Tài liệu: Nước Nga - Tôn giáo

Tài liệu
Nước Nga - Tôn giáo

Nội dung

TÔN GIÁO

 

Chính thống giáo Nga

Niềm tin của chính thống giáo dựa trên Kinh thánh và trên những truyền thống xác định bởi bảy hội đồng giáo hội toàn thế giới do các hàng giáo phẩm nhà thờ tổ chức từ năm 325 đến năm 787. Lý thuyết của Chính thống giáo bao gồm học thuyết về Chúa Ba ngôi và sự hợp nhất không thể tách rời nhưng vẫn được phân biệt rõ ràng giữa hai bản chất của Jesus Christ: một là bản chất thánh thần, hai là bản chất con người. Các buổi lễ của Chính thống giáo, nổi bật với sự hào nhoáng của nó, chỉ liên quan trực tiếp với giáo đoàn qua những hình thức tế lễ của bản xứ. Những biểu tượng, những hình ảnh linh thiêng thường được thắp sáng bằng nến, trang hoàng cho nhà thờ cũng như nhà ở của những tín đồ. Nhà thờ cũng đặt trọng tâm vào việc tu hành của các giáo sĩ. Nhiều tu viện nằm rải rác trong những khu rừng và những vùng quê của nước Nga từ thời kỳ của các Nga hoàng nay đang được phục hồi. Nhà thờ Chính thống giáo ở Nga, giống như tất cả các nhà thờ ở Đông Âu đều có quyền tự trị của riêng nó. Người ở vị trí cao nhất trong nhà thờ gọi là giáo trưởng. Những vấn đề liên quan đến niềm tin được quyết định bởi các hội đồng giáo hội toàn thế giới trong đó tất cả những nhà thờ thành viên của Chính thống giáo phương Đông đều được tham dự. Những tín đồ của nhà thờ coi các quyết định của những hội đồng này là không bao giờ sai lầm.

 

Những Giáo phái Cơ đốc Phi Chính thống

Liên Xô đã là cái nôi cho rất nhiều giáo phái Cơ đốc giáo không theo phái Chính thống. Những giáo phái này có khá nhiều tín đồ, bao gồm Nhà thờ Chính thống Georgia, Nhà thờ Tông đồ Armenia, và các nhà thờ Chính thống độc lập Ukraine và Belorussia. Những giáo phái này, giống như Nhà thờ Chính thống Nga, có nguồn gốc từ Byzantine hơn là Cơ đốc giáo La Mã. Ngoài ra còn có một số lớn tín đồ Thiên chúa giáo La Mã và đạo Tin lành.

Những tín đồ Tin lành đầu tiên của Tây Âu tại Nga là những người dòng Menno của Đức, đã đến Nga vào nửa sau thế kỷ 174. Số tín đồ đạo Tin lành ở Liên Xô được ước lượng khoảng 5 triệu người. Trong đạo Tin lành thì giáo phái có nhiều tín đồ nhất là Baptist. Kế đó đến các phái Phúc âm, Pentecost, Adventist, Nhân chứng Jehova, Lutheranm, Hội Giám lý, Giáo hội Trưởng lão, Mormon, và Phúc âm Cải cách.

Số lượng những tín đồ theo Thiên chúa giáo La Mã tăng giảm tùy theo sự mở rộng lãnh thổ của đất nước. Chẳng hạn như khi một số vùng của Ba Lan được sát nhập vào cuối thế kỷ 18, một số lớn người theo Thiên chúa giáo Ba Lan đã là thần dân của đế quốc Nga. Sau Thế chiến Thứ II, với sự sát nhập của các nước vùng Baltic, nhiều tín đồ Thiên chúa giáo đã được nhập vào số công dân của Liên Xô.

 

Hồi giáo

Vào thập kỷ 1980 Hồi giáo là tôn giáo lan tràn rộng rãi vào mức thứ hai ở Liên Xô. Trong thời gian đó, số lượng tín đồ Hồi giáo tại đây đã lên đến khoảng 45 đến 50 triệu người. Phần lớn người Hồi giáo cư ngụ tại các nước cộng hòa Trung Á, nay đã trở thành những quốc gia độc lập. Năm 1996 số người theo Hồi giáo ở Nga được ước lượng khoảng 19% tổng số những người có tôn giáo tại đây. Những cộng đồng Hồi giáo lớn tập trung ở các vùng dân tộc ít người giữa biển Đen và biển Caspian. Ở giữa vùng lưu vực sông Volga là những cộng đồng lớn người Tatar, Udmurt và Chuvash, trong đó hầu hết đều theo Hồi giáo.

Số lượng người Hồi giáo được phép đi hành hương ở Mecca đã gia tăng nhanh chóng sau khi lệnh cấm vận của thời kỳ Xô Viết được chấm dứt vào năm 1990. Người ta cũng có thể tìm được các bản kinh Coran ở mọi nơi, và rất nhiều nhà thờ Hồi giáo được xây dựng ở các khu vực, bao gồm rất nhiều tín đồ. Năm 1995, Liên đoàn Hồi giáo Nga mới được thành lập, do một người Tatar lãnh đạo, đã bắt đầu tổ chức một phong trào nhắm vào việc cải thiện sự hiểu biết lẫn nhau giữa các tôn giáo, và chấm dứt quan niệm lâu đời của người Nga về sự quá khích của tôn giáo này.

 

Do Thái giáo

Do Thái giáo bắt đầu có ảnh hưởng đến nền văn hóa và thái độ xã hội của Nga vào thế kỷ 16. Trong những thế kỷ sau đó, một số lớn người Do Thái đã nhập cư vào Ba Lan, Lithuania, Ukraine và Belorussia. Khi Ba Lan bị chia cắt vào cuối thế kỷ 18, một số lớn người Do Thái đã vào đế quốc Nga, làm cho đất nước này có một dân số Do Thái lớn nhất thế giới (khoảng 1,5 triệu người). Có thời kỳ chính quyền Nga đã giới hạn việc cư ngụ của người Do Thái vào một số khu vực nhất định. Cũng có những thời kỳ người Do Thái bị đánh đập, bị giết và bị tiêu hủy tài sản trong những cuộc tàn sát đầy bạo lực. Mặc dù trong tình trạng bị đàn áp và tình hình một số lớn người Do Thái đã di cư sang Mỹ, dân số Do Thái vẫn tăng nhanh trong thế kỷ 19. Đến đầu Thế chiến Thứ I, số lượng người Do Thái ở Nga đã được ước lượng vào khoảng 5,2 triệu.

Trong những năm đầu của thời kỳ Liên Xô, người Do Thái đã có được nhiều quyền tự do để hội nhập vào xã hội Nga. Vào thập kỷ 1920 có hàng trăm ngàn người Do Thái được hội nhập vào đời sống kinh tế văn hóa Xô Viết, và nhiều người đã giữ những chức vụ quan trọng. Khi Phát xít Đức tiến vào Liên Xô năm 1941, đã có 2,1 triệu người Do Thái bị tàn sát bởi quân Đức hay những người Xla-vơ hợp tác với Đức.

Giữa Thế chiến Thứ II và lúc Liên Xô sụp đổ, người Do Thái ở Nga đã giảm sút đáng kể. Con số chính thức vào năm 1989 là 537.000 người Do Thái tại đây. Cả chính quyền Xô Viết lẫn chính quyền Nga đều coi người Do Thái không những chỉ là một nhóm tôn giáo riêng biệt mà còn là một dân tộc. Số lượng người Do Thái tham dự các buổi lễ tôn giáo hiện nay là tương đối ít, mặc dù có những tổ chức khuyến khích việc tuân thủ các truyền thống về tôn giáo.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1780-02-633470655796562500/Van-hoa---Xa-hoi/Ton-giao.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận