Tài liệu: Nhật Bản - Nghệ thuật Sân khấu

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Một số lớn những loại hình biểu diễn truyền thống từ âm nhạc, múa và kịch nghệ vẫn tồn tại trong thế giới ngày nay,
Nhật Bản - Nghệ thuật Sân khấu

Nội dung

Nghệ thuật Sân khấu

Một số lớn những loại hình biểu diễn truyền thống từ âm nhạc, múa và kịch nghệ vẫn tồn tại trong thế giới ngày nay, góp phần củng cố những giá trị văn hóa Nhật Bản. Âm nhạc và múa truyền thống, có xuất xứ tôn giáo thời cổ xưa - Phật giáo, Thần đạo và truyền thống dân gian đã được bảo tồn với các loại hình như No, Kabuki và Bungaru. Âm nhạc và múa cung đình cổ xưa bắt nguồn từ lục địa cũng được bảo tồn qua những những nhạc sĩ hoàng cung và những ban nhạc trong các đền chùa.

Một số những nhạc cụ lâu đời nhất trên thế giới vẫn còn được sử dụng tại Nhật từ thời kỳ Jomon, theo những chứng tích người ta tìm thấy về các ống sáo và đàn tam thập lục bằng đá và bầng đất sét. Và những chiếc chuông, chiếc cồng kiện loại thời kỳ Yayoi cũng góp phần vào kho tàng âm nhạc cổ xưa này. Vào thời xa xưa của lịch sử (thế kỷ thứ 6 đến thứ 7 sau Công nguyên), có nhiều loại trống nhỏ, cồng, chuông, sáo và các nhạc cụ có dây khác. Những nhạc cụ này hình thành những dàn nhạc cho cung đình thế kỷ thứ 7, với nhiều loại hình ngày nay vẫn còn được trình diễn ở cung đình và những đền điện cổ xưa. Phật giáo có lối hát theo nhịp điệu đều đều, hiện vẫn còn được sử dụng, kết hợp với những ý tưởng bản xứ để làm nền cho sự phát triển của âm nhạc thanh điệu, chẳng hạn như No.

NO

Loại hình kịch cổ xưa nhất còn giữ lại ở Nhật Bản là No, loại hình này đã có được hình thức đương đại từ cung đình Ashikaga thế kỷ thứ 14. Vào thập kỷ 1980 có năm ban kịch No và một số nhóm địa phương biểu diễn vài trăm vở kịch thời trung cổ cho khán giả quần chúng. Trong một vở kịch No, người ta múa và kể về những nhân vật chính, trong khi đó một ban nhạc hát về câu chuyện, kèm với âm nhạc của tiếng trống và tiếng sáo. Những hành động được cách điệu để diễn đạt tình cảm, được kèm theo bằng văn xuôi và múa. Về hóa trang thì có những mặt nạ tiêu chuẩn cùng với y phục lộng lẫy, đối chọi với sân khấu trống trải, mộc mạc có những cây thông làm hậu cảnh.

Nội dung của kịch No là những câu chuyện cổ tích hay những sự kiện lịch sử, pha trộn với những ý tưởng của Phật giáo. Không khí chờ đợi đoán trước những tình tiết của câu chuyện được tạo ra bởi một màn hài hước được diễn trong lúc nghỉ giải lao. Một số vở thử nghiệm đã được Mishima Yukio viết nên, và trong thập kỷ 1980, một vở kịch No Cơ đốc giáo đã được một giáo sư Đại học Sophia viết và công diễn tại Vatican cho Đức giáo hoàng John Paul II xem. Nhà hát Kịch No Quốc gia đã làm sống lại sự thích thú với loại hình nghệ thuật cổ xưa này bằng cách diễn những vở No thử nghiệm vào cuối thập niên 1980.

KABUKI

Kabuki phát triển như một loại hình giải trí phổ biến vào thế kỷ 17. Kabuki bao gồm nhạc đương đại, nhào lộn và những tiết mục bắt chước, nguyên thủy được trình diễn bởi những đoàn hát có cả nữ nghệ sĩ. Sau đó phái nữ bị cấm không được biểu diễn Kabuki, nên các đoàn hát chỉ gồm nghệ sĩ nam. Kabuki cổ điển tương tự như kịch phương Tây, ngoại trừ các lời thoại được kèm theo những câu hát và nhạc đệm. Nội dung câu chuyện được làm rõ bằng người dẫn chuyện có vai trò kể lại những hành động chính, giống như trong kịch No.

Theo quy ước, Kabuki bao gồm giọng hát cao, những cử chỉ cường điệu và những động tác kịch câm, cùng với y phục trang điểm lòe loẹt, nhưng không mang mặt nạ. Những chủ đề về lịch sử và truyền thuyết được nới rộng để bao gồm cả những sự kiện trong đời sống đô thị của thế kỷ 17 và 18. Một chủ đề phổ biến của thế kỷ 17 và 18 trong những vở của Chikamatsu Monzaemon, “Shakespeare của Nhật Bản”, là sự xung đột giữa những ham muốn của con người với những quan niệm của Khổng giao về sự trung thành và bổn phận.

BUNRAKU

Bunraku là một loại hình nghệ thuật múa rối của Nhật Bản, có gồc ở Osaka, cùng hưng thịnh với Kabuki từ thời kỳ Tokugawa. Một người kể chuyện, hát tất cả các phần trong vở kịch, và một dàn hợp xướng chơi samisen và những thành phần chính của Bunraku. Người hát-kể chuyện thể hiện những nội dung truyền cảm của vở kịch và tạo ra những hình ảnh của cuộc sống trong những con rối lớn di chuyển theo những vai phức tạp, được điều khiển bởi người thợ cả và những phụ tá mặc áo choàng và đội mũ đen. Những người hát-kể chuyện này có xuất xứ từ những người kể chuyện truyền thống đời xưa, ngày nay có cả phái nữ và những tay diễn hề.

GAGAKU

Gagaku là loại hình âm nhạc cung đình truyền thống của Nhật. Đây là loại hình nghệ thuật cổ xưa nhất của Nhật Bản, đã được bảo tồn trong cung đình trong hơn một ngàn năm, và được truyền lại từ những nhạc sĩ trong hoàng cung.

Gagaku có thể chia thành ba phần theo xuất xứ của nó: (1) âm nhạc nhạc cụ và múa bắt nguồn từ lục địa châu Á, (2) kèm với thanh nhạc và múa theo nghi lễ Shinto (Thần đạo Nhật Bản), và (3) kèm với thanh nhạc bắt nguồn từ cung đình Nhật Bản của thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ thứ 12. Thành phần thứ nhất, âm nhạc nhạc cụ và múa, là phần chính của Gagaku, và chiếm nội dung nhiều nhất. Những loại âm nhạc nhạc cụ này được du nhập từ châu Á, nhưng cả nhạc lẫn nhạc cụ đều đã được soạn lại và Nhật hóa theo thị hiếu người Nhật. Gagaku đã được tổ chức lại thành loại hình nghệ thuật gốc Nhật Bản từ thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ thứ 11. Có thể nói rằng, Gagaku - mối liên hệ sống về nghệ thuật Nhật Bản cổ truyền - không những chỉ là một kho tàng tuyệt vời mà còn là một di sản vô giá của nghệ thuật cổ truyền châu Á.

KOTO

Koto là một loại nhạc cụ của Nhật với 13 dây và ngựa đàn có thể đi chuyển được. Mặc dù xuất xứ của nó là từ châu Á, loại đàn này đã được phát triển những đặc điểm về cấu trúc làm cho nó trở thành đặc biệt Nhật Bản.

Đàn Koto được đặt nằm trên sàn nhà hay trên bàn thấp và chơi bằng cách gẩy dây đàn bằng ngón cái và hai ngón đầu của bàn tay phải. Các nghệ sĩ thường dùng tay trái để thay đổi cao độ của từng dây đàn bằng cách ấn lên dây đàn ở phía bên kia ngựa đàn.

Đàn koto đã phổ biến từ những thời kỳ đầu tiên trong lịch sử âm nhạc Nhật Bản cho đến ngày nay. Đầu tiên nó được những nhà quý tộc ở kinh đô cũ của Nhật Bản là Nara và Kyoto sử dụng. Sau đó koto được nhân rộng ra khắp quần chúng. Trong thời kỳ Meiji, nhiều người mù đã chơi đàn koto như nghề nghiệp chính của họ. Ngày nay, người Nhật chơi koto trong dàn nhạc, và là một thú tiêu khiển được ưa chuộng, đặc biệt là đối với phái nữ.

ÂM NHẠC

Âm nhạc và múa truyền thống được biểu diễn bởi phái nữ, nổi tiếng có các geisha ở Tokyo và Kyoto. Âm nhạc truyền thống dựa trên thang bậc ngũ âm. Những nhạc công nổi tiếng có thể chỉ chơi riêng đàn samisen hoặc đàn koto, hoặc có thể chơi với ca sĩ hoặc vũ công. Những điệu múa xuất phát từ các loại kịch No, Kabuki và các nguồn dân gian khác.

Nhạc và múa dân gian xuất phát từ các lễ hội và nghi thức địa phương bắt đầu trở nên nổi tiếng ở Nhật Bản qua radio, truyền hình và băng ghi âm, ghi hình. Các lễ hội, các buổi hòa nhạc, và các quán rượu chuyên về nhạc dân gian được biểu diễn cùng với sự thịnh hành gia tăng của các loại hình cổ xưa này, làm sống lại nhu cầu ngày càng cao của giới trẻ trong thập niên 1980. Trong khi đó Vũ đoàn Dân gian Nhật Bản biểu diễn những tiết mục này ra khắp thế giới.

Trong khi đó âm nhạc cổ điển Tây phương đã trở thành một phần cơ bản của nền giáo dục âm nhạc Nhật Bản kể từ lúc nó được du nhập vào thế kỷ 19. Trường Âm nhạc Toho ở  Tokyo đã đào tạo nhiều diễn viên quốc tế về piano các dụng cụ đàn dây. Trẻ em thường học piano hoặc vi ô lông, và phương pháp dạy vi ô lông Suzuki nổi tiếng trong việc dạy trẻ em từ hai tuổi đã cho ra đời một thế hệ nổi tiếng thế giới.

Nhạc pop cũng được thưởng thức với nhiều hình thức. Các loại hài kịch và kịch thời sự có nhạc là thú giải trí tiêu chuẩn của người thành thị. Âm nhạc kiểu các ban Broadway và London cũng được những đoàn hát ở Tokyo mô phỏng, thường sử dụng đạo diễn nước ngoài cho những tiết mục quan trọng và đôi khi có cả diễn viên Tây phương nói tiếng Nhật. Giới trẻ của Nhật ở khắp nơi thưởng thức nhạc bình dân, từ loại nhạc jazz phổ biến thế giới, nhạc rock, nhạc dân gian, nhạc pop, nhạc tổng hợp, đến nhạc dân gian Nhật Bản.

MÚA

Nghệ thuật múa của Nhật Bản ngày nay xuất phát từ nhiều kiểu múa truyền thống và kiểu múa cổ điển phương Tây và các kiểu tiên phong sau này, tất cả đều được các trường múa của Nhật biểu diễn theo chuẩn mực cao. Nhiều phòng múa nổi tiếng phát sinh từ những trung tâm đào tạo múa Kabuki hoặc từ những gia đình múa Kabuki nổi tiếng. Những nữ vũ công phát triển nghệ thuật của họ từ butoh (dạng múa cổ điển Nhật Bản) và được đào tạo tại trường Hanayagi, nơi những vũ công hàng đầu đã đi biểu diễn khắp thế giới.

Những trường phái phương Tây bao gồm múa ba lê, múa nhạc jazz và múa hiện đại. Ba lê được coi như thay thế cho nghệ thuật truyền thống Nhật Bản đối với những thanh niên Nhật Bản ngày nay. Việc nữ diễn viên múa Morishita Yoko tham gia vào ban hội thẩm của cuộc thi giải Prix de Lausanne năm 1989, được tổ chức lần đầu tại Tokyo, đã đánh dấu sự xuất hiện của ba lê Nhật Bản trong cộng đồng quốc tế. Horiuchi Gen, người đoạt giải Prix de Lausanne năm 1980, đã trở thành một diễn viên đơn chính của Vũ đoàn Ba lê Thành phố New York, và những diễn viên người Nhật được đánh giá với kỹ thuật cao là thành viên của những đoàn hát quốc tế lớn.

Nghệ thuật múa butoh là một sự phát triển lớn sau chiến tranh. Có ít nhất năm trường lớn tham gia trong Lễ hội Butoh năm 1985. Hijikata Tatsumi là một diễn viên múa butoh rất lôi cuốn, đã từng thử nghiệm với nhiều dạng múa sáng tạo với những động tác đầy tính thể hiện mà ông cho là phù hợp với khuôn mặt và tinh thần người Nhật. Ông cho rằng cơ thể con người là một “kho ký ức” có thể biến thành những dạng thức múa. Lý thuyết và cách múa của Tatsumi đã được nhiều diễn viên nổi tiếng áp dụng, những người này sau đó đã thành lập những đoàn múa của riêng họ và hoạt động rất mạnh trong thập niên 1980 và đi diễn cả ở nước ngoài.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2247-02-633495518297187500/Van-hoa---xa-hoi/Nghe-thuat-San-khau.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận