Tài liệu: Nhật Bản - Thời kỳ Meiji (1868 - 1912)

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Năm 1867-68, kỷ nguyên của Tokugawa đã chấm dứt trong cuộc phục hưng Meiji.
Nhật Bản - Thời kỳ Meiji (1868 - 1912)

Nội dung

Thời kỳ Meiji (1868 - 1912)

Năm 1867-68, kỷ nguyên của Tokugawa đã chấm dứt trong cuộc phục hưng Meiji. Hoàng đế Meiji dời từ Kyoto đến Tokyo, nơi trở thành thủ đô mới, với quyền hành được khôi phục trở lại. Quyền lực chính trị được chuyển từ Tokugawa Bakufu sang tay một nhóm nhỏ quý tộc và những samurai trước kia.

Giống như các nước châu Á bị khuất phục khác, nước Nhật bị buộc phải ký với các thế lực phương Tây những hiệp ước không bình đẳng. Những hiệp ước này dành cho người phương Tây những thuận lợi một chiều về kinh tế và luật pháp ở Nhật Bản. Để có thể giành lại độc lập từ tay người Âu và người Mỹ và thành lập một quốc gia được tôn trọng trên thế giới, nước Nhật Meiji phải quyết định rút ngắn khoảng cách về kinh tế và quân sự so với các thế lực phương Tây. Những cuộc cải tổ quyết liệt được tiến hành trên tất cả các phương diện.

Chính quyền mới đặt mục tiêu biến Nhật Bản thành một nước dân chủ với sự bình đẳng của tất cả mọi người dân. Ranh giới giữa các tầng lớp trong xã hội Nhật Bản Tokugawa dần dần bị phá vỡ. Từ đó, tầng lớp samurai là những người bị mất mát nhiều nhất trong cuộc cải tổ xã hội này vì họ đã mất đi tất cả những đặc quyền đặc lợi vốn có. Cuộc cải tổ cũng bao gồm cả việc thiết lập nhân quyền, chẳng hạn như quyền tự do tôn giáo vào năm 1873.

Để ổn định chính quyền mới, những chúa đất phong kiến (daimyo) trước đây phải trả lại đất đai cho hoàng đế. Điều này đã được thực hiện vào năm 1870 và tiếp tục bằng việc sắp xếp lại ở các quận huyện.

Hệ thống giáo dục được cải tổ lại theo hệ thống của người Pháp và sau đó là theo hệ thống của người Đức. Trong số những cải tổ này có việc thực hiện cưỡng bách giáo dục.

Sau một hai thập kỷ tập trung Tây phương hóa, một sự phục hưng những tư tưởng bảo thủ và tư tưởng quốc gia xuất hiện: những nguyên tắc của Khổng giáo và Thần đạo cùng với việc tôn thờ hoàng đế ngày càng được đề cao và giảng dạy ở các cơ sở giáo dục.

Về mặt quân sự, một mô hình Nhật Bản theo kỷ nguyên chủ nghĩa đế quốc châu Âu và nước Mỹ được áp dụng. Chế độ cưỡng bách tòng quân được thi hành, và một mô hình quân đội được mô phỏng theo kiểu nước Phổ, và hải quân thì theo kiểu của Anh.

Để chuyển đổi nền kinh tế ruộng đất của nước Nhật thời kỳ Tokugawa thành một nền kinh tế nông nghiệp, nhiều học giả của Nhật được gửi ra nước ngoài để học về khoa học và ngôn ngữ phương Tây, trong khi đó các chuyên gia nước ngoài cũng được mời đến Nhật giảng dạy. Mạng lưới vận tải và truyền thông được cải tiến bằng những đầu tư lớn lao của chính quyền. Chính quyền cũng trực tiếp hỗ trợ cho sự phát triển của các doanh nghiệp và các cơ sở công nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn và mạnh của gia đình gọi là zaibatsu.

Những chi phí lớn đó đã dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính vào giữa thập kỷ 1880, kéo theo việc cải cách hệ thống tiền tệ và việc thành lập Ngân hàng Nhật Bản. Ngành công nghiệp vải sợi phát triển nhanh nhất và trở thành ngành công nghiệp lớn nhất của Nhật cho đến Thế chiến thứ II. Điều kiện làm việc trong những nhà máy lúc bấy giờ rất tồi tệ, nhưng những phong trào tự do và chủ nghĩa xã hội đã bị bọn cầm quyền đàn áp.

Về mặt chính trị, Nhật Bản tiếp nhận hiến pháp kiểu châu Âu lần đầu tiên vào năm 1889. Một nghị viện được thành lập trong khi hoàng đế giữ quyền tối cao: ông là người đứng đầu lục quân, hải quân, đứng đầu quyền hành pháp và lập pháp. Tuy nhiên, nhóm người cầm quyền nắm giữ quyền hạn thực tế, và vị hoàng đế năng lực và thông minh chỉ việc đồng ý với hầu hết các hành động của họ. Những đảng phái chính trị lúc bấy giờ chưa có quyền lực thật sự do sự thiếu đoàn kết của các đảng viên.

Sự xung đột về quyền lợi ở Triều Tiên giữa Trung Hoa và Nhật Bản dẫn đến cuộc chiến tranh Trung - Nhật năm 1894-95. Nhật đã đánh bại Trung Hoa, nhận đất Đài Loan, nhưng bị Nga, Pháp và Đức buộc phải trả lại các lãnh thổ khác. Sự can thiệp này làm cho nước Nhật phải hiện đại hóa lại lục quân và hải quân của mình.

Những xung đột quyền lợi khác lại nổ ra ở Triều Tiên và Mãn Châu, lần này giữa Nga và Nhật, dẫn đến cuộc chiến tranh Nga - Nhật năm 1904-05. Quân đội Nhật cũng thắng thế, lấy được đất đai và giành được sự tôn trọng của thế giới. Nhật Bản tiếp tục tăng cường ảnh hưởng ở Triều Tiên và sát nhập hoàn toàn nước này vào năm 1910. Ở trong nước, sự thành công trong chiến tranh đã làm cho chủ nghĩa quốc gia càng được tăng cường, và những nước châu Á khác cũng bắt đầu có được sự tự tin vào quốc gia mình.

Năm 1912 hoàng đế Meiji qua đời, và kỷ nguyên của những nhà cai trị lão thành chuẩn bị chấm dứt.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2244-02-633495512792187500/Lich-su/Thoi-ky-Meiji-1868---1912.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận