Giáo dục cấp cao
TỔNG QUAN VỀ GIÁO DỤC CẤP CAO
Những cơ sở về giáo dục cấp cao của Nhật Bản bao gồm các trường đại học, cao đẳng, các trường cao đẳng công nghệ và giáo dục đặc biệt. Kể từ sau Thế chiến thứ II, quy mô của giáo dục cấp cao tại Nhật Bản đã mở rộng một cách đáng kể, đặc biệt là các cơ sở tư thục. Ngày nay quy mô về giáo dục cấp cao ở Nhật Bản xếp vào hàng cao nhất thế giới.
Các trường Đại học
Thời gian theo học các trường đại học ở Nhật là 4 năm (6 năm đối với ngành Y, Nha và Thú y). Những người tốt nghiệp được cấp bằng cử nhân. Trường đại học có thể mở các chương trình sau đại học, trong đó chương trình cao học học trong 2 năm và chương trình tiến sĩ học trong 5 năm (4 năm đối với các ngành Y, Nha và Thú y).
Các trường Cao đẳng
Mục tiêu của các trường cao đẳng là tiến hành việc học đào sâu và nghiên cứu về những môn chuyên biệt và phát triển những khả năng cần thiết để đi làm và phục vụ đời sống hàng ngày. Thời gian theo học ở các trường này từ hai đến ba năm.
Các trường Cao đẳng Công nghệ
Mục tiêu cũng giống như các trường cao đẳng. Tuy nhiên, các trường cao đẳng công nghệ, không giống như các trường đại học hoặc cao đẳng khác, tiếp nhận học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở. Thời gian học ở các trường này là 5 năm (5 năm rưỡi cho ngành hàng hải thương mại).
XÂY DỰNG NHỮNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC VỚI TÍNH CÁCH RIÊNG
MEXT đang nỗ lực tạo một môi trường trong đó mỗi trường đại học đều có thể hoạt động độc lập và tự trị. Về phía trường đại học, các hoạt động nghiên cứu và giảng dạy đặc thù sẽ được phát triển theo ý tưởng và mục đích riêng của từng trường. Những nỗ lực đang được đầu tư để “xây dựng một trường đại học có sức cạnh tranh quốc tế và có tính chất cá nhân ngời sáng”.
Sự Tiên tiến về Học tập và Nghiên cứu
Nỗ lực phát triển sự giáo dục, nghiên cứu và học tập tiên tiến ở tầm mức quốc tế. Tăng cường cho các trường cả về số lượng lẫn chất lượng.
Cá nhân hóa trong Giáo dục Cấp cao
Để cải tiến chất lượng giáo dục, các trường đại học đang cải tiến nội dung và phương pháp giảng dạy để đào tạo ra những sinh viên tận dụng được tối đa khả năng riêng tư của mình.
Hoạt hóa việc Quản lý Tổ chức
Công tác hoạt hóa việc quản lý tổ chức là kích hoạt và cải tổ việc tổ chức bằng cách phát huy tíng năng động của các thành viên trong trường.
TRƯỜNG ĐẠI HỌC TỪ XA
Trường Đại học Từ xa được thành lập năm 1983 với mục đích quảng bá giáo dục đại học bằng hệ thống ti vi, radio và các phương tiện đa truyền thông, tạo điều kiện cho nhiều người theo học.
Sinh viên bắt đầu đăng ký từ năm 1985. Và đến tháng Giêng năm 1988, Trường Đại học Từ xa bắt đầu phát sóng toàn quốc trên truyền hình vệ tinh. Đến năm 2001, trường mở thêm chương trình sau đại học và bắt đầu tiếp nhận các sinh viên cao học.
Trường Đại học Từ xa có các chương trình như sau:
Chương trình Đại học
- Sinh viên chính quy: sinh viên sẽ tốt nghiệp với văn bằng cử nhân. Không phải thi tuyển.
- Sinh viên không lấy bằng, học 1 năm hoặc 1 học kỳ: Các ứng viên từ 15 tuổi trở lên đều có thể đăng ký và không đòi hỏi thi tuyển. Thời gian là 1 năm đối với chương trình 1năm, và thời gian 6 tháng đối với chương trình 1 học kỳ.
Chương trình Cao học
- Cao học chính quy: sinh viên tốt nghiệp sẽ lấy bằng cao học. Sinh viên phải qua mắt kỳ thi tuyển để vào học.
- Cao học không lấy bằng: Tiếp nhận các ứng viên từ 18 tuổi trở lên. Thời gian học là một học kỳ (6 tháng). Không cần thi tuyển.
Học viện Quốc gia về Multimedia
Học viện Quốc gia về Multimedia có chức năng như một học viện trung tâm nhằm quảng bá việc sử dụng multimedia ở giáo dục cấp cao. Học viện tiến hành những cuộc nghiên cứu và phát triển về nội dung và phương pháp cho việc giáo dục tận dụng các yếu tố multimedia. Hiện nay Học viện đang cung ứng cho các cơ sở giáo dục cấp cao ba chương trình như sau:
1/ Nghiên cứu và phát triển liên quan đến việc ứng dụng công nghệ truyền thông thông tin, chẳng hạn như các vệ tinh liên lạc hay Internet, vào giáo dục.
2/ Nghiên cứu và phát triển liên quan đến việc sử dụng những phương tiện đa truyền thông khác nhau trong nội dung giáo dục.
3/ Nghiên cứu và phát triển liên quan đến các loại giáo cụ có sử dụng đến Internet, DVD và các phương tiện đa truyền thông khác, các hệ thống xử lý bản quyền, cơ sở dữ liệu làm giáo cụ cho giáo dục, v.v...
Ngoài ra, trong việc sử dụng multimedia cho giáo dục, Học viện còn cộng tác với các cơ sở giáo dục cấp cao trong việc nghiên cứu và phát triển, và thực hiện vai trò của nó là trả kết quả nghiên cứu về cho các trường đại học, cao đẳng công nghệ và các cơ sở học thuật khác.
HỌC BỔNG
Những chương trình về học bổng do Tổ chức Học bổng Nhật Bản thực hiện, với sự tài trợ của chính quyền trung ương. Học bổng cũng được cấp phát bởi những thành phố tự trị địa phương, các đoàn thể học bổng hay các nhà trường.
Tổ chức Học bổng Nhật Bản cấp phát học bổng để trang trải học phí cho các sinh viên xuất sắc bị khó khăn về kinh tế trong việc học.
Tổ chức Học bổng Nhật Bản có hai hệ thống cho vay học bổng: một là học bổng cho vay không có lãi suất, hai là học bổng cho vay với lãi suất thấp và dài hạn. Một trong số các loại học bổng dạng cho vay không lãi suất là học bổng khẩn cấp dành cho sinh viên cần nguồn tài chính một cách khẩn cấp do sự thất nghiệp của lao động chính trong gia đình hay do lý do khác.
Trong năm 2002, tổng số học bổng cấp phát là 16,6 tỉ Yen, cho vay với khoảng 798.000 sinh viên.
HỖ TRỢ TÀI CHÍNH CHO CÁC CƠ SỞ TƯ THỤC
Dựa trên các nguyên tắc thành lập trường, những trường tư thục đang phát triển các hoạt động giáo dục và nghiên cứu độc đáo và mang tính chất cá nhân của từng trường, và những trường này giữ một vai trò quan trọng trong nền giáo dục của Nhật Bản.
Với mục đích duy tân và cải tiến tình trạng giảng dạy và nghiên cứu và làm nhẹ bớt gánh nặng cho người đi học, chính quyền trung ương đã khuyến khích những nỗ lực của các cơ sở tư thục bằng những biện pháp như các chương trình trợ cấp cho chi phí điều hành trường hoặc chi phí duy trì và mở rộng các phương tiện và thiết bị.
Trong năm 2002 MEXT có chương trình hỗ trợ cho các hoạt động giảng dạy và nghiên cứu của các trường đại học tư thục, tập trung vào các trường xuất sắc với nhiều tiềm năng, và dự kiến sẽ biến những trường này thành các đại học tư thục tầm cỡ quốc tế.
Chi phí hỗ trợ cho các cơ sở tư thục tăng dần từng năm. Trong năm 2002, chi phí của MEXT cho các trường đại học tư thục là 3.198 tỉ Yen, và chi phí cho các trường trung học phổ thông tư thục là 6.112 tỉ Yen.
CÁC TRƯỜNG CAO ĐẲNG ĐẶC BIỆT VÀ NHỮNG LOẠI TRƯỜNG KHÁC
Các trường cao đẳng đặc biệt và các trường hỗn hợp khác đóng một vai trò độc đáo ở Nhật vì những trường này cung ứng sự giáo dục thực hành và giáo dục hướng nghiệp cũng như giáo dục về các kỹ thuật chuyên ngành hầu đáp ứng kịp thời cho nhu cầu đa dạng của một xã hội đang thay đổi.
Những trường cao đẳng đặc biệt được thành lập đầu tiên năm 1976. Từ đó các trường này phát triển đều đặn, và tính đến năm 2001 có 3.495 trường cao đẳng với sinh viên là 750.000.
Năm 1999, cùng với sự điều chỉnh Luật Giáo dục Học đường, những sinh viên đã hoàn tất chương trình ở một trường cao đẳng đặc biệt và đạt những yêu cầu cụ thể có thể chuyển tiếp lên hệ đại học. Trong năm 2001 có 1.731 sinh viên đã được nhận vào các trường đại học. Số lượng các trường đại học tiếp nhận những sinh viên dạng này gia tăng hàng năm. Có 439 trường đại học đã tiến hành những cuộc thi tuyển cho các sinh viên này vào năm 2002.
Vì trong một môi trường lao động khắc nghiệt với tình trạng thất nghiệp ngày càng trầm trọng, điều cần thiết là đưa ra một cơ chế giúp cho những người thất nghiệp nâng cao trình độ, kỹ năng của mình để có thể có việc làm trở lại. Việc nâng cao này có thể được thực hiện tại một trường cao đẳng đặc biệt.
Ngoài ra, MEXT cũng đã phát triển một chương trình giáo dục với mục đích đào tạo các chuyên gia hay phát triển những chủ doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin và những ngành liên quan tại các trường cao đẳng đặc biệt. MEXT cũng tiến hành những biện pháp giúp các trường cao đẳng đặc biệt này trang bị với quy mô lớn cùng với những phương tiện xử lý thông tin và việc đào tạo giáo viên.
CẢI TỔ CẤU TRÚC CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC
Trong thế kỷ 21, cùng với sự nổi lên của một “xã hội dựa trên kiến thức”, vai trò của những trường đại học với nhiệm vụ “sáng tạo và truyền đạt kiến thức” là vô cùng quan trọng đối với Nhật Bản, một nước đã đặt mục tiêu là “một quốc gia đào tạo những chuyên gia với khả năng cao nhất” và “một quốc gia dựa trên sự sáng tạo khoa học và công nghệ”.
Vào tháng 6 năm 2001, Nhật Bản đã đưa ra một chính sách căn bản về việc cải tổ cấu trúc các trường đại học. Chính sách này nhằm thúc đẩy sự cải tổ và tăng cường sức mạnh cho các trường đại học để những cơ sở này có nhiều sức cạnh tranh quốc tế hơn.
TÁI TỔ CHỨC VÀ KẾT HỢP CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC QUỐC GIA
Mục đích của việc làm này là phát triển công tác giáo dục và nghiên cứu của các trường đại học trong một môi trường cạnh tranh, đồng thời củng cố nền tảng cũng như mở rộng và đào sâu việc giáo dục và nghiên cứu và tăng cường những đặc điểm riêng của từng trường.
Mỗi trường thảo luận về chủ đề tái tổ chức và kết hợp theo quan điểm của sự phát triển tương lai. Trong khi đó MEXT sẵn sàng cho lời khuyên hoặc sự hỗ trợ, quan tâm cao độ đến những cuộc thảo luận đó, xúc tiến việc tái tổ chức và kết hợp theo từng bước.
PHONG TRÀO TRỞ THÀNH “CÔNG TY ĐẠI HỌC QUỐC GIA”
Một điều rất có ý nghĩa là mỗi trường đại học trở thành một dạng công ty độc lập nhằm gia tăng quyền tự trị để xây dựng một “đại học với bản sắc riêng” hoặc phát triển việc giáo dục và nghiên cứu theo chuẩn mực quốc tế cao nhất.
Từ quan điểm của việc cải tổ các trường đại học, người ta sẽ tập trung vào các vấn đề: (1) quyền sở hữu của từng trường đại học về tình trạng là một thực thể công ty nhằm đảm bảo quyền quản lý tự trị, (2) các kỹ thuật quản lý theo quan điểm của khu vực kinh tế tư nhân, và (3) đề cương cụ thể của hệ thống quản lý có các thành viên bên ngoài. MEXT đang chuẩn bị một cách cụ thể về cả mặt hệ thống lẫn mặt quản lý cho việc chuyển đổi các trường thành những thực thể công ty trong thời gian sớm nhất.
NGUYÊN TẮC CẠNH TRANH QUA SỰ ĐÁNH GIÁ CỦA PHÍA THỨ BA
Để cho các trường đại học ở Nhật có thể sánh vai với các trường đại học hàng đầu thế giới, điều cần thiết là tiếp tục hỗ trợ để hình thành những cơ sở giáo dục đẳng cấp quốc tế bằng cách đưa vào nguyên tắc cạnh tranh được phía thứ ba đánh giá.
Đây là sự hỗ trợ mạnh mẽ để mỗi môi trường học thuật được mở rộng thành một trường đại học. Chương trình này được quản lý bởi Hội Xúc tiến Khoa học Nhật Bản, một phía thứ ba ngoài MEXT.
Trong chương trình này không cần có sự chọn lựa hay xếp loại các trường đại học. Người ta kỳ vọng rằng cuộc cạnh tranh giữa các trường đại học quốc gia, công lập và tư thục sẽ dẫn tới việc nâng cấp các trường lên mức độ học thuật cấp quốc tế và việc cải tổ sẽ hình thành được những tính chất cá nhân rõ rệt hoặc những đặc điểm nổi bật của các trường đại học.