Tài liệu: Nước Nga - Khí hậu

Tài liệu
Nước Nga - Khí hậu

Nội dung

KHÍ HẬU

 

Hầu hết các vùng của Nga có khí hậu khắc nghiệt với mùa Đông dài và lạnh và mùa Hè ngắn, tương đối mát mẻ. Điều này là do nước Nga nằm ở các vĩ độ cao và những dãy núi cao dọc theo biên giới phía Nam đã chặn mất những luồng không khí biển nhiệt đới. Trong mùa Đông, ảnh hưởng ôn hòa của vùng Bắc Băng Dương là rất yếu ớt. Do hầu hết lãnh thổ của Nga nằm trong những vùng thời tiết phía Tây nên ảnh hưởng ấm áp từ Thái Bình Dương ở phía Đông không thể vào đến vùng sâu trong đất lnền. Điều này lại đặc biệt đúng vào mùa Đông, khi luồng áp suất cao và lạnh có trung tâm ở vùng Mông Cổ đã lan tràn đến hầu hết vùng Siberi.

Ảnh hưởng của biển chủ yếu đến từ Đại Tây Dương ở phía Tây, nhưng khi những luồng không khí từ biển này đến được đất Nga thì nó đã phải đi qua toàn bộ phần phía Tây của châu Âu và trải qua nhiều sự biến đổi. Ảnh hưởng này thâm nhập vào đất liền dễ dàng nhất vào mùa Hè, khi một hệ thống áp suất thấp hiện diện ở đây. Lúc đó luồng không khí ấm và có nhiều hơi ẩm của Đại Tây Dương có thể thổi về phía Đông đến vùng trung tâm Siberi. Đây là luồng không khí chính mang hơi ẩm đến nước Nga, và hầu hết lãnh thổ của đất nước này nhận một lượng mưa tương đối cao.

Lượng mưa vào mùa Hè là rất quan trọng với những vùng đất canh tác, vốn cần nước vào mùa cây con đang phát triển. Tuy nhiên, ở một số khu vực việc phân phối lượng mưa vào mùa Hè lại không thuận lợi. Ở những khu vực này hạn hán thường xảy ra vào đầu mùa Hè, và đến giữa và cuối mùa Hè thì lại có những trận mưa rất lớn gây trở ngại cho việc thu hoạch. Điều này đặc biệt đúng đối với khu vực viễn Đông, nơi có những luồng gió mùa thổi từ Thái Bình Dương vào giữa và cuối Hè. Ở các khu vực phía Bắc, đặc biệt là từ Moscow trở lại bầu trời thường u ám, đặc biệt là vào mùa Đông. Người Nga đã gọi hiện tượng này là pasmurno, có nghĩa là “thời tiết xám xịt, u ám”. Chẳng hạn như vào tháng 12 Moscow trung bình có đến 23 ngày với bầu trời u ám.

Tuy nhiên ở hầu hết lãnh thổ chỉ có một lượng mưa từ ít đến vừa. Suốt cả vùng Đại Đồng bằng Âu châu, lượng mưa trung bình hàng năm giảm từ 800 mm ở phía Tây nước Nga đến dưới 400 mm đến bờ biển Caspian. Khắp vùng Siberi, lượng mưa hàng năm dao động từ 500 đến 800 mm, và đặc biệt ở vùng Đông Bắc Siberi lượng mưa xuống đến dưới 300 mm. Ở những khu vực trên cao, lượng mưa hàng năm có thể lên đến l.000 mm hoặc hơn nữa, nhưng ở những lưu vực trong nội địa lượng mưa này thấp hơn 300 mm.

Đặc điểm khí hậu của Nga là sự khắc nghiệt về nhiệt độ. Ở Siberi có nhiệt mùa Đông thấp nhất, trong khi những luồng không khí từ Thái Bình Dương làm khí hậu dịu đi phần nào ở phía Tây. Verkhoyansk ở phía Đông Bắc thường được gọi là “đỉnh lạnh giá của miền Bắc”. Vào tháng Giêng, nhiệt độ ở đó có mức trung bình là - 510C, và nhiệt độ này xuống đến - 680C vào tháng 2. Thêm vào đó, bởi vì Verkhoyansk ở quá xa về phía Bắc, nơi đây thường có ban ngày kéo dài liên tục vào mùa Hè. Vào mùa Hè nhiệt độ trung bình ở Verkhoyansk là 130C, và lên đến mức cao nhất là 370C. Thành phố này có mức dao động nhiệt độ (mức cách biệt giữa nhiệt độ lạnh nhất và nóng nhất) là 1050C, là mức dao động lớn nhất trên trái đất.

Nước Nga bao trùm nhiều đới khí hậu khác nhau, thường trải ngang qua đất nước theo một vành đai Đông-Tây. Một loại khí hậu sa mạc vùng cực hiện diện ở một số đảo Bắc cực, chẳng hạn như các bộ phận cực Bắc của Novaya Zemlya và Severnaya Zemlya. Dọc theo bờ biển Bắc cực có một dạng khí hậu lãnh nguyên, trải dài về phía Nam trong khu vực viễn Đông. Về phía Nam của đới này là một vành đai rộng với khí hậu cận Bắc cực, một mặt trải dài về phía Nam đến thành phố Saint Petersburg, một mặt mở rộng về phía Đông của vùng Ural và bao trùm hầu hết vùng Siberi.

Hầu hết vùng Nga Âu có một khí hậu lục địa ôn hòa hơn. Vành đai này rộng nhất ở phía Tây, trải dài từ biển Baltic đến biển Đen, sau đó mở ra phía Đông và bao gồm một dải hẹp của phía Nam vùng Đồng bằng Tây Siberi. Đới khí hậu này cũng có mặt ở vùng tận cùng phía Đông Nam của nước Nga. Nhiệt độ ở Moscow, vốn nằm trong đới khí hậu lục địa, dao động từ - 130C đến - 60c vào tháng Giêng, và từ 130C đến 240C vào tháng 7. Nhiệt độ tại Vladivostok ở phía Nam vùng viễn Đông của Nga dao động từ - 170C đến - 90C vào tháng Giêng, và từ 150C đến 200C vào tháng 7.

Một vành đai rộng của khí hậu thảo nguyên khô ráo với mùa Đông lạnh giá bắt đầu dọc theo bờ biển Đen và trải dài về phía Đông Bắc qua vùng Đồng bằng Bắc Caucasus, thung lũng hạ lưu sông Volga, phía Nam Ural, và phía Tây Nam Siberi. Vành đai này tiếp tục về phía Đông, đến những lưu vực xa xôi dọc theo những rìa ngoài cùng của vùng Siberi.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1778-02-633470652168906250/Dia-ly/Khi-hau.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận