Tài liệu: Nhật Bản - Võ thuật và Thể thao

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Karate trong tiếng Nhật có nghĩa là “tay không”, là một môn võ có liên quan tới môn võ Thiếu lâm của Trung Hoa và môn Taekwondo của Triều Tiên.
Nhật Bản - Võ thuật và Thể thao

Nội dung

Võ thuật và Thể thao

KARATE

Karate trong tiếng Nhật có nghĩa là “tay không”, là một môn võ có liên quan tới môn võ Thiếu lâm của Trung Hoa và môn Taekwondo của Triều Tiên. Trong môn võ này, người ta tự vệ bằng nắm tay, cùi chỏ và chân, do đó không sử dụng tới binh khí, đúng như tên gọi của nó. Để đạt được kết quả tối đa, tất cả các động tác đòi hỏi sự tập trung tinh thần cao độ.

Có hai loại biểu diễn võ thuật karate. Loại thứ nhất gọi là “kata”, trong đó người ta biểu diễn các kỹ năng của mình trước một ban giám khảo. Những tiêu chuẩn để đánh giá trong trường hợp này là sự chính xác, kỹ thuật và tư thế. Loại thứ hai gọi là “kumite”, trong đó hai đấu thủ sẽ đấu với nhau.

Karate bắt đầu có từ thế kỷ thứ 14. Môn võ này bắt đầu lan truyền ở Nhật vào nửa đầu của thế kỷ này.

JUDO

Judo có lẽ là một trong số những môn thể thao võ thuật phổ biến nhất trên thế giới. Thậm chí nó còn được đưa vào chương trình Olympic và được hàng triệu người trên thế giới tập luyện.

Môn Judo thực tế được phát triển từ một môn võ cổ truyền gọi là Jujutsu, là một môn võ dùng để tự vệ được các samurai rất ưa chuộng. Sau đó môn võ này được hiện đại hóa thành môn Judo, theo tiếng Nhật có nghĩa là “phương cách nhẹ nhàng”. Môn võ này dạy người ta những nguyên tắc về sự mềm dẻo và kỹ thuật quan trọng hơn là thể lực. Nguyên tắc của Judo là đánh ngã đối phương bằng cách đổi hướng chính sức mạnh của họ.

AIKIDO

Nguồn gốc của Aikido từ ở thị tộc Minamoto vào thế kỷ thứ 10. Tuy nhiên đến năm 1920 Ueshiba Morihei đã cải biến nó thành dạng hiện đại. Là một môn võ tự vệ của Nhật, Aikido tổng hợp nhiều kỹ thuật khác nhau, chẳng hạn như Thần đạo, karate và môn đánh kiếm kendo. Theo kỹ thuật của Aikido, người ta có thể áp đảo đối phương và không cần dùng đến nhiều sức.

Thở và thiền là phần hướng nội của Aikido. Sự tập trung của các động tác cũng được rút từ nghệ thuật múa cổ điển Nhật Bản và ý thức về “ki”, là sức mạnh của đời sống hay là ý chí của con người, toát ra từ những đầu ngón tay.

KENDO

Kendo là nghệ thuật đánh kiếm của Nhật Bản. Thanh kiếm nguyên thủy không phải cong như chúng ta thấy ngày nay mà phẳng và thẳng theo một dạng rất thô sơ dùng để đâm và chém những nhát đơn giản. Thanh kiếm như chúng ta thấy ngày nay xuất hiện vào khoảng năm 940, có một cạnh với dạng hơi cong.

Trong thời gian thế kỷ thứ 15, 16 và 17 có tới khoảng sáu trăm lối kiếm thuật khác nhau được hình thành. Nhiều lối đánh kiếm này còn được lưu truyền tới ngày nay như là những môn võ thuật cổ truyền Nhật Bản. Một lý thuyết lô gíc nhằm thống nhất tất cả những kỹ thuật khác nhau đã được phát triển như là một mặt quan trọng về văn hóa trong việc đào tạo các samurai. Kỹ thuật này đã được kết hợp với võ sĩ đạo của Nhật.

Qua sự huấn luyện nghiêm khắc của Kendo, những võ sinh đã tăng cường thực chất và tinh thần, phát triển một tâm hồn mạnh mẽ, học cách đối xử đúng đắn với người khác, tôn trọng sự thật, thành thật, luôn cầu tiến, yêu xã hội và đất nước, và đóng góp vào hòa bình và sự thịnh vượng của nhân loại.

Vì sự tập luyện ngày xưa với những thanh kiếm bằng sắt hay bằng gỗ cứng đã gây ra nhiều thương tích và nhiều cái chết ngoài ý muốn, những thanh kiếm vô hại bằng tre đã được tạo ra vào khoảng năm 1710. Đến năm 1740, những kiếm sư đã chế ra vỏ che ngực và bảo vệ đầu cũng như loại găng tay nặng. Qua nhiều thế kỷ, những thanh kiếm bằng tre thô sơ đã được cải tiến thành những thanh kiếm trông hấp dẫn và thực tế như chúng ta thấy ngày nay.

Trong môn Kendo hiện đại có hai cách tấn công: chém và đâm. Những nhát chém chỉ được thực hiện trên ba vùng cơ thể: đỉnh đầu, bên phải và bên trái thân người, và hai cẳng tay. Còn những nhát đâm thường chỉ được thực hiện trên cuống họng. Không giống như môn kiếm thuật Tây phương trong đó các đối thủ chỉ lộ một bên cơ thể, trong môn Kendo các đối thủ đứng đối diện nhau.

Trong năm 2000 ở Nhật có nhiều triệu người tập Kendo. Ở nước ngoài có khoảng 1triệu người tập môn võ thuật này. Kendo cũng là một phần quan trọng trong việc giáo dục thể chất ở nhà trường. Ở trường tiểu học có một số câu lạc bộ ngoại khóa về Kendo. Ở các trường trung học, Kendo được tập luyện như là một hoạt động giáo dục của lớp. Ở các trường đại học, Kendo là một trong số những môn nhiệm ý, và hầu như trường nào cũng có câu lạc bộ Kendo hoặc những nhóm hoạt động ngoại khóa về bộ môn này.

SUMO

Sumo bắt đầu là một môn giải trí cung đình vào thế kỷ thứ 8. Những đấu thủ Sumo được tuyển từ quân đội để đấu mua vui cho giới thượng lưu ở triều đình. Qua thời gian nó phát triển dần và thành một môn thể thao vào thế kỷ thứ 17.

Thể thức của môn thể thao này quả là đơn giản. Đấu thủ phía Đông sẽ đẩy hay làm cách nào đó cho đấu thủ phía Tây mất thăng bằng và một bộ phận nào đó của cơ thể (trừ hai chân) chạm đất. Vòng thi đấu có đường kính khoảng 4,55 mét. Không giống như môn đánh quyền Anh, Sumo không phân loại theo hạng cân. Tất cả các đấu thủ Sumo đều to con! Ngoại hình này có được do chế độ ăn uống. Thường các đấu thủ Sumo ăn các món hầm có nhiều mỡ. Ngoài ra có thêm những hoạt động khác bổ sung, chẳng hạn như chế độ mát xa để kích thích tiêu hóa, làm cho họ ăn được nhiều hơn.

Những đấu thủ Sumo thường bắt đầu ở độ tuổi 15. Hầu hết là ở vùng thôn quê, những “tân” đấu thủ này sẽ gia nhập vào một “đoàn” do một đấu thủ về hưu đứng đầu. Những đấu thủ này sẽ tập luyện để được thăng cấp dần dần. Quá trình đòi hỏi rất nhiều nỗ lực. Và những đấu thủ Sumo ở cấp cao nhất sẽ được trả lương.

Mỗi năm có sáu cuộc thi đấu Sumo được tổ chức vào các tháng Giêng, 3, 5, 7, 9 và 11.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2247-02-633495518661875000/Van-hoa---xa-hoi/Vo-thuat-va-The-thao.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận