Tài liệu: Nước Nga - Mối quan hệ kinh tế nước ngoài, mậu dịch và đầu tư

Tài liệu
Nước Nga - Mối quan hệ kinh tế nước ngoài, mậu dịch và đầu tư

Nội dung

MỐI QUAN HỆ KINH TẾ NƯỚC NGOÀI, MẬU DỊCH VÀ ĐẦU TƯ

 

Sau khi Liên Xô tan rã, những nhà cải cách của chính quyền Yeltsin đã tìm cách hội nhập nước Nga vào nền kinh tế thế giới và nhận những sự hỗ trợ tài chính từ bên ngoài cho việc cải tổ thị trường. Nhận lấy tất cả những món nợ nước ngoài từ Liên Xô mà không có một quỹ dự phòng quốc tế nào, Nga đã họp hàng năm với những chủ nợ nước ngoài để dời lại lịch trả nợ. Trước năm 1995 Nga chỉ trả được một phần nhỏ trong số những món nợ này. Đầu năm 1996 Nga đã đạt được một thỏa thuận trả nợ dài hạn với nhóm những nước chủ nợ gọi là Câu lạc bộ Paris, và năm 1997 nước này cũng có sự thỏa thuận với một nhóm chủ nợ gồm các ngân hàng thương mại nước ngoài gọi là Câu bạc bộ Luân Đôn.

Giữa thập kỷ 1990 Nga bắt đầu nhận sự hỗ trợ cơ bản về tài chính từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Các khoản tín dụng do IMF cho Nga vay lên đến 1,5 tỉ USD năm 1994, 5,5 tỉ USD năm 1995, và 2,9 tỉ USD năm 1996. Ngoài ra, tháng 3 năm 1996 Mỹ và Đức đã cho chính quyền Yeltsin vay tổng cộng 2,4 tỉ USD.

Mô hình mậu dịch và ngoại thương của Nga đã thay đổi đột ngột kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Sau khi bắt đầu cuộc Chiến tranh Lạnh vào thập kỷ 1940, Liên Xô đã tiến hành công cuộc ngoại thương với các quốc gia Cộng sản và cố gắng hình thành một khối kinh tế của Đông Âu và châu Á độc lập với phương Tây. Trong thập kỷ 1980 những thành viên của Hội đồng Tương trợ Kinh tế (COMECON) do Liên Xô dẫn đầu vẫn chiếm gần hai phần ba lượng ngoại thương của Liên Xô. Giống như các hoạt động kinh tế Xô Viết khác, ngoại thương đã được hoạch định và điều hành từ trung ương.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, mô hình này đã thay đổi. Tổng lượng giao dịch ngoại thương của Nga đã giảm sút đột ngột. Năm 1992 lượng xuất khẩu của Nga sang các khu vực ngoài Liên Xô cũ đã ít hơn hai phần ba mức độ của năm 1988, trong khi tổng lượng nhập khẩu cũng ít hơn một nửa so với năm 1988. Việc mậu dịch được chuyển một cách nhanh chóng sang phương Tây. Đến giữa thập kỷ 1990 những nước phát triển ở phương Tây đã chiếm khoảng ba phần năm trong tổng lượng mậu dịch của Nga với các quốc gia ngoài khối Liên Xô cũ, trong khi những nước trong tổ chức COMECON trước đây chỉ chiếm một phần mười trong tổng lượng này. Mậu dịch với các nước cộng hòa Xô Viết cũ cũng giảm sút rất nhiều. Tuy nhiên cá biệt vẫn có một số nước cộng hòa Xô Viết cũ như Ukraine và Belarus vẫn là những đối tác mậu dịch chính của Nga. Nước Đức, chiếm khoảng 13% trong tổng lượng mậu dịch với các nước ngoài khối Liên Xô cũ, đã trở thành đối tác hàng đầu của Nga, kế đến là Mỹ và Ý. Tháng 11 năm 1998 Nga đã trở thành thành viên của tổ chức Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC).

Được sự ủng hộ của IMF, chính quyền Nga đã bãi bỏ các hạn ngạch xuất khẩu và giấy phép xuất khẩu vào đầu năm 1995. Đến giữa năm 1996 thuế xuất khẩu đối với một số mặt hàng trọng điểm cũng được bãi bỏ. Việc quản lý của chính quyền trong ngoại thương chỉ còn được duy trì trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí và các thiết bị liên quan đến quốc phòng. Từ 1991 đến 1996 Nga đã giữ đều một mức cân đối khả quan về mậu dịch. Năm 1996 mức thặng dư của xuất khấu so với nhập khẩu đã chiếm 5% trong GDP của đất nước. Tính về mặt tỉ lệ thì đây là một trong những mức thặng dư lớn nhất trên thế giới. Tuy nhiên, việc xác định cán cân mậu dịch thực tế của Nga là rất phức tạp, do nhiều luồng mậu dịch không thể tổng kết được. Chẳng hạn như phần mậu dịch do những người Nga qua lại những nước như Thổ Nhĩ Kỳ, đã được đánh giá là nâng mức nhập khẩu thực tế của Nga lên thêm một phần ba. Việc buôn lậu qua biên giới và việc chuyển lậu tài sản của người Nga ra nước ngoài cũng có ảnh hưởng đến cán cân mậu dịch thực tế của nước này.

Việc đầu tư của nước ngoài vào Nga chỉ tập trung chủ yếu trong việc mua các hối phiếu và công trái của ngân khố nhà nước. Lượng đầu tư trực tiếp vào Nga vẫn còn rất hạn chế. Tính theo đầu người thì mức đầu tư trực tiếp này chỉ bằng khoảng một nửa so với Ba Lan, và thấp hơn Hungari rất nhiều. Những nhà đầu tư nước ngoài thường bị loại trừ ngay trong bước đầu tiên của việc tư hữu hóa các doanh nghiệp, và ở một số lĩnh vực như ngân hàng và năng lượng việc sở hữu của người nước ngoài cũng bị hạn chế đến mức độ tối đa. Trong năm 1996 có khoảng một phần tư lượng đầu tư trực tiếp của nước ngoài được đặt vào lĩnh vực sản xuất thực phẩm; còn trong các lĩnh vực tài chính, bán lẻ và ăn uống, mức đầu tư này cũng chiếm một phần tư. Lượng đầu tư vào lĩnh vực năng lượng rất hạn chế. Về mặt địa lý thì một lượng lớn đầu tư nước ngoài đã được đổ một cách thiếu cân đối vào Moscow.

Lượng tư bản nước ngoài khiêm tốn này tương phản rõ rệt với một lượng lớn tư bản trong nước đã được đem ra đầu tư ở nước ngoài. Vào giữa thập kỷ 1990 lượng tư bản này đã được ước lượng lên đến khoảng 50 tỉ USD. Những nhà tài chính, nhà mậu dịch và những công dân bình thường đưa tiền ra khỏi nước đã bị lôi kéo bởi những tính toán và ngờ vực vốn đã ngăn trở người nước ngoài không dám đầu tư vào Nga ở qui mô lớn. Việc chuyển số lượng tư bản này ra ngoài thường được thực hiện bằng cách làm giả các chứng từ nhập khẩu hoặc bằng những phương cách bất hợp pháp khác. Qui mô của việc đổ tư bản ra ngoài này đã nói lên mức độ của những trở ngại nội địa đang cần phải vượt qua để khơi ngòi cho sự đầu tư qui mô lớn ở Nga.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1779-02-633470654440781250/Kinh-te/Moi-quan-he-kinh-te-nuoc-ngoai-ma...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận