Tài liệu: Nước Nga - Nước Nga từ lúc độc lập

Tài liệu
Nước Nga - Nước Nga từ lúc độc lập

Nội dung

NƯỚC NGA TỪ LÚC ĐỘC LẬP

 

Liên xô đã sụp đổ vào năm 1991 và Nga một lần nữa lại trở thành một quốc gia độc lập. Đất nước mới độc lập này đã phải đối đầu với một thời kỳ khủng hoảng kinh tế và chính trị, vốn cần đến những quyết định cứng rắn và những chính sách khắt khe. Xung đột đã diễn ra giữa tổng thống Boris Yelsin và cơ quan lập pháp. Những xung đột này một phần là sự đấu tranh cho quyền lực, nhưng cũng xoay quanh chính sách kinh tế và những vấn đề về chủ nghĩa dân tộc Nga và sự tự hào quốc gia.

 

CHỦ NGHĨA DÂN TỘC VÀ CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI

 

Liên Xô là một siêu cường quốc và có một hệ thống xã hội và kinh tế khác xa với các nước phương Tây khác. Điều này làm cho nhiều người Nga đã tự hào và giúp xóa đi mặc cảm truyền thống về sự thua kém phương Tây. Nhưng đến năm 1991, thật bất ngờ và không thể lường trước đối với hầu hết người Nga, Liên Xô đã không còn tồn tại nữa và nước Nga đã mất đi rất nhiều quyền lực và địa vị quốc tế. Trong thập kỷ 1990 Nga đã buộc phải yêu cầu phương Tây hỗ trợ về kinh tế và đến đây để đầu tư vào đất nước. Chính sách đối ngoại thân Mỹ của tổng thống Yeltsin và ngoại trưởng Andrei Kozyrev đã nhanh chóng nhận chịu những sự phản đối gay gắt. Sự phản đối này lại còn gia tăng khi Nga từ chối không nhận những trợ giúp to lớn về tài chính mà nhiều người Nga đã ngây thơ kỳ vọng vào nó.

Ý định của Mỹ trong việc hội nhập nhiều bang vệ tinh Xô Viết trước đây vào khối NATO đã làm cho giới chính trị của Nga phẫn nộ. Bởi vì mục đích chính của khối NATO là hình thành một liên minh chống Xô Viết, nên giới chính trị tại đây cảm thấy bị xúc phạm khi các bang vệ tinh cũ của họ được mời tham gia vào tổ chức này. Họ cũng phẫn nộ khi bị loại ra khỏi khối đang chiếm ưu thế về quân sự và chính trị ở châu Âu, mà khối này dường như có ý mở rộng phạm vi của họ cho đến đúng biên giới nước Nga. Dưới thời của ngoại trưởng Yevgeny Primakov, Nga đã trở nên phê phán nhiều hơn đối với các chính sách của Mỹ và bắt đầu xây dựng những mối quan hệ chính trị với Trung Quốc và một số đồng minh cũ của nước này ở Trung Đông. Ngay cả khi Nga tăng cường các mối quan hệ này, chính quyền của nước này cũng nhận ra sự cần thiết phải có các mối quan hệ với phương Tây. Nhận thức này đã ngăn chặn Nga không đi quá xa vì lo sợ sẽ bị cô lập đối với các quốc gia phương Tây. Chế độ dưới quyền của Yeltsin hiểu rõ điều này và muốn có một sự tham gia triệt để vào nền kinh tế thế giới và mậu dịch quốc tế.

 

NHỮNG VÙNG XA XÔI

 

Người Nga vốn đau lòng về tình trạng sự sụp đổ của Liên Xô đã để lại 25 triệu người sống trong những vùng hiện nay đã là nước ngoài. Trong số 25 triệu này có 11 triệu sống ở Ukraine, gần 6 triệu ở Kazakhstan, và hầu hết số còn lại ở các khu vực khác tại Trung Á và các nước cộng hòa vùng Baltic. Ở một số khu vực, nổi bật nhất là Crimea và Bắc Kazakhstan, người Nga chiếm đa số. Điều này đã gây ra nỗi nguy hiểm về các cuộc xung đột biên giới và những phong trào ly khai. Một số cuộc xung đột đã nổ ra ở những vùng xa xôi của Liên Xô cũ, cụ thể là ở Caucasus, Tajikistan và Moldova. Tuy nhiên có rất ít người Nga bị giết hại trong những cuộc xung đột dân tộc và nước Nga cũng đã chấp nhận những biên giới của thời kỳ hậu Xô Viết.

Trong năm 1992 và 1993 những đối thủ của Yeltsin, do Ruslan Khasbulatov và phó tổng thống Aleksandr Rutskoy lãnh đạo, đã phản đối về sự thất bại của chính quyền trong việc hỗ trợ những người Nga ở các vùng xa này. Cụ thể là họ đã yêu cầu nước Nga phải hỗ trợ cho các phong trào ly khai ở khu vực Trans-Dniester của vùng Moldova và ở bán đảo Ukraine của Crimea. Họ đã lên án các chính quyền Latvia và Estonia đã không cấp quyền công dân cho những người Nga vốn đã định cư trong những nước cộng hòa này.

Sự phản đối này đã buộc Yeltsin phải thay đổi chút ít về chính sách của ông. Nga đã hoãn lại sự thỏa thuận với Ukraine về Hạm đội Xô Viết Biển Đen trước kia (vốn đã được chia đôi giữa Ukraine và Nga), và gia tăng sự hỗ trợ cho những phong trào của người nói tiếng Nga ở khu vực Tran-Dniester. Tuy nhiên, trong những vấn đề cốt yếu thì Yeltsin vẫn duy trì sự cứng rắn của mình. Quân đội của Nga đã rút lui khỏi các nước vùng Baltic trong năm 1993 và 1994. Không có sự khích lệ nào đối với những người ly khai Crimea.

Và cuối cùng đến năm 1997 đã có sự thỏa thuận về Hạm đội Biển Đen và căn cứ của nó tại Sevastopol, Ukraine. Hiệp định này đã cho Nga thuê trong vòng 20 năm một khu vịnh độc lập để làm chỗ hoạt động cho phần hạm đội của Nga ở Sevastopol. Cùng năm đó một hiệp ước hữu nghị Nga-Ukraine đã được ký kết. Lý do cho sự thận trọng của chính quyền Nga là sự nhận thức rằng việc thách thức vùng biên giới hậu Xô Viết có khả năng dẫn đến bất ổn định và chiến tranh, vốn sẽ làm mất những cơ hội phục hồi kinh tế và dẫn tới việc cô lập với quốc tế. Những thách thức đó cũng hoàn toàn không phù hợp với đại đa số người dân Nga, vốn chủ yếu chỉ mong muốn hòa bình và thịnh vượng.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1777-02-633470650285468750/Lich-su/Nuoc-Nga-tu-luc-doc-lap.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận