TRUYỀN THÔNG
Chế độ Xô Viết rất quan tâm đến việc tuyên truyền và giáo dục quần chúng. Chính quyền đã hỗ trợ rất nhiều cho việc xuất bản, mở rộng hệ thống phát thanh, và đến năm 1960 là hệ thống truyền hình. Nhà nước đã phát triển một cách có chọn lọc mạng lưới điện thoại, và đến thập kỷ 1970 và 1980 thì hạn chế việc sản xuất và phân phối máy tính. Nhà nước đã phát triển hệ thống truyền thông một cách cẩn thận.
Đến giữa thập kỷ 1980 lĩnh vực truyền thông đã có những thay đổi lớn, làm cho hệ thống truyền thông đại chúng được giải phóng khỏi sự kiểm soát kiểu Xô Viết, nhưng đồng thời lại lệ thuộc vào những sức ép mới. Chiến dịch công khai hóa của Gorbachev, vốn khuyến khích những cuộc thảo luận của quần chúng về những vấn đề nhậy cảm trong chính trị, đã tạo ra một sự bùng nổ về số lượng phát hành của những tờ báo cải cách. Năm 1990 ba tờ nhật báo cải cách đã trở nên lớn nhất ở Liên Xô, với tổng lượng phát hành là 65 triệu bản.
Tuy nhiên, sự suy sụp tài chính của Nga sau khi Liên Xô tan rã đã gây nhiều thách thức cho hoạt động truyền thông đại chúng. Vì nguồn tài trợ bị cắt giảm và nạn lạm phát gia tăng đã làm tăng chi phí xuất bản, nên nhiều tờ báo đã bị mất một lượng lớn độc giả. Đến năm 1994 ba tờ nhật báo lớn nhất đã bị giảm tổng lượng phát hành đến 55 triệu bản. Sự giảm số lượng phát hành đã làm cho hầu hết những tờ báo, kể cả những tờ đã tư hữu hóa, phải lệ thuộc vào tài trợ của nhà nước từ 30 đến 40% chi phí điều hành.
Trong khi đó, ở lĩnh vực truyền hình tác động của phong trào công khai hóa cũng rất lớn. Số lượng người xem truyền hình cũng gia tăng đột biến vào cuối thập kỷ 1980, khi những nhà điều hành có đầu óc cải cách đã tập trung vào các chương trình về những vấn đề nóng bỏng trong ngày. Sự cạnh tranh giữa các đài truyền hình trở nên rõ ràng trong thời kỳ hậu Xô Viết với việc Nga thành lập một đài truyền hình mới năm 1991. Sau khi Liên Xô sụp đổ, chính quyền Nga đã mở rộng hơn nữa sự độc lập cho các phương tiện truyền thông đại chúng, nhưng vẫn duy trì một số hạn chế.
Vào giữa thập niên 1990 các phương tiện truyền thông đại chúng bắt đầu phản ánh sự gia tăng ảnh hưởng của nhóm người mới đang chiếm ưu thế về tài chính. Hai mạng lưới truyền hình mới được thành lập như những công ty tư nhân, và một mạng lưới của nhà nước trở thành nửa tư nhân qua việc bán 49% cổ phần cho những nhà đầu tư. Trong cả hai trường hợp, mạng lưới truyền hình chẳng bao lâu nằm dưới ảnh hưởng sâu rộng của một nhóm những nhà ngân hàng và doanh nghiệp. Người ta đã lên án là những nhà ngân hàng này đã chi phối không đúng đắn những nội dung phát hình. Tương tự như vậy, đến giữa năm 1997 nhiều phương tiện truyền thông dạng in ấn đã được sở hữu, ít nhất là một phần, bởi những nhóm tài chính-công nghiệp do các ngân hàng cầm đầu. Và nhóm người này cũng đã thao túng các chủ bút, đặc biệt là trong những vấn đề nhậy cảm như những vấn đề liên quan đến sự mục nát của các doanh nghiệp.
Hệ thống điện thoại cũng trải qua những thay đổi kể từ lúc Liên Xô tan rã. Chính quyền Nga đã tư hữu hóa một số cổ phần trong công ty điện thoại quốc gia và công ty viễn thông quốc gia. Ngoài ra có trên 90 công ty điện thoại khu vực đã ra đời. Tuy nhiên, hiệu quả của những thay đổi về mặt tổ chức về dịch vụ điện thoại đã tỏ ra rất khiêm tốn. Năm 2002 Nga chỉ có 242 máy điện thoại trên 1.000 dân, một tỉ lệ thấp hơn từ 3 đến 5 dân so với các nước tiên tiến phương Tây. Lĩnh vực viễn thông của Nga cũng đã có những kế hoạch đầy tham vọng để nâng cấp chất lượng dịch vụ và đang nhận sự hỗ trợ về kỹ thuật của các công ty viễn thông nước ngoài. Tuy nhiên triển vọng của sự hợp tác đó vẫn chưa được rõ ràng.