó là những yếu tố liên quan đến gia đình, học đường và xã hội. Từ năm học 2002, MEXT đã làm việc để chấn chỉnh tình hình này bằng các biện pháp: (1) có những nỗ lực làm cho bài giảng dễ hiểu và biến trường học thành một nơi dễ chịu đối với học sinh, (2) tăng cường giáo dục tình cảm bằng các hoạt động ngoại khóa để nuôi dưỡng tinh thần xã hội và nhân cách của học sinh, (3) cải tiến năng lực giảng dạy của giáo viên, (4) cải tiến hệ thống tư vấn trong các trường học, kể cả việc mở rộng đội ngũ tư vấn trong nhà trường, (5) xúc tiến sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa nhà trường, gia đình và xã hội.

TĂNG CƯỜNG GIÁO DỤC SỨC KHỎE VÀ THỂ CHẤT

Về vấn đề giáo dục thể chất và các môn thể thao, nhà trường khuyến khích các học sinh chọn một môn thể thao ưa thích để chơi lâu dài cũng như khuyến khích sự phát triển cân đối giữa tinh thần và thể chất bằng cách nâng cấp sức khỏe và thể lực cho học sinh. Với quan điểm bồi dưỡng một nền tảng để học sinh có một đời sống khỏe mạnh cả về tinh thần lẫn vật chất, nhà trường đã xúc tiến việc giáo dục sức khỏe qua các hoạt động giáo dục toàn diện, tập trung đặc biệt vào sức khỏe học đường, an toàn học đường và bữa ăn trưa học đường. Đồng thời nhà trường cũng nỗ lực hợp tác với gia đình và cộng đồng cũng như bám sát các hoạt động giáo dục xã hội.

Giáo dục Thể chất

Nhằm nâng cao chất lượng của việc đào tạo thể dục thể thao, MEXT đã biên soạn những tài liệu và băng video về những môn thể thao như bơi lội, judo và kendo, môn thể dục thư giãn thân thể và tinh thần. Đồng thời, nhiều khóa đào tạo và các buổi thuyết trình đã được tổ chức về những đề tài này.

MEXT cũng hướng dẫn cho các ban giáo dục địa phương để họ tổ chức những khóa đào tạo và các buổi thuyết trình tương tự. Đồng thời MEXT cũng tiến hành những cuộc nghiên cứu về các chủ đề như các hoạt động của các câu lạc bộ thể thao ngoại khóa gắn liền với cộng đồng địa phương, các hoạt động câu lạc bộ thể thao kết hợp giữa hai hay nhiều trường hoặc kết hợp với câu lạc bộ thể thao của cộng đồng địa phương.

Giáo dục Sức khỏe

Các trường học luôn giáo dục sức khoẻ để học sinh có thể bồi dưỡng những thói quen và cách sống cần thiết để có một đời sống khỏe mạnh. Nhà trường cũng thực hiện việc quản lý sức khỏe bằng những cuộc kiểm tra sức khỏe học sinh và những chỉ dẫn về vệ sinh môi trường.

Vì hoàn cảnh xã hội thay đổi, có nhiều vấn đề liên quan tới sức khỏe, như tình hình nghiện ma túy, những hành vi xấu liên quan đến tình dục, những triệu chứng của cách sống có liên quan đến bệnh tật. MEXT đã nỗ lực cải tiến tình hình sức khoẻ trong nhà trường bằng cách phân phát nhiều loại tài liệu hướng dẫn và giảng dạy. Về sự quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh sau tai nạn hay các sự kiện gây chấn thương khác, MEXT đã ấn hành những tờ bướm hướng dẫn dành cho phụ huynh.

An toàn Trong Nhà trường

Trong tất cả các mặt của đời sống hàng ngày học sinh bị bao vây bởi nhiều mối nguy hiểm như tai nạn trong nhà trường, tai nạn giao thông, tai nạn tự nhiên hay nạn nhân của tội ác. Do đó, nhà trường đã có chương trình giáo dục về an toàn với mục đích bồi dưỡng cho trẻ những kiến thức và khả năng để tôn trọng mạng sống của chính các em và của người khác hầu có thể sống một cuộc sống an toàn. Nhà trường cũng trách nhiệm quản lý về an toàn bằng cách kiểm tra an toàn các phương tiện học tập.

MEXT đã ấn hành nhiều tài liệu hướng dẫn cho giáo viên và các học cụ cho học sinh về an toàn trong nhà trường và tiến hành một chương trình mẫu liên quan đến cộng đồng địa phương với chủ đề “Dự án An toàn Trẻ Em”.

Bữa ăn Trưa tại Trường

Chương trình bữa ăn trưa tại trường nhằm đảm bảo sự phát triển tốt đẹp về thể chất và tinh thần cho học sinh, đã được coi như một phần của nền giáo dục chính quy.

Việc ăn uống không cân đối của trẻ em, tình hình ngày càng có nhiều trẻ em béo phì bỏ bữa ăn sáng và nhiều vấn đề khác liên quan đến thói quen ăn uống đã nhấn mạnh tầm quan trọng của những hướng dẫn về ăn uống liên quan đến bữa ăn trưa trong trường. Về phía MEXT, một số tài liệu trợ giáo cho trẻ em đã được ấn hành và phân phát.

Các trường học đang nỗ lực thực hiện việc quản lý vệ sinh để ngăn ngừa tình trạng bị ngộ độc thực phẩm, giống như trường hợp ngộ độc gây ra bởi vi khuẩn Entero-hemorragic  Ecoli 0157 đã gây rất nhiều thiệt hại trong năm 1996.

GIÁO VIÊN

Sự thành công của ngành giáo dục chính quy phụ thuộc vào việc tuyển dụng và sắp xếp những giáo viên có chất lượng.

Ở Nhật, để trở thành một giáo viên cần phải có chứng chỉ cho từng loại trường khác nhau như trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông. Về nguyên tắc, ban giáo dục của từng quận sẽ cấp chứng chỉ cho những người đã tốt nghiệp đại học được MEXT công nhận. Để trở thành một giáo viên trường công lập, các ứng viên đã có chứng chỉ giáo viên phải qua một kỳ thi tuyển do ban giáo dục quận tổ chức. Kỳ thi bao gồm bài viết, phỏng vấn, trắc nghiệm kỹ năng, bài thi luận văn, trắc nghiệm năng lực, v.v... Từ đó ban giáo dục có thể phán xét và quyết định tuyển dụng các giáo viên ứng tuyển.

Ngoài ra, để mở rộng cơ hội cho những thành viên của xã hội có thể tham gia vào hoạt động giáo dục, có một loại chứng chỉ đặc biệt cấp cho những người có kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm ưu tú cùng với kỹ năng và kinh nghiệm làm giáo viên ngoài giờ. Việc này nhằm tạo điều kiện cho một số nhất định những cá nhân có chất lượng cao trở thành giáo viên mà không cần đến chứng chỉ.

Sau khi được tuyển dụng, các giáo viên phải trải qua một dải rộng những cuộc đào tạo do ban giáo dục tổ chức. Tất cả các tân giáo viên của các trường quốc gia và công lập từ tiểu học, trung học cơ sở đến các trường đặc biệt đều phải qua một năm đào tạo nghề nghiệp để bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo và ý thức trách nhiệm của một giáo viên. Những cuộc đào tạo này cũng được tổ chức cho tất cả các giáo viên, tùy theo kinh nghiệm của họ, và có một số cuộc đào tạo về kinh nghiệm xã hội cũng được tổ chức cho giáo viên các trường tư thục. Ngoài ra có chế độ nghỉ phép cho giáo viên ở các trường quốc gia và trường công lập để đi học thêm ở một chương trình sau đại học.

Vào tháng 4 năm 2001, Trung tâm Quốc gia Đào tạo và Giáo dục Giáo viên đã được thành lập với mục đích đào tạo nguồn nhân lực lãnh đạo cho ngành giáo dục.

Về việc tuyển dụng những giáo viên chất lượng, Luật Tuyển dụng Nguồn Nhân lực được ban hành năm 1974 với mục đích duy trì những cá nhân xuất sắc trong bộ phận giáo dục. Theo đạo luật này lương giáo viên đã tăng gấp ba lần kể từ năm 1974, tách rời hoàn toàn với các loại công chức nhà nước khác.

Nhà nước sẽ chi trả một nửa chi phí về lương cho các giáo viên của các trường công lập, điều này tạo điều kiện cho các chính quyền địa phương đảm bảo được số lượng giáo viên và công nhân viên trong các trường của họ. Ngoài ra, về tiêu chuẩn số lượng giáo viên ở các trường công lập, con số này đã được gia tăng nhiều lần trong thời gian vừa qua, do đó số lượng giáo viên trong nhà trường hiện nay đã nhiều hơn trước. Từ năm 2001, MEXT đã gia tăng tiếp đội ngũ giáo viên để thực hiện cho việc dạy theo nhóm 20 học sinh trong một số môn học cụ thể.

TĂNG CƯỜNG GIÁO DỤC THÔNG TIN

Trên cơ sở “Chương trình Chính sách Ưu tiên Nước Nhật-Điện tử”, ngày nay tất cả các lớp học đều có thể sử dụng máy tính và Internet. Với dự án này máy tính đã được lắp đặt trong nhà trường, mạng LAN được xây dựng hoặc mở rộng thêm, mạng Internet được kết nối. Đồng thời, có nhiều nỗ lực nhằm xúc tiến năng lực giảng dạy của giáo viên, phát triển những  nội dung giáo dục và các hoạt động dạy và học khác.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2249-02-633495522012187500/Giao-duc/Cai-cach-Giao-duc-o-Nhat-Ban.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận