Tài liệu: Nước Nga - Hội họa

Tài liệu
Nước Nga - Hội họa

Nội dung

HỘI HỌA

 

Một phong trào nổi bật trong hội họa của Nga xưa kia là việc vẽ các loại thánh tượng. Truyền thống vẽ các hình ảnh về tôn giáo này do những người Nga thừa kế từ Byzantine, nơi ngành hội họa này bắt đầu như một nhánh của truyền thống vẽ khảm và vẽ các loại tranh tường trong những nhà thờ Byzantine thời cổ. Trong thế kỷ thứ 8 và thứ 9, sự tranh luận về việc bài trừ thánh tượng trong nhà thờ Chính thống giáo đã đặt ra câu hỏi là các hình ảnh tôn giáo có phải là một sinh hoạt hợp pháp hay một sự sùng bái mang tính báng bổ thần thánh. Mặc dù việc sử dụng các loại tranh ảnh này không bị cấm, nhưng nó đã gợi nên một sự nhận thức sâu sắc về nét khác biệt giữa nghệ thuật dùng để mô tả thực tế và nghệ thuật phục vụ cho sự thưởng thức mang tính tôn giáo.

Nhiều hình thức cân đối và hài hòa đã thiết lập trong việc phản ánh về thần thánh, và do đó nó đã dẫn đến tình trạng sao chép và cải thiện một cách tế nhị những nền tảng cũ hơn là đưa ra những cái mới nổi bật. Mặc dù phong cách được phát triển một cách chậm chạp, việc vẽ thánh tượng đã tiến triển trong nhiều thế kỷ qua. Cụ thể là vào thế kỷ 14, việc vẽ thánh tượng ở Nga đã mang tính chủ quan và việc diễn đạt cá nhân ở mức cao độ. Khuôn mặt nổi bật nhất trong sự thay đổi này là Andrey Rublyov, có những tác phẩm người ta có thể chiêm ngưỡng được tại Phòng trưng bày Tretyakov ở Moscow và Bảo tàng Nga ở St. Petersburg.

Không giống như những truyền thống tranh ảnh mà người phương Tây vốn quen thuộc, truyền thống thánh tượng của Nga không phải là sự thể hiện không gian vật lý hay ngoại hình. Các thánh tượng là những hình ảnh có mục đích hỗ trợ cho những người cầu nguyện mang tính tu hành, và theo ý nghĩa đó chúng liên quan nhiều hơn đến việc thể hiện sự hài hòa trong lúc trầm tư mặc tưởng hơn là trình bày ra những cảnh thực tế. Những tranh tượng này không phải được tạo ra để thu hút người xem mà là để gợi lên sự suy nghĩ và sự tự vấn. Những bộ sưu tập đáng giá nhất về thánh tượng có thể được tìm thấy ở Phòng trưng bày Tretyakov và Bảo tàng Nga, mặc dù có nhiều nhà thờ ở Nga cũng lưu giữ và bảo quản những tác phẩm truyền thống này.

Sự ảnh hưởng ngày càng tăng của văn hóa Âu châu đối với Nga trong thế kỷ 17 và 18 đã đưa những tác phẩm của Nga đến gần hơn với truyền thống phương Tây. Mãi cho đến cuối thế kỷ 19 những phong cách hội họa độc đáo của Nga mới nổi lên, phát triển song song với sự cải cách xã hội. Phong trào hiện đại này ngay từ buổi ban đầu đã có rất nhiều khuynh hướng khác nhau, và người ta khó lòng mô tả hết được những khuynh hướng này.

Ngay từ thuở sơ khai, phong trào nghệ thuật hiện đại đã tách ra khỏi truyền thống cổ điển và tạo ra một loại nghệ thuật mới gắn bó chặt chẽ với cuộc sống thường nhật của xã hội Nga. Phong trào này đã làm phát triển sự quan tâm trở lại đối với những hình thức nghệ thuật của Nga, trong đó có cả nghệ thuật trang trí dân gian, và nghệ thuật vẽ thánh tượng. Từ nghệ thuật trang trí phong trào này đã có một sự nhận thức sâu sắc về sức mạnh của những đường nét hình học trừu tượng: những đường nét, hình khối và màu sắc được sử dụng để xây dựng những hình thức mạnh mẽ và đầy tiết điệu, không hẳn chỉ là để mô tả các sự vật hay không gian thực tế. Sự xem xét lại nghệ thuật vẽ thánh tượng đã giúp cho các họa sĩ nhận thức rõ hơn về sức mạnh của không gian phẳng hai chiều. Họ đã có thể xử lý mặt vải như là một mặt vải, chứ không phải cố gắng tạo ra một ấn tượng rằng đó là một cửa sổ mở ra không gian.

Từ cuối thế kỷ 19 cho đến khoảng năm 1910, phong trào nghệ thuật hiện đại vẫn được quan tâm nhiều nhất trong các mặt về truyền thống của đời sống người Nga. Bởi vì những cuộc cải cách xã hội trở nên gắn liền với số công nhân công nghiệp ngày càng gia tăng, những họa sĩ tiên phong của Nga ngày càng lấy nhà máy làm niềm cảm hứng cho sự sáng tác của họ. Những màu sắc tươi sáng, những hình thức đơn giản nhưng đầy góc cạnh, cùng với sự tập trung vào thế giới hiện đại đã trở thành nền tảng cho những tác phẩm mới và ngày càng trừu tượng hơn. Trong số những họa sĩ nổi bật nhất có Kasimir Malevich, Vladimir Tatlin, Mikhail Larionov, và Anna Goncharova.

Sau cuộc Cách mạng 1917, phong trào tiên phong của Nga bước vào phục vụ cho chế độ Bôn-sê-vích. Người ta đã vẽ những áp phích chính trị, tổ chức những đám rước và những hội chợ trên đường phố. Nắm bắt được trọng tâm của chế độ mới đối với sức mạnh công nghiệp, các họa sĩ đã tập trung vào các tác phẩm miêu tả đời sống công nghiệp ở đây. Phong cách Tạo dựng tiếp tục tiến triển vào cuối thập kỷ 1920. Rất nhiều họa sĩ nổi bật của các trường phái trước kia đã đóng vai trò trung tâm đối với phong cách này, đặc biệt là Tatlin. Những họa sĩ nổi tiếng khác của phong trào Tạo dựng có Alexender Rodchenko, Varvasa Stepanova, và Liubov Popova. Bảo tàng Nga tại St. Petersburg vẫn còn lưu giữ những bộ sưu tập có giá trị nhất của phong trào này.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1780-02-633470655307500000/Van-hoa---Xa-hoi/Hoi-hoa.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận