Tài liệu: Nước Nga - Sự quan trọng gia tăng của Moscow

Tài liệu
Nước Nga - Sự quan trọng gia tăng của Moscow

Nội dung

SỰ QUAN TRỌNG GIA TĂNG CỦA MOSCOW

 

Thị trấn Moscow, thuộc công quốc Vladimir, chiếm lĩnh một vị trí địa lý thuận lợi ở vùng trung tâm nước Nga và nằm trên những con đường mậu dịch chính yếu. Năm 1263 Alexander đã giao Moscow cho người con trai út của mình là Daniel. Năm 1301 Moscow đã trở thành một công quốc độc lập. Daniel, cũng như các hoàng tử khác của Nga, đã quan hệ mật thiết với các vua Mông Cổ. Là những người được vua Mông Cổ sủng ái, họ đã dựa trên thế đó để mở rộng đất đai bằng cách sát nhập những lãnh thổ xung quanh, biến thành phố Moscow thành thủ đô của họ. Năm 1328 vua Mông Cổ đã phong cho con trai của Daniel, Ivan I, là ông hoàng của Moscow. Dưới triều đại của Ivan I, người đứng đầu của nhà thờ Nga, sau đó được gọi là tổng giám mục, đã chuyển từ thị trấn Vladimir đến Moscow. Với sự chuẩn y của nhà thờ, những ông hoàng của Moscow đã tổ chức một nước Nga mới trong đó họ là những người cai trị.

Trong khi đó, những bất đồng nội bộ đã làm lung lay Golden Horde. Vào giữa thế kỷ 14, hàng loạt những nhà cai trị bất lực đã kiểm soát vương quyền của Mông Cổ và sự rối loạn này đã làm yếu đi khả năng thu nhận triều cống của những ông hoàng người Nga. Trong triều đại của hoàng thân Dmitry, vua Mamay đã tiến hành một cuộc viễn chinh bằng quân đội để thu hồi những khoản thuế chưa được nộp. Dmitry đã đánh bại quân của Mamay vào năm 1380 trong trận Kulikovo, nhưng hai năm sau đó người kế vị của Mamay đã đánh phá Moscow.

Mãi cho đến triều đại của Ivan III Vasilyevich, Moscow mới thoát khỏi ách kiểm soát của Golden Horde và hình thành một quyền lực thống trị ở phía Bắc nước Nga. Năm 1478 Moscow đã sát nhập Novgorod với lãnh thổ rộng lớn và việc mậu dịch lông thú đầy lợi lộc của vùng đất này. Hai năm sau Moscow ngưng không nộp triều cống cho Golden Horde nữa, và vương quốc này ngay sau đó đã bị chưa cắt thành những đơn vị yếu hơn. Sau khi đế quốc Byzantine sụp đổ vào năm 1453, những nhà cai trị của Nga đã tự gọi họ là những tsar. Tuy nhiên mãi cho đến thế kỷ 16 tsar mới trở thành danh hiệu chính thức của những nhà cai trị người Nga.

Sự gia tăng quyền lực của Moscow và vị trí của nó như là quốc gia duy nhất theo Chính thống giáo còn sót lại đã giúp mở rộng lãnh thổ và làm tăng tham vọng của những nhà cai trị. Việc mở rộng lãnh thổ đã thúc đẩy sự phát triển của một bộ máy quan liêu tuy nhỏ nhưng có hiệu quả ở Moscow, vốn chỉ phục tùng các tsar. Vào thế kỷ 16, một quân đoàn bộ binh chính quy được trang bị vũ khí đã được hình thành.

 

THỜI KỲ IVAN

 

Tình hình này vẫn tiếp tục dưới thời Ivan IV Vasilyevich, còn gọi là Ivan Khủng khiếp, người đã trở thành hoàng thân của Moscow năm 1533. Ivan đã chinh phục và sát nhập lãnh thổ của một số vua người Tatar vào thập kỷ 1550. Dưới triều đại của ông nước Nga cũng bắt đầu chinh phục Siberia, trước đó do Yermak, một người Cô-dắc phiêu lưu, cai quản Nga cũng thiết lập những quan hệ thương mại với nước Anh. Ivan IV cũng đưa các chuyên gia kỹ thuật của nước ngoài vào làm việc cho Nga, một hoạt động vốn được những quốc vương về sau thực hiện. Tuy nhiên những nỗ lực của các tsar để chiếm Livonia và thiết lập sự kiểm soát của Nga trên một phần bờ biển Baltic đã thất bại do sự kháng cự của người Ba Lan và người Thụy Điển.

Tuy nhiên, Ivan IV đã trở nên bất ổn về tâm thần. Những chính sách nội địa điên cuồng của ông đã dẫn tới việc giết hại những phần tử ưu tú trong giới quý tộc và việc tàn phá một số vùng của đất nước. Dưới thời của Ivan những người Tatar Crimea đã bắt đầu có những cuộc tấn công tàn phá trên lãnh thổ nước Nga để bắt người làm nô lệ, vốn có một thị trường lớn ở vùng Trung Đông. Tất cả những sự kiện này đã làm tệ hại hơn cho cuộc khủng hoảng kinh tế gay gắt mà Ivan IV đã để lại cho những người thừa kế sau khi ông ta qua đời vào năm 1584.

Con trai của Ivan là Fyodor I, vốn nhu nhược và bệnh hoạn, và người em rể là Boris Godunov đã thao túng triều chính trong triều đại của Fyodor. Fyodor đã chết không có người thừa kế vào năm 1598. Hội đồng Đất nước (một hội đồng đại diện cho các nhà quý tộc, những người đứng đầu các thị trấn và các nhà thờ) đã họp và cử Boris Godunov lên nắm quyền.

 

THỜI KỲ RỐI LOẠN

 

Boris Godunov thực tế không bao giờ nắm trọn quyền lực trong tay, một phần vì ông ta bị nghi ngờ đã ám sát Dmitry Ivanovicyh, em trai của Fyodor, và là người ruột thịt cuối cùng của ông ta. Ngoài ra tên tuổi của Boris cũng không phổ biến trong giới quý tộc, vốn bất mãn về sự nắm quyền của ông, và cũng không phổ biến trong giới nông dân, vốn đang chịu sưu cao thuế nặng và vốn bị ông ta hạn chế nhiều quyền lợi.

Chế độ nông nô đã bắt đầu hình thành ở Nga trong thế kỷ 16. Đôi khi tình trạng bị bần cùng hóa của các nông dân đã khiến họ phải tìm nơi tị nạn ở vùng thảo nguyên phía Nam. Những cộng đồng độc lập được gọi là người Cô-dắc đã phát triển gần những dòng sông lớn trong vùng thảo nguyên. Một số người Cô-dắc là nông dân, nhưng một số khác lại là chiến binh. Sự bất mãn đã gia tăng sau trận đói năm 1601. Năm 1604 Dmitry giả, người nhận quàng là con của Ivan IV và là người thừa kế ngai vàng, đã xâm lược nước Nga bằng đội quân của Ba Lan. Dmitry giả đã tiến vào Moscow, nhận được sự ủng hộ của những nông dân và người Cô-dắc ở các tỉnh phía Tây.

Boris qua đời đột ngột vào tháng 4 năm 1605, và đến tháng 6 Dmitry đã chiếm Moscow. Ông ta là một nhà cai trị có năng lực và có lương tâm, nhưng đã không làm hài lòng những người quý tộc vốn đang hy vọng khôi phục lại quyền lực của họ. Họ đã nổi dậy, giết chết Dmitry giả, và đưa Vasily Shuysky lên ngôi. Sự thay đổi này trái với ý nguyện của những người Cô-dắc và những nông dân nổi loạn, vốn bất mãn với những luật lệ hà khắc đối với nông nô và lo sợ về sự cai trị nghiêm ngặt của giới quý tộc. Họ đã nổi dậy ở phía Nam nước Nga và theo một người mạo danh khác là Dmitry giả thứ hai, vốn đang tiến về Moscow. Cùng lúc đó, Zygmunt III, vua của Ba Lan, đã xâm lược từ phía Tây. Sau một thời gian dài chiến đấu, Vasily đã bị hạ bệ vào năm 1610, để lại ngai vàng trống. Lúc đó cả đất nước rơi vào tình trạng vô chính phủ. Năm 1612 một đội quân do Kuzma Minin tổ chức và do hoàng tử Dmitry Mikhailovich cầm đầu đã đánh đuổi được người Ba Lan ra khỏi nước.

Thời kỳ Rối loạn được coi như bằng chứng cho nhu cầu của nước Nga về một quốc vương mà tính hợp pháp và quyền lực phải được tất cả nhân dân Nga chấp nhận. Vì thiếu một tsar chuyên quyền, nước Nga đã phải chịu một tình trạng vô chính phủ và sự chia cắt bởi các quyền lực láng giềng.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1777-02-633470649640625000/Lich-su/Su-quan-trong-gia-tang-cua-Moscow...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận