Tài liệu: Nước Nga - Khủng hoảng kinh tế

Tài liệu
Nước Nga - Khủng hoảng kinh tế

Nội dung

KHỦNG HOẢNG KINH TẾ

 

Năm 1991, khi Liên Xô tan rã, nền kinh tế của Nga đã ở trong một tình trạng bi đát. Nguồn dự trữ cho ngoại thương đã cạn kiệt, làm ngăn trở khả năng nhập khẩu hàng hóa, và sản lượng kinh tế đã sụt giảm từ thập kỷ 1970. Yeltsin đã phản ứng bằng cách áp dụng một chương trình gọi là “liệu pháp sốc” của thủ tướng Yegor Gaydar. Điều này đã dẫn tới việc thả nổi giá cả nhằm đưa hàng hóa trở lại các cửa hàng, gỡ bỏ những rào cản đối với việc mậu dịch và sản xuất tư nhân, và để cho hàng hóa được nhập khẩu vào Nga nhằm phá vỡ sự độc quyền của địa phương. Hệ quả tức thời của chính sách này là một mức lạm phát cao và tình trạng gần như phá sản của nền công nghiệp Nga. Sau đó, một chương trình tư hữu hóa được xúc tiến vào năm 1994 dưới thời của Anatoly Chubais, vị phó thủ tướng phụ trách Bộ Tư hữu hóa. Mặc dù trong nhiều trường hợp những người quản lý được sở hữu những nhà máy mà trước đó họ đã đứng ra quản trị, có nhiều ngân hàng tư nhân lớn đã ra đời và bắt đầu cạnh tranh để kiểm soát nền kinh tế.

Đến cuối thập kỷ 1990, cuộc cải cách kinh tế đã đạt được những thành công đáng kể. Hệ thống cũ và không hiệu quả cùng với việc qui hoạch nhà nước tập trung đã bị phá bỏ và một nền kinh tế tư bản đang được hình thành. Tuy nhiên công cuộc này vẫn còn đang được tiếp tục tiến hành. Hầu hết những nền công nghiệp kế thừa của giai đoạn trước đều đã lạc hậu, những nhà quản lý và công nhân cảm thấy khó khăn trong việc thích nghi với môi trường tư bản.

 

BỐI CẢNH CHÍNH TRỊ

 

Năm 1992, tác giả của chương trình “liệu pháp sốc” là Yegor Gaydar đã phải rời khỏi chức vụ, và người thay thế ông là Viktor Chernomyrdin. Về mặt cơ bản ông ta theo đuổi những chính sách giống như Gaydar. Sự xung đột giữa cơ quan hành pháp và lập pháp vẫn tiếp diễn. Vấn đề này đã được giải quyết bằng bạo động vào tháng 10 năm 1993. Khi Yeltsin giải tán quốc hội vào tháng 9, những lãnh đạo đối lập và những đại biểu bảo thủ đã chiếm tòa nhà quốc hội. Quân đội trung thành với Yeltsin đã đột kích vào tòa nhà này và bắt những lãnh tụ của phe đối lập.

Sau đó Yeltsin đã đưa ra một bản hiến pháp mới, được toàn bộ cử tri tán thành trong cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 12 năm 1993. Theo bản hiến pháp này tổng thống có nhiều quyền hạn hơn, từ đó giúp cho Yeltsin xúc tiến chương trình cải cách kinh tế và thực hiện việc chiếm đóng Chechnya bất kể sự phản đối của quốc hội. Trong cuộc bầu cử năm 1996 Yeltsin lại tiếp tục thắng cử. Đến tháng 3 năm 1998 Yeltsin đã bất ngờ bãi chức thủ tướng Chernomyrdin và nội các của ông. Sau đó Yeltsin đã cử Sergey Kiriyenko, một nhà cải cách trẻ, làm thủ tướng. Nền kinh tế của Nga tiếp tục suy thoái, và đến giữa năm 1998 Yeltsin lại bãi chức Kiriyenko và phục chức cho Chernomyrdin. Nhưng quốc hội phản đối quyết định này và đã đồng ý với chọn lựa sau đó của Yeltsin là cử Yevgeny Primakov làm thủ tướng. Primakov đã nắm nhiều quyền hành trong tay sau khi Yeltsin bị bệnh không thể cáng đáng mọi trách nhiệm của mình. Tháng 5 năm 1999 Yeltsin lại bãi chức Primakov với lý do là ông ta không thể phục hồi được nền kinh tế của Nga. Một tuần sau quốc hội đã thông qua việc đề cử người kế vị cho Primakov là Sergey Stepashin.

Stepashin tại chức không được bao lâu. Đến tháng 8 Yeltsin lại bãi chức ông ta, cùng với nội các của ông, và cử Vladimir Putin lên thay thế. Yeltsin đã phát biểu rằng khi hết nhiệm kỳ của ông vào tháng 7 năm 2000, ông muốn Putin kế tục ông để nắm giữ chức vụ tổng thống. Sau đó đến ngày 31 tháng 12 năm 1999 Yeltsin đã bất ngờ từ chức và cử Putin lên làm quyền tổng thống. Trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 3 năm 2000, Putin đã được bầu làm tổng thống chính thức. Đến cuộc bầu cử tháng 3 năm 2004 Putin lại dễ dàng thắng cử với 71% số phiếu bầu. Những cử tri người Nga đã tín nhiệm Putin trong việc làm thay đổi nền kinh tế, với mức tăng trưởng GDP hàng năm là 5%.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1777-02-633470650595937500/Lich-su/Khung-hoang-kinh-te.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận