MÚA BA LÊ
Nga đã có một sự đóng góp độc đáo vào sự phát triển của ba lê. Loại hình kịch múa này đã được du nhập vào Nga cùng với những loại hình múa nghệ thuật khác trong chương trình Tây phương hóa của Đại đế Peter vào đầu thế kỷ 18. Những nhà phê bình ba lê châu Âu đã công nhận rằng nghê thuật múa của Nga đã có những ảnh hưởng sâu rộng đến môn ba lê của Tây Âu. Marius Petipa, một biên đạo múa người Pháp vốn đã trải qua 50 năm biên đạo cho các vở ba lê của Nga, là một hình ảnh nổi bật trong thời kỳ này. Những thành quả đem lại vinh dự nhiều nhất cho ông là việc biên đạo những vở ba lê của Tchaikovsky. Những diễn viên múa của châu Âu như Marie Taglioni, Christian Johansson và Enrico Cecchetti, đã biểu diễn ở Nga trong suốt thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, mang đến đây những ảnh hưởng mới của phương Tây. Khuôn mặt có nhiều ảnh hưởng nhất vào đầu thế kỷ 20 là ông bầu Sergey Diaghilev, người đã thành lập đoàn múa ba lê lưu diễn năm 1909 với biên đạo Michel Fokine, diễn viên Vaslav Nijinksy và nhà thiết kế Alexandre Benois. Sau khi đưa lên sân khấu vở Nghi thức Mùa Xuân của Stravinskiy, Thế chiến Thứ I đã ngăn cản không cho Diaghilev trở lại Nga.
Sau Diaghilev, những thế hệ mới các diễn viên của Nga lại tiếp tục nổi lên. George Balanchine, một người di cư được Diaghilev bảo trợ, đã thành lập Vũ đoàn Ba lê Thành phố New York năm 1948. Trong khi đó, chính quyền Xô Viết cũng tài trợ cho những đoàn múa ba lê mới trong khắp liên bang. Diễn viên múa có nhiều ảnh hưởng nhất của Nga vào giữa thế kỷ 20 là Rudolf Nureyev, người đã bỏ sang phương Tây năm 1961, được coi là người hình thành vai trò vượt trội của diễn viên nam trong múa ba lê cổ điển. Những thành phố lớn của Nga đều có những ban nhạc giao hưởng và các nhà hát ba lê và ô-pê-ra. Những đoàn múa ba lê của nhà hát Bol’shoy ở Moscow và nhà hát Kirov ở St. Petersburg đã nổi tiếng khắp thế giới và đi lưu diễn từ thập kỷ 1960.