Tài liệu: Nước Nga - Các vùng tự nhiên

Tài liệu
Nước Nga - Các vùng tự nhiên

Nội dung

CÁC VÙNG TỰ NHIÊN

 

Địa hình nước Nga có thể được chia thành một số vùng địa lý rộng lớn. Từ Đông sang Tây có vùng Đại Đồng bằng Âu châu; vùng núi Ural; vùng hệ thống núi dọc theo phần lớn biên giới phía Nam; và vùng đất thấp và vùng cao Siberi, trong đó bao gồm khu vực Đồng bằng Tây Siberi, khu vực Trung tâm Siberi, và khu vực những rặng núi phía Đông Bắc Siberi.

 

VÙNG ĐẠI ĐỒNG BẰNG ÂU CHÂU

 

Phần lớn khu vực Nga Âu là một phần của vùng đồng bằng nhấp nhô làm thành một vòng cung xuyên qua lục địa vào đất Nga, nơi đó vùng này được mở rộng và có độ cao trung bình 200 mét. Qua nhiều triệu năm tác động của những dòng suối, của gió và của các sông băng đã để lại những lớp đá trầm tích trên vùng đồng bằng này. Ở một số nơi, chính những tác động này đã làm xói mòn những lớp đá trầm tích mềm, để lộ ra những tầng đá cứng thuộc dạng đá núi lửa và đá biến chất. Ở những nơi này địa hình thường lởm chởm.

Một số đặc điểm bề mặt có nguồn gốc từ sự đóng băng. Trong số những đặc điểm này và các trầm tích đóng băng, chẳng hạn như ở vùng đồi Valday nằm giữa Moscow và Saint Petersburg. Khi những sông băng thoái hóa vào kỷ băng hà cuối cùng, chấm dứt cách đây khoảng 10.000 đến 12.000 năm, một loạt những ngọn đồi hình bán nguyệt đã hình thành ở rìa các sông băng. Khu vực này, được gọi là băng tích cuối cùng, chạy từ biên giới Belarus về phía Đông, rồi đến Bắc Moscow ra bờ biển Bắc cực. Trong phần lớn các khu vực của vùng Đại Đồng bằng Âu châu, sự chênh lệch về độ cao là rất nhỏ. Hầu hết phần phía Bắc của Nga Âu rất bằng phẳng và được thoát nước rất ít, với nhiều đầm lầy và hồ nước. Trái lại, phần phía Nam có nhiều đất đai màu mỡ hỗ trợ cho việc phát triển nông nghiệp trong khu vực.

 

VÙNG NÚI URAL

 

Vùng Đại Đồng bằng Âu châu chấm dứt ở phía Đông rặng núi Ural, một dãy gồm các ngọn núi cổ đã bị bào mòn với độ cao trung bình khoảng 600 mét, trong đó cao nhất là ngọn Gora Narodnaya có độ cao 1.894 mét. Mặc dù có độ cao khiêm tốn, rặng Ural rất quan trọng với các loại khoáng sản đa dạng, từ nhiên liệu đến quặng sắt, các loại quặng phi sắt và các loại khoáng sản phi kim loại.

 

HỆ THỐNG NÚI PHÍA NAM

 

Rặng núi Caucasus, nằm giữa biển Đen và biển Caspian, bao gồm hai dãy núi chính được chia cách bởi những vùng đất thấp. Trong đó dãy Caucasus Lớn ở phía Bắc hình thành một phần của biên giới phía Tây Nam giữa Nga và Georgia và Azerbaijan. Vốn phức tạp về mặt địa lý, hệ thống núi này có đá granit và những loại đá kết tinh khác, cùng với một số hệ núi lửa. Dãy Caucasus Lớn đạt đến độ cao tối đa 5.633 mét tại đỉnh El’brus, một ngọn núi lửa đã ngừng hoạt động, vốn là điểm cao nhất của nước Nga và của cả châu Âu. Những rặng núi khác trải dài qua phần lớn ranh giới phía Nam của vùng Trung và Đông Siberi cho đến Thái Bình Dương. Trong số này có các rặng Altay, Sayan, Yablonovyy và Stanovoy, nối với những rặng núi ở miền viễn Đông. Tất cả những rặng núi phía Nam đều có chứa những nguồn khoáng sản quý.

 

VÙNG ĐỒNG BẰNG TÂY SIBERI

 

Giữa rặng núi Ural và sông Yenisey là vùng Đồng bằng Tây Siberi, một vùng đất thấp bao la hình thành khu vực đất bằng lớn nhất thế giới. Ở chỗ rộng nhất vùng này trải dài khoảng 1.800 km, từ biển Bắc cực ở phía Bắc đến những vùng thảo nguyên Trung Á ở phía Nam. Những khu vực đất thấp ở đây rất bằng phẳng và ít được thoát nước, bao gồm nhiều đầm lầy và bãi than bùn. Khu vực phía Bắc và trung tâm có nhiều khoáng sản quan trọng về dầu mỏ và khí thiên nhiên.

 

VÙNG CAO NGUYÊN TRUNG TÂM SIBERI

 

Ở phía Đông khu vực Yenisey đất cao lên để hình thành vùng cao nguyên nhấp nhô trải dài đến sông Lena. Độ cao trung bình ở đây từ 500 đến 700 mét. Khắp cả vùng này những con sông đã bào mòn bề mặt và ở một số nơi đã hình thành những hẻm núi sâu. Cấu trúc địa chất của vùng cao nguyên này khá phức tạp, với một nền đá núi lửa và đá biến chất, trên đó ở một số nơi được phủ bởi những lớp đá trầm tích và dung nham núi lửa rất dày. Vùng cao nguyên này có nguồn trữ lượng quan trọng về than đen.

 

VÙNG VIỄN ĐÔNG NƯỚC NGA

 

Ở phía Đông sông Lena địa hình bao gồm hàng loạt các rặng núi và các khu lòng chảo. Những đỉnh trong những rặng núi cao, như đỉnh Verkhoyansk, Cherskiy và Kolyma đạt đến độ cao từ 2.300 đến 3.200 mét. Xa hơn về phía Đông những rặng núi này còn cao hơn và dốc hơn nữa và các hoạt động núi lửa cũng rất phổ biến. Ở bán đảo Kamchatka có 120 ngọn núi lửa, trong đó có 23 ngọn vẫn còn hoạt động. Trong số này đỉnh cao nhất là Klyuchevskaya Sopka, đạt đến độ cao 4.750 mét. Những dãy núi này tiếp tục chạy dài ra đến biển và hình thành nhóm đảo Kuril, bao gồm khoảng 100 ngọn núi lửa, trong đó có 30 ngọn còn hoạt động.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1778-02-633470651358437500/Dia-ly/Cac-vung-tu-nhien.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận