Tài liệu: Nhật Bản - Kinh tế Nhật Bản năm 2001

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Nền kinh tế Nhật Bản có được sự phục hồi dần dần từ đầu năm 1999, nhưng sau đó lại suy yếu trở lại vào vào tháng 11 năm 2000.
Nhật Bản - Kinh tế Nhật Bản năm 2001

Nội dung

Kinh tế Nhật Bản năm 2001

TỔNG SẢN PHẨM NỘI ĐỊA

Nền kinh tế Nhật Bản có được sự phục hồi dần dần từ đầu năm 1999, nhưng sau đó lại suy yếu trở lại vào vào tháng 11 năm 2000. Mức tăng trưởng kinh tế năm 2001 vào khoảng -0,60%, trong khi mức tăng trưởng của năm 1999 và năm 2000 là 0,7% và 2,4%.

Sự suy yếu do ba nguyên nhân chính. Thứ nhất, việc xuất khẩu và đầu tư vào thiết bị máy móc, vốn là động lực cho sự phục hồi kinh tế, đều yếu, làm cho việc phục hồi bị lệ thuộc quá nhiều vào nhu cầu bên ngoài và công nghệ thông tin. Thứ hai, tình hình tiêu dùng bị giới hạn; và thứ ba, nền kinh tế chịu sức ép của vấn đề nợ quá tải.

Vào tháng 8 năm 2002, kinh tế vẫn còn ở tình trạng khó khăn, nhưng đã có dấu hiệu chớm nở của sự phục hồi, đặc biệt là về xuất khẩu và sản xuất công nghiệp.

Về triển vọng ngắn hạn, tác động của việc gia tăng mạnh về xuất khẩu và sự tập trung vào sản xuất công nghiệp đang bao trùm nền kinh tế, và mang đến sự phục hồi ban đầu. Ngoài ra, sự phát triển của thế giới bị giảm sút về giá cổ phiếu và sự sụt giá của đồng Đô la Mỹ đang làm gia tăng sự bất ổn về tương lai của kinh tế thế giới, và có những sự kiện liên quan đến tác động đi xuống về nhu cầu; tất cả những điều đó có thể coi như kết quả của sự phát triển của nền kinh tế nhật Bản.

SỰ LẠM PHÁT

Nhật Bản đã ở tình trạng giảm phát từ năm 1999 về giá tiêu dùng, và từ giữa thập kỷ 1990 về tổng sản phẩm nội địa. Đây là tình trạng lần đầu xảy ra đối với Nhật Bản và những nền kinh tế tiên tiến khác kể từ Thế chiến thứ II. Trong năm 2002, giá cả tiếp tục giảm, nhưng mức giảm bị chi phối bởi sự gia tăng có hạn của tình hình cung ứng quá lố.

Trong năm 2001, giá bán sỉ hàng tiêu dùng giảm nhẹ (0,8%) so với năm trước. Sự giảm giá này vẫn tiếp tục trong năm 2002, ngoại trừ năm 2000 (giá hầu như không đổi) và năm 1997 (giá tăng 0,6% do sự tăng thuế đối với hàng tiêu dùng). Giá của các mặt hàng điện tử như máy tính cá nhân và các mạch tổ hợp giảm 4,9% và giá các loại xe giảm 2,0%; trong khi đó chi phí về xăng dầu và các sản phẩm về than gia tăng 4,6%. Gần đây giá cả đã hầu như bình ổn.

Giá các mặt hàng tiêu dùng vẫn giảm nhẹ từ năm 2000, chủ yếu nhờ sự giảm giá các sản phẩm công nghiệp như các loại hàng tiêu dùng lâu bền và các sản phẩm về thực phẩm.

LAO ĐỘNG

Tình trạng thất nghiệp vẫn ở mức nghiêm trọng. Mặc dù thời gian làm tăng ca tăng lên, tỉ lệ thất nghiệp vẫn đứng ở mức cao và lương thị tiếp tục bị giảm.

Số lượng người có việc làm trong tháng 4 năm 2001 so với cùng tháng của năm trước vẫn tiếp tục giảm sút, và mức giảm này còn nặng nề hơn vào tháng 9. Tỉ Lệ công nhân thường xuyên (trừ ngành nông nghiệp và lâm nghiệp) đã giảm liên tục trong bảy năm liền kể từ 1995, trong khi đó tỉ lệ công nhân tạm thời và công nhân làm công nhật lại gia tăng.

Mức độ thất nghiệp vào tháng 7 năm 2001 là 5%, mức cao nhất kể từ năm 1953. Từ lúc đó tỉ lệ này đã ở mức xung quanh 5,5%. Theo bản Tổng quan về Kinh tế năm 2002 và Tư thế Căn bản cho việc Quản lý Tài chính và Kinh tế Vĩ mô của chính quyền Nhật Bản ấn hành vào tháng Giêng năm 2002, mức thất nghiệp bình quân của năm tài chính 2002 sẽ tăng lên 5,6%, trong khi những cuộc cải tổ về cơ cấu là cần thiết cho quá trình tạo ra việc làm cho người lao động.

Số lượng việc làm mới trong năm 2001 gia tăng 1,5% và số lượng này dao động trong đầu năm 2002. Mức độ việc làm không cao, với số lượng chỗ làm và tỉ lệ chỗ làm vẫn giữ mức thấp.

CÁN CÂN CHI PHÓ

Xuất khẩu đã giảm mạnh, do ảnh hưởng của sự giảm sút kinh tế toàn cầu năm 2001. Tình trạng này xuống đến tận cùng vào mùa Xuân năm 2002. Sau đó xuất khẩu đã gia tăng, vì nhu cầu về các thiết bị điện, chủ yếu là các linh kiện điện tử chất bán dẫn, và các loại máy móc đã tăng vọt, còn xuất khẩu các thiết bị vận tải vẫn giữ mức đều đặn, do sự phục hồi kinh tế thế giới.

Về nhập khẩu, trong quý 2, 3 và 4 năm 2001 đã giảm lần lượt là 2,62%, 4,23% và 2,02%. Đến quý 2 năm 2002 lại tăng vọt lên 3,8% sau khi giảm 0,1% vào quý 1. Sau đó nhập khẩu tăng nhẹ, do số lượng linh kiện máy móc nhập khẩu tăng nhờ sự phục hồi của ngành sản xuất, chủ yếu là công nghiệp đồ dùng về điện.

Mức thặng dư trong mậu dịch về hàng hóa và dịch vụ thu nhỏ còn 3,2 ngàn tỉ Yen năm 2001, mức thấp nhất kể từ năm 1985. Hầu hết sự thay đổi này là do sự giảm sút trong thặng dư về mậu dịch, vì nhập khẩu tăng dần do những lý do về cơ cấu như chương trình “phát triển và nhập khẩu”, trong khi đó xuất khẩu giảm hẳn vì những nhân tố mang tính tuần hoàn, chẳng hạn như sự suy giảm của nền kinh tế Mỹ và sự giảm sút về những nhu cầu liên quan đến công nghệ thông tin.

Mức thặng dư về mậu dịch buôn bán và tiền gửi ngân hàng tăng nhẹ trong năm 2002 một phần nhờ vào sự phục hồi tương đối của nền kinh tế toàn cầu.

TỈ GIÁ HỐI ĐOÁI

Tỉ giá hối đoái của đồng Yen so với đồng Đô la Mỹ đã dao động nhiều, từ 116 - 125 Yen/USD trong nửa năm đầu 2001, tăng lên 119 Yen/USD (tháng 8) và lại giảm xuống 131 Yen/USD (tháng 12). Đồng Yen xoay quanh mức 133 Yen/USD trong khoảng từ tháng Giêng đến tháng 3 năm 2002, và sau đó tăng lên mức 119 Yen/USD vào tháng 6.

CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH

Khuynh hướng căn bản của chính quyền trong việc quản lý kinh tế vĩ mô và quản lý tài chính là thực hiện dần dần việc cải tổ cơ cấu và theo dõi sát sao tình hình kinh tế. Vào tháng 10 năm 2001, chính quyền đã áp dụng một chương trình nhằm đẩy mạnh sự cải tổ cơ cấu và đưa vào một ngân sách bổ sung 1 ngàn tỉ Yen. Chính quyền cũng tập trung vào việc tạo thêm việc làm mới và hình thành một mạng lưới an toàn liên quan đến an toàn nghề nghiệp và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tình hình kinh tế nghiêm trọng đã dẫn tới một ngân sách bổ sung lần thứ hai là 2,5 ngàn tỉ Yen vào tháng 2 năm 2002, dựa trên “Chương trình Hành động Tức thời cho Công cuộc Cải tổ Cơ cấu”, được đưa ra vào tháng 12 năm trước, nhằm thúc đẩy việc cải tổ cơ cấu trong khi tránh một cuộc giảm phát.

Vào tháng 12 năm 2001, nội các chính phủ đã đưa ra “Đường lối Chỉ đạo cho việc Hình thành Ngân sách năm Tài chính 2002”. Điều này thể hiện một chiến lược hình thành ngân sách cho năm sau, là bước đầu tiên của cuộc cải tổ tài chính. Theo “Đường lối Chỉ đạo...”, ngân sách cho năm tài chính 2002 là 81 ngàn tỉ Yen, trong đó đã cắt giảm 1,7% những chi tiêu tổng quát so với ngân sách năm 2001. Ngân sách này ưa tiên cho bảy lĩnh vực, trong đó có những biện pháp cho xã hội người già ở Nhật, cùng với sự xúc tiến khoa học, công nghệ và giáo dục. Mặt khác những chi phí cho các hoạt động nhà nước bị cắt giảm 10%.

Ngân sách bổ sung cho năm 2001 và ngân sách năm 2002 được triển khai một cách tích hợp và thống nhất, nhằm mục đích ngăn không cho nền kinh tế Nhật Bản rơi vào tình trạng giảm phát, trong khi đó vẫn tiến hành thúc đẩy việc cải tổ cơ cấu. Vào tháng 6 năm 2002, nội các đã đề ra một số điểm cho việc hình thành ngân sách năm 2003 như sau: (1) xem xét kỹ lưỡng ngân sách, (2) thành lập một chính quyền nhỏ và hiệu quả qua việc xúc tiến cải tổ ở các công ty nhà nước, cải tổ quản trị ở chính quyền trung ương và địa phương, hạn chế ngân sách và cắt giảm tổ chức, (3) thay đổi các thủ tục hình thành ngân sách nhằm gia tăng sức mạnh cho hệ thống ra quyết định của chính quyền dưới sự lãnh đạo của thủ tướng chính phủ và (4) đảm bảo sự nhất quán giữa tài chính với kinh tế, và giữa lợi nhuận với chi phí.

CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ

Mức lãi suất ngắn ngày được định ở mức thấp trong năm 2001, phản ánh chính sách tạo sự dễ dàng về tiền tệ của Ngân hàng Nhật Bản. Mức lãi suất này đã hạ xuống 0,001% vào tháng 7, sau khi tăng nhẹ ở mức 0,012% vào tháng 3 năm 2002. Mức lãi suất của thời hạn hai và ba tháng tiếp tục giảm xuống mức thấp kể từ tháng 4 năm 2001. Mức lãi suất dài hạn, vốn giảm từ tháng 8 năm 2000, đã tăng lên từ tháng 7 đến đầu tháng 8 năm 2001. Sau một đợt tăng nhẹ vào tháng Giêng năm 2002, mức lãi suất này lại giảm từ tháng 3 đến tháng 7.

Mức tiền gửi vào Ngân hàng Nhật Bản đã gia tăng đáng kể, lên đến mức 14,6 ngàn tỉ Yen vào tháng 7 năm 2002, so với mức 4,5 ngàn tỉ Yen vào tháng 3 năm 2001, do đường lối cha đạo về thị trường tiền tệ. Ngoài ra, số lượng trái phiếu của chính quyền bán ra đã gia tăng đến 12 ngàn tỉ Yen trong năm 2001 so với 4,8 ngàn tỉ Yen của năm 2000.

TRIỂN VỌNG PHÁT TRIỂN

Vào ngày 25 tháng 2 năm 2002, chính quyền Nhật Bản đã thông qua một văn bản với tiêu đề “Cải tổ Cơ cấu và Triển vọng Kinh tế tài chính Trung hạn”, trong đó nêu lên các chính sách về kinh tế và tài chính vĩ mô theo thời hạn trung bình, được tập trung vào cuộc cải tổ cơ cấu. Trong đó cũng nêu lên viễn cảnh tăng trưởng kinh tế trong năm năm tới. Người ta dự kiến sự tăng trưởng kinh tế sẽ chậm trong vòng hai năm tới, nhưng sau đó sẽ gia tăng và đạt mức 1,5% hoặc cao hơn về thực tế, và mức 2,5% hoặc cao hơn về mặt danh nghĩa. Về chính sách tài chính, tỉ lệ chi tiêu tổng quát của chính quyền so với GDP sẽ giữ mức như hiện tại hoặc thấp hơn nữa trong thời gian từ 2002 đến 2006. Với kết quả của sự tăng trưởng khả quan do nhu cầu tư nhân và sự cải tổ cơ cấu tài chính, tỉ lệ giữa sự thiếu hụt của chính quyền trung ương và địa phương so với GDP được dự kiến sẽ giảm từ 4,3% trong năm 2000 xuống mức một nửa số lượng đó vào khoảng năm 2006. Và người ta kỳ vọng là một mức thặng dư lớn sẽ đạt được vào thập kỷ 2010.

MỘT SỐ THÔNG TIN KHÁC

Từ tháng 4 năm 2001, chính quyền đã xem xét và đẩy mạnh chương trình cải tổ cơ cấu, dựa trên niềm tin là “không có tăng trưởng nếu không có cải tổ” . Vào tháng 6, chính quyền đã thông qua bản “Các Chính sách về Quản lý Kinh tế và Chính sách Tài chính và Cuộc Cải tổ Cơ cấu của Nền Kinh tế Nhật Bản”. Việc này theo sau việc thông qua “Chương trình Cải tổ” vào tháng 9, đưa ra kế hoạch cho quá trình cải tổ cơ cấu. Ngoài ra chính quyền còn đưa ra viễn cảnh trung hạn cho nền kinh tế và tài chính nhà nước trong năm năm tới.

Kể từ năm tài chính 2002, chính quyền đã thực hiện sự cải tổ cơ bản về cơ cấu hiện tại của kinh tế và xã hội qua các biện pháp như giải quyết tình trạng nợ quá lố, cải tổ các quy định và cải tổ các công ty lớn của nhà nước, với dự kiến phát triển một môi trường dẫn đến các hoạt động chặt chẽ của bộ phận kinh tế tư nhân, xúc tiến sự củng cố tài chính qua cuộc cải tổ ngân sách.

Vượt qua sự giảm phát là công tác quan trọng nhất trong thời gian hai năm tập trung điều chỉnh, điều này cần thiết cho việc đem lại một sức sống mới cho nền kinh tế. Vào tháng 6 năm 2002, chính quyền đã thực hiện cuộc cải tổ tập trung vào việc mở rộng các nhu cầu và việc thuê mướn lao động của tư nhân. Chính quyền cũng đã nhất trí rằng những biện pháp, chẳng hạn như việc xúc tiến các chiến lược cho sự hoạt hóa kinh tế bao gồm việc cải tổ quy định, cải tổ về thuế và việc thành lập một hệ thống tài chính năng động và an toàn, cần phải được thực hiện càng sớm càng tốt.

Ngày 25 tháng 6 năm 2002, chính quyền đã thông qua giai đoạn thứ hai của của Các Chính sách Cơ bản. Theo các chính sách này, sự cạnh tranh công nghiệp được cải tiến thông qua việc tạo ra nhu cầu. Các chính sách này cũng đưa ra các ý tưởng về cải tổ thuế nhắm vào việc phục hồi sinh lực cho kinh tế, gỡ bỏ những cản trở trong đời sống hàng ngày của người dân. Song song với những việc đó, việc hạn chế chi tiêu trong ngân sách cũng sẽ được thực hiện một cách nghiêm khắc qua việc ưu tiên cho sự phát triển cơ sở hạ tầng, xúc tiến sự cải tổ hệ thống an ninh xã hội và việc giao quyền từ chính quyền trung ương xuống cho các chính quyền địa phương.

CHẾ ĐỘ TUYỂN DỤNG SUỐT ĐỜI VÀ HỆ THỐNG THÂM NIÊN

Chế độ thuê mướn nhân viên suốt đời của Nhật Bản là một sự đổi mới của thế kỷ 20. Những trường hợp đầu tiên cùng với khái niệm này xuất hiện trong những năm trước Thế chiến thứ I. Một số công ty của Nhật, trong nỗ lực giữ công nhân của mình, bắt đầu bảo đảm thuê mướn họ suốt đời để đánh đổi lấy sự trung thành. Sau Thế chiến thứ II, một số lớn các công ty của Nhật Bản bắt đầu áp dụng chế độ “tuyển dụng suốt đời”. 

Trong khi chế độ này không lan tỏa rộng khắp như nhiều người nước ngoài đã từng tin, tác động của việc “tuyển dụng suốt đời” không thể đánh giá thấp. Ngay cả những công ty Nhật không áp dụng chế độ tuyển dụng suốt đời cũng miễn cưỡng hơn trong việc sa thải công nhân so với các công ty của Mỹ hay Anh. Không thể nghi ngờ rằng chế độ “tuyển dụng suốt đời” là một trong số những nguyên nhân cho sự đi lên của kinh tế Nhật Bản sau chiến tranh. Những công ty lớn áp dụng chế độ này có thể đảm bảo một lực lượng lao động ổn định. Đồng thời, vì tương lai của những công nhân trong chế độ tuyển dụng suốt đời gắn liền với công ty, người thuê mướn lao động có thể tin tưởng rằng trong hầu hết các trường hợp những công nhân này sẽ trung thành và chăm chỉ. Và quan trọng hơn nữa là có lẽ những người lao động dạng này được hưởng sự giáo dục và đào tạo nhiều hơn so với những đối thủ cạnh tranh khác trong và ngoài nước. Vì trong những công ty lớn, những người quản lý tin rằng nhiều công nhân sẽ làm việc với công ty trong thời gian lâu dài, nên họ đã dành cho công nhân một khoản thời gian cho việc học tập và đào tạo.

Bất kể những thuận lợi trong quá khứ, ngày nay bằng chứng ngày càng rõ là chế độ tuyển dụng suốt đời chính là một trong những lý do làm cho kinh tế Nhật Bản phải đối đầu với những vấn đề dài hạn như mức tăng trưởng trong sản xuất bị chững lại và chi phí tăng cao.

Trong khi mức thất nghiệp chính thức của Nhật là tương đối nhỏ, một báo cáo của Viện Nghiên cứu Sumitomo đã ước lượng là mức thực tế phải đến trên 6% nếu như người ta thống kê cả những công nhân làm được rất ít hoặc không làm được gì cho công ty. Một cuộc khảo sát gần đây đối với mười công ty lớn nhất của Nhật cho thấy rằng mỗi công ty đều báo cáo một số lượng đáng kể những công nhân không còn cần thiết nữa, nhưng vẫn được giữ lại vì chế độ “tuyển dụng suốt đời”. Mức độ công nhân dư thừa trong mỗi công ty dao động từ mức thấp nhất là 5,4% đến mức cao nhất của công ty Nissan và 26,7%. Nhật Bản có thể hào phóng gánh chịu số lượng công nhân không cần thiết đó nếu như ít có sự cạnh tranh quốc tế, nhưng thực tế là tình hình cạnh tranh ngày càng ráo riết hơn.

Những công ty Nhật Bản đang phải chịu gánh nặng về những công nhân mà họ không thể cho nghỉ việc đang phải đương đầu với vấn đề giá thành sản phẩm, vốn gây bất lợi rất lớn trong việc cạnh tranh quốc tế. Vào đầu năm 1994, một công ty hàng đầu của Nhật là Toyota, trong khi không chấm dứt hợp đồng tuyển dụng suốt đời với những công nhân mới, đã trở thành công ty lớn đầu tiên hình thành một lớp công nhân tốt nghiệp cao đẳng được thuê mướn không có sự bảo đảm tuyển dụng suốt đời. Trong khi Nhật Bản có lẽ sẽ gắn liền với chế độ tuyển dụng suốt đời hơn là những quốc gia tư bản khác, nhiều người kỳ vọng rằng những người lãnh đạo các công ty sẽ sửa đổi lại chế độ này để có thể cạnh tranh tốt hơn.

Hệ thống thâm niên, theo đó việc trả lương công nhân dựa trên số năm làm việc, có liên quan mật thiết với chế độ tuyển dụng suốt đời. Qua những năm bột phát về kinh tế, với việc sản xuất tăng cao, hệ thống thâm niên là tốt đối với nền kinh tế Nhật Bản. Nó giúp đảm bảo cho việc tận tuỵ với công ty trong thời gian lâu dài của các công nhân. Nhưng bây giờ Nhật Bản đang tiến tới những ngành công nghiệp dịch vụ và công nghiệp kỹ thuật cao, nhiều câu hỏi nghiêm trọng được đặt ra cho giá trị của hệ thống thâm niên.

Trong khi nó khích lệ sự trung thành và chăm chỉ, hệ thống thâm niên lại có xu hướng không động viên được sự đổi mới và chấp nhận rủi ro, những phẩm chất sống còn cho các ngành công nghiệp về dịch vụ và kỹ thuật cao. Những nghiên cứu sự đề bạt trong các công ty Nhật Bản cho thấy rằng những người không thất bại trong nhiệm vụ thường được đề bạt. Còn những công nhân sẵn sàng chấp nhận rủi ro lại thường không được tưởng thưởng. Trong các ngành công nghiệp kỹ thuật cao thay đổi nhanh chóng như phần mềm máy tính, viễn thông và dược phẩm, một lực lượng lao động với khả năng chấp nhận rủi ro là rất cần thiết. Những môi trường kinh doanh chỉ đơn thuần tưởng thưởng những người có nhiều kinh nghiệm nhất không thể hình thành được những con người có óc đổi mới và chấp nhận rủi ro. Những người lãnh đạo về kinh doanh Nhật Bản đang xem xét đến những cách thức tưởng thưởng công nhân dựa trên giá trị thay vì trên sự thâm niên.

Nhật Bản sẽ vẫn là một siêu cường về kinh tế trong vòng tương lai có thể nhìn thấy được. Tuy nhiên, những vấn đề như các quy định quá nhiều của chính quyền, chế độ tuyển dụng suốt đời và hệ thống thâm niên sẽ phải được thay đổi. Trong khi việc bãi bỏ các quy định và điều chỉnh chế độ làm việc lâu dài là những việc không dễ dàng, Nhật Bản có khả năng đưa ra những giải pháp hữu hiệu cho những vấn đề kinh tế này.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2246-02-633495516521875000/Kinh-te/Kinh-te-Nhat-Ban-nam-2001.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận