Tài liệu: Nước Nga - Sự cai trị của Romanov

Tài liệu
Nước Nga - Sự cai trị của Romanov

Nội dung

SỰ CAI TRỊ CỦA ROMANOV

 

Năm 1613 Hội đồng Đất nước đã bầu Michael Romanov làm tsar. Michael là con trai của vị giáo trưởng tại Moscow và là cháu lớn của vợ vua Ivan IV. Triều đại của Romanov cai trị nước Nga mãi cho đến năm 1917, khi một cuộc cách mạng đã chấm dứt đế chế ở đất nước này.

 

CHÍNH SÁCH CỦA ROMANOV

 

Trong ba thế kỷ dưới sự cai trị của vương triều Romanov, mục tiêu chính của đất nước này là làm cho Nga trở thành một lực lương lớn ở châu Âu. Bởi vì khu vực Trung Âu và Tây Âu tiến bộ hơn Nga về kinh tế và văn hóa; chính sách này đòi hỏi tài khéo léo của những người cai trị và một sự hy sinh và chịu đựng còn lớn hơn nữa của dân chúng. Bộ luật năm 1649 đã chia xã hội thành các giai cấp và tầng lớp nghề nghiệp mà không có cá nhân nào hay con cháu của họ có thể thay đổi được. Những đạo luật trước đó vốn đã cấm nông dân thay đổi đẳng cấp của họ, nay lại được mở rộng thêm đối với việc thay đổi nơi cư ngụ ở các thành phố và thị trấn. Như vậy, luật lệ của nước này đã đóng băng không những chỉ địa xã hội mà cả chỗ ở của người dân. Đến giũa thế kỷ 18 Nga đã thành công trong việc làm cho đất nước trở thành một lực lượng hùng mạnh về quân sự và kinh tế, nhưng với cái giá là phải áp đặt một chế độ nông nô khắc nghiệt và một sự cai trị chuyên quyền.

Đầu thế kỷ 19 hoàng đế Napoleon I của Pháp đã xâm lăng nước Nga và đã bị đánh bại. Từ đó Nga được nhìn nhận một cách rộng rãi, ở trong nước cũng như nước ngoài, là một đế quốc hùng hậu nhất ở lục địa châu Âu. Tuy nhiên, sau đó những quốc gia châu Âu khác đã trở nên hùng mạnh hơn khi nền kinh tế của họ trải qua những thay đổi lớn lao từ cuộc cách mạng công nghiệp, vốn bắt đầu nổ ra ở Anh và mất nhiều thế hệ để lan tràn khắp châu Âu. Mãi cho đến cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 cuộc cách mạng này mới lan đến nước Nga.

Cuộc chiến Crimea (1853-1856), trong đó nước Nga bị Pháp và Anh đánh bại, đã cho thấy là các quốc gia công nghiệp hóa có thể trang bị cho những đoàn quân và những hạm đội rất mạnh, hơn là những quốc gia chủ yếu nông nghiệp như nước Nga. Sau chiến tranh, chế độ của Romanov đã buộc phải hiện đại hóa nhanh chóng nền kinh tế của mình để có thể đảm bảo an ninh cho đất nước và vị trí của họ trong số các quốc gia hùng mạnh, trong đó có Áo, Anh, Pháp và Phổ. Vào lúc bắt đầu nổ ra Thế chiến Thứ I năm 1914, nền kinh tế của Nga đã được công nghiệp hóa nhiều hơn và người dân Nga cũng được đô thị hóa và được học hành nhiều hơn so với thời kỳ trước cuộc chiến Crimea. Nhưng Nga vẫn đi sau Đức và Anh. Ngoài ra, việc hiện đại hóa nhanh chóng đã gây ra những xung đột gay gắt giữa các giai cấp và các dân tộc. Sự căng thẳng của Thế chiến Thứ I đã tạo thành những xung đột nội bộ và sụp đổ triều đại Romanov vào năm 1917.

 

THẾ KỶ 17 (1613-1689)

Tình trạng Sa hoàng (tsar) vào thế kỷ 17 không khác mấy so với thế kỷ 16.  Quốc vương cai trị qua sự kết hợp với những gia đình quý tộc hàng đầu, và quyền lực của ông ta được củng cố bởi sự phát triển đều đặn của chế độ quan liêu và những người chủ đất quý tộc ở các địa phương. Việc siết chặt chế độ nông nô và kiểm soát những cộng đồng người Cô-dắc ở biên giới đã dẫn tới những cuộc nổi dậy của họ, trong đó nổi tiếng nhất là cuộc nổi dậy của Stenka Razin năm 1670.

Dưới thời của con trai Michael và Alexis, nước Nga bị dính dáng vào cuộc xung đột giữa những người Cô-dắc sống ở khu vực ngày nay là Ukraine và những người cai trị Ba Lan tại khu vực đó. Người Cô-dắc, với sự hỗ trợ của người Ukraine, đã chống lại người Ba Lan, nhưng họ vẫn yêu cầu người Nga trợ giúp để duy trì những thành quả của họ. Năm 1654 Alexis đã ra tay giúp đỡ họ để đổi lại lời cam kết trung thành với nước Nga, từ đó dẫn đến cuộc chiến tranh giữa Nga và Ba Lan. Cuộc chiến này đã được dàn xếp vào năm 1667 bằng một hiệp ước chia Ukraine thành hai phần, ngăn cách bởi con sông Dnieper. Ba Lan giữ phần đất phía Tây dòng sông, và Nga thì được phần phía Đông cùng với Kyiv.

Những ảnh hưởng của phương Tây đã tràn vào Nga qua con đường Ukraine, nhưng gặp phải sự kháng cự mạnh mẽ, đặc biệt là trong lĩnh vực tôn giáo. Năm 1650, Nikon, vị giáo trưởng tại Moscow đã tiến hành hàng loạt những cuộc cải tổ về nghi thức tế lễ và đã gây ra một sự ly giáo lớn ở nhà thờ Chính thống Nga. Sự mất đi những Tín đồ Cũ (những thành viên của nhà thờ vốn khước từ những cuộc cải tổ) đã gây những thiệt hại lâu dài cho sức sống của nhà thờ Chính thống, cho khả năng duy trì sự độc lập của họ đối với nhà nước và cho việc nắm giữ giai cấp nông dân của họ.

 

PETER I VÀ CATHERINE II

 

Triều đại của Peter I (1682-1725), con trai thứ ba của Alexis, là một bước ngoặt trong lịch sử nước Nga. Vào cuối thế kỷ 17, Nga và vùng đất lạc hậu vốn nằm ngoài các hoạt động chính trị ở châu Âu. Mê tín dị đoan, nghi ngờ người nước ngoài và chủ nghĩa bảo thủ là những đặc trưng chính của xã hội này. Nền kinh tế của đất nước này dựa trên nông nghiệp sơ đẳng và tổ chức quân sự thì hoàn toàn lạc hậu. Peter đã tiếp tục công cuộc Tây phương hóa của cha mình, nhưng với một phong cách kiên quyết và triệt để hơn nhiều. Ông đã tổ chức lại lực lượng quân sự và bộ máy công chức theo kiểu Âu châu, và đặt ra những thứ thuế mới làm tăng hẳn thu nhập của nhà nước. Ông ta cũng khuyến khích các ngành công nghiệp luyện kim và công nghiệp phục vụ quân đội, mà trung tâm chính của nó trở thành khu vực Ural.

Chính sách mở rộng lãnh thổ của Peter đã gây ra tình trạng chiến tranh liên tục. Ông đã thành lập hải quân đầu tiên của Nga. Sau đó ông ta nhắm vào nước Thụy Điển. Ngay từ đầu cuộc Đại chiến phía Bắc (1700-1721) giữa Thụy Điển và liên minh của Nga, Ba Lan và Đan Mạch, Peter đã chinh phục của Thụy Điển vùng bờ biển phía Đông Bắc của Biển Baltic. Đến năm 1703 ông bắt đầu xây dựng một thành phố là thủ đô mới trên bờ biển Baltic, gọi là Saint Petersburg. Cuộc chiến tranh này, vốn đã chính thức kết thúc bằng Hiệp ước Nystad năm 1721, đã giúp Nga có được quyền lực ưu thế ở vùng Biển Baltic. Sau cuộc chiến, Peter đã xưng là hoàng đế, đánh dấu sự mở đầu chính thức của đế quốc Nga, và với những thành quả về quân sự của mình ông đã được gọi là Đại đế Peter.

Công cuộc Tây phương hóa cả về mặt công nghệ lẫn văn hóa đã tiến triển nhanh chóng dưới thời Peter, nhưng đại đa số dân chúng phải đóng góp nặng nề cho những đòi hỏi không ngừng nghỉ của ông ta về quân đội và thuế má. Khi Peter qua đời năm 1725 nước Nga đã được ngưỡng mộ và kính sợ hơn bao giờ hết ở châu Âu. Sự chiến đấu xuất sắc của quân đội Nga đối với nước Phổ trong cuộc Chiến tranh Bảy năm (1756-1763) và những chiến thắng vang dội của nó đối với đế quốc Ottoman trong cuộc Chiến tranh Nga-Thổ vào thế kỷ 18 đã làm cho nước Nga được công nhận là ngang hàng với các cường quốc hàng đầu ở châu Âu.

Dưới triều đại của Catherine II (1762-1796), nước Nga đã sát nhập 468.000 km2 của Ba Lan. Nổi bật hơn nữa là việc lấy được phần đất phía Nam Ukraine, vốn sẽ trở thành trung tâm nông nghiệp và công nghiệp nặng vào thế kỷ 19. Mặc dù áp lực của vương triều đối với dân chúng đã tương đối nhẹ nhàng hơn sau khi Peter qua đời, nhưng giai cấp nông nô và sự oán giận của nông dân vẫn còn tồn tại. Năm 1773 Yemelyan Pugachev đã lãnh đạo một cuộc nổi loạn của người Côdắc đối với triều đình và đồng thời cũng phát triển thành một cuộc nổi loạn đối với các chủ nô. Quân đội đã đàn áp cuộc nổi dậy này vào năm 1774, và Catherine đã củng cố thêm các luật lệ áp chế giới nông nô. Bà ta cũng khích lệ cho việc phổ biến văn hóa và các giá trị phương Tây trong số giới trí thức người Nga.

 

ALEXANDER I

 

Catherine II qua đời năm 1796 và được kế vị bởi con trai của bà là Paul I. Sự chuyên chế ngày một gia tăng cùng với những chính sách điên rồ của ông đã thúc đẩy giới quý tộc triều đình mưu hại ông, và ông ta đã bị ám sát vào năm 1801. Sau đó con trai trưởng của Paul là Alexander I lên nối ngôi và cai trị cho đến năm 1825. Dưới triều đại của Alexander, nước Nga đã có được thanh thế và vinh dự bất ngờ nhờ vào sự chiến thắng cuộc xâm lược của Napoleon năm 1812 và sau đó là những chiến thắng đối với nước Đức và nước Pháp. Sự cai trị của Nga đã mở rộng đến Transcaucasia, Phần Lan, và những vùng xa ở Ba Lan. Khi Alexander qua đời năm 1825, một nhóm sĩ quan quân đội, được gọi là nhóm Tháng Chạp, đã làm một cuộc đảo chính để ngăn chặn người em của Alexander là Nicholas I lên nối ngôi. Nhóm Tháng Chạp này muốn một chế độ quân chủ lập hiến do một người em khác của Alexander là Constantine lãnh đạo. Họ mưu cầu gia tăng những quyền hạn công dân và quyền hạn chính trị, đồng thời muốn chấm dứt chế độ nông nô và sự ngược đãi tàn bạo đối với nông dân.

 

NICHOLAS I

 

Cuối cùng nhóm Tháng Chạp cũng bị đàn áp, nhưng cuộc nổi dậy này đã đe dọa đến cuộc sống của Nicholas và sự ổn định của đế chế. Thêm vào đó, những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Ba Lan đã trục xuất những nhà cầm quyền của đế quốc Nga ra khỏi Ba Lan vào năm 1830, mặc dù quân đội Nga đã chiếm lại được Warsaw năm 1831. Đến năm 1848 một làn sóng những cuộc cách mạng dân tộc đã quét qua châu Âu. Những sự kiện này đã cho Nicholas thấy rằng mối đe dọa của cách mạng ở cả châu Âu lẫn Nga đều là có thực. Trong chính sách đối ngoại Nicholas đã phản ứng bằng cách gia nhập một liên minh với Áo và Phổ. Sự liên minh này có mục đích bảo đảm hòa bình và ổn định trong số các cường quốc ở châu Âu và bảo đảm cho việc trấn áp bất kỳ cuộc cách mạng có thể nổ ra. Năm 1849 quân đội Nga đã giúp hoàng đế nước Áo đàn áp cuộc nổi dậy của những thần dân người Hungari của ông ta.

Về mặt đối nội, Nicholas đã phản ứng với cách mạng bằng cách thành lập một đội cảnh sát an ninh nhà nước, đồng thời bóp chặt sự kiểm duyệt trong nước. Vị hoàng đế này đã áp đặt một sự kiểm soát căng thẳng đối với các trường đại học và đối với đời sống văn hóa của dân chúng, làm cho một bộ phận thanh niên đã ghét bỏ đất nước. Tuy nhiên chế độ của Nicholas cũng có được một số thành quả nhất định. Chất lượng và tầm cỡ của hệ thống giáo dục đã gia tăng rất nhiều, và số lượng những người có văn hóa, có tinh thần cộng đồng và có ý thức cải tổ trong giới quan liêu và tầng lớp chủ đất cũng gia tăng. Khi chế độ của Nicholas bị sụp đổ trong cuộc Chiến tranh Crimea, những người này đã có thể lãnh đạo một chương trình cải tổ triệt để dưới triều cua người kế vị là Alexander II, người đã cai trị nước Nga từ 1855 đến 1881.

 

ALEXANDER II

 

Cuộc chiến tranh Crimea nổ ra một phần là do sự thiếu tính toán của Nicholas, nhưng cũng do người Pháp và người Anh đang tìm cơ hội để làm suy yếu nước Nga, mà vị trí của nó ở châu Âu và ở Trung Đông vốn đủ mạnh để trở thành nguy hiểm cho họ. Sau khi thất trận, Alexander II đã bãi bỏ chế độ nông nô, áp dụng một hệ thống pháp luật theo kiểu phương Tây, hình thành những đơn vị chính quyền ở địa phương do dân bầu ra, nới lỏng sự kiểm duyệt, đồng thời hiện đại hóa triệt để quân đội và hệ thống truyền thông. Tuy nhiên những cải cách của ông lại không tạo được sự ổn định và đồng tình ở Nga. Cả nông dân và những quý tộc chủ đất đều tin rằng đất đai là thuộc quyền sở hữu của họ, và họ không bằng lòng với việc giải phóng để chấm dứt chế độ nông nô. Còn những người trẻ trong tầng lớp thượng lưu và trung lưu ở Nga thì lại cảm thấy rằng những sự cải tổ của Alexander đã chưa đến mức đủ để cải thiện số phận của nông dân và để đưa nước Nga đến tầm vóc của Tây phương về mức độ thịnh vượng và tự do, hoặc là để cho phép người dân cái quyền bày tỏ những ý kiến chính trị hay tham gia vào chính quyền. Một phong trào khủng bố đã nổ ra vào thập kỷ 1870, và chiến dịch ám sát những quan chức cao cấp đã lên đến đỉnh cao ở cuộc sát hại vua Alexander II năm 1881.

 

ALEXANDER III

 

Những cuộc khủng bố và xung đột xã hội gia tăng trong những thập kỷ vừa qua đã làm tăng lên sự kết tội đối với các Hoàng đế rằng chế độ này sẽ đi đến chỗ tan rã thành tình trạng vô chính phủ. Người ta tin rằng nước Nga đã quá nghèo và bị phân chia thành quá nhiều giai cấp và dân tộc khác nhau, nên không có một hình thức dân chủ nào có thể áp dụng được ở đây. Trong những tuần cuối cùng của vương triều Alexander II, ông ta đã được thuyết phục để áp dụng những cuộc cải cách lập hiến khiêm nhường nhất hầu có thể cho phép công chúng tham gia ở một mức độ hạn chế vào chính quyền nhà nước. Tuy nhiên, con trai của ông là Alexander III đã bãi bỏ những cải tổ này và theo đuổi một chính sách đàn áp khi ông ta trở thành hoàng đế. Alexander đã cắt bớt quyền hạn của các hội đồng tự quản địa phương và các trường đại học. Quyền tự do của công dân đã bị vi phạm bằng những sắc lệnh khẩn cấp cho phép những người cầm quyền đày ải bất cứ ai bị nghi ngờ có sự chống đối chính trị mà không cần phải đưa ra tòa.

 

SỰ NGA HÓA

 

Từ trước đến nay chế độ đế quốc đã tương đối chấp nhận những nguồn văn hóa, ngôn ngữ và tôn giáo không phải của Nga. Đa số tâng lớp quý tộc không phải là người gốc Nga, nói tiếng Pháp và cũng không theo Chính thống giáo. Đến nửa sau của thế kỷ 19, và đặc biệt dưới thời của Alexander III, chế độ này bắt đầu nhấn mạnh vào cái gọi là “tính cách Nga”. Sự đè nén ngày càng gia tăng đã đặt lên những ngôn ngữ và văn hóa phi-Nga. Các trường học bắt đầu giảng dạy chủ yếu bằng tiếng Nga, các cơ quan hành chính chỉ sử dụng tiếng Nga, và việc xuất bản bằng một số ngôn ngữ khác đã bị cấm.

Ở một mức độ nào đó sự hạn chế này đã theo xu hướng thịnh hành tại châu Âu lúc đó. Chính sách Nga hóa cũng là sự phản ứng trước nỗi lo sợ rằng một đế quốc đa dân tộc sẽ bị tan rã nếu như dân chúng không được kéo lại gần nhau về văn hóa và ngôn ngữ. Tuy nhiên, dù với động cơ nào đi nữa thì chính sách Nga hóa này đã gây căm phẫn cho những người không phải gốc Nga. Người Do Thái bị cư xử đặc biệt tệ hại: họ bị buộc phải sống trong những khu vực riêng, không được phép làm một số nghề, và đôi khi có những người bị nhóm quần chúng người Xa-vơ ám sát.

 

NICHOLAS II: ĐẾ QUỐC CÁO CHUNG

 

Nhiều sự xung đột sôi sục bên trong dưới thời Alexander III đã nổ ra dưới triều của con trai ông ta là Nicholas II, lên ngôi vào năm 1894. Điều kiện tồi tệ trong những nhà máy công nghiệp đã châm ngòi cho phong trào cách mạng xã hội. Thêm vào đó, từ năm 1855 đến 1914 số lượng dân chúng ở vùng quê đã gia tăng gấp đôi, làm gia tăng thêm áp lực về đất đai và mối thù hận của nông dân với giới chủ đất. Những người phi-Nga vẫn chịu sự cay đắng với chính sách Nga hóa đang tiếp diễn. Hầu hết các thành phần trong xã hội đã được đoàn kết qua sự thù ghét chế độ đế quốc và qua nhu cầu về quyền công dân và quyền chính trị. Năm 1904 chính quyền đã vấp vào một cuộc chiến tranh không cần thiết với Nhật Bản về quyền kiểm soát đất Triều Tiên và Mãn Châu. Việc nước Nga bại trận trong cuộc chiến tranh Nga-Nhật trong năm sau đó đã thể hiện sự yếu kém của đất nước này, và những người chống đối chế độ đã nắm lấy cơ hội đó.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1777-02-633470649860312500/Lich-su/Su-cai-tri-cua-Romanov.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận