Tài liệu: Nước Nga - Chính sách đối nội

Tài liệu
Nước Nga - Chính sách đối nội

Nội dung

CHÍNH SÁCH ĐỐI NỘI

 

Những người thuộc dân tộc Nga chiếm khoảng hơn bốn phần năm dân số hiện nay của Liên bang Nga. Vừa mới chứng kiến cảnh tan rã của Liên Xô, mà một phần là kết quả của chủ nghĩa dân tộc phi-Nga, giới lãnh đạo của Nga lo ngại rằng những sự phát triển lương tự có thể xảy ra trong những khu vực không có người Nga sinh sống ngay trong lãnh thổ nước cộng hòa của họ. Bước đầu nỗi lo sợ này đã được chứng minh bằng việc yêu cầu quyền tự trị, và đôi khi là yêu cầu cho sự độc lập hoàn toàn của một số người phi-Nga. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, những yêu cầu này đều được thỏa mãn qua việc nhượng bộ của chính quyền để các vùng này có được sự tự trị trong địa phương của họ, cùng với một số ưu đãi về thuế má. Ngay cả những đòi hỏi cực đoan của người Tatar Volga (vùng đất của những người Hồi giáo do Nga chinh phục vào giữa thế kỷ 16) cũng được giải quyết vào năm 1994.

 

CHECHNYA

 

Đến năm 1994, khu vực duy nhất vẫn còn yêu cầu được độc lập là Chechnya, ở phía Đông Bắc Caucasus. Người Chechnya đã có một lịch sử lâu đời trong việc bài Nga gay gắt. Họ đã chiến đấu một cách hung hãn trong nhiều thập kỷ ở thế kỷ 19 để chống lại sự xâm lăng lãnh thổ của người Nga, và họ cũng đã nổi dậy chống lại chế độ Xô Viết vào năm 1920. Tố cáo là họ đã cộng tác với quân Đức trong Thế chiến Thứ II, lãnh đạo Xô Viết là Joseph Stalin đã trục xuất tất cả những người Chechnya đến Trung Á. Dưới thời của người kế vị Stalin là Nikita Khrushchev, người Chechnya đã được phép trở lại quê hương của họ, nhưng tư tưởng bài Nga truyền thống của họ lại được kích động do cách đối xử mà họ nhận được từ chế độ Xô Viết.

Khi chế độ Xô Viết sụp đổ vào năm 1991, quyền lực ở Chechnya rơi vào tay những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, và họ đã chọn Dzhokhar Dudayev làm lãnh đạo. Dưới tay của Dudayev, người Chechnya đã đánh đuổi các đơn vị đồn trú của Nga và từ chối bất kỳ sự kiểm soát nào của Moscow. Những đối thủ của Dudayev ở Chechnya đã thất bại trong việc lật đổ ông ta bằng một cuộc nổi dậy; và lực lượng của Dudayev đã được chính quyền Nga hỗ trợ. Khi cuộc nổi dậy thất bại, tháng 12 năm 1994 chính quyền Nga đã cử quân đội đến Chechnya với nỗ lực đặt lại sự kiểm soát tại đây.

Quân đội Nga đã không trấn áp được sự phản đối kiên quyết của người Chechnya. Chính quyền Yeltsin đã tìm cách kết thúc những cuộc xung đột này. Tháng 4 năm 1996 một quả tên lửa của Nga đã giết chết Dudayev, những người Chechnya vẫn kiên tâm chiến đấu. Tháng 8 năm 1996, Aleksandr Lebed, một cố vấn an ninh quốc gia của Yeltsin, đã môi giới cho một cuộc thỏa thuận ngừng bắn với những lãnh đạo người Chechnya, và đến tháng 5 năm 1997 một hiệp ước hữu nghị đã chính thức được ký kết.

Tuy nhiên, một cuộc xung đột mới năm 1999 đã làm cho bản hiệp ước mất hiệu lực. Một làn sóng những cuộc đánh bom khủng bố vào các tòa nhà ở Moscow và một số thành phố khác của Nga đã nổ ra vào tháng 8 và tháng 9. Những lãnh đạo của Nga đã tố cáo những người phiến loạn Chechnya tổ chức những cuộc tấn công đó, và đã tiến hành một cuộc tấn công quân sự toàn diện để tái thiết lập sự cai trị của liên bang với nước cộng hòa này. Tháng 2 năm 2000 quân Nga đã kiểm soát khu vực Groznyy. Mặc dù lực lượng của Nga đã chiếm đóng hầu hết lãnh thổ Chechnya nhưng vẫn không bình định được vùng đất này và giao tranh vẫn tiếp diễn. Lần này, cuộc chiến đã có được sự ủng hộ mạnh mẽ của quần chúng ở Nga.

Tháng 10 năm 2002 một nhóm người nổi loạn gồm 41 người ở Chechnya đã chiếm một rạp hát ở Moscow, bắt giữ 800 công dân làm con tin. Họ đã yêu cầu Nga phải rút quân ra khỏi Chechnya. Ba ngày sau, một lực lượng đặc biệt của Nga đã đột chiếm rạp hát sau khi bơm vào đây một chất khí gây mê để làm tê liệt những người nổi loạn. Sau đó tất cả những người nổi loạn đã bị giết toàn bộ, và có 129 con tin đã thiệt mạng do tác dụng của chất khí gây mê.

Cuộc khủng hoảng con tin đó đã làm cho chính quyền liên bang nỗ lực hơn trong việc thiết lập quyền kiểm soát ở Chechnya. Tháng 3 năm 2003 một cuộc trưng cầu dân ý đã được tổ chức cho những người dân ở Chechnya về một hiến pháp mới được đề nghị để thay thế cho bản hiến pháp ly khai mà họ đã biểu quyết vào năm 1992. Theo kết quả chính thức, đại đa số người Chechnya đã tán thành bản hiến pháp mới, theo đó công nhận Chechnya là một nước cộng hòa nằm trong Liên bang Nga. Những người nổi loạn Chechnya đã tuyên bố rằng đây chỉ là một sự lừa đảo và khẳng định rằng họ sẽ tiếp tục cho cuộc đấu tranh đòi ly khai.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1777-02-633470650440000000/Lich-su/Chinh-sach-doi-noi.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận