Thời kỳ Kamakura (1192 - 1333)
Năm 1185 gia đình Minamoto đã nắm quyền cai trị Nhật Bản sau khi đã đánh bại thị tộc Taira trong cuộc chiến Gempei. Minamoto Yoritomo được chỉ định làm tướng quân năm 1192 và thiết lập chính quyền mới, chính quyền Kamakura Bakufu. Chính quyền phong kiến mới này được tổ chức theo cách thức đơn giản hơn chính quyền ở Kyoto và làm việc có hiệu quả hơn nhiều trong hoàn cảnh của nước Nhật lúc đó.
Sau khi Yoritomo qua đời năm 1199, việc tranh chấp quyền lực tối thượng đã nổ ra giữa Bakufu của Kamakura và triều đình của hoàng đế ở Kyoto. Cuộc xung đột chấm dứt năm 1221 trong cuộc xáo trộn Jokyu khi Kamakura đánh bại quân đội hoàng đế Kyoto, và các quan nhiếp chính Hojo ở Kamakura nắm toàn quyền cai trị Nhật Bản. Bằng việc phân phát lại đất đai lấy được trong cuộc xáo trộn Jokyu, họ đã thu phục được sự trung thành của những người quyền thế khắp đất nước. Hoàng đế và các cơ quan còn lại của chính quyền ở Kyoto đã mất tất cả quyền hành.
Ảnh hưởng của Trung Hoa vẫn tiếp tục tương đối mạnh trong thời kỳ Kamakura. Các trường phái Phật giáo mới được du nhập: trường phái Thiền (đưa vào năm 1191) đã có rất nhiều người theo trong số các samurai, bây giờ là thành phần dẫn đầu trong xã hội.
Năm 1232 một bộ luật mới, bộ luật Joei Shikimoku, được ban hành. Bộ luật này nhấn mạnh các giá trị Khổng giáo được đề cao, chẳng hạn như lòng trung thành đối với chủ, và nhìn chung là nhằm kìm hãm sự suy thoái về đạo đức và kỷ luật. Sự kiểm soát chặt chẽ được duy trì bởi thị tộc Hojo, và bất kỳ dấu hiệu phản loạn nào cũng đều bị đập tan tức thì.
Tướng quân ở Kamakura chẳng có bao nhiêu quyền hành, trong khi các đại diện của ông ta thì lại đóng ở Kyoto và miền Tây nước Nhật. Những quan quản lý và các nguyên soái kiểm soát các tỉnh một cách chặt chẽ và trung thành. Thực tế là các quan nhiếp chính đã mang lại hòa bình và sự phát triển kinh tế cho cho đất nước trong vòng mấy thập kỷ, cho đến khi một thế lực ngoại bang bắt đầu đe dọa Nhật Bản.
Năm 1259 người Mông Cổ đã chinh phục Trung Hoa và bắt đầu quan tâm tới Nhật Bản. Nhiều thư đe dọa của người Mông Cổ đã bị Kamakura phớt lờ. Điều này dẫn đến cuộc xâm lăng lần thứ nhất của người Mông Cổ vào năm 1274 tại đảo Kyushu. Tuy nhiên, chỉ sau vài giờ giao chiến, đoàn tàu xâm lăng to lớn đã buộc phải tháo lui vì thời tiết xấu. Đây là một điều rất may mắn đối với người Nhật vì sự so le của người Nhật đối với lực lượng Mông Cổ to lớn và hiện đại là không thuận lợi chút nào cho họ.
Nhờ vào sự chuẩn bị kỹ lưỡng, người Nhật đã có thể cầm cự được trong vòng mấy tuần lễ trong cuộc xâm lăng lần thứ hai vào năm 1281. Nhưng rồi lần này người Mông Cổ cũng lại bị buộc phải rút lui vì thời tiết xấu. Kyushu ở tình trạng báo động cho một cuộc xâm lăng thứ ba, nhưng rồi sau đó người Mông Cổ lại có quá nhiều vấn đề phải giải quyết ở lục địa hơn là để ý đến nước Nhật.
Hậu quả của nhiều năm chuẩn bị chiến tranh với Mông Cổ là rất trầm trọng đối với chính quyền Kamakura vì họ chỉ chi phí ra mà không tạo được lợi nhuận. Nhiều người trung thành đã chiến đấu cho Kamakura bây giờ chỉ chờ đợi tiền thưởng mà chính quyền không thể trả được. Do đó, những vấn đề về tài chính và sự suy giảm lòng trung thành của các vị quan chức quyền lực là những lý do dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Kamakura.
Năm 1333 quyền lực của các quan nhiếp chính Hojo đã suy giảm đến độ hoàng đế Go-Daigo đã có khả năng thu tóm lại uy quyền và lạt đổ Kamakula Bakufu.