Tôn giáo
THẦN ĐẠO (SHINTO)
Thần đạo là tôn giáo bản xứ của người Nhật và cũng xưa như nước Nhật. Đó là tôn giáo chính của Nhật Bản bên cạnh Phật giáo.
Thần đạo không có người sáng lập, cũng không có các loại kinh kệ riêng như kinh Thánh hay kinh Phật. Việc truyền đạo và thuyết giáo cũng khác và hầu hết những đám tang đều được tổ chức theo kiểu Phật giáo.
PHẬT GIÁO
Đạo Phật bắt đầu ở Ấn Độ từ thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên. Một nhánh chính của Phật giáo, nhánh Mahayana hay gọi là Phật giáo Đại thừa đã du nhập vào Nhật Bản.
Phật giáo được du nhập vào Nhật từ Trung Hoa và Triều Tiên dưới dạng món quà của vương quốc thân hữu Triều Tiên Kudara vào thế kỷ thứ 6. Trong khi Phật giáo được giới quý tộc cai trị ủng hộ, lúc đầu nó lại không phổ biến trong giới thường dân vì những lý thuyết phức tạp của nó.
Trong thời kỳ Nara, những tu viện Phật giáo lớn ở kinh đô Nara như tu viện Todaiji, đã có ảnh hưởng chính trị rất lớn và là một trong những lý do để chính quyền phải dời đô đến Nagaoka năm 784 và sau đó đến Kyoto năm 794.
Trong thời kỳ Heian, hai môn phái Phật giáo được du nhập từ Trung Hoa, môn phái Tendai năm 805 và môn phái Shingon năm 806. Sau đó nhiều môn phái khác đã đánh bật môn phái Tendai. Những môn phái quan trọng nhất có thể kể:
Năm 1175, môn phái Jodo được thành lập bởi Honen. Môn phái này tìm được tín đồ ở tất cả các tầng lớp xã hội khác nhau vì lý thuyết của nó đơn giản và dựa trên nguyên tắc là mọi người đều có được cứu rỗi linh hồn bằng cách tin tưởng tuyệt đối vào Phật A di đà. Năm 1224, môn phái Jodo-Shinshu được thành lập bởi người thừa kế của Honen là Shinran. Ngày nay môn phái Jodo vẫn có hàng triệu tín đồ.
Năm 1191, môn phái Thiền được du nhập từ trung Hoa. Lý thuyết phức tạp của nó được phổ biến đặc biệt trong giới quân đội. Theo lý thuyết Thiền học, mỗi người có thể đạt được sự giác ngộ qua thiền định và sự rèn luyện trí óc. Ngày nay Thiền tỏ ra phổ biến ở nước ngoài hơn là ở Nhật.
Môn phái Nichiren được Nichiren thành lập năm 1253. Môn phái này không dung thứ bất kỳ một môn phái nào khác của Phật giáo. Đạo Phật Nichiren ngày nay vẫn có hàng triệu tín đô theo, và có vài “tôn giáo mới” dựa trên những giáo điều của Nichiren.
O da Nobunaga và Toyotomi Hideyoshi đã tấn công các tu viện Phật giáo (đặc biệt là môn phái Jodo) vào cuối thế kỷ 16 và dập tắt mọi hoạt động của Phật giáo trong chính trường. Những cơ sở của Phật giáo còn bị tấn công lần nữa vào những năm đầu của thời kỳ Meiji, khi chính quyền Meiji mới ủng hộ Shinto như là một loại quốc giáo mới và nỗ lực tách rời và giải phóng nó khỏi Phật giáo.
Ngày nay có khoảng 90 triệu người theo Phật giáo ở Nhật Bản. Tuy nhiên, tôn giáo này không tác động mạnh lắm đến đời sống hàng ngày của người trung bình ở Nhật. Các đám tang thường được tổ chức theo lối Phật giáo, và nhiều gia đình có bàn thờ nhỏ trong nhà để tỏ lòng tôn kính tổ tiên.
KHỔNG GIÁO
Mặc dù không được tiến hành như một thứ tôn giáo, Khổng giáo du nhập từ Trung Hoa đã có ảnh hưởng rất sâu đậm đến cách suy nghĩ của người Nhật. Khổng giáo đã đưa ra một hệ thống giai tầng, trong đó mỗi người phải hành động theo địa vị của mình để đảm bảo sự hài hòa trong xã hội và sự trung thành đối với quốc gia.
Tân Khổng giáo, được đưa vào Nhật thế kỷ thứ 12, giải thích thiên nhiên và xã hội dựa trên những nguyên tắc siêu hình và chịu ảnh hưởng của Phật giáo và Lão giáo. Ở Nhật, lý thuyết này được gọi là Shushigaku, đã đưa ra ý tưởng là con người phải đảm bảo sự ổn định xã hội và chịu những trách nhiệm về xã hội. Trường phái này sử dụng nhiều khái niệm siêu hình để giải thích thiên nhiên và trật tự xã hội.
ĐẠO CƠ ĐỐC
Ngày nay có khoảng từ 1 đến 2 triệu người Nhật theo Cơ đốc giáo (khoảng 1% dân số Nhật Bản). Hầu hết sống ở miền Tây nước Nhật, nơi các hoạt động truyền giáo mạnh nhất trong thời gian thế kỷ thứ 16.
Một số tập tục của Cơ đốc giáo đã trở nên phổ biến cả với những người không theo đạo. Chẳng hạn như việc mặc áo đầm trắng trong đám cưới, việc kỷ niệm ngày Valentin và ở mức độ nào đó là việc kỷ niệm ngày Giáng sinh.
Năm 1542, những người Âu đầu tiên từ Bồ Đào Nha đặt chân lên Kyushu ở phía Tây Nhật Bản. Hai thứ quan trọng nhất về mặt lịch sử mà họ nhập khẩu vào Nhật là thuốc súng và đạo Cơ đốc. Những nhà tư bản người Nhật ở Kyushu hoan nghênh mậu dịch với nước ngoài đặc biệt là vì những loại vũ khí mới, và từ đó tiếp nhận sự truyền giáo của những thầy tu dòng Tên. Những cuộc truyền giáo đã thành công trong việc cải giáo một số lớn những người sống ở phía Tây nước Nhật kể cả những người trong tầng lớp lãnh đạo. Năm 1550, Francis Xavier cũng làm một cuộc truyền giáo ở thủ đô Kyoto.
Đến cuối thế kỷ 16, đạo Cơ đốc đánh mất vị trí độc tôn ở Nhật khi những người truyền giáo dòng thánh Francis đến Kyoto bất chấp chỉ dụ ngăn cấm đầu tiên của Toyotomi Hideyoshi. Năm 1597, Hideyoshi công bố một chỉ dụ ngăn cấm nghiêm khắc hơn nữa và xử tử 26 người của dòng thánh Francis ở Nagasaki để cảnh báo. Tokugawa Ieyasu và những người kế vị ông tiếp tục ngược đãi những người Cơ đốc giáo bằng cách ra thêm những chỉ dụ khác.
Đến năm 1873 sau cuộc phục hưng Meiji, tự do tôn giáo được quảng bá và đặc biệt là từ thế chiến thứ II số người Cơ đốc giáo Nhật Bản bắt đầu tăng dần trở lại.
ĐẠO HỒI
Đạo Hồi ở Nhật Bản là tương đối mới so với các nước khác trên thế giới. Không có một ghi nhận rõ ràng nào về sự quan hệ giữa đạo Hồi với nước Nhật, ngoại trừ vài trường hợp riêng lẻ giữa những cá nhân người Nhật với Hồi giáo ở các nước khác từ trước năm 1868.
Đạo Hồi được người Nhật biết đến lần đầu vào năm 1877. Điều này giúp Hồi giáo tìm được một chỗ đứng trong đời sống tinh thần của người Nhật, nhưng chỉ trên phương diện kiến thức và một phần lịch sử văn hóa.
Cuộc sống cộng đồng Hồi giáo chỉ bắt đầu khi những người Turkoman, Uzbek, Tadjik, Kirghiz, Kazakh và những người Hồi giáo Turko-Tatar tị nạn đến từ châu Á và Nga vào Thế chiến thứ I. Những người Hồi giáo này hình thành một cộng đồng Hồi giáo nhỏ, và một số người Nhật đã cải giáo theo đạo Hồi qua việc tiếp xúc với những người này.
Với sự hình thành của những cộng đồng Hồi giáo, vài nhà thờ đã được xây dựng, trong đó quan trọng nhất là nhà thờ Kobe được xây năm 1935 (là nhà thờ Hồi giáo duy nhất còn lại ở Nhật Bản ngày nay), và nhà thờ Tokyo được xây năm 1938. Chỉ đến sau Thế chiến thứ II, cộng đồng Hồi giáo của người Nhật mới hình thành thực sự. Tuy nhiên, bất kể những thành công ban đầu, số lượng thành viên Hồi giáo gia tăng chậm. Ngày nay số lượng tín đồ Hồi giáo ở Nhật có khoảng vài ngàn người.
LỄ HỘI
Ngày Năm mới
Trước ngày Năm mới, người ta có rất nhiều việc để làm. Trong ngày Năm mới, vị thần tên là Toshigami sẽ đến với người Nhật. Do đó, để đón chào vị thần này trước cửa phải có hình tượng trang trí gọi là Shimenawa. Trước cổng phải có Kadomatsu và trong nhà có Kagamimochi để dành cho thần Toshigami, vị thần cai quản về mùa màng. Những việc trang trí này là của phái nam. Ngày nay những món trang trí này được bán ở chợ, người ta chỉ việc mua về treo lên.
Phái nữ thì chuẩn bị các món ăn gọi là Osechi, đủ để ăn trong vòng ba ngày tết. Những món ăn này được bày trong các hộp sơn mài gọi là Jyuhbako. Việc nấu các món ăn Osechi tương đối khá vất vả.
Trong ngày tết phái nữ thường chơi môn Hagoita, tương tự như môn cầu lông. Phái nam thì chơi trò koma, tức là môn quay vụ hoặc thả diều. Người ta cũng thường chơi karuta, một loại bài trên đó in 100 bài thơ dạng 31 âm tiết của Nhật.
Ngày Valentine
Trong ngày Valentine, các cô gái phải cho kẹo sô cô la cho người yêu của họ. Một người làm kẹo sô cô la đã mở rộng ý tưởng này, và ngày nay những cô gái phải cho kẹo cho tất cả những chàng trai đồng nghiệp. Nhưng đến lượt những chàng trai, khi nhận được sô cô la của các cô gái phải đáp trả lại bằng một món quà nào đó, thường là quần áo, vải vóc.
Lễ hội Búp bê
Còn gọi là Hina matsuri, lễ hội này được tổ chức vào ngày 31 tháng 3 hàng năm. Hầu hết những nhà có con gái đều chưng bày búp bê để cầu chúc cho các cô gái được phát triển hoàn mỹ. Lễ hội này còn có tên là Momo no Sekku, trong đó Momo có nghĩa là quả đào. Người ta ví con gái như những quả đào và muốn cho những quả đào này chín mọng với nhiều hương sắc.
Búp bê chưng bày trong dịp này thường được sắp xếp theo bộ. Chẳng hạn như một bộ gồm hoàng đế và hoàng hậu ngồi trên cùng, tầng thứ hai có ba thị nữ đứng hầu, tầng thứ ba có năm nhạc sĩ đang chơi đàn, và tầng dưới cùng là những bộ chén đĩa để phục vụ cho những người này.
Ngày Thiếu nhi
Ngày này được tổ chức vào 5 tháng 5 hàng năm. Nguyên thủy lễ hội này được gọi là Lễ hội Con trai, được tổ chức để kỷ niệm cho sự lớn lên của các cậu bé. Nhưng ngày nay lễ hội này được tổ chức chung cho trẻ em của cả hai phái. Trong ngày này, các gia đình chưng bày búp bê dưới hình tượng của những chiến binh và những anh hùng, và treo những chiếc cờ đuôi nheo hình cá chép. Cá chép vốn có khả năng bơi ngược dòng thác và từ lâu đã được dùng làm biểu tượng của sự thành công. Trong ngày này người ta cũng có tục tắm với cây irit, được coi là có khả năng chữa bệnh. Người ta cũng cho nhau những chiếc bánh bao gói trong lá tre và những chiếc bánh nướng gói trong lá sồi.
Lễ hội Sao
Thuở xưa, Thượng đế có người con gái tên là Orihime. Hàng ngày cô ngồi dệt vải để may y phục cho Thượng đế. Thượng đế tỏ ra sốt ruột cho cô con gái yêu và một ngày kia đã giới thiệu cho nàng một chàng trai cũng chăm chỉ không kém trong việc trông nom đàn bò. Và họ yêu nhau ngay từ lần gặp đầu tiên và bỏ bê công việc, để cho y phục của Thượng đế phải rách nát và đàn bò thì đau ốm không người chăm sóc.
Thượng đế đã nổi cơn giận và bắt họ phải sống xa nhau, cách nhau bởi dòng sông Ngân hà. Orihime đã khóc lóc suốt ngày đêm làm Thượng đế mủi lòng và đã cho phép họ gặp nhau mỗi năm một lần vào ngày 7 tháng 7.
Nếu như ngày này trời mưa, dòng Ngân hà sẽ ngập lụt và ngăn không cho họ gặp nhau. Do đó, trong ngày 6 tháng 7, người ta cầu nguyện cho trời đừng mưa, và viết những lời cầu khấn dưới dạng những bài thơ, treo lên lá cây tre để gởi cho những vì sao.
Đó là sự tích của Lễ hội Sao. Đây là câu chuyện truyền thuyết của Trung Hoa. Thoạt đầu, lễ hội này được tổ chức trong cung đình. Kể từ thời kỳ Edo, lễ hội bắt đầu phổ biến trong dân chúng.
Lễ Ngắm trăng
Đây là lễ hội vào dịp Trung thu, rằm tháng 8 Âm lịch. Đây là dịp người Nhật cầu nguyện cho mùa màng được tươi tốt. Người ta kể rằng một chú thỏ sống trên mặt trăng vẫn thường làm bánh bao vào những dịp trăng tròn. Do đó người ta ngắm trăng và để tìm ra chú thỏ đang dùng chiếc chày lớn để giã gạo. Trong lễ hội này người ta cho nhau những chiếc bánh bao làm bằng bột gạo.