Tài liệu: Nước Nga - Sông và hồ

Tài liệu
Nước Nga - Sông và hồ

Nội dung

SÔNG VÀ HỒ

 

Những sông dài nhất của Nga nằm ở vùng Siberi. Sông Ob’ và sông Irtysh hình thành hệ thống sông lớn nhất của Nga, và cũng là hệ thống sông lớn nhất ở châu Á và lớn thứ tư trên thế giới. Mạng lưới sông này bao gồm tổng cộng 5.410 km, chảy từ phía Tây Trung Quốc về phía Bắc, qua phía Tây Siberi đến biển Bắc cực. Vài sông nhánh của sông Ob’, trong đó có sông Irtysh, chảy qua vùng đất láng giềng Kazakhstan. Sông Amur và các sông thượng nguồn của nó là Onon và Shilka đã hình thành hệ thống sông dài thứ hai ở Nga, với tổng chiều dài 4.416 km.

Sông Onon chảy từ Mông Cổ về phía Đông Bắc vào phía Nam Siberi, nơi đó nó hợp với sông Ingoda để hình thành sông Shilka, vốn tiếp tục chảy về phía Đông Bắc. Ở biên giới với Trung Quốc sông Shilka hợp với sông Argun để hình thành sông Amur, vốn tiếp tục chảy dọc theo biên giới trong 1.600 km trước khi chuyển về hướng Bắc đến Thái Bình Dương. Trong số từng con sông riêng rẽ thì sông Lena là dài nhất. Sông này chảy 4.400 km về phía Bắc, qua Siberi đến biển Bắc cực, từ nguồn của nó ở gần hồ Baikal. Những sông dài thứ hai ở Nga là sông Irtysh và sông Ob’.

Sông Volga, nằm ở phần Nga Âu, là sông dài thứ tư của đất nước và là sông dài nhất ở châu Âu. Cùng với hai sông nhánh chính của nó là sông Kama và Oka, nó đã thoát nước cho một bộ phận lớn ở phía Đông của vùng Đại Đồng bằng Âu châu, hướng về phía Đông Nam cho đến biển Caspian. Con sông dài thứ năm là sông Yenisey, chảy từ Mông Cổ về phía Bắc, qua vùng trung tâm Siberi để đến biển Bắc cực. Sông nhánh chính của nó là Angara, chảy từ hồ Baikal, hồ nước ngọt lớn nhất của Nga. Sông Yenisey chứa một lượng nước nhiều hơn bất kỳ hệ thống sông suối nào trong nước. Tính về lượng nước chảy thì những sông xếp thứ tự sau nó là Lena, Ob’, Amur và Volga. Còn lại tất cả những sông khác đều có lượng nước ít hơn nhiều.

Nhiều con sông và dòng suối khác có tầm quan trọng rất lớn vì chúng phục vụ cho đường giao thông hay làm nguồn năng lượng trong những khu vực dân cư đông đúc, hoặc là nước của chúng được dùng để tưới cây. Nổi bật nhất trong số này là sông Don, nằm ở phía Nam của vùng Nga Âu, chảy về phía Nam đến biển Azov. Ở phía Bắc vùng Đại Đồng bằng Âu châu, sông Daugava và sông Narva chảy về phía Bắc và phía Tây đến biển Baltic; các sông Pechora, Bắc Dvina, Mezen’ và Onega chảy đến biển Barents và biển Trắng. Sông Terek và sông Kuban’ bắt nguồn từ dãy Caucasus Lớn và rất quan trọng trong việc tưới tiêu. Sông Terek chảy với độ dốc rất lớn từ những đỉnh núi xuống, trong khi sông Kuban’ chảy về phía Tây đến biển Azov.

Trong thời kỳ Xô Viết chính quyền đã năng động trong việc xây dựng những đập lớn sử dụng cho việc phát điện, tưới tiêu, kiểm soát lũ lụt và giao thông. Trên một số con sông có hàng loạt những hồ chứa nước vốn đã làm thay đổi lưu vực của chúng. Những công trình xây dựng đồ sộ nhất đã được tiến hành trên hệ thống sông Volga-Kama và sông Don ở vùng Đại Đồng bằng Âu châu, và ở vùng thượng nguồn của hệ thống sông Yenisey-Angara và hệ thống sông Ob’-Irtysh ở Siberi. Hàng loạt đập nước trên sông Volga đã làm chậm đáng kể tốc độ chảy của sông này và giảm đi lượng nước của nó. Mức giảm sút tốc độ nước chảy trên sông Kuban’ và sông Don còn lớn hơn nữa. Kết quả là những dòng sông này đã bị ô nhiễm nhiều hơn và những bãi đẻ trứng của loài cá tầm tại đây đã bị bớt đi rất nhiều. Nhiều đập đã không có những kẽ hở cho cá vượt qua, và do đó cá đã không thể vượt qua đập để đến các bãi đẻ trứng của chúng. Tình trạng thiếu hoặc không có các hệ thống xử lý nước thải đã góp phần vào sự thoái hóa của những con sông và hồ nước tại đây.

Ở Nga có nhiều hồ nước, đặc biệt là tại khu vực đóng băng của đất nước này. Biển Caspian, ở biên giới phía Nam nước Nga, là hồ nước lớn nhất thế giới tính theo diện tích bề mặt. Mặc dù gọi là biển, thực tế nó là một hồ nước mặn tọa lạc trên một vùng đất lún. Nhiều con sông đổ vào Caspian, nhưng lòng hồ sâu của nó chứa hết nước nên nước không thể tràn ra biển. Nước chỉ có thể thoát đi qua con đường bay hơi và qua thời gian lượng muối ngày càng tích lũy nhiều, làm cho nước hồ này rất mặn.

Hồ Baikal, ở phía Nam Siberi, có diện tích lớn nhất trong toàn nước Nga, và tính theo khối lượng nước thì nó lớn nhất trên thế giới. Người ta ước lượng là riêng hồ này đã chứa đến một phần năm tổng lượng nước ngọt trên trái đất. Với độ sâu lớn là 1.637 mét, hồ Baikal cũng là hồ nước ngọt sâu nhất trên thế giới. Hai hồ lớn kế tiếp của Nga, tính theo diện tích bề mặt, là hồ Ladoga và hồ Onega. Tọa lạc ở phía Tây Bắc nước Nga, những hồ nước ngọt này có diện tích lớn nhất châu Âu.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1778-02-633470651488125000/Dia-ly/Song-va-ho.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận