Nghệ thuật tạo hình
HỘI HỌA
Hội họa là một loại hình nghệ thuật lâu đời nhất và tinh tế nhất của Nhật Bản, có nguồn gốc từ truyền thống kinh điển của lục địa vào thời kỳ xa xưa của lịch sử (khoảng thế kỷ thứ 6, thứ 7 sau Công nguyên).
Truyền thống Nhật Bản nguyên thủy đạt tới đỉnh cao của nó trong thời kỳ Heian (794 - 1185 sau Công nguyên), đã có nhiều tác phẩm nghệ thuật còn lưu truyền đến ngày nay. Trong thời kỳ chịu ảnh hưởng mạnh của Trung Hoa, những hình thức nghệ thuật mới đã được ứng dụng, chẳng hạn như những tác phẩm vẽ về Phật, những bức vẽ bằng mực vào thời kỳ Muromachi, và các bức họa phong cảnh trong thời kỳ Tokugawa. Khi lý thuyết hội họa du nhập vào Nhật trong thời kỳ Meiji, Nhật Bản đã có một lịch sử lâu dài mô phỏng theo những ý tưởng được du nhập. Nhưng phải đến thế kỷ 20 người Nhật mới đồng hóa tranh sơn dầu với những ý tưởng mới về không gian ba chiều trên mặt phẳng.
Hội họa theo kiểu Nhật đã tiếp tục theo một thời trang mới, cập nhật hóa những khái niệm truyền thống trong khi vẫn giữ những đặc điểm thuộc về bản chất của nó. Một số họa sĩ theo dạng này vẫn vẽ trên lụa hoặc giấy với màu và mực truyền thống trong khi đó một số khác sử dụng những chất liệu mới về màu. Nhiều trường phái lâu đời hơn, nổi bật nhất là những trường phái của thời kỳ Tokugawa, vẫn còn lưu hành. Chẳng hạn như trường phái rimpa, với đặc điểm sử dụng các màu sáng, tinh khiết cùng với nước sơn lót màu máu, đã được thể hiện trong tác phẩm của những họa sĩ sau chiến tranh và trong nghệ thuật của thập kỷ 1980. Nhiều họa sĩ vẽ theo kiểu Nhật đã được trao tặng giải thưởng, kết quả của nhu cầu về nghệ thuật theo lối Nhật Bản bắt đầu từ thập niên 1970.
THƯ PHÁP
Thư pháp, nghệ thuật viết chữ đẹp đã được quý trọng từ lâu, được nghiên cứu sâu rộng và được người ta sưu tập một cách say sưa. Lối viết chữ của người Hoa với nhiều kiểu khác nhau đã được truyền lại trong truyền thống học thuật Trung Hoa, với điểm cực đoan của nó là lối chữ thảo gần như không thể giải mã được. Vào thời hiện đại của Nhật Bản có những người nổi tiếng trong nghệ thuật viết này đã bỏ ra cả đời để hoàn thiện kỹ năng của họ. Cách viết phổ biến nhất gọi là kana, dùng để miêu tả cả chữ viết ghi ý kiểu Hán tự và cả những ký tự ghi âm của Nhật Bản.
Thư pháp có thể được viết theo nhiều cách: nét chữ nhỏ, thanh nhã hoặc nét đậm với các giọt mực bắn ra chung quanh; được chăm chút kỹ lưỡng hoặc viết theo lối tự do phóng khoáng; và cỡ chữ cũng thay đổi từ thật lớn cho đến bé tí xíu. Thơ truyền thống của Nhật thường được viết theo lối kana. Còn Phật giáo Thiền tông thường viết chữ theo lối koan, với một số hình ảnh đi kèm.
KIẾN TRÚC
Với sự du nhập kỹ thuật, vật liệu và kiểu cách phương Tây vào Nhật, những kiến trúc mới bằng sắt thép và bê tông đã được xây dựng, tương phản mạnh với kiểu cách truyền thống Nhật Bản. Nhật Bản đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thiết kế những tòa nhà chọc trời hiện đại vì người Nhật đã quen với những nguyên tắc xưa mút chìa đỡ bao lớn, vốn được dùng để chống đỡ những mái chùa lợp ngói nặng.
Frank Lloyd Wright, một kiến sư nổi tiếng của Mỹ, đã chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi cách sắp đặt không gian và khái niệm về không gian ngoại thất và nội thất thâm nhập của người Nhật, trong đó có những bức tường được hình thành từ những cửa trượt. Tuy nhiên trong thời gian sau này, chỉ có những kiến trúc gia đình và tôn giáo và thường áp dụng lối kiến trúc Nhật Bản.
Một lối kiến trúc chính của thập niên 1970 và 1980 là của Isozaki Arata, dựa trên lối truyền thống Le Corbusier và phát triển thêm những đường nét hình học và dạng lập phương. Ông đã tổng hợp những khái niệm trong công nghệ xây dựng cao cấp của Tây phương và những ý tưởng về không gian, chức năng và trang trí đặc thù của Nhật để tạo ra một kiểu cách Nhật Bản hiện đại.
Ando Tadao đã đưa vào một lối kiến trúc hậu hiện đại với những đường nét hài hòa, mang tính nhân bản hơn những kiểu hiện đại khô cứng. Những tòa nhà của Ando tận dụng nguồn ánh sáng thiên nhiên, kể cả việc sử dụng loại gạch kính, và trổ nhiều cửa thông ra không gian bên ngoài. Ông đã thiết kế các sân nhỏ bên trong theo lối nhà truyền thống của Osaka cho các kiến trúc đô thị mới, sử dụng cầu thang và cầu nối ngoài trời để hạn chế bớt sự tù túng của môi trường nhà ở trong thành phố. Ý tưởng của ông đã trở thành phổ biến trong thập kỷ 1980, khi các tòa nhà được xây dựng xung quanh sân hay quảng trường, thường có cầu thang và bậc thềm rộng, lối đi bộ, hoặc có cầu nối các tòa nhà với nhau.
THỦ CÔNG MỸ NGHỆ
Mỗi nghề thủ công ở Nhật đều đòi hỏi những kỹ năng riêng. Chẳng hạn như nghề dệt, bao gồm vải lụa, vải gai dầu, vải bông đã được dệt với những thiết kế từ thời xa xưa đến những kiểu cách cung đình phức tạp. Những súc vải theo lối truyền thống dân gian từ xưa vẫn được dệt và nhuộm bằng chàm bởi những người Ainu, với lối thiết kế rõ ràng có nguyên mẫu từ thời tiền sử. Người ta có thể ngược dòng lịch sử để trở về thế kỷ 15 ở Nishijin, một trung tâm dệt của Kyoto, nơi sản xuất những loại vải đẹp dành cho vua chúa và quý tộc.
Đến thế kỷ thứ 17, việc thiết kế mẫu vải được sử dụng khuôn tô và hồ, với phương pháp yuzen, tức là cách nhuộm màu dùng hồ để phết lên những chỗ không cần nhuộm. Cách nhuộm yuzen đã được áp dụng trong cả việc làm vải kim tuyến cho giới quý tộc loại vải cấm thường dân sử dụng lúc bấy giờ. Cách nhuộm này cũng được áp dụng để làm kimono, rồi sau đó nền công nghệ thời trang đương đại đã bắt chước để sử dụng cho các loại y phục kiểu Tây phương. Ở Okinawa, phương pháp nhuộm yuzen nổi tiếng này đã được đưa vào kỹ thuật nhuộm binga ta để thiết kế ra nhiều kiểu vải màu sắc lộng lẫy.
Sơn mài, loại plastic đầu tiên của loài người, được phát minh ở châu Á, và việc sử dụng nó ở Nhật Bản được tính từ thời tiền sử. Đồ sơn mài thường được làm từ gỗ, được sơn lên nhiều lớp cánh kiến đỏ, mỗi lớp phải để thật khô trước khi sơn lên lớp khác. Những lớp cánh kiến này tạo thành một vỏ bọc chống thấm nước, chống gãy, nhẹ và dễ lau chùi. Việc trang trí cho đồ sơn mài, hoặc là phủ màu từng lớp, hoặc trang trí trên lớp mặt với vàng hoặc khảm bằng những chất liệu quý, đã trở thành một nghệ thuật đáng giá từ thời kỳ Nara (năm 710 - 794 sau Công nguyên).
Việc làm giấy cũng là một đóng góp của nền văn minh châu Á. Nghệ thuật làm giấy từ cây dâu ở Nhật Bản được cho là bắt đầu từ thế kỷ thứ 6 sau Công nguyên. Nhuộm giấy với nhiều sắc màu khác nhau và trang trí bằng các mẫu thiết kế đã là một việc chính của triều đình Heian, và việc thưởng thức vẻ đẹp của giấy cùng với công dụng của nó đã tiếp tục sau đó, với sự thay đổi hiện đại hơn. Loại giấy truyền thống gọi là Izumo được sử dụng vào việc trang trí các fusuma (những tấm bình phong), dùng cho các họa sĩ vẽ tranh và để viết những bức thư thanh lịch. Một số người in ấn có logo riêng để in lên giấy, và từ thời Meiji có một loại giấy đặc biệt là giấy viền cẩm thạch.
Về nghề kim loại có việc sản xuất kiếm. Những thanh kiếm này đã có từ thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên và đạt đến cao điểm của nó khi các tư lệnh quân đội và các samurai sử dụng nó. Việc chế tạo một thanh kiếm đã chứa đựng tính chất tôn giáo khi nó thể hiện linh hồn của samurai và tinh thần chiến đấu của Nhật Bản. Đối với nhiều người Nhật, thanh kiếm, một trong “ba viên ngọc” của đất nước, đã là một biểu tượng của uy thế. Người ta sở hữu một thanh kiếm và cất giữ nó trong gia đình; thanh kiếm bị mất sẽ là điềm báo cho sự suy tàn của người chủ.
ĐỒ GỐM
Một trong những loại hình nghệ thuật cổ xưa nhất của Nhật Bản là đồ gốm, có lịch sử từ thời kỳ Đồ đá mới (khoảng 10.000 năm trước Công nguyên). Những loại đồ gốm xưa nhất làm theo kiểu vòng xoắn, được trang trí bằng những hoa văn kiểu dây thừng. Những món đồ gốm này được nung lộ thiên. Những người nhập cư từ lục địa vào thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên đã đưa vào đây bánh xe và các đồ dùng bằng kim loại, và cuối cùng (vào thế kỷ thứ 3 đến thế kỷ thứ 4 sau Công nguyên), một lò nung đã được xây dựng tại Nhật. Những lò nung thời Trung cổ đã sản xuất nhiều đồ gốm đẹp, mà cho đến cuối thế kỷ 20 một số những đồ gốm này vẫn được sản xuất tại một số điểm, đặc biệt là vùng trung tâm đảo Honshu.
Ở cựu kinh đô Kyoto, gia đình Raku vẫn tiếp tục sản xuất các loại chén thô bằng gốm để uống trà. Ở Mino, người ta phục hồi công thức cũ của thời Momoyama để làm lại các loại chén uống trà, chẳng hạn như loại chén Oribe nới tiếng với men màu đồng pha xanh lục và loại Shino với men màu sữa. Những lò gốm cổ quanh vùng Arita ở Kyushu vẫn còn được bảo tồn cho đến ngày nay.
Một số nghệ nhân đồ gốm đã tái tạo lại những kiểu men nổi tiếng của Trung Hoa, đặc biệt là nước men màu ngọc bích và màu xanh biển. Một trong những màu men được ưa chuộng nhất ở Nhật Bản là màu sô cô la trên những chén trà do các thiền sư mang sang từ đời Tống ở Trung Hoa.