Tài liệu: Nhật Bản - Đặc điểm của sông ngòi ở Nhật Bản

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Do những điều kiện khắc nghiệt về địa hình và khí tượng, những con sông của Nhật cũng có những đặc điểm thiên nhiên rất đặc biệt.
Nhật Bản - Đặc điểm của sông ngòi ở Nhật Bản

Nội dung

Đặc điểm của sông ngòi ở Nhật Bản

Do những điều kiện khắc nghiệt về địa hình và khí tượng, những con sông của Nhật cũng có những đặc điểm thiên nhiên rất đặc biệt. Sông ở đây có khuynh hướng gây ra lụt vì chúng chảy quá xiết, do sườn dốc và độ ngắn của chúng. Tỉ lệ tối đa của lượng nước đổ xuống vùng trũng là lớn, gấp 10 lần đến 100 lần so với những dòng sông ở những nước khác. Mực nước dâng lên và hạ xuống quá nhanh. Hệ số chế độ dòng chảy - tỉ lệ giữa lượng nước tối đa và lượng nước tối thiểu - ở vào khoảng từ 200 đến 400, gấp 10 lần so với những con sông trong lục địa. Khối lượng chất trầm tích được chuyển đi là rất lớn.

Từ thuở xưa người Nhật đã trồng lúa trên những vùng đất bồi được tạo ra bởi những dòng sông gây lụt. Lệ thuộc vào những con sông trong việc tưới tiêu, nhưng lại bị thiệt hại trước những trận lụt không thể tránh được, những cư dân ở đây coi những dòng sông vừa là người thầy vừa là đối thủ của họ. Bất kể những nguy hiểm thường trực của những tai họa này, họ tránh mưa, tránh lụt cốt để giữ một nơi để sống và canh tác ở các vùng đồng bằng nơi có sẵn nước sông để tưới cây.

Vì quan điểm tận dụng đất đai đó đã hình thành từ nhiều đời, việc cư trú và phát triển công nghiệp cũng tiếp tục tập trung ở những vùng đất thấp dọc theo những con sông nơi mà tai họa lụt lội vẫn là một đe doạ thường trực. Theo cách này, những cộng đồng lớn đã phát triển hầu như ở những khu vực dọc theo các dòng sông.

Cụ thể là do sự dịch chuyển con người và tài sản vào những vùng đô thị kể từ thời kỳ tăng trưởng kinh tế bắt đầu từ thập niên 1960, việc đô thị hóa đã diễn ra ở những khu vực có nhiều tai họa gần các vùng đất thấp, các khu đất bồi. Ngày nay, 48,7% dân số và 75% tài sản được tọa lạc tại những khu vực dễ bị lụt lội của những dòng sông.

HỒ NƯỚC Ở NHẬT BẢN

Ở Nhật Bản có hơn 250 hồ nước. Những hồ nước này đã được tận dụng vào nhiều mục đích khác nhau như sử dụng làm nguồn nước, sử dụng vào mục đích du lịch, làm bể chứa để cân đối nguồn nước hầu tránh lũ lụt, v.v...

HỒ DÙNG LÀM NGUỒN NƯỚC

Nguồn nước ở Nhật được phân phối cho sử dụng trong gia đình (18,4% sử dụng trong công nghiệp (17,4%) và dùng cho nông nghiệp (64,1%). Hồ là nguồn nước quyết định cho tất cả những nhu cầu này. Hồ Kasumigaura có thể cung cấp 61,45 tấn nước mỗi giây. Nguồn nước của hồ này được chi cho việc sử dụng nông nghiệp (82,7%), công nghiệp (13,3%), và phân phối nước dùng công cộng (3,8%) đến các quận Ibaraki, Ch iba và Tokyo. Nước từ hồ Biwa đáp ứng cho nhu cầu nước uống của 14 triệu người ở các quận Shiga, Kyoto, Osaka và Hyogo. Lịch sử của hồ chứa Manno-ike, được dùng làm hồ chứa cho nông nghiệp, đã bắt đầu từ thời kỳ Taiho (từ năm 701 đến năm 704 sau Công nguyên). Nước hồ còn là nguồn quý giá cho các máy phát thủy điện. Thủy điện ở Nhật Bản chiếm khoảng 10% tổng lượng điện sản xuất trong nước, và gần như tất cả nước phục vụ cho ngành này được lấy từ các hồ thiên nhiên và hồ nhân tạo.

HỒ ĐỂ ĐÁNH CÁ

Những hồ nước lợ nối ra biển có số lượng cá thu hoạch được rất lớn: hồ Shinji với 9.971 tấn (chủ yếu là sò và cá  ốt me), hồ chứa Hachiro với 8.419 tấn, và hồ Ogawara với 6.241 tấn. Hồ Kasumigaura có 5.471 tấn cá chép. Với số lượng 3.326 tấn cá, hồ Biwa có số lượng thu hoạch cao nhất trong số các hồ nước ngọt. Các hồ hỗ trợ nhiều cho các doanh nghiệp trong ngành đánh cá: hồ Biwa có l.045 doanh nghiệp và hồ Kasumigauna có 759 doanh nghiệp. Ngoài ra cá ốt me và cá chép còn được thả vào nhiều hồ, chẳng hạn như hồ Sagami, để phục vụ cho du khách câu cá.

HỒ DÙNG LÀM ĐỊA ĐIỂM NGHỈ NGƠI VÀ DU LỊCH

Người ta cảm thấy thư giãn chung quanh những vùng có nước. Các hồ nước được dùng để đi dạo và tiến hành các hoạt động thể thao và thư giãn như chèo thuyền, câu cá. Số lượng khách du lịch ở Nhật đến các hồ ngày càng tăng: 37,5 triệu người đến hồ Biwa, 21,3 triệu người đến hồ Ashinoko, 7,87 triệu người đến hồ Toya, 6,44 triệu người đến hồ Kawaguchi, 4,66 triệu người đến hồ Chuzenji, 3,9 triệu người đến hồ Yamanaka, 2,72 triệu người đến hồ O-numa và 2,56 triệu người đến hồ Shikotsu. Cũng rất nhiều người đến viếng những hồ chứa nước ngăn bằng đập gần các thành phố lớn và các điểm du lịch: 1,59 triệu người đến hồ Gose, và 1,44 triệu người đến hồ Kamafusa.

HỒ NƯỚC DÙNG LÀM KHU VỰC BẢO VỆ SINH THÁI

Nhìn chung, những hồ dạng vịnh nhỏ tập trung nhiều chủng loại cá rất đa dạng vì cả những loài cá nước lợ và cá vùng duyên hải đều có thể sống ở đó. Hồ Shinji là nơi cư trú của 59 loài cá và hồ Hi-numa có 52 chủng loại. Với bốn triệu năm lịch sử, hồ Biwa là nơi cư trú của 52 loài cá nước ngọt và 46 loài sò. Hồ không chỉ là nơi sống của cá mà còn là nơi ở của các loại chim nước và nhiều dạng sinh vật khác. Đặc biệt là trong trường hợp những loài chim di trú, nếu một môi trường sống của chúng bị hủy hoại thì hệ sinh thái ở điểm đến của chúng cũng sẽ bị ảnh hưởng. Nhật Bản đã ký Hiệp định Ramsar về việc bảo vệ hệ sinh thái vùng hồ và vùng đầm lầy, và có chín địa điểm ở Nhật, trong đó bao gồm cả vùng đầm lầy Kushiro và hồ Biwa đã được đăng ký là những hệ sinh thái hồ hoặc đầm lầy quan trọng tầm mức quốc tế.

HỒ NƯỚC DÙNG LÀM BỂ CHỨA CÂN BẰNG LƯỢNG NƯỚC

Theo tính toán, hồ Biwa đã bảo vệ khoảng 7,8 triệu người và số tài sản trị giá 50 ngàn tỉ Yen (khoảng 50 tỉ USD) khỏi các cuộc lụt lội bằng cách kiểm soát các trận lụt. Hồ chứa Watarase hiện nay được dùng như một hồ kiểm soát lũ lụt mặc dù nguyên thủy nó được xây dựng như một hồ chống ô nhiễm mỏ của mỏ đồng Asio.

 

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2245-02-633495515185937500/Dia-ly/Dac-diem-cua-song-ngoi-o-Nhat-Ban....


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận