KIẾN TRÚC
Trong hầu hết lịch sử của nó, kiến trúc Nga nghiêng nặng về mặt tôn giáo. Qua nhiều thế kỷ, những nhà thờ là những công trình kiến trúc duy nhất được xây dựng bằng đá, và ngày nay chúng hầu như là những công trình duy nhất còn sót lại từ những thời quá khứ xa xưa. Những yếu tố cơ bản trong thiết kế nhà thờ của Nga đã có từ khá sớm, khoảng thế kỷ thứ 11. Cách bố trí thường theo dạng chữ thập Hy Lạp (cả bốn cánh đều bằng nhau), và các bức tường đều cao và có nhiều cửa. Những mái nhà dốc đứng với rất nhiều mái vòm bao phủ trên những công trình này. Mái vòm đặc trưng dạng củ hành đã xuất hiện lần đầu ở Novgorod tại nhà thờ Sancta Sophia, vào thế kỷ 11. Đặc điểm chính bên trong nội thất là chiếc bàn thờ với những tượng thánh của nhà thờ được sắp xếp thành từng bậc.
Những trung tâm của kiến trúc thời cổ được dịch chuyển theo ưu thế của các thành phố: từ Kiev đến Novgorod và Pskov, và từ cuối thế kỷ 15 là Moscow. Qua sự thành lập một nước Nga thống nhất dưới thời Ivan III, kiến trúc nước ngoài bắt đầu xuất hiện ở Nga. Trường hợp đầu tiên của công trình theo phong cách nước ngoài là nhà thờ Lễ Thăng thiên tại Moscow, hoàn thành năm 1479. Nhà thờ này thực sự là một sự tổng hợp nổi bật của phong cách kiến trúc truyền thống Nga, mặc dù những phần cổ điển của nó có đặc trưng của kiến trúc Phục hưng Ý. Truyền thống của Nga đã trải qua một thời kỳ đổi mới ngấn ngủi dưới thời Ivan IV, trong đó nhà thờ St.Basil đã được xây dựng. Tuy nhiên, nhìn chung thì các Nga hoàng bắt đầu ngày càng có khuynh hướng thiên về các kiểu kiến trúc Âu châu. Ví dụ rõ nhất của xu hướng này là Peter Đại đế, người đã thiết kế thành phố Saint Petersburg theo kiến trúc phổ biến của châu Âu. Những người kế vị của ông, đã theo mô hình đó, thuê kiến trúc sư Rastrelli của Ý để xây dựng cung điện Mùa Đông và nhà thờ Smolny theo phong cách rococo. Dưới thời Catherine, phong cách rococo đã được thay thế bởi phong cách tân cổ điển.
Đến thế kỷ 19 người ta bắt đầu quan tâm đến các hình thức truyền thống của Nga. Giống như phong trào trong các nghệ thuật trực quan, sự hồi sinh của các phong cách cổ đã đóng góp vào việc hình thành một phong trào tiên phong trong đầu thế kỷ 20. Trong một thời gian ngắn sau cuộc Cách mạng 1917, phong trào Tạo dựng đã có một ảnh hưởng đủ để thiết kế những công trình lớn. Lăng Lê Nin, do Alexey Shchusev thiết kế năm 1924, là công trình nổi bật nhất trong số ít những kiến trúc theo phong cách Tạo dựng còn sót lại cho đến ngày nay. Tách rời khỏi chủ nghĩa tân thời, nền kiến trúc thời kỳ Stalin được điển hình bởi bảy tòa nhà chọc trời có dạng hình bánh cưới gần giống hệt nhau đang chiếm lĩnh bầu trời thành phố.
Trong những năm gần đây, sự quan tâm trở lại đối với văn hóa truyền thống Nga đã hình thành nên sự ưa chuộng một nền kiến trúc khiêm tốn hơn theo kiểu dân gian. Một số ít những trường hợp còn sót lại của những kiến trúc truyền thống bằng gỗ, chẳng hạn như những công trình được trưng bày tại bảo tàng kiến trúc ngoài trời Kostroma, nằm trong số những di tích kiến trúc quý giá nhất của Nga.