Tài liệu: Nhật Bản - Trà đạo

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Trà đạo, còn gọi là chanoyu, là một thú tiêu khiển thẩm mỹ độc đáo của Nhật Bản, trong đó người ta uống loại matcha,
Nhật Bản - Trà đạo

Nội dung

Trà đạo

Trà đạo, còn gọi là chanoyu, là một thú tiêu khiển thẩm mỹ độc đáo của Nhật Bản, trong đó người ta uống loại matcha, một loại trà xanh dạng bột. Mặc dù trà đã được du nhập từ Trung Hoa sang Nhật Bản từ khoảng thế kỷ thứ 8, phải đến cuối thế kỷ 12 matcha mới vào Nhật. Việc tụ tập nhau lại để uống matcha đã lan truyền trong các tầng lớp thượng lưu từ khoảng thế kỷ thứ 14. Dần dần, một trong những mục đích của việc tụ tập uống trà này đã trở thành việc thưởng ngoạn các tác phẩm hội họa và thủ công mỹ nghệ của Trung Hoa trong một bầu không khí thanh thản.

Dưới ảnh hưởng của những thủ tục và phong cách trong đời sống hàng ngày của giới samurai, những người thuộc giai cấp ưu thế trong xã hội vào thời đó, những qui định và thủ tục mà những người tham gia uống trà cần phải theo bắt đầu hình thành. Đó là nguồn gốc của trà đạo. Hình thức chanoyu được thực hiện ngày nay đã được hình thành từ nửa sau của thế kỷ thứ 16.

Chanoyu liên quan đến nhiều thứ hơn là chỉ uống hết một tách trà theo một phong cách ước lệ. Nghi thức này được phát triển với ảnh hưởng của Phật giáo Thiền tông, với mục đích là, nói một cách đơn giản hóa, làm tinh khiết tâm hồn bằng cách hợp nhất với thiên nhiên. Linh hồn của trà đạo được diễn đạt bằng những từ ngữ như sự thanh thản, sự mộc mạc, sự thanh nhã, và “tính thẩm mỹ của sự đơn giản chân phương và sự nghèo túng tinh khiết”. Những qui tắc nghiêm khắc của nghi thức chanoyu, mà mới thoạt nhìn người ta cho là quá nặng nề và tỉ mỉ, thực tế là để đạt được cơ cấu cao nhất của sự vận động.

Chanoyu đã đóng một vai trò quan trọng trong đời sống nghệ thuật của người dân Nhật. Là một sự theo đuổi thẩm mỹ, trà đạo liên quan đến việc thưởng thức căn phòng nơi uống trà, khu vườn nối liền với căn phòng, những dụng cụ dùng cho việc pha chế và dọn trà, và sự trang trí khung cảnh, chẳng hạn như một bức tranh cuốn treo tường hay một bình hoa. Từ kiến trúc đến khung cảnh vườn tược, từ đồ gốm đến hoa cảnh của Nhật, tất cả đều có ý nghĩa rất nhiều đối với trà đạo. Chính tinh thần của chanoyu, thể hiện các đẹp của sự đơn giản và sự hài hòa với thiên nhiên, đã hun đúc nên truyền thống văn hóa Nhật Bản này. Hơn nữa, những nghi thức trong trà đạo đã cơ bản ảnh hưởng rất nhiều đến phong cách của người Nhật.

Một cuộc trà đạo của người Nhật nếu theo đúng quy cách sẽ được tiến hành theo các bước như sau:

+ Đầu tiên là khâu mời. Để cho lịch sự, gia chủ sẽ viết thư mời gửi đến từng người, ghi rõ địa điểm và thời gian. Sau khi nhận được thư mời, người ta sẽ viết thư trả lời, cho biết có đến dự trà đạo được hay không.

+ Lúc đến nơi, những người khách chào lẫn nhau. Họ được phục vụ nước nóng trong khi chờ đợi trên một chiếc ghế băng ngoài vườn. Và gia chủ sẽ bước ra chào hỏi khách mới đến. Khách chỉ việc cúi chào chủ nhà.

+ Sau đó, những vị khách sẽ vào phía trong vườn để súc miệng và rửa tay, tẩy trần những ô uế. Sau công đoạn này họ sẽ bước vào phòng uống trà theo thứ tự địa vì trên dưới, và đứng cạnh tường. Sau khi tất cả khách đã vào đủ, họ ngồi xuống sàn nhà.

+ Sau khi chào hỏi nhau, họ bắt đầu vào bữa ăn trước. Các món ăn như cơm, cháo được dọn ra. Họ uống rượu Sake. Sau tiệc rượu là phần tráng miệng bằng bánh ngọt. Sau bữa ăn này khách lại ra vườn ngồi đợi.

+ Sau đó gia chủ rung chuông để khách trở vào. Trước khi vào phòng uống trà khách lại rửa tay và súc miệng như lần trước. Lần này căn phòng đã thay đổi, với hoa trên tường và các cửa sổ trên mái nhà được mở. Đây là lúc uống trà thực sự. Trà được pha rất đậm và khách uống chung bằng một chiếc tách.

Gia chủ đặt tách trà cùng với một mảnh khăn trên sàn nhà. Vị khách đầu tiên đến lấy tách trà, đặt tách trà trên tay trái và mảnh khăn trên tay phải. Rồi tất cả khách cúi mình. Sau đó vị khách trải mảnh khăn ra và đặt tách trà lên, đưa tách trà hai lần về phía mình. Đến giai đoạn này vị khách mới bắt đầu nhấp trà. Sau khi uống xong, vị khách đầu tiên này sẽ dùng mảnh khăn lau miệng tách trà và chuyển tách đến cho người kế tiếp cùng với mảnh khăn.

+ Sau khi tất cả khách đã uống xong, gia chủ sẽ phục vụ thêm một tuần trà nhẹ nữa, nhưng lần này mỗi người đều có một tách riêng. Ở lượt trà này người ta cũng phục vụ bánh ngọt.

+ Mãn tuần trà, gia chủ nói lời cám ơn mọi người đã đến dự buổi trà đạo. Một chiếc quạt được đặt trước mỗi người khách và khách cám ơn lòng hiếu khách của gia chủ. Khách cúi chào lẫn nhau trước khi ra về. Khi ra cổng, gia chủ và khách cúi chào lẫn nhau.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2247-02-633495517453437500/Van-hoa---xa-hoi/Tra-dao.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận