Tài liệu: Nhật Bản - Thời kỳ Edo (1603 - 1867)

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Tokugawa Ieyasu đã là người quyền lực nhất Nhật Bản sau khi Hideyoshi qua đời năm 1598.
Nhật Bản - Thời kỳ Edo (1603 - 1867)

Nội dung

Thời kỳ Edo (1603 - 1867)

Tokugawa Ieyasu đã là người quyền lực nhất Nhật Bản sau khi Hideyoshi qua đời năm 1598. Ông ta không tôn phục người kế vị Hideyoshi vì muốn trở thành người cai trị chuyên chế của nước Nhật.

Trong trận chiến Sekigahara năm 1600, Ieyasu đã đánh bại những người trung thành với Hideyoshi và những kẻ thù ở phía Tây. Do đó ông ta đạt được quyền lực và sự giàu sang vô biên. Năm 1603, Ieyasu được hoàng đế cử làm tướng quân và thiết lập chính quyền của mình tại Edo (Tokyo). Những tướng quân Tokugawa tiếp tục cai trị Nhật Bản trong suốt thời gian 250 năm.

Ieyasau đã đưa cả đất nước vào sự kiểm soát chặt chẽ. Ông ta khéo léo phân phối lại đất đai có được cho các daimyo: những chư hầu trung thành hơn (những người đã theo ông từ trước trận Sekigahara) nhận được những phần lãnh địa quan trọng hơn. Mỗi một daimyo cứ cách một năm lại phải đến Edo ở. Điều này làm tăng gánh nặng chi phí cho các daimyo và làm giảm bớt quyền lực của họ ở quê nhà. Ieyasu tiếp tục xúc tiến công việc ngoại thương. Ông ta đặt quan hệ với người Anh và người Hà Lan. Mặt khác ông tăng cường sự đàn áp và ngược đãi đối với đạo Cơ đốc kể từ năm 1614.

Sau khi thị tộc Toyotomi bị tiêu diệt vào năm 1615 khi Ieyasu chiếm thành Osak, ông và những người kế vị không còn kẻ thù nào nữa, và hòa bình đã ngự trị suốt thời kỳ Edo. Từ đó những quân nhân (samurai) không những chỉ tập luyện binh bị mà còn thực hành văn chương, triết lý và các nghệ thuật, chẳng hạn như trà đạo.

Năm 1633, tướng quân Iemitsu cấm việc đi ra nước ngoài và hầu như cô lập nước Nhật năm 1639 bằng cách giảm hẳn các mối quan hệ mậu dịch với Trung Quốc và Hà Lan ở cảng Nagasaki. Ngoài ra tất cả các sách vở nước ngoài đều bị cấm.

Bất kể sự cô lập, việc mậu dịch trong nước và sản xuất nông nghiệp vẫn tiếp tục được mở mang. Trong thời kỳ Edo và đặc biệt là vào thời gian Genroku (1688 - 1703), văn hóa dân gian rất thịnh. Những loại hình nghệ thuật mới như kabuki và ukiyo-e trở nên rất phổ biến đối với người dân thành phố.

Triết lý quan trọng nhất của thời Tolugawa ở Nhật Bản là Tân Khổng giáo, nhấn mạnh sự quan trọng của đạo đức, giáo dục và trật tự trên dưới trong chính quyền và xã hội. Một hệ thống bốn giai cấp chặt chẽ tồn tại dưới thời kỳ Edo: đứng trên cùng trong các nấc thang xã hội là samurai, sau đó đến nông dân, thợ thủ công và các nhà buôn. Những thành viên của bốn giai cấp này không được thay đổi vị trí xã hội của họ. Những người vô gia cư những người làm các nghề không được trong sạch hình thành giai cấp thứ năm.

Năm 1720, việc cấm văn học phương Tây bị bãi bỏ, và một số nền học thuật từ trung Quốc và châu Âu đã du nhập vào Nhật. Những trường theo chủ nghĩa đần tộc kết hợp các yếu tố của Thần đạo và Khổng giáo cũng được phát triển.

Mặc dù chính quyền Tokugawa tồn tại khá ổn định qua mấy thế kỷ, vị trí của nó dần dần suy thoái. Tình trạng suy thoái về tài chính của chính quyền dẫn tới thuế má cao hơn và những cuộc nổi loạn trong giới nông dân. Ngoài ra, nước Nhật thường xuyên bị thiên tai và đói kém đã dẫn đến những cuộc nổi dậy và sự khó khăn về tài chính cho chính quyền trung ương và các daimyo. Thứ bậc trong xã hội bắt đầu bị phá vở vì giới nhà buôn ngày càng trở nên mạnh hơn trong khi đó giới samurai lại lệ thuộc tài chính vào họ. Vào nửa sau của thời kỳ này, sự mục nát, bất lực và suy thoái đạo đức trong chính quyền đã tạo ra thêm nhiều vấn đề.

Vào cuối thế kỷ thứ 18, sức ép từ bên ngoài bắt đầu trở thành một vấn đề ngày càng trọng đại, khi người Nga lần đầu muốn đặt quan hệ mậu dịch với Nhật Bản nhưng không thành công. Sau đó đến các nước châu Âu và người Mỹ vào thế kỷ 19. Cuối cùng Commodore Perry đã buộc chính quyền Tokugawa, vào năm 1853 và 1854, phải mở một số cảng cho giao thương quốc tế. Tuy nhiên việc mậu dịch rất hạn chế cho đến cuộc phục hồi Meiji vào năm 1868. Có nhiều nhân tố kết hợp với nhau, từ những tình cảm chống chính quyền đang lớn dần và tạo ra những phong trào như phong trào đòi hỏi phục hồi quyền lực hoàng đế, đến những tình cảm chống phương Tây, đặc biệt là trong giới samurai cực kỳ bảo thủ ở các lãnh địa như Choshu và Satsuma. Tuy nhiên, nhiều người đã nhận ra những thuận lợi to lớn trong khoa học và quân sự của các nước phương Tây và ủng hộ cho việc mở cửa đối với thế giới. Cuối cùng ngay cả những người bảo thủ cũng đã nhận ra điều này sau khi đối đầu với những tàu chiến.

Năm 1867 - 68, chính quyền Tokugawa sụp đổ vì các sức ép chính trị nặng nề, và quyền lực của hoàng đế Meiji được phục hồi.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2244-02-633495512435156250/Lich-su/Thoi-ky-Edo-1603---1867.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận