ST. PETERSBURG
Pháo đài Peter và Paul
Pháo đài Peter và Paul là trung tâm lịch sử của St. Petersburg. Đây là một nơi kỷ niệm về quân sự và kỹ thuật thủ công. Khu vực này được Đại đế Peter thiết lập vào năm 1703 trên đảo Zayachy, nối với đảo Petrogradsky bởi cầu Ioanovsky và cầu Kronverksky.
Pháo đài này có dạng hình sáu cạnh không đều, trải từ Tây sang Đông với 6 thành lũy ở sáu góc. Pháo đài này được xây dựng gấp rút, và đến thời kỳ 1706 - 1740 những bức tường của pháo đài hướng ra sông Neva được viền bởi những khối đá granit. Để bảo vệ phần phía Bắc của pháo đài, người ta đã xây dựng những công sự ở bờ phía Nam của đảo Petrogradsky. Một kênh nước đã được đào trong phạm vi pháo đài để chuyển vật liệu xây dựng đến nơi và cung cấp nước cho đơn vị đồn trú tại đây. Cổng Petrovsky được đặt tại bức tường phía Đông của pháo đài. Cổng Vasiliev ở tường phía Tây, cổng Kronverk và cổng Nicholas ở tường phía Bắc, và cổng Neva ở tường phía Nam. Nhà thờ Peter và Paul mới đã xuất hiện từ năm 1712 đến 1733 để thay thế cho nhà thờ cũ bằng gỗ, và đã trở thành nơi chôn cất cho các hoàng đế Nga.
QUẢNG TRƯỜNG CUNG ĐIỆN
Quảng trường Cung điện là quảng trường qui mô nhất trong số những quảng trường trong thành phố này. Trọng tâm của quần thể kiến trúc ở đây là Cung điện Mùa Đông, một kiệt tác về kiến trúc của Nga theo phong cách Ba-rốc, và là nơi cư ngụ của tất cả các hoàng đế Nga chỉ ngoại trừ vua Paul. Cung điện này được xây dựng bởi Rastrelli từ thời kỳ cáo chung của triều đại Elizabeth, từ năm 1754 đến 1762. Vị nữ hoàng này đã muốn tòa nhà cung điện phải phô bày được sự vĩ đại trong triều đại của bà. Mặc dù tiến hành một cách khẩn trương, Rastrelli vẫn không thể hoàn thành cung điện trước khi Elizabeth qua đời, và bà ta không bao giờ được thấy ước mơ của mình biến thành hiện thực. Rastrelli đã trang hoàng viền mái bằng những hình tượng khổng lồ bằng đồng, và bố trí những cây cột được trang trí công phu và những họa tiết hình mảng bằng vàng, những hình tượng kiến trúc bằng chất dẻo.
Cung điện này đã có một lịch sử đầy ấn tượng. Trong Thế chiến Thứ I vua Nicholas II đã biến nó thành một bệnh viện. Trong những ngày đầu của cuộc Cách mạng Nga nó đã được chính quyền lâm thời chiếm lĩnh. Năm 1917 nó đã được quân Bôn-sê-vích chiếm đóng và thuộc về chính quyền Cách mạng Xã hội. Trong Thế chiến Thứ II, cung điện này đã bị hư hại do những cuộc tấn công của quân Phát xít.
Nhiều phòng của cung điện được dùng để trưng bày những hiện vật nghệ thuật độc đáo đã chịu sự bố trí của bảo tàng Hermitage. Và rồi những bộ sưu tập nghệ thuật ngày càng phát triển này đã có những vị trí tọa lạc mới: những tòa nhà Tiểu viện Hermitage, Hermitage Cũ, Nhà hát Hermitage và Hermitage Mới. Ngày nay tất cả những tòa nhà này thuộc về Hermitage Quốc gia, là một bảo tàng lớn nhất về nghệ thuật, lịch sử và văn hóa. Nơi đây trưng bày những tác phẩm của Rubens, Rembrandt, Leonardo da Vinci, Titian, và những tác phẩm của những họa sĩ bậc thầy khác, cùng với những di vật về văn hóa quá khứ của nhiều nước trên thế giới.
Cây cột Alexander khổng lồ với bức tượng đồng hình thiên thần trên đỉnh đã được xây dựng ở khu trung tâm của quảng trường vào năm 1834 để kỷ niệm chiến thắng đối với quân đội Napoleon trong cuộc Chiến tranh ái quốc năm 1812. Cây cột này do kiến trúc sư Monferan xây dựng và được đặt tên theo hoàng đế Alexander I. Bức tượng thiên thần bằng đồng trên đỉnh tượng trưng cho vị hoàng đế này, trong khi con rắn mà ông ta đang dày nát bằng cây thánh giá trông giống như Napoleon. Cây cột cao 47,5 mét này (chiều cao của khối đá granit là 25,5 mét, với đường kính bên dưới là 3,66 mét và đường kính bên trên là 3,16 mét) đã hình thành khối cẩm thạch lớn nhất thế giới nằm dưới một cổng vòm không hề có một giá đỡ nào, chỉ đứng bằng thành trọng lương của nó: 600 tấn. Nền của công trình này có 1.250 cột chống, mỗi cột dài 6 mét. Cả khối đá này đã do 3.000 binh lính và thủy thủ dựng lên.
Ngày nay quảng trường Cung điện là địa điểm cho tất cả các lễ hội và những cuộc biểu diễn chính thức của thành phố. Theo truyền thống, tất cả công dân và khách du lịch đã đi nghỉ trong hầu hết những ngày nghỉ chính thức tại đây.
MŨI ĐẤT CỦA ĐẢO BASIL
Mũi đất của đảo Baisl nhô ra khỏi bờ sông Neva và chia nó thành hai cửa sông. Địa điểm này đã được xếp hạng là một trong những quang cảnh nổi bật nhất về kiến trúc ở St. Petersburg.
Cột Rostral nhô cao lên trên mũi đất vào năm 1810, do thiết kế của Kiến trúc sư Tomas de Tomon, như là một biểu tượng của uy thế hải quân của đế quốc Nga và để tôn vinh những chiến thắng của hạm đội Nga. Thân cột được trang hoàng bằng những hình ảnh điêu khắc về các mũi tàu. Ở mỗi chân cột có một bức tượng cao 5 mét, là biểu tượng của bốn dòng sông chính ở Bắc Nga: Volga, Dnieper, Neva và Volhov. Những cây cột này được thiết kế như những ngọn hải đăng, và đến năm 1957 khí đốt thiên nhiên đã được thắp sáng trong những chén đèn bằng đá ở trên các đỉnh cột. Chúng là những vật gợi cho người ta nhớ lại rằng mãi cho đến thập kỷ 1880 khu vực của Petersburg này vẫn còn là một bến cảng thịnh vượng.
De Tomon, cùng với sự tham gia của kiến trúc sư A.D. Zakharov, đã thiết kế những cây cột chân phương này để làm nổi bật cho vẻ cổ điển của tòa nhà Thị trường Chứng khoán được xây dựng ở mũi đất ngay sau khu quảng trường vốn được ngăn cách với sông Neva bằng hàng rào đá granit và những hàng cây được cắt xén cẩn thận. Cổng vòm của tòa nhà này, với 44 chiếc cột trắng như tuyết xây dựng theo kiến trúc Doric, dẫn đến một mặt tiên xanh màu biển được trang hoàng bằng những nhóm vật thể điêu khắc đầy ấn tượng về thần Neptune và thần Mercury. Ngày nay Bảo tàng Hải quân Trung tâm đã chiếm lĩnh trong tòa nhà này. Và ở phía Nam tòa nhà này là Bảo tàng Động vật, nổi tiếng là một trong những bảo tàng lớn nhất thế giới, với những con thú nhồi bông giống như thật từ khắp các vùng trên thế giới.
Tòa nhà Kunstkamera là một trong những ví dụ độc đáo nhất của nghệ thuật kiến trúc ba-rốc vào ba thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 18. Đây là một tòa nhà màu xanh và trắng, có gác chuông, vốn là nhà bảo tàng đầu tiên của thành phố, do Peter thành lập năm 1714. Bảo tàng Nhân loại học và Dân tộc học này có những hiện vật trưng bày về các nền văn hóa của châu Á, châu Đại Dương, châu Phi và châu Mỹ.
Tòa nhà Học viện Khoa học là một công trình kiến trúc hoàn hảo với nét cổ điển chân phương.
QUẢNG TRƯỜNG SAINT ISAAC
Quảng trường St. Isaac được lấy tên từ nhà thờ St. Isaac, tọa lạc tại trung tâm của quảng trường này, vốn là một tòa nhà nổi bật nối liền với quảng trường Tháng Chạp. Đây là nhà thờ Chính thống giáo lớn nhất ở St. Petersburg. Lịch sử xây dựng nhà thờ này bắt đầu từ năm 1710, khi nhà thờ nhỏ bằng gỗ đầu tiên được dựng lên để tôn vinh St. Isaac, vốn là vị thánh bảo trợ của gia đình Romanov. Đến đầu thế kỷ 19 một cuộc thi được tổ chức cho dự án hay nhất để xây dựng nhà thờ mới. Năm 1818 Alexander I đã chuẩn y dự án của Montferrand, một thợ vẽ có tài mới từ Paris đến, nhưng có ít kinh nghiệm về kiến trúc. Quá trình xây dựng tòa nhà này kéo dài đến nỗi dân chúng đã cười và kháo nhau rằng một nhà tiên tri đã tiên đoán rằng đến khi Montferrand qua đời thì nhà thờ mới được hoàn tất. Về một phương diện nào đó, lời tiên đoán này lại trở thành sự thật.
Phải mất đến 40 năm để người ta xây dựng nhà thờ này. Ba năm sau khi công trình được khởi công thì công trình bị chững lại vì một số lỗi lầm trong dự án và trong quá trình xây dựng. Một ủy ban gồm những nhà kiến trúc lỗi lạc nhất nước Nga đã được hình thành. Năm 1825 công trình được tiếp tục theo dự án đã được sửa đổi. Lần đầu tiên trong lịch sử đã có rất nhiều vấn đề phức tạp về kỹ thuật phải được giải quyết.
Năm 1828, ngay cả trước khi những bức tường được xây dựng, người ta đã bắt đầu đặt 48 cây cột bằng đá nguyên khối để hình thành chiếc mái vòm của nhà thờ, mỗi cột nặng đến 114 tấn. Những cột đá cẩm thạch khổng lồ được tạo ra từ nguyên một khối đá đã tương ứng với lịch sử đầy ấn tượng của nhà thờ này. Nhờ có ý tưởng của kỹ sư Betancourt, người ta đã có thể nâng những cây cột bằng đá granit nặng 67 tấn lên đến độ cao 40 mét để đặt chúng xung quanh trống vòm. Phần này đã được xây đi xây lại đến 4 lần, đã trải qua một trận cháy khủng khiếp, những cơn lụt hoành hành của dòng sông Neva và sự thiếu khả năng đến mức gây thiệt hại của nhiều kiến trúc sư.
Ngôi nhà thờ hùng vĩ và nguy nga đã thể hiện tất cả sự giàu có và sang trọng của nó. Những bức tường cao bên trong được lát bằng đá cẩm thạch và đá pocfia, những thánh tượng được trang hoàng với malachit xanh, azurite và đồng thau. Riêng phần trang hoàng trong nhà thờ đã phải mất đến 400 kg vàng ròng, 1.000 tấn đồng thau. Có 112 chiếc cột khổng lồ bằng đá granit bao quanh nhà thờ, 24 pho tượng bao quanh mái vòm. Ngoài ra nhà thờ còn có 4 tháp chuông nhỏ và những tượng điêu khắc về các thiên thần cầm đuốc được trang trí ở các góc mái. Bốn chiếc mái cổng khổng lồ được trang trí bằng những cột đá granit nguyên khối, được mang từ Vyborg đến bằng đường biển.
Nhà thờ St. Isaac là một trong những nhà thờ có mái vòm lớn nhất trên thế giới, và ngày nay nó là nhà thờ cao hàng thứ tư trên thế giới, đứng sau nhà thờ St. Peter ở Rome, nhà thờ St Paul ở Luân Đôn và nhà thờ Santa Maria del Fiore ở Florence. Với diện tích 4.000 mét vuông, nhà thờ này có thể chứa được cùng lúc 14.000 tín đồ đứng lám lễ. Mái vòm của nó là một công trình kiến trúc độc đáo, thực tế gồm ba mái chồng lên nhau. Kích thước của nhà thờ này làm cho người ta kinh ngạc: chiều dài 115,5 mét; chiều ngang 97,6 mét. Chiếc cầu thang hình xoắn ốc với 562 bậc dẫn đến độ cao 101,5 mét của hàng lan can ban công của mái vòm, vốn mở cửa cho tất cả những người có thể trèo lên đó. Riêng các bức tường của nhà thờ đã có độ dày đến 5 mét.
Cả bên trong và bên ngoài nhà thờ đều được trang hoàng với những pho tượng. Nhà thờ này đã được hoàn tất vào năm 1842; tuy nhiên phải mất thêm 16 năm nữa cho phần trang trí nội thất! Rất nhiều loại vật liệu quý giá đã được sử dụng cho phần trang trí này, trong đó có lazurit, malachit, đá pocfia và tất cả các loại đá cẩm thạch. Phần trang trí của nhà thờ thực sự gây ấn tượng cho người xem. Nó được trang hoàng bởi 382 tác phẩm nghệ thuật: điêu khắc, tranh vẽ, khảm. Những bức tường và mái vòm của nhà thờ có những bức họa và bức khảm được thực hiện bởi những họa sĩ nổi tiếng của Nga: Briullov, Bruni, Basin, Shebuyev và nhiều họa sĩ khác. Riêng phần khảm đã được sử dụng 14 loại đá cẩm thạch khác nhau, với các màu sắc tương phản, tổng cộng có đến 12.000 hình khối và màu sắc.
Trần nhà đồ sộ của mái vòm lớn với diện tích trên 700 m2 đã được họa sĩ Briullov trang trí bằng những hình vẽ về Đức mẹ với các thánh và các thiên thần chung quanh. Ở mặt tiền phía Tây có một pho tượng của Montferrand đang cầm một mô hình của nhà thờ, được làm bằng đá cẩm thạch nhiều màu cùng với những loại đá khác. Một nhóm những họa sĩ lỗi lạc nhất thời đó là Bruni, Neff, Steuben và Mussini đã vẽ những bức tranh tường tại đây. Một điều đáng chú ý nữa là những cánh cửa bằng đồng thau được chạm khắc rất công phu. Phần nội thất ở đây sẽ làm bạn lóa mắt với những thánh tượng khảm, những bức họa và những chiếc cột làm bằng đá malachit và đá da trời. Phần trung tâm được làm bằng đá cẩm thạch trắng có những cửa sổ bằng kính màu với các hình ảnh về sự Phục sinh của Chúa. Nơi đây có hàng loạt những tài liệu, sơ đồ và các bản chạm khắc, những mô hình được trưng bày để giúp người xem hiểu rõ hơn về tòa nhà của nhà thờ này.
St. Isaac đã có một thời là nhà thờ chính về Chính thống giáo ở Nga. Đến cuối thập kỷ 1920 nhà thờ này đã đóng cửa và được sử dụng để triển lãm cho việc tuyên truyền cách mạng. Trong thời kỳ Thế chiến Thứ II nhà thờ đã bị hư hỏng nặng. Trong thời kỳ Xô Viết các quan chức chính quyền đã có kế hoạch phá hủy chiếc mái vòm của nhà thờ vì nó ngăn trở tầm nhìn ra sông Neva. Chiếc mái vòm khổng lồ mạ vàng này đã đòi hỏi phải giải quyết bao nhiêu vấn đề phức tạp về kỹ thuật lúc xây dựng, và đặc biệt là có nhiều người đã phải thiệt mạng vì hơi thủy ngân trong lúc mạ vàng nó. Năm 1970 đội ngũ của nhà thờ St. Isaac đã quản lý nhà thờ này. Công trình về tâm linh này đã phải mất trên 25 năm để tái thiết. Ngày nay, khi giàn giáo đã được tháo gỡ, với mái vòm kiêm tháp chuông mạ vàng và những phần nội thất được trùng tu kỹ lưỡng, nhà thờ đã lấy lại vẻ đẹp rực rỡ của nó, và đã được sử dụng để làm lễ vào các ngày Phục sinh và Giáng sinh. Từ năm 1990, sau 62 năm bị gián đoạn, những buổi lễ đã lại được tổ chức tại đây vào những dịp lễ lớn.
Nhà thờ St. Isaac là một công trình đáng ghi nhớ của nền kiến trúc Nga. Bản thân ngôi nhà thờ này đã hình thành nên một quảng trường mới cho chính nó. Cùng với nhà thờ Peter và Paul, nó đã trở thành một điểm mốc quan trọng về kiến trúc trong tổng thể của thành phố St. Petersburg. Mái vòm mạ vàng của nhà thờ St. Isaac có thể được nhìn thấy ở bất kỳ địa điểm nào trong thành phố, và vào những ngày quang đãng người ta còn thể nhìn thấy nó từ cả vùng ngoại ô xung quanh.
Trước khi Montferrand qua đời hai năm sau khi ngôi nhà thờ hoàn tất, ông ta đã kịp thai nghén một công trình kỷ niệm cho nhà cai trị sắt đá và nổi tiếng chuyên chế của Nga là vua Nicholas I. Công trình này được đặt ngay giữa quảng trường Isaac vào năm 1859, bốn năm sau khi vị hoàng đế qua đời. Công trình kỷ niệm Nicholas I đã thể hiện một cách mạnh mẽ nhà cai trị chuyên chế có tính quyết đoán này như là một hình ảnh quân sự hùng mạnh.
Thực tế, chính bản thân Nicholas I vốn là một sĩ quan quân đội. Ông đã cống hiến cuộc đời mình cho các đội quân và can thiệp một cách tỉ mỉ vào quân đội, từ việc yêu cầu thay đổi quân phục cho đến việc chuyên môn hóa các kỹ thuật xây dựng pháo đài quân sự. Sự cai trị chuyên chế của ông từ 1825 đến 1855 đã làm tan rã cuộc nổi dậy của nhóm giải phóng Tháng Chạp và mở rộng lãnh thổ của nước Nga cho đến tận Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhiều dạng điêu khắc khác nhau đã được sử dụng để hình thành công trình kỷ niệm này. Một mô hình lớn của con ngựa pony mà Nicholas I thường cưỡi đã được nhà điêu khắc cổ điển Nga là Peter Kiodt thực hiện. Ramazanov và Zaleman thì thực hiện phần đế của công trình. Zaleman cũng tạc bốn pho tượng phụ nữ, thực hiện phần thép và phần trang hoàng trên đế cũng như bức phù điêu lịch sử “Ban quyền Soạn luật cho Bá tước Michael Speransky”. Chính qua công việc của Speransky và những cộng sự của ông mà bộ luật mới đã được ban hành dưới triều đại Nicholas I vào tháng Giêng năm 1835, đánh dấu một bước ngoặt trong luật pháp ở Nga.
Hình ảnh người cưỡi ngựa được tạc một cách thanh nhã trên nền đế lớn được trang hoàng tỉ mỉ với những cảnh lịch sử dưới triều Nicholas và những khuôn mặt tượng trưng về Công lý, Niềm tin, Thông thái và Quyền lực, vốn rất giống với hoàng hậu và ba người con gái của nhà vua. Công trình này được bố trí trên một đường thẳng với tượng người cưỡi ngựa bằng đồng thau, một công trình kỷ niệm Đại đế Peter. Cả hai công trình được nhìn giống như pho tượng này đang đuổi bắt pho tượng kia và chỉ có nhà thờ Isaac chen vào giữa. Người ta kể lại rằng chỉ vài ngày sau khi công trình này được hoàn tất, đã có một tấm bảng của ai đó treo vào chân sau của con ngựa với dòng chữ “nhà ngươi không bao giờ bắt được ta đâu”.
Phần đế đồ sộ của công trình được đặt trên một nền lát bằng đá granit Phần Lan với ba bậc tam cấp. Phần dưới của đế được xây bằng đá granit xám và đá pocfia đỏ. Phần giữa đế được trang hoàng với những phù điêu bằng đồng thau và những khối đá granit Phần Lan đỏ. Phần trên của đế được làm bằng đá pocfia đỏ. Phần đế của con ngựa pony thì được tạc từ đá cẩm thạch trắng của Ý.
QUẢNG TRƯỜNG THÁP CHẠP
Quảng trường Tháp Chạp được đặt tên vào năm 1925 để tôn vinh một nỗ lực trong cuộc Cách mạng Nga: cuộc nổi dậy của những người Tháng Chạp vào ngày 14 tháng 12 năm 1825. Được khích lệ bởi những tư tưởng của Pháp trong chiến dịch Napoleon, những quan chức trẻ đã tìm cách truất phế Nga hoàng Nicholas I bằng cách dàn quân ở quảng trường này. Nhưng họ đã để đối thủ của họ tranh luận với họ và cuối cùng bị giải tán dưới làn đạn đại bác. Hầu hết những người lãnh đạo của cuộc nổi dậy này đã bị đi đày ở Siberi.
Công trình kỷ niệm nổi tiếng nhất là pho tượng cưỡi ngựa bằng đồng của Đại đế Peter, người sáng lập ra thành phố St. Petersburg. Pho tượng này nằm ngay giữa quảng trường, và là công trình kỷ niệm đầu tiên của thành phố này. Công trình này đã được xây dựng theo lệnh của Đại đế Catherine để tỏ lòng thành kính với vị tiền bối của bà trên ngai vàng nước Nga. Vốn là một công chúa người Đức, nhưng bà rất nhiệt tình trong việc thiết lập mối quan hệ liên tục với những vương triều trước kia của đất nước Nga. Chính vì lý do đó trên công trình này có khắc dòng chữ bằng tiếng La Tinh và tiếng Nga: “Catherine Thứ hai tưởng nhớ Peter Thứ nhất”.
Đế của pho tượng này được làm bằng một khối đá granit theo dạng hình vách núi. Từ trên đỉnh của “vách núi” này hoàng đế Peter đã cầm cương, lèo lái cả nước Nga, trong khi con ngựa của ông đang đạp lên một con rắn, vốn là biểu tượng của sự đố kỵ và thù oán, tượng trưng cho kẻ thù của Peter và những cuộc cải cách của ông. Công trình kỷ niệm này đã nhân cách hóa sự phát triển của lực lượng nước Nga.
Người ta đã mất 9 tháng để di chuyển nguyên khối đá khổng lồ nặng 1.600 tấn này đến vị trí xây dựng của nó. 400 người, với những công cụ đặc biệt, ban đầu đã vận chuyển khối đá này trên đường bộ, sau đó là trên đường thủy. Catherine II đã hạ lệnh chuyển khối đá này bằng sà lan đến St. Petersburg để làm đế cho pho tượng Peter. Đích thân bà đã mấy lần đến kiểm tra khối đá và những dụng cụ vận chuyển nó.
Tháng 10 năm 1770 tảng đá đã được đặt vào vị trí của nó; nhưng mãi đến 12 tháng sau công trình này mới được khánh thành. Pho tượng này đã trở thành biểu tượng của thành phố St. Petersburg. Theo một truyền thuyết từ thế kỷ 19, những lực lượng thù địch sẽ không bao giờ chiếm được St. Petersburg khi nào bức tượng cưỡi ngựa bằng đồng này vẫn còn đứng giữa lòng thành phố. Trong Thế chiến Thứ II, pho tượng đã không bị hư hại nhờ sự bảo vệ của những bao cát và những mái che bằng gỗ.
Gần đó là một tòa nhà màu vàng với những cây cột lớn màu tượng. Cổng vào tòa nhà này được trang hoàng bằng hai nhóm tượng thể hiện cảnh những người con của thần Zeus đang thuần hóa những con ngựa. Nhóm tượng thứ nhất đã được chuyển đến Nhà Trưng bày Trung tâm vào năm 1877.
QUẢNG TRƯỜNG NGHỆ THUẬT
Đây là bằng chứng cho sự hiệu quả của việc qui hoạch sáng tạo của thành phố này. Bản vẽ của quảng trường được thiết kế bởi kiến trúc sư người Ý là Carlo Rossi, người đã sống gần hết cuộc đời để làm việc tại Nga và đã được nhiều người coi như một kiến trúc sư người Nga thuần túy. Ông đã chịu trách nhiệm về tất cả những công trình xây dựng nổi bật nhất tại quảng trường này, trong đó có cung điện Mikhailovsky mà ngày nay bên trong có chứa Bảo tàng Nga. Theo phong cách cổ điển của thời đó, tất cả những tòa nhà viền quanh quảng trường đều có chung một thiết kế giống nhau và từ đó hình thành một quần thể kiến trúc hài hòa. Tất cả các kiến trúc sư và chủ công trình sau đó đã theo thiết kế của ông.
Quảng trường Nghệ thuật có các tên này vì hàng loạt những nhà bảo tàng, nhà hát và phòng hòa nhạc bao chung quanh nó. Trong số những công trình nổi bật nhất có:
· Bảo tàng Nga, là một trong số hai bộ sưu tập về nghệ thuật lớn nhất của Nga.
· Bảo tàng Dân tộc học, tượng trưng cho tất cả các nền văn hóa dân tộc của Liên Xô cũ.
· Nhà hát Ô-pê-ra và Ba lê Maly, thường được gọi là “vai trò chủ đạo thứ hai của thành phố về ô-pê-ra và ba lê”, đồng thời cũng là một nhà hát được ngưỡng mộ và là trung tâm văn hóa của thành phố.
· Phòng Đại Hòa nhạc của Hội Yêu nhạc St. Petersburg là nơi gặp gỡ chính của những người yêu nhạc.
Ngay giữa quảng trường là bộ tượng Alexander Pushkin, nhà thơ nổi tiếng nhất và được yêu mến nhất của nước Nga, là tác giả của cuốn tiểu thuyết bằng thơ “Evgeny Onegin” và một số bài thơ hay nhất viết về St. Petersburg.
Bảo tàng Nga là điểm chọn lựa hoàn hảo cho những người quan tâm đến nghệ thuật của Nga từ thế kỷ 12 đến giữa thế kỷ 20. Đây là nhà bảo tàng lớn thứ hai trong thành phố. Bộ sưu tập của nhà bảo tàng này chỉ sánh ngang với Phòng Trưng bày Nghệ thuật Tretyakov nổi tiếng ở Moscow. Tòa nhà trung tâm của bảo tàng là cung điện Mikhailovsky màu vàng có những cây cột trắng với những mái cổng trang nhã theo phong cách Corin của Hy Lạp. Cung điện này được xây dựng từ 1819 đến 1825 cho đại công tước Mikhail, là em của Nga hoàng Alexander I và Nicholas I, và cũng là một món quà của cha ông là Nga hoàng Pavel I nhằm đền bù cho việc ông không được nắm ngai vàng. Đến cuốn thế kỷ 19 chính quyền đã tiếp thu cung điện này và lúc dó biến nó thành Bảo tàng Nga cho Hoàng đế Alexander III. Một cánh mới của công trình này là tòa nhà Benois đã được xây dựng thêm vào đầu thế kỷ 20 để có thể chứa bộ sưu tập ngày càng gia tăng của bảo tàng. Ngoài ra bộ sưu tập này còn được đặt thêm trong một số tòa nhà khác vốn làm thành quần thể Bảo tàng Nga: cung điện Stroganov, cung điện Cẩm thạch và lâu đài Mikhailovsky.
Bảo tàng Nga là một bảo tàng lớn nhất thế giới về nghệ thuật của đất nước này. Bộ sưu tập của nó bao gồm trên 400.000 hiện vật bao trùm sự phát triển của nghệ thuật Nga, từ những biểu tượng quý giá trong thế kỷ thứ 10 cho đến những kiệt tác trong phong trào nghệ thuật tiên tiến của Nga, với tất cả các loại hình: những bức tranh, những bản vẽ, những bản khắc axit, những tượng điêu khắc, cũng như những vật trang trí và những hiện vật về nghệ thuật dân gian và nghệ thuật ứng dụng, cùng với các loại tiền đúc thời xưa. Nghệ thuật thời kỳ Xô Viết và nghệ thuật thủ công cũng được thể hiện bằng rất nhiều hiện vật tại đây. Nghệ thuật cổ xưa của Nga được biểu hiện bằng những tác phẩm của Rublev và Ushakov, trong khi nghệ thuật của thế kỷ 20 có những bức tranh vải của các họa sĩ Chagall, Malevitch. Trong bảo tàng này người ta cũng có thể tìm thấy những bức tranh của Repin, Surikov, Levitan, Serov, Vrubel.
Ngày nay bộ sưu tập độc đáo và toàn diện của Bảo tàng Nga là một cơ hội hiếm có cho việc nghiên cứu chi tiết về sự phát triển của các ý tưởng nghệ thuật và nền văn hóa Nga trong một thời kỳ gần hai thế kỷ rưỡi.
Tòa nhà Bảo tàng Dân tộc học là kết quả của việc tái thiết cánh phía Đông của cung điện Mikhailovsky. Kiến trúc sư xây dựng tòa nhà này đã sử dụng những kỹ thuật và mô-típ cổ điển của Nga để đảm bảo một phong cách thống nhất giữa cung điện và tòa nhà này. Việc xây dựng chiếm mất khá nhiều thời gian. Phòng tiền sảnh và sảnh đường Cẩm thạch được lát bằng đá cẩm thạch Olonetsk. Trụ ngạch có chạm khắc do các điêu khắc gia Khariamov và Bogatyriov thực hiện.
Được thành lập vào cuối thế kỷ 19 như là một chi nhánh của Bảo tàng Nga, trong nhiều năm Bảo tàng Dân tộc học đã tuyên truyền cho tình hữu nghị giữa các dân tộc hình thành nên Liên Xô, với sự nhấn mạnh vào tình trạng hạnh phúc của các bộ tộc du cư khi người Nga giải phóng họ khỏi ách áp bức của các Nga hoàng và mang đến cho họ trường học, bệnh viện và chủ nghĩa xã hội. Ngày nay những hiện vật trưng bày đã kéo ngược dòng thời gian và thể hiện qua nghệ thuật dân gian, y phục cổ truyền và rất nhiều dụng cụ nông nghiệp và đồ dùng cá nhân về sự tồn tại của những tộc người này qua hàng mấy trăm ngàn năm trong lịch sử.
Phần trưng bày chính được trải rộng trong hai tầng lầu, phía cánh trái và cánh phải của tiền sảnh. Phía cánh phải là những hiện vật của 15 nước cộng hòa trước đây, và phía cánh trái là những phòng trưng bày những đồ tạo tác trong vùng St. Petersburg cũng như những hiện vật của các tộc người không phải là người Nga trong Liên bang Nga. Ngoài những hiện vật mang tính dân tộc, ở đây còn có những món đồ phi dân tộc học, chẳng hạn như những bình rượu Georgia được chạm trổ tinh vi, những túp lều được tái tạo với những hình nộm người châu Á, và một phòng gọi là phòng “người và cá Viễn Đông” với những mô hình về những con người ăn, mặc, sống, trượt tuyết, bằng những vật dụng hầu như chỉ làm từ cá và tuần lộc.
QUẬN SMOLNIY
Bên khúc quanh của dòng sông Neva là khu quận Smolniy yên tĩnh với những phố ngủ yên được viền bởi những khối nhà từ thế kỷ 19 vốn gợi nhớ lại một thời quá khứ lịch sử đầy náo loạn của khu vực này. Lê Nin đã tiến hành cuộc Cách mạng Nga ở học viện Smolniy và trong suốt hơn 70 năm của chính quyền Cộng sản, từ “Smolniy” luôn đồng nghĩa với Cách mạng và Đảng.
Vườn cảnh Tauride, được thiết kế bởi nhà làm vườn người Anh là William Gould vào thế kỷ 18. Ở phía Bắc của công viên này là cung điện Tauride, do Đại đế Catherine xây dựng cho người tình của bà là hoàng tử Potemkin để kỷ niệm việc ông ta đã sát nhập Crimea vào Nga. Hoàn thành vào năm 1789, cung điện này là một trong những điển hình về kiến trúc tân cổ điển mộc mạc của thời kỳ đầu tiên. Tòa nhà này đã có một thời được sử dụng làm trụ sở của Liên minh Các bang Độc lập (một tổ chức hợp nhất các nước cộng hòa trong thời kỳ Xô Viết trước đây).
Ngay phía Đông của cung điện Tauride, bạn không thể bỏ qua ngôi nhà thờ màu xanh nhạt mọc cao trên bầu trời, vốn là trọng tâm của những kiệt tác kiến trúc trong quần thể Smolniy. Vào thế kỷ 18 nữ hoàng Elizabeth đã thành lập tu viện Smolniy ở địa điểm này. Bản vẽ đồ sộ theo kiến trúc rô-cô-cô của Rastrelli, trong đó có cả một tòa tháp cao 140 mét, vốn sẽ là công trình cao nhất của thành phố, không bao giờ được hoàn tất. Đến năm 1835 nó được xây xong theo kiến trúc tân cổ điển và với một qui mô nhỏ hơn. Nội thất mang nét chân phương của nhà thờ đã được sử dụng cho những cuộc triển lãm và những buổi hòa nhạc tạm thời. Học viện Smolniy, nay là văn phòng thị trưởng, được xây dựng từ 1806 đến 1808 để làm Học viện Nữ Thanh niên Quí tộc. Tòa nhà này nổi tiếng từ khi quân Xô Viết Petrograd đóng tại đây. Nhưng trong cuộc Nội chiến năm 1917, chính quyền đã buộc phải dời đến Moscow vào năm 1918. Ngày nay ở đây có một nhà bảo tàng và các phòng của Lê Nin.
CẦU Ở ST. PETERSBURG
Saint Petersburg được gọi là “Thành phố của Những Cây cầu”. Điều này không đáng ngạc nhiên, bởi vì thành phố này tọa lạc trên hơn 45 hòn đảo. St. Petersburg chiếm giải quán quân ở Nga về số lượng của những chiếc cầu. Ngày nay con số này là trên 340 (đó là chưa tính đến những cây cầu có chức năng công nghiệp hay giao thông mang tính nội bộ). Bắc qua dòng sông Neva có 10 chiếc cầu, qua kênh đào Griboedov là 26 chiếc, và có 15 chiếc được bắc qua sông Moika và Fontanka.
Một sự kiện lạ lùng: dưới triều của Đại đế Peter, người sáng lập ra Saint Petersburg, chỉ có vỏn vẹn 10 cây cầu được xây dựng. Lý do là tham vọng của vị hoàng đế này muốn biến nơi đây thành một Venice của phương Bắc, khi mọi người muốn di chuyển từ nơi này đến nơi khác đều phải đi bằng thuyền. Và vào mùa Đông khi nước đóng băng ở khắp nơi thì xe trượt băng sẽ được sử dụng. Nhưng sau khi Đại đế Peter qua đời thì người ta đã chọn cách di chuyển dễ dàng hơn, và rất nhiều cây cầu đã xuất hiện.
Cây cầu rộng nhất trong thành phố là cầu Blue (rộng khoảng 100 mét), còn cây cầu dài nhất bắc qua sông Neva có chiều dài 1.000 mét và được đặt tên theo vị thánh đỡ đầu cho St. Petersburg, thánh Alexander Nevsky. Ở đây có những cây cầu mang tên theo các màu sắc: cầu Đỏ, cầu Xanh, cầu Lục và cầu Vàng. Tất cả những cầu này đều bắc qua sông Moika. Những cái tên này không phải là ngẫu nhiên. Khi những chiếc cầu mới được xây dựng lần đầu, chúng được làm bằng gỗ và tay vịn của chúng được sơn một màu nào đó. Sau đó gỗ được thay thế bằng kim loại, nhưng những cái tên nguyên thủy trong quá khứ vẫn còn được giữ. Ở đây cũng có những cây cầu mang tên Anh, Ý và Ai Cập. Có những chiếc cầu được trang hoàng với những tháp cao, những con sư tử, con ngựa và cả những con vật huyền thoại như những con sư tử đầu chim. Ở đây còn có cả những cây cầu mang tên Bưu điện, Nhà hát và thậm chí là cầu Nụ hôn nữa.
Cái tên Nụ hôn xuất phát từ lúc một mặt ranh giới của thành phố chạy dọc theo sông Moika. Người ta kể lại rằng những cặp tình nhân thường gặp nhau trên chiếc cầu này để tránh ánh mắt của mọi người. Ngày nay chiếc cầu này ở vị trí ngay trung tâm thành phố, do đó vai trò lãng mạn của nó không còn nữa. Một điều đặc biệt là tất cả những chiếc cầu bắc qua sông Neva đều là “cầu mở”, có nghĩa là vào ban đêm những cầu này đều có thể nâng lên để cho những chiếc tàu lớn có thể di chuyển từ vùng châu thổ của dòng sông vào hồ Ladoga. Điều này tạo ra một vẻ đẹp tráng lệ cho những chiếc cầu này, đặc biệt là vào thời kỳ của những Đêm Wight từ tháng 5 đến tháng 7, khi ban đêm ở đây sáng rực như ban ngày và khắp thành phố mang một không khí quyến rũ tuyệt vời.
CÁC BẢO TÀNG
Hermitage Quốc gia
Hermitage Quốc gia là một trong những bảo tàng nghệ thuật và văn hóa lớn nhất thế giới. Thành lập năm 1764, Hermitage có 8 bộ phận: Văn hóa Nguyên thủy, Văn hóa Cổ đại, Văn hóa phương Đông, Lịch sử Văn hóa Nga, Nghiên cứu Tiền đúc, Văn hóa Tây Âu, Khoa học và Giáo dục, và Bộ phận Phục chế. Trong Hermitage có trên 350 phòng lớn. Bảo tàng này lưu giữ 15.000 bức họa, 12.000 bức điêu khắc, 600.000 bức vẽ, trên 600.000 di vật khảo cổ, trên 1 triệu đồng tiền kim loại và huy chương, và 4.224.000 hiện vật về nghệ thuật ứng dụng. Nữ hoàng Catherine II là người khởi xướng cho việc sưu tập các hiện vật cho Hermitage. Đến cuối thế kỷ 19 bảo tàng này bắt đầu mở cửa cho công chúng tham quan. Những bức họa của các họa sĩ bậc thầy như Leonard da Vinci, Titian, Raphael, Rembrandt, Poussain, Manet, Renoir đều thuộc quyền sở hữu của Hermitage.
Bảo tàng Quốc gia Nga
Được thành lập năm 1895 như là một trung tâm về nghệ thuật và lịch sử, đến năm 1898 nơi đây biến thành một nhà bảo tàng và được đặt tên theo người sáng lập ra nó là vua Alexander III. Đến năm 1917 nó được đổi tên thành Bảo tàng Nga. Bảo tàng này có một bộ sưu tập lớn nhất các bức họa, điêu khắc, bản vẽ và các hiện vật về nghệ thuật ứng dụng và nghệ thuật dân gian của Nga. Nơi đây trưng bày những hiện vật từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 20.
Nhà của Peter I
Nhà này được xây dựng năm 1703, và từ năm 1918 chính quyền đã bảo vệ nó. Bảo tàng này trưng bày những hiện vật liên quan đến chiến thắng của Nga trong cuộc chiến Phương Bắc từ 1700 đến 1721, cùng với những hiện vật về việc thành lập St. Petersburg. Trong nội thất của tòa nhà có những hiện vật về nội trợ của thế kỷ 18 và những vật dụng của Đại đế Peter.
Bảo tàng Lịch sử St. Petersburg - Pháo đài Peter và Paul
Được thành lập như một nhà bảo tàng vào năm 1918, nơi đây có khoảng 840.000 hiện vật, cùng với một bộ sưu tập độc đáo về các loại bản đồ của St. Petersburg, những bản vẽ của các kiến trúc sư nổi tiếng, và những món đồ nội trợ từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 20. Triển lãm tại đây thể hiện cuộc sống của những giai cấp khác nhau trong xã hội St. Petersburg. Tuyến đường tham quan tại đây bao gồm cả việc viếng thăm nhà thờ Peter và Paul, hầm mộ Đại Công tước, nhà tù Trubetskoy.
Bảo tàng Nhân loại học và Dân tộc học
Bảo tàng này được thành lập năm 1879, với trên 1 triệu hiện vật, trong đó có khoảng 300.000 hiện vật về dân tộc học, khoảng 500.000 hiện vật về khảo cổ học và khoảng 200.000 hiện vật về nhân loại học. Trong số các hiện vật tại đây có nhiều món rất độc đáo.
Tàu Tuần dương Rạng đông
Tàu này được hoàn tất năm 1897 và hạ thủy năm 1900. Nó được đặt tên theo chiến thuyền Rạng đông vốn đã bảo vệ Petropaviovsk ở Kamchatka trong cuộc chiến tranh 1853-1856. Tàu tuần dương này đã tham gia vào trận chiến Tsusima. Từ ngày 17 tháng 11 năm 1948 tàu này đã trở thành vật kỷ niệm của cuộc Cách mạng Tháng Mười. Hiện nay tàu được đặt gần đê Petrogradskaya của sông Bolshaya Nevka. Từ năm 1957 nó đã trở thành một bộ phận của bảo tàng Hải quân.
Bảo tàng Hải quân Trung tâm
Đây là một trong những nhà bảo tàng hải quân lớn nhất thế giới, được thành lập năm 1709. Bảo tàng này trưng bày những hiện vật liên quan đến lịch sử hạm đội Nga và truyền thống của thủy thủ Nga. Trong bảo tàng có trên 800.000 hiện vật trong đó có 2.000 mô hình về tàu, trên 3.500 lá cờ, trên 7.000 hiện vật về các loại vũ khí và phương tiện quân sự, khoảng 2.000 bức họa. Chiếc thuyền Đại đế Peter là một món trưng bày độc đáo của nhà bảo tàng này.
Bảo tàng Động vật học
Bảo tàng này được thành lập năm 1832, với phần trưng bày của trên 15 triệu loài thú khác nhau. Bảo tàng Động vật học ở St. Petersburg là một trong những bảo tàng lớn nhất trên thế giới thuộc loại này.
Bảo tàng Lịch sử Quân đội về Pháo, Kỹ thuật và Lực lượng Truyền tin
Đây là một trong những bảo tàng quân đội lớn nhất thế giới. Bảo tàng này tọa lạc trong một kho chứa vũ khí cũ và có niên đại từ 1756. Nơi đây lưu giữ trên 500.000 hiện vật, từ những những cây súng hỏa mai của thế kỷ 18 đến những tên lửa hiện đại ngày nay.
Bảo tàng Rượu Vốt-ca Nga
Bảo tàng này trưng bày những chai, ly, áp phích và nhiều loại hiện vật khác liên quan đến rượu vốt-ca. Tại sao rượu vốt-ca của Nga đã tồn tại qua nhiều thế kỷ? Bạn sẽ tìm được câu trả lời bằng cách nếm thử những loại rượu ngon nhất được sản xuất từ những nhà máy có tiếng nhất của Nga, cùng với những loại thực phẩm ăn kèm theo đúng những truyền thống và qui luật trong việc uống rượu vốt-ca. Ngoài bộ sưu tập thú vị ở đây, Bảo tàng còn độc đáo ở chỗ là trong một sảnh lớn những món trang trí của một tractir (nhà hàng) vào cuối thế kỷ 19 đã được tái tạo. Trong tractir này bạn có thể nếm những loại vốt-ca ngon nhất đang được sản xuất tại Nga, so sánh chất lượng của chúng, và điều quan trọng nữa là dùng một bữa ăn đi theo loại rượu này theo đúng truyền thống của Nga. Nếu muốn nếm thử tại đây bạn nên đặt vé trước.
Cung điện Menshikov
Đây là một chi nhánh của Hermitage. Từ năm 1967 bảo tàng này trưng bày những hiện vật về văn hóa Nga trong ba thập kỷ đầu của thế kỷ 18, với những món độc đáo về nghệ thuật và đồ nội trợ của thời kỳ Peter I.
Bảo tàng Nhà hát và Âm nhạc
Bảo tàng Nhà hát và Âm nhạc là một trong những bảo tàng lớn nhất về nhà hát. Được thành lập năm 1918, bảo tàng này lưu giữ một bộ sưu tập về các hình ảnh và tư liệu của nhà hát Alexandra. Những hiện vật trưng bày và cất giữ tại đây đã làm sáng tỏ cho lịch sử nhà hát của Nga và Tây Âu từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 19. Có đến trên 400.000 hiện vật được trưng bày tại bảo tàng này.
Bảo tàng Điêu khắc Thành phố
Được thành lập năm 1932 với tên gọi là Bảo tàng Nghĩa trang, đến năm 1939 bảo tàng này đã trở thành Bảo tàng Điêu khắc Thành phố, với nhiệm vụ quản lý tất cả những bức điêu khắc và những tấm bảng kỷ niệm của thành phố. Có hai bộ phận trong bảo tàng này: bộ phận về bia mộ nghệ thuật và bộ phận về điêu khắc kỷ niệm của các thế kỷ 19 và 20.
Bảo tàng Dân tộc học Nga
Bảo tàng này được thành lập năm 1901 như một bộ phận của Bảo tàng Nga. Bộ sưu tập chính ở đây, với trên 260.000 hiện vật và 140.000 ảnh chụp, bao gồm những món có liên quan đến văn hóa và đời sống của các quốc gia trong khối Liên Xô trước đây, cùng với những hiện vật về nghệ thuật dân gian hiện đại.
Bảo tàng Nhạc cụ
Đây là một trong những bảo tàng lớn nhất thế giới về nhạc cụ, được thành lập năm 1902. Nơi đây bạn có thể chiêm ngưỡng những nhạc cụ của các bậc thầy về âm nhạc.
Cung điện Mùa Hè của Peter I
Đây là một trong những tòa nhà bằng đá đầu tiên ở St. Petersburg, được xây dựng từ 1710 đến 1714 theo thiết kế của kiến trúc sư D. Tresini. Cung điện này vẫn còn bảo quản nội thất và những vật bài trí nguyên thủy của nó. Phần trưng bày ở đây bao gồm những hiện vật thuộc về Đại đế Peter và Catherine I, những món đồ gỗ và đồ thủy tinh được chạm khắc công phu, những loại vải đắt tiền, những tấm rèm mắt cáo và những bức họa từ thế kỷ 18.
Bảo tàng Văn học Nga
Bảo tàng này được thành lập năm 1905 như một kho lưu trữ theo dạng bảo tàng. Tên đầy đủ của nó là Bảo tàng Văn học của Nhà Pushkin, nơi lưu trữ những bộ sưu tập lớn nhất về các loại bản thảo, những thánh tượng và các hiện vật kỷ niệm liên quan đến lịch sử văn học Nga và văn hóa Nga trong thời gian từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 20.
Bảo tàng M.V. Lomonosov
Được thành lập năm 1947 và khánh thành vào năm 1949 trong tòa nhà Kuntzkamera. Bảo tàng này trưng bày những hiện vật theo chủ đề “Lomonosov và thiên văn học Nga trong thế kỷ 18”. Nơi đây bạn có thể chiêm ngưỡng những tác động cá nhân của Lomonosov, những dụng cụ khoa học, các công trình về khoa học và văn học của ông, cũng như các mẫu và vật liệu cho những bức tranh khảm được chế tạo theo sự hướng dẫn của ông.
Nhà M. Kshesinskaya
Đây là Bảo tàng Lịch sử Chính trị của Nga. Bảo tàng này trưng bày các loại tài liệu, những tác phẩm nghệ thuật và các hiện vật liên quan đến những sự kiện trong lịch sử chính trị của Nga trong thời kỳ từ thế kỷ 19 đến thế kỷ 20. Bảo tàng này nổi tiếng với phần trưng bày những bức tượng bằng sáp của những nhà chính trị nổi tiếng. Ngoài ra ở đây còn có một phần trưng bày riêng trong những căn phòng của M. Kshesinskaya, vốn để tưởng nhớ đến cuộc đời sáng tạo của nữ diễn viên ba lê nổi tiếng thế giới này.
Căn hộ Anna Akhmatova
Đây là một nhà bảo tàng về văn học và lịch sử, được khánh thành năm 1989. Trong bảo tàng này có phần nội thất của nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật N.I. Punin, chồng của Akhmatova, cũng như hiện vật trưng bày để tưởng nhớ đến cuộc đời sáng tạo của nữ thi sĩ này.
Bảo tàng Tưởng niệm F.M. Dostoevsky
Bảo tàng này được khánh thành năm 1971 để kỷ niệm 150 năm ngày sinh của nhà văn vĩ đại này. Phần nội thất của tòa nhà nơi Dostoevsky trải qua những năm cuối cùng trong cuộc đời ông đã được xây dựng lại, trong đó trưng bày một số vật dụng cá nhân của nhà văn.