Tài liệu: Nhật Bản - Các vùng địa lý của Nhật Bản

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Bốn mươi bảy quận của đất nước Nhật Bản được nhóm thành 8 vùng thường được sử dụng làm đơn vị thống kê trong các tài liệu của nhà nước.
Nhật Bản - Các vùng địa lý của Nhật Bản

Nội dung

Các vùng địa lý của Nhật Bản

Bốn mươi bảy quận của đất nước Nhật Bản được nhóm thành 8 vùng thường được sử dụng làm đơn vị thống kê trong các tài liệu của nhà nước. Các đảo Hokkaido, Shikoku và Kyushu, mỗi đảo là một vùng, còn đảo chính Honshu được chia thành 5 vùng.

HOKKAIDO

Đảo Hokkaido có diện tích khoảng 83.500 km2, chiếm hơn 20% tổng diện tích đất của Nhật Bản. Giống như những đảo chính khác, Hokkaido hầu hết là đồi núi, nhưng những ngọn núi ở đây thấp hơn so với những vùng khác, nhiều ngọn có đỉnh bằng, và đồi chiếm đa số. Nhiều thung lũng cắt qua mặt bằng, và thông tin liên lạc ở đây tương đối dễ dàng. Hokkaido trước đây được coi như một tiền đồn của Nhật Bản và mãi cho đến nửa sau của thế kỷ thứ 19 ở đây phần lớn vẫn là người bản địa Ainu sinh sống. Dân số của người Ainu ít hơn 20.000, và họ đã đồng hóa nhanh chóng với người Nhật chính thống. Nhờ những phong trào về công nghệ hiện đại và phát triển vào cuối thế kỷ thứ 19, Hokkaido đã được coi như trung tâm chính của Nhật Bản về nông nghiệp, ngư nghiệp, nghề cá và nghề mỏ. Hokkaido, với 90% diện tích đồng cỏ của cả nước Nhật, đã sản xuất các phó sản từ sữa cũng với tỉ lệ đó. Ngành công nghiệp chế tạo đóng vai trò nhỏ hơn so với những vùng khác.

Môi trường và đặc điểm thôn dã của Hokkaido được thay đổi bởi những phát triển về công nghiệp và cư trú vào cuối thập nên 1980, với những phát triển như việc hoàn tất đường hầm Seikan nối liền Hokkaido với Honshu. Hokkaido vừa là một trung tâm nông nghiệp quan trọng, vừa là một vùng công nghiệp đang lớn mạnh, với những sự phát triển công nghiệp gần Sapporo, thủ phủ của đảo.

TOHOKU

Phần Đông Bắc của đảo Honshu gọi là Tohoku, bao gồm sáu quận. Tohoku, giống như phần lớn Nhật Bản, có rất nhiều đồi và núi. Lịch sử định cư của nó bắt đầu vào khoảng giữa thế kỷ thứ 7 và thế kỷ thứ 9 sau Công nguyên, sau khi nền văn minh và văn hóa Nhật Bản đã được hình thành rõ rệt ở vùng trung tâm và vùng Tây Nam nước Nhật. Mặc dù các ngành công nghiệp sắt, thép, xi măng, hóa chất, bột giấy và lọc dầu bắt đầu phát triển vào những năm 1960, Tohoku trước đây vẫn được coi như vựa lúa của Nhật Bản vì nó cung ứng lúa gạo và những sản phẩm nông trại cho các thị trường Sendai và Tokyo - Yokohama. Vùng Tohoku cung cấp 20% tổng lượng hoa màu trong nước. Tuy nhiên thời tiết ở đây lại khắc nghiệt hơn các vùng khác ở đảo Honshu và người ta chỉ trồng được một vụ lúa trong năm.

Phần đất thấp của khu này là nơi tập trung dân cư của vùng. Cùng với bờ biển không thuận lợi cho việc phát triển các cảng, vùng này lệ thuộc chủ yếu vào giao thông đường bộ và đường sắt. Điều may mắn là những vị trí thấp ở dãy núi trung tâm đã giúp cho việc thông tin liên lạc với các vùng đất thấp ở hai bên sườn núi tương đối dễ dàng. Du lịch đã trở thành ngành công nghiệp chính ở Tohoku, với những điểm thu hút khách bao gồm những hòn đảo trong vịnh Matsushima, hồ Towada, Công viên Quốc gia Bờ biển Rikuchu, Công viên Quốc gia Bandai-Asahi.

KANTO

Vùng Kanto có bảy quận xung quanh Tokyo trên vùng đồng bằng Kanto. Tuy nhiên diện tích đồng bằng chỉ chiếm hơn 40% khu vực. Phần còn lại là đồi và núi bao quanh, chỉ trừ mặt hướng ra biển. Đã từng là trung tâm của quyền lực phong kiến, Kanto trở thành trung tâm của sự phát triển hiện đại. Nằm trong khu vực thủ đô Tokyo - Yokohama, vùng Kanto không những chỉ có các cơ quan chính quyền của Nhật Bản mà còn là nơi có nhiều nhất các trường đại học và các cơ sở văn hóa, là vùng đông dân nhất và là một khu công nghiệp lớn. Mặc dù hầu hết vùng đồng bằng Kanto được sử dụng cho cư trú, thương mại và công nghiệp, người ta cũng vẫn canh tác tại đây. Lúa là loài hoa màu chính, mặc dù khu vực quanh Tokyo và Yokohama đã được xây dựng các vườn cảnh phục vụ cho vùng thủ đô.

Vùng Kanto là vùng phát triển nhất, đô thị hóa và công nghiệp hóa nhiều nhất của Nhật. Tokyo và Yokohama hình thành một quần thể công nghiệp với sự tập trung của các ngành công nghiệp nhẹ và công nghiệp nặng dọc theo vịnh Tokyo. Ở các thành phố nhỏ hơn cách xa bờ biển có những ngành công nghiệp nhẹ quan trọng.

CHUBU

Vùng Chubu có chín quận ở khu vực trung tâm Nhật Bản, nằm về phía Tây vùng Kanto. Đây là vùng rộng nhất trên đảo Honshu và có đặc điểm là núi cao và trập trùng. Dãy núi Alps của Nhật chia đất nước này thành hai phía, phía Thái Bình Dương nắng nhiều, được coi như mặt trước của Nhật, hay gọi là Omote-Nihon, và phía lạnh hơn ở Biển Nhật Bản, được coi là mặt sau của Nhật, hay gọi là Ura-Nihon. Vùng này có ba khu vực được phân biệt rõ ràng: Hokuriku là dải bờ biển trên Biển Nhật Bản, vốn là một vựa lúa chính; Tosan, còn gọi là vùng Cao nguyên Trung tâm; và Tokai, vùng bờ biển phía Đông, là một hành lang hẹp dọc theo bờ biển Thái Bình Dương.

Hokuriku nằm ở phía Tây những rặng núi lớn chiếm cứ vùng trung tâm Chubu. Khu vực này có tuyết rơi nhiều và gió rất mạnh. Những dòng sông hung hăng của nó là một nguồn dồi dào cho thủy điện. Quận Niigata là một địa điểm sản xuất ga và dầu thô nội địa. Sự phát triển công nghiệp ở đây rất rộng rãi, đặc biệt là tại thành phố Niigata và Toyama. Fukui và Kanazawa cũng có những ngành công nghiệp chế biến lớn. Hokuriku hầu như phát triển độc lập so với các vùng khác, chủ yếu là vì nó nằm cô lập với những trung tâm công nghiệp và văn hóa lớn ở bờ biển Thái Bình Dương. Vì phương tiện bến cảng hạn chế và giao thông đường bộ bị ngăn trở bởi tuyết rơi vào mùa Đông, khu vực này giao thông chủ yếu bằng đường sắt.

Khu vực Tosan là một vùng núi non phức tạp và trập trùng - thường gọi là nóc nhà của Nhật Bản - bao gồm cả dãy Alps. Dân cư tập trung phần lớn vào sáu vùng lòng chảo nối với nhau bằng những thung lũng hẹp. Tosan trước đây là một khu vực sản xuất vải lụa chính, mặc dù sau Thế chiến thứ II sản lượng đã giảm sút. Nhiều lao động trước đây sản xuất vải lụa nay đã bị thu hút bởi ngành công nghiệp chế biến đa dạng của khu vực, bao gồm các dụng cụ chính xác, máy móc, vải sợi thực phẩm và các loại hàng chế biến nhẹ khác.

Khu vực Tokai, nằm viền theo bờ biển Thái Bình Dương, là một hành lang hẹp bị ngắt quãng bởi những ngọn núi trườn xuống biển. Kể từ thời kỳ Tokugawa, hành lang này đã trở nên quan trọng trong việc nối Tokyo, Kyoto và Osaka với nhau. Một trong những con đường nổi tiếng nhất Nhật Bản, đường Tokaido, chạy qua khu vực này và nối Edo với Kyoto, thủ đô cũ của thời kỳ hoàng đế. Vào thế kỷ 20, con đường này đã trở thành những siêu xa lộ và những tuyến đường sắt cao tốc.

Một số đồng bằng đất bồi được tìm thấy trong khu vực hành lang. Với khí hậu ôn hòa, vị trí thuận lợi so với khu vực thủ đô và phương tiện giao thông sẵn có, khu vực này đã trở thành những trung tâm trồng rau. Ở những vùng cao trên các ngọn đồi trập trùng người ta trồng quít và trà. Khu vực hành lang này cũng có một số trung tâm công nghiệp nhỏ quan trọng. Vùng phía Tây của Tokai có cánh đồng Nobi, nơi lúa gạo đã được trồng từ thế kỷ thứ 7. Nagoya, đối diện với vịnh Ise, là một trung tâm công nghiệp nặng, chế biến sắt thép và máy móc.

KINKI

Vùng Kinki nằm ở phía Tây Tokai và bao gồm bảy quận, tạo thành một vùng khá hẹp của đảo Honshu, trải dài từ Biển Nhật Bản ở phía Bắc đến Thái Bình Dương ở phía Nam. Nó bao gồm một phức hệ công nghiệp - thương mại lớn thứ hai của Nhật Bản, tập trung ở Osaka và Kobe, và hai thành phố Nara và Kyoto nguyên trước kia là thủ đô, nơi ở của các gia đình hoàng tộc từ thế kỷ thứ 8 cho đến thời kỳ Meiji năm 1868. Vùng này phong phú về lịch sử văn hóa và lịch sử các triều đại hoàng đế, và đã thu hút nhiều khách du lịch Nhật Bản cũng như nước ngoài.

Khu đồng bằng Osaka là nơi Osaka, Kobe và một số thành phố công nghiệp cỡ vừa cùng hợp thành phức hệ thương mại - công nghiệp Hanshim. Kể từ thập kỷ 1980, khu vực ngoại ô Osaka đã được sử dụng cho nông nghiệp, trong đó người ta trồng rau, nuôi bò sữa, nuôi gia cầm và trồng lúa. Những khu vực này dần dần bị thu hẹp vì thành phố được mở rộng và những khu dân cư, bao gồm nhiều đơn vị gọi là “thành phố mới” được xây dựng.

CHUGOKU

Vùng Chugoku, chiếm phần cuối phía Tây của đảo Honshu, bao gồm năm quận. Đặc điểm của vùng này là đồi núi không đồng đều cùng với những khu vực đồng bằng hạn chế, và nó được chia thành hai phần rõ rệt bởi những dãy núi chạy từ Đông sang Tây qua vùng trung tâm. Khu vực phía Bắc tương đối hẹp hơn, được gọi là San’in có nghĩa là “mặt râm của núi”, và khu vực phía Nam được gọi là San’y có nghĩa là “mặt nắng của núi”, do sự khác biệt về thời tiết ở hai bên. Cả vùng Biển Nội Địa, bao gồm San’yo, đã trải qua những phát triển nhanh chóng vào cuối thế kỷ 20. Thành phố Hiroshima, được xây dựng lại sau khi bị tàn phá bởi quả bom nguyên tử năm 1945, là một trung tâm công nghiệp với số cư dân hơn 1 triệu người. Việc đánh bắt quá lố và sự ô nhiễm đã làm giảm sản lượng của vùng đánh cá Biển Nội Địa, và khu vực này tập trung vào công nghiệp nặng. Tuy nhiên khu vực San’in ít công nghiệp hóa hơn và phụ thuộc vào nông nghiệp.

SHIKOKU

Vùng Shikoku -bao gồm toàn bộ hòn đảo Shikoku – có diện tích khoảng 18.800 km2 và có bốn quận. Nó được nối với đảo Honshu bằng phà, bằng đường hàng không và từ năm 1988 bằng hệ thống cầu Ohashi. Cho đến trước khi hoàn thành những chiếc cầu này, vùng này bị cô lập với phần còn lại của Nhật Bản. Ngày nay với hệ thống cầu, việc phát triển kinh tế ở cả hai đảo có rất nhiều thuận lợi.

Những dãy núi chạy từ Đông sang Tây đã chia Shikoku thành hai khu vực, khu vực hẹp ở phía Bắc hướng ra Biển Nội Địa, và khu vực phía Nam hướng ra Thái Bình Dương. Hầu hết cư dân sống ở phía Bắc, và hầu hết những thành phố lớn của đảo tọa lạc ở đó. Công nghiệp ở đây khá phát triển, trong đó có ngành chế biến quặng khai thác được từ mỏ đồng Besshi. Đất đai ở đây được tận dụng. Những vùng đất bồi, đặc biệt là ở phía Đông được người ta trồng lúa gạo và sau đó tăng thêm một vụ lúa mì và lúa mạch vào mùa Đông. Trái cây được trồng ở khắp vùng phía Bắc với nhiều loại như cam, quít hồng, đào và nho.

Khu vực đất rộng hơn ở phía Nam Shikoku có nhiều núi và dân cư thưa thớt. Chỉ có một vùng đất thấp quan trọng là khu đồng bằng đất bồi ở Kochi, khu vực thủ phủ của quận. Mùa Đông ôn hòa ở đây giúp người ta trồng được trái cây, và đặc biệt là trồng các loại rau trái mùa trong các vỏ che bằng plastic. Ở phía Nam người ta có thể trồng được hai vụ lúa. Ở đây ngành công nghiệp chế biến giấy có thuận lợi về nguồn rừng phong phú và các nhà máy thủy điện.

KYUSHU

Kyushu là vùng cực Nam của đảo chính và hiện nay bao gồm bảy quận. Đây là nơi để đặt chân lên đảo Honshu của những người nhập cư từ bán đảo Triều Tiên và là một kênh truyền bá các tư tưởng từ vùng lục địa châu Á. Kyushu nằm ở phía Tây Biển Nội Địa. Đỉnh cực bắc của nó chỉ cách đảo Honshu 1,6 km, và hai đảo được nối với nhau bằng cầu Kammon và ba đường hầm, trong đó có một đường hầm dành cho tuyến đường sắt cao tốc. Vùng này được chia cắt không những chỉ về mặt địa lý mà còn cả về mặt kinh tế bởi dãy núi Kyushu chạy ngang vùng trung tâm hòn đảo. Khu vực phía Bắc, bao gồm cả vùng công nghiệp Kitakyushu, đã trở nên ngày càng đô thị hóa và công nghiệp hóa sau Thế chiến thứ II trong khi đó khu vực phía Nam lại trở nên nghèo đi. Khu vực đồi núi phía Tây Bắc của đảo là vùng mỏ than lớn thứ hai của Nhật, tạo cơ sở cho một ngành công nghiệp lớn về sắt và thép. Một vùng đất thấp rộng lớn ở phía Tây Bắc giữa Kumamoto và Saga là một khu vực nông nghiệp quan trọng.

Khí hậu vùng Kyushu thường ấm áp và ẩm thấp, và việc trồng các loại rau trái được phụ thêm bằng việc nuôi trâu bò. Các thành phố Kitakyushu và Sasebo sản xuất được sắt và thép, còn Nagasaki chủ yếu là chế biến. Nagasaki là một thành phố quan trọng về lịch sử và văn hóa, một trung tâm cho những ảnh hưởng của Trung Hoa và phương Tây từ thế kỷ 16 đến nay, và là cảng duy nhất mở ra cho các tàu nước ngoài trong hầu hết thời kỳ Tokugawa. Cũng giống như Hiroshima, thành phố này đã được xây dựng lại sau khi bị tàn phá bởi bom nguyên tử năm 1945.

CÁC ĐẢO RYUKYU

Nhóm đảo Ryukyu bao gồm hơn 200 hòn đảo lớn nhỏ - có đảo chỉ lớn hơn một rạn san hô - trong đó có dưới một nửa có cư dân sinh sống. Nhóm đảo này trải thành một dải chủ yếu là theo hướng Tây Nam từ eo biển Tokara, eo biển này ngăn cách chúng với những hòn đảo ngoại vi của Kyushu, đến khoảng cách 120 km so với Đài Loan.

Nhóm đảo là những đỉnh núi chạy dọc theo thềm lục địa. Những đảo này thường có nhiều đồi núi, với những núi lửa tập trung chủ yếu ở phía Bắc. Okinawa là đảo lớn nhất và quan trọng nhất về kinh tế trong nhóm đảo Ryukyu. Ở đây có ít ngành công nghiệp và kinh tế phụ thuộc chính vào du lịch. Phía Bắc Okinawa có núi non trập trùng và nhiều rừng, trong khi vùng phía Nam bao gồm những ngọn đồi uốn lượn. Mặc dù nông nghiệp và ngư nghiệp là nghề sinh sống của hầu hết cư dân ở đây, vùng này đã trải qua một cuộc mở rộng công nghiệp đáng kể trong thời kỳ Mỹ đóng quân từ 1945 đến 1972.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2245-02-633495514333437500/Dia-ly/Cac-vung-dia-ly-cua-Nhat-Ban.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận