Tài liệu: Nước Nga - Các loại cơ sở giáo dục

Tài liệu
Nước Nga - Các loại cơ sở giáo dục

Nội dung

CÁC LOẠI CƠ SỞ GIÁO DỤC

 

Ở Nga có ba loại cơ sở giáo dục cấp cao: trường đại học, trường chuyên nghiệp và học viện. Tất cả các cơ sở này đều có các chương trình đại học và sau đại học.

Các trường đại học thường có những chương trình cơ bản và chương trình ứng dụng trong một dải rộng các ngành khoa học, trong khi các trường chuyên nghiệp và các học viện thường tổ chức chương trình của mình ở một lĩnh vực về khoa học hay nhân văn. Muốn đăng ký là trường đại học hay trường chuyên nghiệp, các cơ sở buộc phải là một trung tâm hàng đầu về khoa học và phương pháp luận trong lĩnh vực liên quan. Các học viện thường đào tạo về chuyên môn. Học viện có thể được thành lập như một ngành của một trường đại học hay trường chuyên nghiệp, chẳng hạn như Học viện Phục hồi Xã hội của Đại học Kỹ thuật Quốc gia Novosibirsk hay Học viện Quan hệ Quốc tế và Luật pháp của Trường Chuyên nghiệp Kinh tế và Quản lý Quốc gia Novosibirsk.

Trước năm 1990 chỉ có những trường đại học kinh điển mới có danh xưng “trường đại học”. Số lượng những trường này không nhiều, chỉ có ở những địa phương lớn, chẳng hạn như Đại học Quốc gia Novosibirsk, Đại học Quốc gia Moscow, Đại học Quốc gia St. Petersburg. Còn lại tất cả những cơ sở giáo dục cấp cao khác đều là các “học viện”.

Trong cuộc cải cách vào thập kỷ 1990 những cơ sở giáo dục cấp cao khác đã có quyền tái tổ chức lại các hoạt động của mình, và điều này đã dẫn đến tình trạng nâng cấp hàng loạt, từ các “học viện” lên các “trường chuyên nghiệp” và “trường đại học”. Khuynh hướng này đã làm thay đổi cấu trúc của hệ thống giáo dục nhà nước. Theo số liệu thống kê trong giai đoạn 1991-1996, số lượng các trường đại học đã gia tăng 6 lần, và số lượng các trường chuyên nghiệp đã gia tăng 30 lần. Để có thể nâng cấp từ học viện lên trường đại học, nhiều cơ sở đã mở thêm những ngành mới như kinh tế, luật, quản trị kinh doanh, quản lý. Rủi thay, điều này không có nghĩa là những ngành học đó được giảng dạy ở một mức độ chuyên nghiệp cao hơn. Các trường tư thục thường chỉ có danh xưng là học viện. Hiện nay ở Nga chỉ có 6 trường đại học tư thục và 4 trường chuyên nghiệp tư thục.

 

GIẤY PHÉP VÀ SỰ CÔNG NHẬN

Ngoài các loại hình như trường đại học, trường chuyên nghiệp hay học viện, giấy phép của nhà nước và sự công nhận là những đặc điểm quan trọng nhất của bất kỳ cơ sở giáo dục cấp cao nào. Giấy phép của nhà nước là cơ sở cho phép đơn vị đó có quyền tổ chức các dịch vụ giáo dục. Điều đó có nghĩa là đơn vị đó có đủ mặt bằng được trang bị phù hợp để có thể giảng dạy cho một số lượng sinh viên nào đó, có các giảng viên và giáo viên được đào tạo tốt. Bộ Giáo dục của Liên bang Nga là cơ quan cấp loại giấy phép này. Mỗi một chi nhánh của các cơ sở giáo dục cấp cao cần phải có giấy phép riêng biệt, tách rời với giấy phép của cơ sở chính.

Ở Nga có hai dạng công nhận khác nhau cho các cơ sở giáo dục cấp cao: công nhận của nhà nước và công nhận của cộng đồng. Sự công nhận của nhà nước có nghĩa là sự tương ứng giữa chất lượng giáo dục của cơ sở đó trong các chương trình đã đăng ký với những chuẩn mực giáo dục của nhà nước.

Sự công nhận này cũng đồng thời cho cơ sở giáo dục đó quyền được cấp các loại văn bằng theo tiêu chuẩn nhà nước. Việc kiểm soát thường xuyên của nhà nước về chất lượng của dịch vụ giáo dục chỉ được thực hiện theo pháp lý ở các trường được công nhận. Các cơ sở giáo dục cấp cao có thể đăng ký để được công nhận theo từng chu kỳ, tối đa là 5 năm. Giấy công nhận sẽ không có hiệu lực nếu như không có bản đính kèm, trong đó ghi rõ các chương trình học đã được công nhận ở đủ các trình độ (cử nhân, chuyên ngành và cao học), các cấp độ giáo dục và chất lượng của sinh viên tốt nghiệp. Tất cả các chi nhánh của cơ sở giáo dục cấp cao đó cần được đăng ký cùng một lần với cơ sở chính. Tên và địa chỉ của các chi nhánh, cùng với các chương trình học được công nhận sẽ được ghi rõ trong bản đính kèm. Từ “Quốc gia” trong tên gọi của cơ sở giáo dục cấp cao sẽ đảm bảo rằng cơ sở đó cấp các loại văn bằng theo tiêu chuẩn nhà nước, ví dụ như “Đại học Quốc Gia Saint-Petersburg”.

Mục đích của việc công nhận của cộng đồng là sự đánh giá về mức độ hoạt động của cơ sở giáo dục đó, xem có tương ứng hay không với những tiêu chuẩn và sự kỳ vọng của các tổ chức giáo dục công dân, các tổ chức chuyên môn, khoa học và công nghiệp. Sự công nhận của cộng đồng không bao hàm một sự ràng buộc về tài chính hay bất kỳ phương diện nào của nhà nước.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1992-02-633470657933593750/Giao-duc/Cac-loai-co-so-giao-duc.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận