NHỮNG VẤN ĐỀ XÃ HỘI
Những thay đổi về kinh tế và xã hội diễn ra từ năm 1991 đã có những tác động đặc biệt đến phụ nữ và trẻ em. Số lượng đám cưới đã giảm xuống và tỉ lệ ly hôn gia tăng, làm nâng cao số lượng những bà mẹ độc thân. Phụ nữ thường được trông chờ làm mọi công việc nội trợ, cho dù họ phải đi làm bên ngoài theo chế độ toàn thời gian. Ngoài ra, nhiều người Nga không thể mua sắm những thiết bị nội trợ, như máy giặt chẳng hạn, nên công việc này càng chiếm nhiều thời gian hơn. Công việc của phụ nữ thường tập trung vào các việc làm có đồng lương thấp, và tỉ lệ thất nghiệp của nữ cũng cao hơn so với nam giới. Các cơ quan tuyển dụng ngày càng bãi bỏ các chế độ chăm sóc con trẻ của công nhân, buộc nhiều bà mẹ phải ở nhà để nuôi con.
Nhiều căn bệnh xã hội trước kia không có hoặc có rất ít trong thời kỳ Xô Viết, nay đã trở nên một vấn đề nghiêm trọng của Nga. Việc sử dụng ma túy bất hợp pháp đã gia tăng trong thời kỳ hậu Xô Viết vì thiếu sự ràng buộc và khả năng tiếp cận với ma túy lại nhiều hơn. Tình trạng này gia tăng nhanh chóng nhất đối với giới trẻ. Người Nga uống rượu rất nhiều, và số lượng tiêu thụ rượu cũng đã gia tăng từ thời kỳ Xô Viết. Ngộ độc rượu là một nguyên nhân hàng đầu của nhiều trường hợp tử vong.
Ngoài bệnh AIDS, nhiều bệnh truyền nhiễm khác cũng đã gia tăng trong những năm gần đây. Bệnh lao và những căn bệnh có thể chữa trị khác đã lan tràn do tình trạng chữa cho bệnh nhân không đến nơi đến chốn và sự thiếu hiểu biết của bệnh nhân về những triệu chứng căn bệnh. Các loại bệnh hoa liễu cũng đã lan tràn nhanh chóng. Về mặt tích cực, chính quyền ở đây đã tiến hành thành công những chiến dịch ngăn chặn bệnh bạch hầu và bệnh bại liệt, và hai căn bệnh này xem ra đã nằm trong tầm kiểm soát.
Số người không có nhà cửa đã gia tăng đột biến kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Nạn thất nghiệp và tình trạng thiếu việc làm đã đạt đến tỉ lệ khủng hoảng. Năm 1996 có khoảng 9% lực lượng lao động bị thất nghiệp, mặc dù chỉ có 3,4% là có đăng ký thất nghiệp với nhà nước. Số người bị thất nghiệp theo dạng chức năng còn cao hơn rất nhiều, vì các nhà tuyển dụng cho một số lớn công nhân phải nghỉ dài hạn. Việc trả lương cho công nhân và những người về hưu thường chậm trễ, nhiều khi trễ đến mấy tháng, và đã dấy lên những phong trào đình công và phản đối.