Kimono
LỊCH SỬ KIMONO
Đầu tiên, từ “Kimono” dùng để chỉ quần áo nói chung. Nhưng sau này, Kimono đã được dùng để nói đến loại y phục truyền thống của Nhật Bản. Bộ Kimono như chúng ta biết ngày nay đã xuất hiện từ thời kỳ Heian.
Từ thời kỳ Nara cho đến lúc đó, người Nhật chỉ mặc y phục theo kiểu bộ, gồm áo và váy tách rời, hoặc là loại áo quần liền nhau. Nhưng đến thời kỳ Heian, kỹ thuật may Kimono ra đời. Được biết đến như là phương pháp cắt may theo đường thẳng, loại y phục này được cắt từ vải theo đường thẳng và may lại với nhau. Với kỹ thuật như vậy, người thợ may không phải bận tâm gì đến dáng người của người mặc nó.
Theo thời gian, khi việc mặc Kimono đã trở thành thời trang, người Nhật bắt đầu quan tâm đến màu sắc, và họ đã phát triển nhiều màu khác nhau cho bộ Kimono. Thông thường, vào thời đó màu sắc được phân biệt theo mùa hoặc theo giai cấp chính trị của người mặc nó.
Đến thời kỳ Kamakura và thời kỳ Muromachi, cả nam lẫn nữ đều mặc những bộ Kimono với màu sắc sáng chói. Những chiến binh mặc theo màu thể hiện cấp chỉ huy của họ, và đôi khi bãi chiến trường đầy những màu sắc lòe loẹt y như một cuộc trình diễn thời trang.
Thời kỳ Edo, thị tộc Tokugawa cai trị đất nước. Cả nước được chia thành từng lãnh địa phong kiến cai trị bởi những lãnh chúa. Những samurai của từng lãnh địa được phân biệt bởi màu sắc và kiểu cách của bộ “đồng phục” của họ. Bộ đồng phục đó gồm ba phần: một chiếc Kimono, một loại y phục không tay gọi là kamishimo mặc ngoài chiếc Kimono, và một chiếc hakama là một loại váy hai ống giống như quần. Với rất nhiều bộ Kimono cần may cho những samurai, những thợ may Kimono ngày càng có nhiều việc làm, và Kimono bắt đầu đi vào lĩnh vực nghệ thuật. Kimono trở thành có giá trị hơn, và cha mẹ truyền lại cho con cái như những vật gia truyền.
Dưới thời kỳ Meiji, Nhật Bản chịu ảnh hưởng nặng nề bởi văn hóa nước ngoài. Chính quyền khuyến khích mọi người theo cách ăn mặc và các thói quen của phương Tây. Những quan chức chính quyền và các chiến binh được pháp luật yêu cầu phải mặc Âu phục trong khi công tác. Đối với thường dân, những bộ Kimono mặc vào những dịp chính thức được yêu cầu phải có huy hiệu riêng của gia đình để xác định nguồn gốc gia đình.
Ngày nay, người Nhật hiếm khi mặc Kimono trong đời sống hàng ngày, mà chỉ sử dụng loại y phục này vào những dịp như đám cưới, đám tang, trà đạo, hoặc các dịp đặc biệt khác, chẳng hạn như các lễ hội mùa Hè.
CÁCH THIẾT KẾ KIMONO
Cách thức may một bộ Kimono là độc đáo. Một mảnh vải dài từ 12 đến 13 mét và rộng từ 36 đến 40 cm được cắt thành tám mảnh. Những mảnh này được may lại với nhau để hình thành cơ bản một chiếc Kimono. Thường thì lụa được sử dụng để may Kimono, nhưng loại Kimono thông thường mặc vào mùa Hè thường chỉ được may bằng vải sợi. Với tám mảnh khác biệt, Kimono có thể dễ dàng được thay thế từng mảnh khi bị cũ, phai màu hay bị rách.
Màu cho vải may Kimono có thể thực hiện bằng hai cách: vải may được dệt bằng những loại chỉ màu khác nhau, hoặc mảnh vải được nhuộm màu. Một ví dụ về loại vải dệt từ chỉ màu là vải oshima-tsumugi, một loại vải được dệt ở đảo Amami-Oshima phía Nam đảo Kyushu. Loại vải này rất chắc và bóng. Một loại khác là vải yuki-tsumugi, được dệt ở thành phố Yuki thuộc quận Ibaraki, được cho là chắc đến độ có thể tồn tại 300 năm.
Loại vải Kimono nhuộm được bắt đầu từ vải trắng, sau đó người ta nhuộm hoa văn hoặc thêu lên vải. Kỹ thuật này làm cho vải có màu sắc sống động. Một ví dụ về loại vải nhuộm là kyo-yuzen, được làm tại Kyoto, với đặc điểm có nhiều màu sắc và những màu này được nhuộm rất tỉ mỉ.