Tài liệu: Nước Nga - Cải cách giáo dục ở Nga

Tài liệu
Nước Nga - Cải cách giáo dục ở Nga

Nội dung

CẢI CÁCH GIÁO DỤC Ở NGA

 

Vào giữa thập kỷ 1980 đã có những thay đổi lớn để đáp ứng cho những nhu cầu về xã hội và kinh tế của chương trình perestroika ở Nga (sự cải tổ chế độ kinh tế, chính trị ở Nga). Chất lượng giáo viên đã sụt giảm, hệ thống chương trình cũ làm cho nhiều học sinh kém năng khiếu bị tụt lại phía sau, sách giáo khoa lạc hậu, cơ cấu giáo dục không giúp phát huy được sáng kiến của giáo viên và người quản lý, đồng thời sự phát triển, đánh giá và nghiên cứu về giáo dục hầu như không có.

Perestroika đã đưa một luồng ánh sáng mới vào tình trạng u tối của giáo dục: những giáo viên có phương pháp đặc biệt hoặc lạ thường đã được phát hiện và những công trình của họ đã được phổ biến trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Người ta đã bắt đầu chú ý đặt các nhu cầu của học sinh lên trên ý thức hệ hay sự phục tùng mù quáng. Khi Dneprov bất ngờ trở thành bộ trưởng Bộ Giáo dục vào năm 1990, điều này đã trở thành một loại chính sách chính thức của nhà nước. Những tài liệu được soạn thảo dưới sự lãnh đạo của Dneprov đã làm thành những nguyên tắc chỉ đạo cho nền giáo dục Nga. Những từ ngữ và những ý tưởng như “sự nhân tính hóa”, “sự nhân bản hóa”,... đã trở thành trung tâm của sự quan tâm đối với các nhà giáo dục ở mọi cấp.

Một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục là vấn đề kinh tế. Giáo viên đã không được trả lương xứng đáng. Những số liệu của Bộ Giáo dục cho thấy sự sụt giảm của đồng lương giáo viên so với mức lương bình quân của công nhân trong các ngành công nghiệp. Trong những năm thực hiện perestroika, lương giáo viên đã tăng lên và đạt mức từ 65% đến 75% so với lương trung bình của công nhân. Khi thống kê của Bộ Giáo dục đưa ra con số đáng phấn khởi vào tháng 2 năm 1994 là mức lương giáo viên đã đạt 79% mức lương của công nhân, thì đến tháng 12 năm đó con số này đã giảm xuống còn 65%. Sau đó, đến tháng 9 năm 1995 tỉ lệ này còn sụt xuống đến 55%. Trên những trang báo chuyên ngành của giáo viên luôn luôn có những lời than phiền từ các giáo viên, từ những nhà trường và đôi khi từ cả một thành phố hay khu vực về tình trạng suốt hai, ba hay đôi khi đến bốn tháng liền giáo viên chưa được phát lương.

Số lương nữ giáo viên chiếm 84%, trong đó có 9% đã đến tuổi về hưu. Trình độ của giáo viên ổn định ở mức độ là có 74% được học ở cấp độ giáo dục cấp cao, nhưng còn 22% chỉ có chứng chỉ của một trường trung học sư phạm đặc biệt, và 1% chỉ có trình độ trung học phổ thông. Nơi làm việc của giáo viên cũng là một vấn đề cần đặt ra. Theo số liệu điều tra, có 11% số trường học cần đến kinh phí để sửa chữa, và 7% ở trong tình trạng nguy hiểm. Đối với các trường phục vụ cho những khu dân cư đặc biệt, tình trạng còn tệ hơn nữa: 56% những trường này cần phải sửa chữa và 7% ở trong tình trạng nguy hiểm. Ngay cả ở những khu vực tương đối tiến bộ như Nizhnii Novgorod, vào cuối năm 1993 có 42% số trường không được kết nối với hệ thống cống thoát nước, 29% thiếu nước máy và 27% thiếu hệ thống sưởi ấm. Tình trạng thiếu thốn tương tự cũng xảy ra đối với việc cung cấp sách giáo khoa cho học sinh. Việc thiếu nguồn ngân quỹ đã làm ngưng những kế hoạch xây dựng trường mới, và có 25% học sinh phải học ca hai hoặc ca ba.

Ngoài các vấn đề nói trên, nước Nga còn phải đối đầu với vấn đề sức khỏe của học sinh. Rất nhiều học sinh đi học trong trạng thái sức khỏe bất ổn, do thiếu dinh dưỡng, do bệnh bẩm sinh, do môi trường tự nhiên xung quanh, hoặc do tất cả các nguyên nhân này. Bộ Giáo dục đã ước lượng là trong năm 1994 có đến 80% học sinh có vấn đề về sức khỏe với đủ dạng khác nhau, từ bệnh về mắt đến bệnh sâu răng, cho đến các bệnh về tim và hệ tuần hoàn. Ngoài ra còn có 31% học sinh có những triệu chứng về thần kinh tâm lý, trong đó chỉ có 5% là được chữa trị, và số còn lại vẫn ngồi ở các lớp học bình thường.

Cho đến nay đã có nhiều loại trường mới được mở ra, trong đó có cả trường công lập lẫn tư thục. Phụ huynh và những người quản lý đã quan tâm nhiều hơn đến công việc của các giáo viên. Nhiều thành phố và khu vực đã soạn thảo những chương trình mới và một số đã có những sách giáo khoa mới. Ở nhiều mức độ khác nhau, các loại tài liệu và giáo trình đã gia tăng ở các địa phương. Và tối thiểu cũng đã có sự bắt đầu của một nền văn hóa dựa trên luật pháp trong công tác giáo dục. Trong sự phát triển này là việc đánh giá thường xuyên việc giảng dạy của giáo viên và việc công nhận các cơ sở giáo dục, một điều mà trước kia chưa bao giờ diễn ra thường xuyên trong công việc của giáo viên.

Vào cuối thập kỷ 1980 một số hoạt động của phong trào đổi mới trong giáo dục đã được triển khai. Chủ yếu trong các hoạt động này là công tác tư vấn tư nhân và các nhóm đào tạo thực nghiệm đã được tổ chức. Nhóm Eureka, vốn đã tổ chức cho các giáo viên đề xuất việc nhân bản hóa và đa dạng hóa giáo dục vào cuối thập kỷ 1980, đã thành công trong việc cung ứng các cuộc hội thảo và các khóa đào tạo cho các giáo viên của Nga và các khu vực thuộc Liên Xô cũ. Một số tổ chức khác như Trung tâm Chính sách Văn hóa, Học viện Phát triển Giáo dục Moscow, Hiệp hội Phát triển Giảng dạy, đã rất năng động trong việc tổ chức các cơ hội đào tạo cho giáo  viên. Những tổ chức này, cùng với rất nhiều những doanh nghiệp địa phương và doanh nghiệp tư nhân, đã thu hút các giáo viên vào việc học hỏi những mô hình sư phạm mới chia sẻ ý kiến với nhau và học tập những mô hình của nước ngoài.

Phong trào cải cách, vốn phải đối đầu với những thay đổi chung về kinh tế, cũng đạt được những thành quả nhất định với cơ cấu truyền thống trong việc đào tạo giáo viên tại chức. Những thành quả này, nếu không làm phục hồi được cả nền giáo dục thì ít nhất cũng chặn đứng được sự suy thoái của nó. Rất nhiều cơ sở giáo dục tại chức của các địa phương đã thực hiện được nhiều chuyển biến đáng kể trong những năm gần đây.

Nizhnii Novgorod và Rianzan đã thành lập những Học viện Phát triển Giáo dục, trong khi Ekaterinburg có Trung tâm Phát triển Giáo dục Địa phương, còn Krasnodar và Novgorod có các Trung tâm Thực nghiệm. Việc thay đổi các danh xưng này là quan trọng nếu như trong thực tế việc này thể hiện sự thay đổi trong mục tiêu cung cấp nhiều hơn những khóa học cho các giáo viên và đi vào các lĩnh vực mà ngày càng nhiều những nhà quản lý giáo dục và các chính trị gia tin là cần thiết. Những lĩnh vực này bao gồm việc qui hoạch lâu dài cho giáo dục, các cách tiếp cận mới trong việc chẩn đoán và xử lý những vấn đề về giáo dục và học tập qua thực tế lớp học và những giải pháp dựa trên cơ sở nhà trường, cùng với những cách tiếp cận mới trong việc kiểm tra và đánh giá cả học sinh lẫn chương trình học.

Có lẽ cuộc thử nghiệm thú vị nhất là ở Samara, nơi cuối cùng các cán bộ đã đưa ra một hệ thống mới cho những nhà giáo dục nhằm cho phép họ sử dụng mô hình phân công trong đào tạo tại chức ở tất cả các cơ sở giáo dục trong địa phương này. Những người có trách nhiệm đã đề xuất phương án thi đua giữa các trường để nâng cao chất lượng giáo dục. Nhiều cách tiếp cận mới đã được áp dụng tại nhiều cơ sở đào tạo tại chức khác nhau. Ở Moscow, Học viện Nâng cao Chất lượng đã tích cực nghiên cứu việc ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ cho giáo dục. Ở Nizhnii Novgorod đã có nhiều nỗ lực trong việc phân biệt các hình thức soạn bài khác nhau và nội dung này đã được đưa vào chương trình giáo dục thường xuyên cho các giáo viên, với cấp độ học lên đến cao học. Học viện Nâng cao Chất lượng Toàn Nga đã dự tính đưa ra một mô hình cho các cơ sở địa phương và mở các khóa đào tạo những nhà quản trị giáo dục ở cấp địa phương và cấp khu vực, cũng như cho các giáo viên có phận sự trong các chương trình thực nghiệm và phát triển.

Nói chung, trong khi những chương trình thực hiện bởi những cơ sở đào tạo tại chức có thể được một số giáo viên nhìn nhận là chưa đáp ứng đúng những nhu cầu của họ, những chương trình này thực tế cũng đã có những bước nghiêm túc tiến đến chỗ thay đổi phong cách làm việc truyền thống, và đang nỗ lực làm cho phù hợp với những quan tâm thực sự của các nhà giáo dục. Một phần, đây cũng là quá trình tự nhiên trong một bối cảnh mà sự cạnh tranh gia tăng và nguồn ngân quỹ tài trợ của trung ương bị sụt giảm. Nhưng quá trình này cũng có những khó khăn mà đội ngũ cán bộ và giáo viên nhà trường ở nhiều nước khác đã gặp phải trong khi nỗ lực thay đổi triệt để phong cách làm việc của họ. Việc thay đổi trong một thể chế mang tính bảo thủ như thể chế giáo dục không thể thực hiện được một cách nhanh chóng và dễ dàng, một bài học mà các nhà giáo dục phương Tây cũng đã dần dần nhận thức ra giống như những đồng nghiệp người Nga của họ.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1992-02-633470658279375000/Giao-duc/Cai-cach-giao-duc-o-Nga.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận