Tài liệu: Nhật Bản - Kinh tế Nhật Bản Bước vào Kỷ nguyên Toàn cầu hoá

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Kinh tế Nhật là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Năm 1988 tổng sản phẩm nội địa GDP là 481 ngàn tỉ Yên (3,67 ngàn tỉ USD).
Nhật Bản - Kinh tế Nhật Bản Bước vào Kỷ nguyên Toàn cầu hoá

Nội dung

Kinh tế Nhật Bản Bước vào Kỷ nguyên Toàn cầu hoá

Kinh tế Nhật là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Năm 1988 tổng sản phẩm nội địa GDP là 481 ngàn tỉ Yên (3,67 ngàn tỉ USD). Tổng sản phẩm nội địa tính theo đầu người năm 1997 là 28.361 USD, đứng thứ tư trên thế giới. Sau đó, sự sụp đổ của nền “kinh tế bong bóng” vào đầu thập kỷ 1990, mức tăng trướng GDP bị chững lại. Và tình hình tương đối khá hơn vào những năm 1995 và 1996, rồi sau đó GDP lại bị thu hẹp vào năm 1998. Với mục tiêu tạo ra một nền kinh tế hiệu quả hơn, chính quyền Nhật đang thực hiện một cuộc cải cách quản trị cùng với việc bãi bỏ nhiều thành phần kinh tế. Trong môi trường các công ty cũng có nhiều thay đổi lớn, chẳng hạn như các công ty tìm cách gia tăng sức cạnh tranh bằng cách bãi bỏ chế độ thuê nhân viên cả đời và hệ thống lương thâm niên.

KỶ NGUYÊN CỦA SỰ TĂNG TRƯỞNG CAO

Nền kinh tế của Nhật Bản bắt đầu từ những tàn tích của cơ sở hạ tầng công nghiệp bị tàn phá nặng nề trong Thế chiến thứ II. Năm 1952, khi quân Đồng minh ngưng đóng quân, Nhật Bản là một nước “kém phát triển”, với mức tiêu thụ đầu người chỉ bằng khoảng một phần năm so với Hoa Kỳ. Trong vòng hai thập kỷ sau đó, Nhật đã có mức tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm là 8%, giúp cho đất nước này trở thành quốc gia đầu tiên từ tình trạng “kém phát triển” tiến lên tình trạng “phát triển” trong thời kỳ hậu chiến. Nguyên nhân của tình hình này bao gồm cả việc tích luỹ cá nhân và sự đầu tư của các bộ phận kinh tế tư nhân, một lực lượng lao động với tinh thần làm việc cao, một nguồn cung cấp dầu mỏ lớn với giá rẻ, công nghệ đổi mới, và sự can thiệp hiệu quả của chính quyền vào các ngành công nghiệp tư nhân. Nhật Bản là một nước được hưởng lợi từ sự tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế hậu chiến theo những nguyên tắc về mậu dịch tự do của Quỹ Tiền tệ Thế giới và Thỏa ước chung về Thuế và Mậu dịch. Năm 1968 nền kinh tế của nước này trở thành lớn thứ hai trên thế giới, chỉ xếp sau Mỹ.

Trong khoảng từ 1950 đến 1970, tỉ lệ người dân Nhật sống ở thành thị tăng từ 38% lên 72%, gia tăng trong lực lượng lao động công nghiệp. Sức cạnh tranh của công nghiệp Nhật Bản gia tăng đều đặn, với xuất khẩu tăng trung bình hàng năm là 18,4% trong thập kỷ 1960. Sau nửa thập kỷ 1960, Nhật luôn đạt được mức thặng dư trong cán cân chi phó, chỉ trừ vài năm sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973. Sự tăng trưởng kinh tế trong thời kỳ này, được hỗ trợ bằng sự đầu tư của thành phần kinh tế tư nhân dựa trên tỉ lệ cao về tiết kiệm cá nhân, được đi kèm với những thay đổi quan trọng trong cấu trúc công nghiệp của Nhật Bản. Trong khi trước đây chỗ dựa chính của kinh tế là nông nghiệp và chế biến nhẹ, đến nay trọng tâm đã chuyển sang công nghiệp nặng. Sắt thép, đóng tàu, chế tạo thiết bị máy móc, chế tạo ô tô, và chế tạo các loại máy móc điện tử đã chiếm ưu thế trong bộ phận công nghiệp.

Vào tháng 12 năm 1960, thủ tướng Ikeda Hayato công bố kế hoạch nhân đôi thu nhập, trong đó chỉ tiêu được đặt ra là 7,8% đối với mức tăng trưởng hàng năm trong thập kỷ từ 1961 đến 1970. Việc hoạch định kinh tế của nhà nước nhắm vào việc mở rộng cơ sở công nghiệp đã tỏ ra thành công vượt mức, và đến năm 1968, thu nhập quốc gia đã tăng gấp đôi, đạt mức tăng trưởng bình quân hàng năm là 10%.

MỘT NỀN KINH TẾ TRƯỞNG THÀNH

Năm 1973, chính sách kinh tế vĩ mô nội địa đã dẫn tới sự gia tăng lượng tiền mặt, từ đó dẫn tới sự tích luỹ quá mức trong thị trường bất động sản và hàng hóa nội địa. Nhật Bản  đã phải chịu sự lạm phát lớn khi cuộc chiến tranh Trung Đông nổ ra năm 1973 dẫn tới cuộc khủng hoảng dầu mỏ. Giá nhiên liệu tăng vọt và tỉ giá hối đoái của đồng Yen, vốn không phản ánh được giá trị thực của nó, đã bị thả nổi. Sự suy sụp tất nhiên đã dẫn tới việc đánh giá thấp sự tăng trưởng trong tương lại, từ đó kéo theo sự giảm sút về đầu tư của tư nhân. Mức tăng trưởng kinh tế từ 10% đã xuống mức bình quân 3,6% trong thời gian 1974 - 1979, và mức 4,4% trong thập kỷ 1980.

Bất kể cuộc khủng hoảng dầu mỏ và những hậu quả của nó, các ngành công nghiệp xuất khẩu chính của Nhật Bản vẫn duy trì được tính cạnh tranh bằng cách giảm giá thành và nâng cao hiệu quả. Nhu cầu về năng lượng cho công nghiệp được giảm xuống và riêng ngành công nghiệp ô tô nâng cao được vị trí của nó trên thị trường thế giới bằng cách phát triển các loại xe nhẹ hơn và kinh tế hơn. Cuộc khủng hoảng dầu mỏ thứ hai năm 1979 đã góp phần vào sự chuyển đổi căn bản trong cơ cấu công nghiệp Nhật Bản, từ chỗ tập trung vào công nghiệp nặng đã chuyển sang phát triển những lĩnh vực mới, chẳng hạn như ngành công nghiệp sản xuất chất bán dẫn VLSI. Vào cuối thập kỷ 1970, máy tính, chất bán dẫn, cùng với những ngành công nghệ khác và các ngành công nghiệp tập trung vào lĩnh vực thông tin đã bước vào một giai đoạn tăng trưởng nhanh chóng.

Trong thời kỳ tăng trưởng cao, xuất khẩu tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc tăng trưởng kinh tế Nhật Bản trong các thập kỷ 1970 và 1980. Tuy nhiên, sự xung đột về mậu dịch đi theo mức thặng dư trong cán cân chi phó đã thúc đẩy Nhật phải mở thêm thị trường nội địa và tập trung hơn nữa vào nhu cầu nội địa như một động cơ cho sự tăng trưởng kinh tế.

NỀN “KINH TẾ BONG BÓNG”

Theo sau Hiệp ước Plaza 1985, đồng Yen tăng giá mạnh, đạt đến mức 120 Yen một Đô la Mỹ vào năm 1988 - gấp 3 lần so với trị giá năm 1971 trong hệ thống tỉ giá hối đoái ổn định. Một sự gia tăng kéo theo về giá của các mặt hàng xuất khẩu của Nhật đã làm giảm sức cạnh tranh trong thị trường nước ngoài, nhưng các biện pháp tài chính của nhà nước đã góp phần vào sự tăng trưởng về nhu cầu nội địa. Việc đầu tư ở các công ty gia tăng mạnh trong năm 1988 và 1989. Với giá chứng khoán cao hơn, những cổ phần mới tăng giá trị nhanh, tạo thành một nguồn tài chính quan trọng cho các công ty, trong khi đó các ngân hàng tìm kiếm đầu ra cho nguồn tiền ở sự phát triển thị trường bất động sản. Các công ty, đến lượt của mình cũng sử dụng các cổ phần bất động sản làm ký quỹ cho sự đầu cơ vào thị trường chứng khoán, vốn trong thời kỳ này đã tăng giá đất gấp đôi và chỉ số thị trường chứng khoán Tokyo Nikkei đã gia tăng 180%.

Vào tháng 5 năm 1989, chính quyền đã thắt chặt các chính sách tiền tệ để ngăn chặn sự gia tăng giá các loại tài sản như đất đai. Tuy nhiên, mức lãi suất cao đã làm cho giá chứng khoán xuống dốc vào cuối năm 1990. Thị trường chứng khoán Tokyo đã giảm 38%, làm mất đi 300 ngàn tỉ Yen (2,07 ngàn tỉ USD), và giá đất tụt xuống đột ngột từ đỉnh cao của nó. Cuộc suy thoái này được coi như sự “nổ tung” của một nền “kinh tế bong bóng”.

KINH TẾ TỪ NĂM 1995

Sự suy thoái sau nền kinh bong bóng tiếp tục diễn ra trong nửa cuối thập kỷ 1990. Trong hai năm 1995 và 1996 có một số tiến bộ tạm thời, một phần nhờ vào sự giảm giá đồng Yen và những nhu cầu phát sinh từ những nỗ lực phục hồi lại sau trận động đất lớn Hanshin - Awaji năm 1995. Tuy nhiên đến năm 1997, nhiều nhân tố khác nhau, trong đó có sự tăng thuế tiêu dùng, sự giảm các hoạt động đầu tư của nhà nước, và sự phá sản của những cơ sở tài chính lớn, đã làm tồi tệ hơn cho sự suy thoái. Với gánh nặng nợ nần lớn lao do việc giá đất tiếp tục sụt giảm làm tình hình xấu thêm, với việc các cơ sở tài chính thắt chặt các chính sách cho vay, các công ty buộc phải giảm đầu tư vào nhà máy và thiết bị. Tình hình này kết hợp với việc xuất khẩu giảm sút gây ra bởi cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á, đã làm giảm lợi nhuận ở hầu hết các ngành công nghiệp. Lương công nhân cũng bị giảm, làm giảm thêm tiêu dùng, và năm 1998 nền kinh tế Nhật Bản đã bị tăng trưởng âm.

Năm 1998 chính quyền đã có một chương trình 60 ngàn tỉ Yen cung cấp cho các quỹ nhà nước để xúc tiến việc phục hồi kinh tế, và cũng để ra 40 ngàn tỉ Yen dành cho những biện pháp cấp thời để đối phó với tình trạng giảm mức cho vay của các cơ sở tài chính. Ngân sách cho năm tài chính 1999 bao gồm một sự gia tăng lớn trong việc chi tiêu vào các dự án nhà nước và những hoạt động như gia tăng tín dụng về thuế đối với việc mua nhà nhằm làm giảm mức thuế trong diện này. Vào đầu tháng 2 năm 1999, Ngân hàng Nhật Bản đã có chính sách cho vay ngắn hạn với lãi suất 0% nhằm làm bớt căng thẳng nguồn cung ứng tiền, và đến tháng 3 chính quyền đã rót vào 15 ngân hàng lớn số tiền 7,5 ngàn tỉ Yen trong các quỹ nhà nước.

Vào khoảng cuối năm 1999 và đầu năm 2000, đã có những dấu hiệu của sự phục hồi, chẳng hạn như sự tăng giá cổ phần và sự tăng trưởng trong lợi nhuận của một số công ty. Ngoài những chính sách của nhà nước đã nêu, còn những nhân tố khác góp phần cho việc làm sáng hơn nền kinh tế nhật Bản, trong đó có sự gia tăng về nhu cầu đối với các sản phẩm của Nhật và tốc độ tăng trưởng nhanh của các ngành có liên quan đến công nghệ thông tin.

Bất kể sự cải tiến ở một số bộ phận kinh tế, nhiều công ty vẫn còn phải chịu gánh nặng về chi phí từ sự dư thừa phương tiện, dư thừa công nhân và nợ quá mức, do đó Nhật Bản trong thiên niên kỷ mới đã chứng kiến một sự cải tổ và liên doanh chưa từng có bao gồm những liên doanh và liên kết với những công ty nước ngoài. Nhu cầu cần phải cải tổ để tồn tại đã buộc nhiều công ty chấm dứt chế độ thuê mướn công nhân suốt đời, và điều này đã dẫn tới tình trạng thất nghiệp, vốn từ tỉ lệ 2,1% năm 1990 tăng lên 4,8% vào tháng 3 năm 1999.

Ngoài việc đối phó với sự toàn cầu hóa trong phong trào kinh doanh, nền công nghiệp Nhật Bản còn bị ảnh hưởng sâu đậm bởi tình trạng lão hóa của xã hội trong thế kỷ 21. Năm 1998, chỉ có 16,2% dân số từ 65 tuổi trở lên, nhưng theo dự kiến đến năm 2025 tỉ lệ này sẽ là 27%. Điều này có nghĩa là sẽ có sự gia tăng gánh nặng về thuế và phúc lợi xã hội mà các công nhân phải gánh chịu. Trong khi đó chiều hướng giảm tiết kiệm sẽ làm giảm mức tích lũy về vốn. Điều có thể xảy ra là việc thiếu lao động sẽ là một nhân tố làm hạn chế tiềm năng tăng trưởng.

BỘ PHẬN CÔNG NGHIỆP

Sự tăng trưởng chậm của kinh tế trong khoảng cuối thập kỷ 1990 đã làm nhiều người tỏ ra quan ngại về khả năng cạnh tranh của nền công nghiệp Nhật Bản. Một thực tế là các công ty của Mỹ đang đứng ở vị trí hàng đầu trong các ngành công nghiệp về máy tính và phần mềm. Ngoài ra ngành công nghiệp ô tô của Mỹ cũng có một sự phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, sự đổi mới về công nghệ đã giúp Nhật Bản lấy lại được thế đứng trong việc sản xuất các loại máy móc quy mô lớn, trong khi đó vẫn duy trì được vị trí dẫn đầu trong các ngành công nghiệp chất bán dẫn và ô tô.

Một nhân tố ảnh hưởng đến sự phục hồi chậm của kinh tế Nhật Bản là sự tăng giá đột ngột của đồng Yen, từ tỉ giá 145 Yen/USD năm 1990 lên mức 79,75 Yen/USD năm 1995. Mặc dù đồng Yen kể từ đó đã hạ giá tương đối so với đồng Đô la, việc tăng giá này đã buộc nhiều công ty Nhật Bản trong các ngành sản xuất chủ lực, đặc biệt là điện tử và ô tô, phải đưa việc sản xuất ra nước ngoài. Những nhà sản xuất các loại sản phẩm điện tử như ti vi, đầu máy và tủ lạnh đã mở các phân xưởng lắp ráp Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia và những nước khác ở châu Á, nơi có chất lượng lao động cao và giá lao động rẻ.

Đối với những sản phẩm đó, thị phần hàng nhập khẩu hiện nay đã vượt quá thị phần hàng nội địa. Sự toàn cầu hóa công nghiệp và thị trường đã dẫn tới sự gia tăng về xuất khẩu về các linh kiện và vốn đầu tư cũng như nhập khẩu các mặt hàng thành phẩm. Ngay cả các ngành công nghiệp có sức cạnh tranh cao như ngành công nghiệp ô tô cũng đang mở rộng sản xuất ở châu Âu và Bắc Mỹ. Việc sản xuất ở nước ngoài của các nhà sản xuất Nhật Bản chiếm tỉ lệ 13,8% trong tổng lượng sản xuất trong năm 1998 và con số này vẫn tiếp tục gia tăng, mặc dù tương đối nhỏ so với tỉ lệ của Mỹ là khoảng 30%.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2246-02-633495516312500000/Kinh-te/Kinh-te-Nhat-Ban-Buoc-vao-Ky-nguy...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận