Văn chương Nhật Bản
THỜI KỲ NARA
Sản phẩm văn chương rực rỡ nhất của thời kỳ này là Man’yoshu, một bộ hợp tuyển gồm 4.500 bài thơ được làm bởi rất nhiều người, từ những người vô danh đến các vị vua chúa, được viết ra khoảng năm 759. Năm 905 cuốn Kobin Wakashu (Tuyển tập Thơ Xưa và Nay) được xuất bản như bộ tuyển tập đầu tiên được sự ủy quyền của hoàng đế, với lời nói đầu ca ngợi những khả năng phong phú của văn chương.
THỜI KỲ HEIAN
Trong nền văn hóa rực rỡ của giới quý tộc hưng phát vào thế kỷ 11, thời gian mà mẫu tự hiragana bắt nguồn từ chữ Hán đã trở nên phổ biến, những phụ nữ trong cung đình đã đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển văn chương. Một trong số những phụ nữ này là Murasaki Shikibu đã viết cuốn tiểu thuyết dài 54 chương Genji Monogatari. Nhiều người khác đã viết nhật ký và truyện, và những miêu tả tâm lý của họ vẫn còn sống động đối với độc giả ngày nay. Sự xuất hiện của cuốn Konjaku Monogatari (Những Câu chuyện của Một thời Đã qua) vào khoảng năm 1120 đã góp phần thêm cho văn học Nhật Bản. Bộ tuyển tập này gồm hơn 1.000 truyện về Phật giáo và truyện thế tục của Ấn Độ, Trung Hoa và Nhật Bản và đặc biệt đáng chú ý ở sự miêu tả phong phú về cuộc sống những người quý tộc và thường dân ở Nhật vào thời kỳ đó.
THỜI KỲ KAMAKURA - MUROMACHI
Vào nửa sau của thế kỷ 12, những chiến binh của thị tộc Taira nắm quyền chính trị tại triều đình, hình thành một giai cấp quý tộc mới. Heike Monogatari đã miêu tả sự thăng trầm của người Taira với những cuộc chiến tranh với người Minamoto, đã hoàn tất vào nửa đầu thế kỷ thứ 13. Cuốn Shin Kokin Wakashu (Tuyển tập Mới những Bài thơ Xưa và Nay), là một bộ hợp tuyển do hoàng đế về hưu Go-Toba chỉ định viết ra.
Thời kỳ này cũng có những tác phẩm của những người ẩn dật, như cuốn Hojoki của Kamo no Chomei, phản ánh tình trạng bấp bênh của sự tồn tại, và cuốn Tsurezuregusa của Yoshida Kenko, một tác phẩm nêu lên những phản ánh sắc sảo về cuộc sống con người. Cả hai tác phẩm đều đặt ra câu hỏi về sự cứu rỗi linh hồn. Trong khi đó, những ý nghĩ thâm sâu và những lô gíc sắc bén của cuốn Shobogenzo (Kho tàng của Con mắt Đạt ma), một trong số những tài liệu về Phật giáo đầu tiên được viết bằng tiếng Nhật, đã đánh dấu một sự phát triển lớn trong suy nghĩ thiền học. Ngoài ra còn có cuốn Taiheiki (Biên niên sử về Đại Hòa bình), mô tả thời gian 50 năm từ 1318 đến 1367 khi hai hoàng triều xung đột với nhau, là một tài liệu giá trị về lịch sử.
THỜI KỲ EDO
Trong thời kỳ này, có hai đại gia nổi lên trong lĩnh vực văn xuôi: Ihara Saikaku, người đã miêu tả thực chất đời sống của các thương gia ở Osaka, và Chikamatsu Monzaemon, người viết cuốn Joruri, một dạng truyện được viết bằng những câu hát, và những vở kịch Kabuki. Sau đó đến Yosa Buson viết những bài thơ ngắn miêu tả thiên nhiên, và tiểu thuyết gia Ueda Akinari thì viết một bộ tuyển tập gồm những truyện Gô-tích gọi là Ugetsu Monogarari (Những Câu chuyện về Ánh trăng và Cơn mưa).
THỜI MEIJI ĐẾN NGÀY NAY
Vào thời kỳ Meiji, sự hợp nhất giữa tiếng nói và chữ viết đã được ủng hộ, và cuốn Ukigumo của Futabatei Shimei đã được coi là một dạng mới của tiểu thuyết. Trong lĩnh vực thơ, ảnh hưởng của thơ dịch từ nước ngoài đã dẫn đến một phong trào thơ “kiểu mới”.
Chủ nghĩa tự nhiên do Emile Zola ủng hộ đã thống trị văn học Nhật Bản trong thập kỷ đầu của thế kỷ 20. Một số dòng văn học trước chiến tranh, như văn học vô sản và chủ nghĩa duy cảm mới, đã phai lạt trong chiến tranh, nhưng sau đó lại được phục hồi, mang đến sự đa dạng cho văn chương.
Năm 1968 Kawabata Yasunari trở thành người Nhật đầu tiên nhận giải thưởng Nobel văn chương, và sau đó đến Oe Kenzaburo nhận giải vào năm 1994. Những tác phẩm của họ và của các tác giả đương đại khác như Tanizaki Jun’ichiro, Mishima Yukio, Abe Kobo và Inoue Yasushi đã được dịch sang nhiều thứ tiếng nước ngoài. Trong những năm gần đây những tác phẩm của thế hệ năng động thời hậu chiến như Murakami Ryu (người nhận giải Akutagawa), Murakami Haruki, Yoshimoto Banana và một số người khác đã được dịch sang nhiều thứ tiếng và được phổ biến rất rộng rãi.