Tài liệu: Nước Nga - Lễ hội

Tài liệu
Nước Nga - Lễ hội

Nội dung

LỄ HỘI

 

Giáng sinh

Lễ Giáng sinh ở Nga là một dịp hầu như dành cho trẻ em và gia đình. Lễ này được tổ chức vào ngày 7 tháng Giêng và vào mùa chay của Chính thống giáo Nga từ sáu tuần lễ trước đó. Trong mùa chay này người ta chỉ ăn các loại rau trái và không hề tổ chức tiệc tùng gì cả. Cho đến đêm hôm Giáng sinh, khi vì sao đầu tiên trên bầu trời xuất hiện thì những ràng buộc này đã bị phá vỡ. Cây Giáng sinh được trang trí rực rỡ và người ta tổ chức buổi tiệc tối, trong đó có món kutija.

Một bữa tiệc Giáng sinh vào cỡ trung bình thường gồm có ngỗng quay ăn với táo, thịt vịt, đùi lợn muối cùng với nhiều món rượu khai vị. Thức ăn ngọt thì có bánh quy, bánh nướng trái cây, các loại quả hạch và trái cây khô, kẹo, v.v... Món kutija được chế biến theo nhiều cách ở những vùng khác nhau của Nga. Ở miền Nam món này được nấu bằng gạo cùng với nho khô, mật ong và quả óc chó. Ở miền Trung Nga người ta nấu bằng lúa mì, mật ong, hạt cây anh túc, nho khô vàng và quả óc chó.

 

Phục sinh

Phục sinh là một lễ hội lớn ở Nga, thậm chí còn quan trọng hơn cả Giáng sinh nữa. Những người Nga theo Chính thống giáo ăn bữa điểm tâm ngay sau buổi lễ lúc nửa đêm ở nhà thờ. Đến khoảng 11 giờ tối sân nhà thờ đã đông đặc người, trên tay mỗi người đều cầm những ngọn nến. Khi buổi lễ chấm dứt, mọi người nao nức về nhà mình hay đến nhà bạn bè để bắt đầu bữa điểm tâm.

Ở một số gia đình, buổi tiệc Phục sinh kéo dài suốt 36 giờ, theo từng đợt. Bữa ăn đầu tiên diễn ra vào lúc l giờ sáng, bữa thứ hai là bữa ăn trưa vào ngày Chủ nhật Phục sinh, và bữa ăn cuối cùng là bữa tối hôm đó. Trên bàn ăn là tất cả những món vừa bị cấm trong mùa chay. Đùi lợn muối, gia cầm, thịt lợn ướp, thịt đông và nhiều loại rượu khai vị. Trong các món ăn còn có những quả trứng được sơn vẽ nhiều màu sắc. Người ta đập vỏ trứng bằng cách lấy hai quả gõ vào nhau, và ăn trứng cùng với rượu khai vị.

Những món chính trong bàn tiệc Phục sinh thường là kulich và pascha. Đây là những món ăn truyền thống đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ của người Nga. Pascha là một loại phó mát kem được chế biến rất mịn và làm thành hình khối kim tự tháp, bên trong có các loại trái cây khô và quả hạch. Món kulich là một loại bánh mì ngọt được làm theo hình ống tròn có mái vòm, dựng đứng giống như những ngọn tháp Byzantine. Những ‘ngọn tháp’ này có thể bảo quản được đến 40 ngày.

 

Ngày Tên thánh

Tất cả tháng người Nga theo Chính thống giáo đều được đặt tên theo các vị thánh. Mỗi người đều có một ngày Tên thánh, được coi như ngày sinh nhật. Những tín đồ Chính thống giáo này đi lễ nhà thờ để tôn vinh vị thánh mà họ mang tên trước khi về nhà dự tiệc.

Những buổi tiệc này được chuẩn bị rất công phu, có nhiều món ăn đầy chất dinh dưỡng, nhưng những món truyền thống vẫn là bánh nướng hay món pirog. Ngoài ra trong bữa tiệc Tên thánh còn có những món như thịt, cá, bắp cải, v.v... Đây là một dịp để người ta bày tỏ lòng hiếu khách, đối với người trong gia đình và cả những người lạ, bằng cách chia sẻ đồ ăn thức uống và tình bằng hữu.

 

Ngày Bánh kếp

Bảy tuần trước lễ Phục sinh là lúc bắt đầu tuần chay, kéo dài cho đến đêm Phục sinh. Suốt trong tuần chay này, người Nga theo Chính thống giáo chỉ ăn rau và dầu ăn làm từ thực vật. Người ta có thể làm quen dần dần với tuần chay này qua thời kỳ gọi là Tuần chay Bơ hay Tuần chay Nhỏ, bắt đầu một tuần trước tuần chay chính thức. Trong tuần này người ta có thể ăn cá và những phó sản từ sữa, nhưng không được ăn thịt.

Trong Tuần chay Nhỏ có một món quan trọng nhất là món bánh kếp, gọi là blini. Người ta cho rằng món bánh này có nguồn gốc từ thời xa xưa, khi ngày Phục sinh của Cơ đốc giáo vẫn còn gọi là Lễ hội Mùa Xuân, và trong đó những chiếc bánh nướng tròn được tượng trưng cho mặt trời, vốn trở lại sau thời kỳ đêm tối của mùa Đông.

Blini được làm nhỏ hơn và dày hơn bánh kếp, với nguyên liệu chính là lúa mạch đen, lúa mì hay kiều mạch. Điểm khác biệt với bánh kếp là blini được làm với men. Nhiều người Nga vẫn lưu giữ một chiếc chảo nặng bằng gang, đặc biệt chỉ dùng để làm blini. Blini có thể ăn vào bất kỳ lúc nào trong Tuần chay Bơ hay Tuần chay Nhỏ. Nhưng buổi tiệc chính về blini thường được tổ chức vào cuối tuần này, trong ngày Chủ nhật trước khi bắt đầu tuần chay chính thức.

Blini được ăn với trứng cá muối, cá trống, cá trích, cá hồi muối, hay các loại cá khác, và được cho thêm nhiều kem chua và bơ lỏng. Trong buổi tiệc blini người ta không uống rượu khai vị. Blini được nướng trong bếp và đưa ra ăn nóng ngay. Người ta uống rượu vốt-ca khi ăn loại bánh này để trung hòa kem chua và mỡ trong món ăn, và cũng là thức uống duy nhất có thể uống đối với loại thức ăn này.

 

Spas - Lễ hội Mùa vụ

Vào tháng 8, tháng cuối cùng của mùa Hè, khi hạt đã được gieo xong, là thời gian người ta để ra ba ngày cho lễ hội gọi và “Spas”. Ngày hội thứ nhất, gọi và Spas Mật được cử hành vào ngày 14 tháng 8. Ngày hội thứ hai, gọi là Spas Táo diễn ra vào 19 tháng 8. Và ngày Spas thứ ba gọi là Spas Quả hạch được cử hành vào ngày 29 tháng 8. Người ta tin rằng Spas mang lại hơi sương cho đất đai và các vùng thảo nguyên ở đây. Sau ngày Spas Mật thứ nhất, ngày Spas thứ hai sẽ mang lại cây trái dồi dào và ngày thứ ba sẽ mang lại các loại quả hạch cho nông dân.

 

Troitsa

Lễ hội dân gian gọi là Troitsa được cử hành rộng rãi ở khắp nơi trên đất Nga. Vào lễ hội này người ta trang hoàng nhà cửa với những cành cây xanh. Một bộ quần áo của thiếu nữ được choàng lên cho một cây cáng lò non, và người ta hát và múa chung quanh cây cáng lò đó. Trong dịp này người ta cũng ném xuống nước một vòng hoa làm bằng cành cây cáng lò để xem thời vận may rủi ra sao.

 

Ngày Chiến thắng

Thế chiến Thứ II kết thúc vào ngày 2 tháng 5 năm 1945. Quân Đức đã ký bản cam kết đầu hàng vào ngày 4 và 5 tháng 5, nhưng cuộc chiến chính thức chấm dứt vào nửa đêm ngày 8 tháng 5 năm 1945. Để tưởng nhớ sự kiện quan trọng này, người Nga đã hình thành ngày quốc lễ gọi là Ngày Chiến thắng, cử tổ chức hàng năm vào ngày 9 tháng 5.

Trong ngày này tổng thống Nga gởi thư chúc mừng đến toàn thể cựu chiến binh Nga. Người ta tổ chức những cuộc diễu hành, những buổi tiệc và tặng quà và hoa cho những người đã chiến đấu để bảo vệ nước Nga. Ở tất cả các thành phố đều có những cuộc mít tinh, trong đó người lãnh đạo thành phố đọc diễn văn về những thành quả của nhân dân trong chiến tranh và các cựu chiến binh kể lại về những mạo hiểm của họ trong cuộc chiến. Trong các buổi tiệc của ngày này có một món truyền thống của Nga, gọi là pirozki, được làm bằng bột nhào trong có nhồi thịt hoặc cà chua nghiền.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1780-02-633470655910312500/Van-hoa---Xa-hoi/Le-hoi.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận