VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG
Trước kia, nguồn đất và nước của Nga đã trải qua một cuộc thoái hóa nghiêm trọng. Một số khu vực, chẳng hạn như khu lưu vực Kuznetsk trên sông Tom ở miền Nam Siberi, vành đai công nghiệp dọc theo bộ phận phía Nam của rặng núi Ural, và vùng hạ lưu sông Volga, đã bị thoái hóa ngoài mức độ có thể phục hồi.
Những phó sản của các loại vũ khí hạt nhân đã gây những tổn thất vĩnh viễn ở gần Tomsk và Krasnoyarsk tại miền Nam Siberi, và gần Chelaybinsk tại rặng núi Ural. Bụi phóng xạ từ vụ nổ nhà máy hạt nhân Chernobyl ở Ukraine năm 1986 đã ảnh hưởng chủ yếu đến khu vực Bryansk Oblast của Nga. Ít nổi tiếng hơn so với thảm họa Chernobyl là những tai nạn tại nhà máy sản xuất vũ khí hạt nhân Mayak ở gần Chelyabinsk vào những năm 1949, 1957, và 1967, toàn bộ đã phát ra một lượng phóng xạ còn cao hơn ở Chernobyl.
Quân đội Xô Viết đã thử nghiệm vũ khí hạt nhân trên các đảo Novaya Zemlya ở Bắc Băng Dương, vốn là một bãi thử thứ hai, sau bãi Semipalatinsk (nay và Semey), Kazakhstan. Những chất thải hạt nhân được đổ vào biển Barents và biển Kara ở cực Bắc, và ở vùng viễn Đông Siberi. Việc đổ các chất thải hạt nhân ở biển Nhật Bản vẫn được tiếp tục cho đến năm 1993. Việc thải hồi các tàu ngầm hạt nhân và chất thải hạt nhân vẫn còn là một vấn đề khó giải quyết. Mặc dù một số tàu ngầm hạt nhân đã không còn hoạt động, hầu hết trong số này vẫn đậu ở các cảng của Nga do thiếu các phương tiện chứa những chất thải hạt nhân.
Ô nhiễm không khí đã gây tổn hại cho thực vật ở nhiều khu vực của Nga. Noril’sk, tọa lạc cách Vòng Bắc cực khoảng 300 km, đã thải ra khí sulfur dioxide từ các lò nấu đồng, côban và kền, với số lượng lớn hơn bất kỳ vùng nào trên thế giới. Những nguồn khác làm ô nhiễm không khí ở qui mô lớn có các lò nấu kim loại ở bán đảo Kola. Gió đã đưa những chất gây ô nhiễm này qua vùng Bắc Âu, gây ra một sự tàn phá ở diện rộng những khu rừng ở Scandinavia. Ô nhiễm không khí cũng đã có tác hạt đến những vùng rừng rộng lớn ở lưu vực Kuznetsk và miền Nam Ural. Rừng ở các khu vực dễ tiếp cận trong nước đã phải chịu tình trạng suy thoái do việc đốn gỗ tràn lan. Từ năm 1991 mức độ suy thoái rừng đã gia tăng ở khu vực Ussuri tại vùng viễn Đông nước Nga, do những hoạt động đốn gỗ của nước ngoài.
Các chất ô nhiễm chảy vào những con sông và tích tụ ở những hồ nước và các biển ít có sự trao đổi nước như biển Caspian, biển Azov, và biển Đen. Một lớp hydro sunfua đã tràn trên mặt biển Đen, một phần là do những hợp chất hữu cơ từ các phó sản nông nghiệp và từ những cống rãnh không được xử lý. Nhiều thành phố trong nước chưa được trang bị đầy đủ những nhà máy xử lý nước thải. Sự ô nhiễm, việc làm đập ngăn và việc đánh cá quá mức đã làm cho sản lượng cá ở những vùng nước nội địa sụt giảm bốn phần năm trong thời gian từ 1948 đến 1983. Ở một số khu vực khác mức sụt giảm còn cao hơn nữa. Lượng cá thương mại đánh bắt được ở sông Volga trong thập kỷ 1980 chỉ bằng một phần mười so với thập kỷ 1930.
Những nguồn đất trồng trọt đã bị tác động một cách bất lợi do sự quản lý kém. Nhiều khu vực đất đai rộng lớn ở miền Nam nước Nga đã bị xói mòn. Sự xói mớn do gió đã tác động đến những vùng đất cằn cỗi hơn ở Bắc Caucasus, khu lưu vực hạ lưu sông Volga và phía Tây Siberi. Sự ô nhiễm không khí và phân bón hóa học đã làm ô uế nhiều khu vực đất đai.
Nga đã có một mạng lưới rộng lớn những khu bảo tồn và các công viên quốc gia, vốn đã được mở rộng từ năm 1991. Tuy nhiên, do thiếu nguồn nhân lực, việc săn bắn trộm cũng đã gia tăng. Đất nước này cũng đã tổ chức công tác tái sinh các loại vật liệu thải hồi, nhưng vẫn còn ở mức độ sơ khai.