Tài liệu: Nước Nga - Moscow

Tài liệu
Nước Nga - Moscow

Nội dung

 

MOSCOW

 

PHÒNG TRƯNG BÀY NGHỆ THUẬT QUỐC GIA TRETYAKOV

Phòng Trưng bày Nghệ thuật Quốc gia Tretyakov là một dạng bảo tàng quốc gia về mỹ thuật của thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ 20. Phòng trưng bày này có hai địa điểm, nằm cách nhau mấy quận trong thành phố Moscow.

Bộ sưu tập ở đây thể hiện đầy đủ lịch sử của nghệ thuật Nga từ thời cổ đại cho đến đương đại. Ngoài ra trong phòng trưng bày này còn có những bảo tàng kỷ niệm các danh nhân của Nga: tầng lầu A. Vasnetsov, Nhà V. Vasnetsov, phòng A. Golubkina, tầng lầu Korin, Nhà Goncharova và M. Larionov.

 

BẢO TÀNG MỸ THUẬT QUỐC GIA PUSHKIN

Đây là một trong những bảo tàng lớn nhất nước Nga về nghệ thuật thế giới. Kho hiện vật tại đây có trên nửa triệu tác phẩm nghệ thuật. Bảo tàng này tọa lạc trong một công trình kiến trúc được xây dựng từ 1898 đến 1912, ngay tại trung tâm Moscow, gần điện Kremlin. Tên hiện nay của bảo tàng được đặt vào năm 1937, theo tên của một nhà thơ vĩ đại của Nga.

 

ĐIỆN KREMLIN

Qua nhiều thế kỷ tồn tại, điện Kremlin Moscow đã chứng kiến nhiều sự kiện nổi tiếng trong lịch sử nước Nga. Súng đạn của quân thù đã từng bắn vào những bức tường này, và những cuộc lễ kỷ niệm cũng như những cuộc cách mạng cũng đã từng diễn ra ở đây. Hiện nay điện Kremlin Moscow là một trong những nhà bảo tàng lớn nhất thế giới. Biểu chương của nước Nga, những biểu tượng vô giá, những kho tàng của các Nga hoàng, tất cả đều được lưu giữ trong các phòng và các nhà thờ của điện Kremlin.

Tháp Spasskaya được coi như ngọn tháp đẹp nhất của điện Kremlin, được kiến trúc sư Pietro Antonio Solari xây dựng vào năm 1491. Trong hơn 150 năm một vật kỷ niệm độc đáo của nghệ thuật đúc của Nga trong thế kỷ 18 nằm bên dưới tháp chuông Ivan Đại đế, đó là quả chuông Hoàng đế nổi tiếng. Những quả chuông lớn đã được đúc tại Moscow vào thế kỷ 16 và 17, nhưng ngoại trừ quả chuông này, tất cả đều không còn tồn tại cho đến ngày nay. Trong trận cháy lớn ở Moscow năm 1701, quả chuông này đã rơi xuống và bị vỡ thành từng mảnh.

Khẩu đại bác Hoàng đế, do Andrey Shchokhov đúc năm 1586 dưới triều của Fyodor, là khẩu súng cổ nhất và lớn nhất trên thế giới. Ngoại hình của tác phẩm độc đáo này là kết quả của sự phát triển trong nghề đúc thủ công xưa nhất của Nga, từ thế kỷ thứ 10. Chiều dài của khẩu súng này đo được 5,34 mét. Đường kính vòng ngoài của nòng súng là 120 cm, và đường kính bên trong của nòng là 89 cm. Trong hơn 400 năm tồn tại của nó, khẩu đại bác Hoàng đế đã thay đổi vị trí nhiều lần. Đến thế kỷ 18 nó được dời đến điện Kremlin, và lúc đầu được đặt ở sân của tòa nhà Arsenal, sau đó được đưa đến cổng chính của tòa nhà này. Năm 1835 chiếc xe bằng sắt dùng để mang khẩu đại bác này đã được đúc ở nhà máy Berd tại St. Petgersburg theo mô hình của kiến trúc sư A.P. Brullov và bản vẽ của kỹ sư P.Y. de Vitte. Lúc đó khẩu đại bác Hoàng đế được đặt trên xe, đã nằm đối diện với tòa nhà Arsenal. Bốn viên đạn dùng để trang trí, mỗi viên nặng 1.000 kg, đã được đặt cạnh khẩu súng độc đáo này. Năm 1960, khẩu súng này đã được dời đến nhà thờ Mười hai Tông đồ tại quảng trường Ivanovskaya, và yên vị tại đó cho đến ngày nay.

 

QUẢNG TRƯỜNG ĐỎ

Theo sự xác định của sử sách cổ, Quảng trường Đỏ đã xuất hiện vào cuối thế kỷ 15, khi Ivan III ra lệnh phá hủy tất cả những căn nhà bằng gỗ bao quanh điện Kremlin và bố trí nơi này thành một khu chợ. Đó chính là lý do vì sao đầu tiên quảng trường này có tên là Quảng trường Thương mại. Tuy nhiên đến thế kỷ 16 quảng trường lại được đặt tên là Quảng trường Ba ngôi, theo tên của nhà thờ Thánh Ba ngôi. Đến thế kỷ 19 thì quảng trường này được đặt tên như hiện nay.

LĂNG LÊ NIN

Ngay tại trung tâm của Quảng trường Đỏ là Lăng Lê Nin, một công trình vừa là lăng mộ vừa là đài kỷ niệm, trong đó có thi hài của Lê Nin được đặt trong một quan tài bằng pha lê. Khi Lê Nin qua đời, người ta đã quyết định xây một lăng mộ bên cạnh bức tường Kremlin. Công trình này do kiến trúc sư A. Shchusev thực hiện. Ngày 27 tháng Giêng năm 1924 một lăng mộ tạm thời đã được xây dựng. Đó là một công trình hình vuông với một kim tự tháp ba tầng. Vào mùa Xuân năm đó, lăng mộ này lại được thay thế bằng một lăng mộ tạm thời khác, cũng bằng gỗ.

Lăng Lê Nin hiện đại bằng đá ngày nay được xây dựng năm 1930, cũng do kiến trúc sư A. Shchusev thiết kế. Đây là một tòa nhà qui mô lớn được lợp bằng gạch granit đỏ thẫm, đá pocfia và đá đen. Sắc đỏ và đen đã cho lăng mộ này một nét tương phản rõ rệt và một vẻ khắc khổ u sầu. Ngay ở cổng vào, tên của Lê Nin được chạm bằng đá pocfia đỏ trên nền đá đen. Cùng lúc đó ở cả hai bên tòa nhà này, dọc theo điện Kremlin, một khán đài có sức chứa 10.000 người đã được xây dựng.

BẢO TÀNG LỊCH SỬ MOSCOW

Bảo tàng Lịch sử Moscow là một trong những bảo tàng cổ nhất của thành phố. Bộ sưu tập của bảo tàng này dựa trên cơ sở những hiện vật đã được trưng bày tại gian hàng “Moscow” trong cuộc Triển lãm Nghệ thuật và Công nghiệp Toàn Nga năm 1896 tại Nizhny Novgorod. Tại đây chính quyền thành phố Moscow đã triển lãm những thành tựu trong việc xây dựng tất cả tiện nghi cho thành phố, cải thiện tình trạng y tế và vệ sinh, trong giáo dục cộng đồng và công tác từ thiện. Ngay trong năm đó Bảo tàng Tiện nghi và Dịch vụ Đô thị Moscow đã được khai trương theo lệnh của viện Duma thành phố Moscow. Bảo tàng này tọa lạc tại một trong những ngọn tháp Krestovsky.

Đến năm 1921 bảo tàng này được gọi là Bảo tàng Đô thị Moscow và được tọa lạc tại tháp Sukhareva, một công trình của thế kỷ 17 đã được khôi phục lại. Sau khi kế hoạch tái thiết thành phố Moscow được chấp thuận vào năm 1935, tên gọi và vị trí của bảo tàng này lại một lần nữa được thay đổi. Lần này nó được đặt tên là Bảo tàng Lịch sử và Tái thiết Moscow, và được dời đến tòa nhà của nhà thờ Thần học John, nơi tọa lạc ngày nay của bảo tàng này. Năm 1987 bảo tàng đã được gọi là Bảo tàng Lịch sử Moscow.

 

BẢO TÀNG TRẬN ĐÁNH BORODINO

Tòa nhà của bảo tàng này đã được xây dựng tại một địa điểm lịch sử. Nơi đây đã từng là ngôi láng Fil1 (ở ngoại ô Moscow), nơi ngày 13 tháng 9 năm 1812 hội đồng chiến tranh đã nhóm họp trong một căn nhà bằng gỗ của một nông dân. Lúc đó số phận không những chi của Moscow mà của toàn nước Nga đang lâm nguy.

Ngay trước bảo tàng người ta có thể nhìn thấy bức tượng bán thân của M.I. Kutuzov. Gần đó là một ngôi nhà trước đây vừa là nhà nguyện vừa là bảo tàng Kutuzov, được xây dựng để kỷ niệm 100 năm cuộc Chiến tranh ái quốc, cùng với một đài kỷ niệm có 300 ngôi mộ của các chiến binh Nga. Không xa nhà bảo tàng, trên đại lộ Kutuzov, là Cổng Chiến thắng được xây dựng năm 1834. Năm 1973 một đài kỷ niệm khổng lồ về các anh hùng trong cuộc chiến tranh năm 1812 đã được xây dựng phía trước bảo tàng, trên đỉnh có tượng cưỡi ngựa của Kutuzov.

Trọng điểm của khu quần thể này là Bảo tàng Tranh Toàn cảnh. Đầu tiên, bảo tàng chỉ có mục đích trưng bày một hiện vật duy nhất, đó là bức tranh toàn cảnh “Trận chiến Borodino”, do Franz Roubaut, một viện sĩ hàn lâm về hội họa, vẽ năm 1912. Kiệt tác nổi bật về chiến trận này có thể coi là một công trình kỷ niệm về các chiến tích của những chiến binh Nga, vốn đã quét sạch quân xâm lược và giải phóng cho quê hương của họ.

Dần dần, một bộ sưu tập khổng lồ gồm nhiều loại hình khác nhau đã được qui tập về đây. Và ngày nay ở đây có trưng bày những hiện vật về chiến tranh của thời tiền sử, những di vật của chiến dịch năm 1812, từ đầu cuộc chiến tranh cho đến khi quân đội Napoleon tan rã. Ở đây có những tác phẩm xuất chúng về hội họa, điêu khắc được sáng tác bởi những người của thời kỳ chiến tranh đó cũng như những họa sĩ trong thời sau; cùng với những bộ quân phục, những lá cờ và các loại vũ khí phản ánh chủ nghĩa anh hùng của quân đội và nhân dân Nga. Tuy nhiên, bức tranh toàn cảnh vẫn là hiện vật trung tâm của bảo tàng này. Đây là một bức tranh vải có chicu dài 115 mét và chiều ngang 15 mét, thể hiện cao điểm của trận đánh Borodino lịch sử.

NÚI POKLONNAYA

Núi Poklonnaya là công trình kỷ niệm quan trọng nhất, được xây dựng để tôn vinh chiến thắng trong cuộc Chiến tranh ái quốc Vĩ đại. Ngày 23 tháng 2 năm 1958 ở vị trí này người ta đã đặt một tấm bảng bằng đá granit có khắc dòng chữ: “Nơi đây sẽ là công trình kỷ niệm cho Chiến thắng của nhân dân Xô Viết trong cuộc Chiến tranh ái quốc Vĩ đại”.

Cây cối đã được trồng xung quanh khu vực, một công viên đã được hình thành với tên gọi là Công viên Chiến thắng. Cả khu quần thể này rộng 135 héc ta. Người ta đã bắt đầu chọn lựa thiết kế tuyệt hảo nhất cho công trình này. Tuy nhiên, đến lúc đó một vấn đề chưa thể giải quyết là người ta không thể chọn được cái nào trong số những đề án đã được đệ trình. Mọi sự vẫn không thay đổi cho đến khi thị trưởng Moscow là J.M. Luzhkov đứng ra quản lý việc xây dựng này. Công trình này, vốn có nhiều đe dọa sẽ bị ngừng trệ, cuối cùng đã hoàn tất trong vòng 3 năm.

 

NHÀ THỜ CHÚA CỨU THẾ

Công trình được khởi công vào năm 1839, theo phong cách Nga-Byzantin, theo thiết kế của kiến trúc sư K.A. Ton. Thánh đường này được hoàn tất năm 1883, trong ngày lễ đăng quang của hoàng đế Nikolay I. Ngôi thánh đường được xây dựng với 5 mái vòm, cùng với một ngọn tháp trung tâm và bốn ngọn tháp xung quanh, với 14 quả chuông. 600 chiếc giá đỡ nến đã được trang bị trong một mái vòm để thắp sáng vào ban đêm. Những ngọn đèn điện đầu tiên của Moscow xuất hiện ở quảng trường đối diện với thánh đường. Thánh đường này có chiều cao 103 mét. Đến năm 1931 ngôi thánh đường này đã bị bão thổi sập. Năm 1995 người ta đã đặt viên đá đầu tiên để tái thiết lại thánh đường này, và đến nay việc xây dựng đã hoàn tất.

 

NỮ TU VIỆN NOVODEVICHY

Đây là một trong những nữ tu viện đẹp nhất ở Moscow, được thành lập vào đầu thế kỷ 16. Tổng thể kiến trúc của tu viện này được hoàn tất vào cuối thế kỷ 17, và cho đến nay vẫn là một trong những kiến trúc độc đáo nhất ở Nga. Trong nhà thờ Smolensk tại đây có một bức tranh tường rất giá trị từ thế kỷ 16. Những thành viên trong các gia đình quý tộc, những người thân thuộc của các Nga hoàng, vị anh hùng trong cuộc Chiến tranh ái quốc là D.V. Davydov, nhà văn I.I. Lazhechnikov, nhà viết sử S.M. Solovyev, tất cả đều được mai táng tại đây. Những nữ tu ở đây cũng là thành viên trong giới quý tộc phong kiến, trong số đó có những người trong gia đình Ivan Khủng khiếp, Boris Godunov, Peter Đại đế.

 

DI SẢN KUSKOVO

Di sản, hay cung điện Kuskovo được xây dựng theo thị hiếu và những qui tắc trong cuộc sống và nghệ thuật của giới quý tộc Nga vào thế kỷ 18. Đây là một trong những tiêu mẫu cổ xưa nhất về những nơi nghỉ mát mùa Hè ở Nga.

Theo thiết kế của chủ nhân khu vực này là bá tước Pyotr Borisovich Sheremetev, đây là một cung điện lớn hơn và đẹp hơn những trang viên của những nhà quý tộc khác, và có thể so sánh với nơi ở của các vị vua chúa. Việc xây dựng khu vực này được thực hiện trong thập kỷ 30 đến thập kỷ 90 của thế kỷ 18. Diện tích của khu này là trên 300 héc ta, trong đó có 3 công viên cùng với một hệ thống các hồ nước.

“Nhà nghỉ mát mùa hè của bá tước Sheremetev”, tên trước kia của Kuskovo, được dành cho những buổi tiếp tân trọng thể, những lễ hội có pháo hoa và những dịp kỷ niệm có rất đông người tham dự. Những buổi tiếp tân trang nghiêm nhất đã được tiến hành trong Cung điện.

 

DI SẢN OSTANKINO

Trong số những di sản nổi tiếng ở gần Moscow, Ostankino đóng một vai trò đặc biệt, tượng trưng cho một trong số những đỉnh cao văn hóa của Nga vào thế kỷ 18. Trong Kỷ nguyên Giáo dục người ta đã kêu gọi tầng lớp quý tộc phục vụ cho những mục đích cao cả, trong đó khoa học và nghệ thuật đã được đánh giá rất cao. Di sản này đã trở thành một loại nhà quý tộc, một loại hình “cung điện bảo tàng”.

Di sản này ở cách điện Kremlin khoảng 20 phút ô tô, hiện nay thu hút rất nhiều người hâm mộ, với hình thức cổ điển, nội thất được thiết kế đẹp mắt và một không khí yên tĩnh của những công viên thời cổ.

 

NHÀ HÁT BOLSHOI

Nền móng của nhà hát Bolshoi đã có từ năm 1825, khi một tòa nhà cổ điển với 8 mái cổng, trên đỉnh có chiếc xe của Apollon, xuất hiện ở quảng trường Nhà hát. Nhà hát mới xây dựng lúc đó đã được coi là lớn thứ hai ở châu Âu, chỉ sau nhà hát nổi tiếng La Scala ở Milan. Tuy nhiên đoàn hát ở đây chỉ mới tồn tại khoảng nửa thế kỷ.

Người đứng ra xây dựng nhà hát mới trên mảnh đất bỏ hoang vẫn thường bị ngập lụt này là một người Anh tên là Michael Medox. Nửa sau của thế kỷ 19 là thời kỳ hưng thịnh của nghệ thuật Nga. Những nhạc sĩ và những giám đốc của nhà hát này đã giúp cho nhà hát phát triển đến mức cực thịnh. Những vở ô-pê-ra được ưa chuộng nhất trong thời kỳ đó là “Cuộc đời của Một Nga hoàng” và “Rusian và Lioukmila” của Michael Glinka. Cho đến hiện nay mỗi khi bắt đầu một mùa hát, rạp đều diễn một vở của Glinka.

Năm 1853 tòa nhà của nhà hát đã bị hư hỏng nặng trong một đám cháy. Tháng 5 năm 1855 nhà hát đã được xây dựng lại theo bản vẽ của kiến trúc sư Atbert Cavos. Lúc đó người ta đã đưa về đây một đoàn hát của Ý, và những vở diễn của đoàn này cũng được công chúng hoan nghênh nhiệt liệt. Lúc đó mỗi tuần nhà hát chỉ diễn hai lần. Ngày nay những người hâm mộ ba lê và ô-pê-ra có thể đến đây xem hát mỗi đêm. Năm 1899 Fedor Shaliapin, ca sĩ nổi tiếng của Nga, đã trở thành thành viên của đoàn hát. Ngày nay nhà hát không những chỉ là một trung tâm văn hóa về âm nhạc, mà còn là một học viện cho những kỹ thuật biểu diễn chuyên nghiệp.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1991-02-633470656596562500/Du-lich/Moscow.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận