NHỮNG PHÁT MINH VÀ KHÁM PHÁ CƠ BẢN
Nhờ làm ra các công cụ để hoặc làm thay đổi môi trường hay giúp con người đương đầu với nó, con người có thể tồn tại ở những nơi mà các động vật khác không thể sống sót được. phải cần hàng trăm ngàn năm để con người tạo ra những phát minh và khám phá cơ bản làm cơ sở cho điều mà ngày nay chúng ta gọi là công nghệ học.
Khoảng năm 1.600.000 TCN: Trái đất đi qua vài thời kỳ băng hà gần đây nhất. Cuối cùng băng bao phủ phía bắc châu Âu và Bắc Mỹ. Phần lớn sẽ tan khoảng 10.000 năm TCN, để lại đằng sau một phong cảnh đã bị đổi thay.
Khoảng 50.000 năm TCN: Thiên thạch khổng lồ, kích cỡ của một tòa nhà, rơi trên Địa cầu, nay là Arizona, Mỹ. Hòn đá nặng 400.000 tấn tạo thành cái hố rộng 1,2 km và sâu 150m.
Khoảng 35.000 năm TCN: Những người đầu tiên vào châu Mỹ đã đi qua một doi đất nối liền Siberia và Alaska, doi đất này lộ ra do mực nước biển thấp. Về sau doi đất biến mất khi băng tan chảy khắp nơi.
Khoảng 27.000 năm TCN: Tại vùng đất nay thuộc nước Đức, một nhà điêu khắc vô danh đã khắc bức tượng Thần Vệ Nữ của Willendorf, một trong những tác phẩm điêu khắc về con người được biết đến sớm nhất. Bức tượng này đã cường điệu những đường nét cơ thể của người phụ nữ và được sơn đỏ.
Khoảng 23.000 năm TCN: Băng siết chặt gọng kìm của nó trên trái đất khi thời băng hà đạt đến đỉnh điểm. Lúc có nhiều nước bị đông cứng trong các dòng sông băng, mực nước biển thấp hơn ngày nay tới 90 mét.
Khoảng 18.000 năm TCN: Ở Úc, người ta chạm lên đá hàng ngàn nét vẽ phác họa tinh vi. Họ cũng tạo ra được những hình màu. Để tạo màu đỏ, người ta dùng một loại đá gọi là đất son, hay thỉnh thoảng còn dùng cả máu người.
Khoảng 1.000 năm TCN: Lúc ấy con người sinh sống trên hầu hết châu Mỹ, trừ phần đất bị các sông băng bao phủ ở phía bắc. Họ dùng những cây giáo có mũi bằng đá để săn voi răng mấu (mastodon) và voi mamút (mammoth) và cả lạc đà.
Khoảng 8.300 năm TCN: Một thời kỳ thay đổi được gọi là Thời đại Đồ Đá Giữa bắt đầu. Nhiệt độ toàn cầu tăng rõ rệt, và mảng băng lớn bao phủ châu Âu bắt đầu co lại, để lộ ra những vùng đất lớn cho con người cư ngụ.
Khoảng 8.300 năm TCN: Hổ răng kiếm (sabre-toothed tiger), một loài mèo lớn dữ tợn với những chiếc răng nanh dài, đã bị tuyệt chủng. Loại hổ này được trang bị tốt để săn bắt và giết các loại thú lớn như voi răng mấu. Chúng không thể tồn tại khi loài voi này cùng nhiều loại con mồi khác biến mất.
Khoảng 8.000 năm TCN: Sau khi đã chiếm cứ nhiều phần đất trên thế giới qua hơn một triệu năm, lượng sư tử bắt đầu giảm dần. Vào thời này, chúng đã không còn hiện diện ở Bắc Mỹ. Qua 8.000 năm nữa, chúng cũng biến mất khỏi châu Âu.
Khoảng 6.800 năm TCN: Phương pháp trồng trọt được cải tiến ở các làng mạc Trung Đông. Nông dân gieo trồng ngũ cốc nhiều hơn và sử dụng đất hiệu quả hơn. Họ thuần hóa heo, là loài vật đã trở thành vật nuôi quan trọng nhất trong các nông trang.
Khoảng 6.000 năm TCN: Lục địa Anh bị cắt khỏi châu Âu tại vùng đất nối liền giữa chỗ bây giờ là nước Anh và nước Pháp, do sự tan chảy của những băng hà lớn đã làm mực nước biển dâng lên hàng trăm mét.
Khoảng 6.000 năm TCN: Thành phố Çatal Hüyük, thuộc Thổ Nhĩ Kỳ bây giờ, sau 500 năm con người quần tụ sinh sống đã trở thành một trong những khu định cư lớn nhất ở vùng Cận Đông. Những kiến trúc bằng gạch bùn vẫn sẽ tồn tại thêm 500 năm nữa.
Khoảng 6.000 năm TCN: Các họa sĩ Trung Hoa làm phong phú thêm bảng màu để vẽ bằng cách nung hỗn hợp các chất hữu cơ và vô cơ để tạo ra thêm những màu mới. Họ làm cho màu sắc dính vào tranh vẽ bằng cách trộn với keo, lòng trắng trứng, gelatin, hay sáp ong.
Khoảng 5.500 năm TCN: Người Trung Hoa bắt đầu trồng lúa tại vùng Hoàng Hà, một vùng châu thổ ở phía đông Trung Hoa. Trong vòng năm thế kỷ, bước khởi đầu khiêm tốn này sẽ phát triển thành lối sống hoàn toàn dựa vào nông nghiệp.
Khoảng 5.000 năm TCN: Vùng đất màu mỡ ở miền bắc vịnh Ba Tư được những người Ubaida đến định cư, họ là những cư dân đầu tiên của vùng đất sau này là Sumer. Họ phát triển một nền văn minh phong phú bao gồm nghề làm đồ gốm và điêu khắc.
Khoảng 4.500 năm TCN: Nông dân từ vùng đông bắc châu Á di cư tới vùng châu thổ sông Danube thuộc nước Đức. Hòa lẫn với những người vẫn còn sinh sống chỉ dựa vào nghề săn bắn, họ định cư tại đây, xây dựng những ngôi nhà bằng gỗ rộng và buôn bán các công cụ.
Khoảng 3.900 năm TCN: Nền văn hóa Dương Thiệu xuất hiện ở miền đông Trung Hoa. Người ta nuôi súc vật, làm những công việc đồng áng đơn giản. và về sau khám phá ra sự hữu dụng của con tằm. Một đặc sản khác của họ là đồ gốm sơn màu đỏ, trắng và đen.
Khoảng 3.500 năm TCN: Người châu Âu bắt đầu thiêu xác người chết trên những gò đất dài. Những gò đất này thường dài 70 mét và nằm theo hướng Đông-Tây. Toàn thể một gia đình có địa vị cao có thể cùng được chôn trong một cái hốc ở đầu phía Đông.
Khoảng 3.500 năm TCN: Những thợ chạm trổ sống tại thành phố vùng Lưỡng Hà thuộc Uruk làm ra những đồ vật nổi tiếng, như là đầu của một vị nữ thần bằng đá vôi được khảm bằng nhiều vật liệu khác. Họ còn chạm những chiếc bình bằng thạch cao tuyết hoa, một loại đá trong mờ.
Khoảng 3.500 năm TCN: Đồ gốm đầu tiên trên lục địa châu Mỹ được làm ở Ecuador và Colombia. Những hiểu biết về chúng trải dài về phương Bắc khi những nông sản mới, như là các loại đậu, đòi hỏi điều kiện tồn trữ tốt hơn. Người Mexico biết đến nghề làm đồ gốm vào khoảng năm 2300 TCN.
Khoảng 3.500 năm TCN: Bắp hay còn gọi là ngô, là nông sản chủ yếu tại vùng Trung Mỹ, bắt đầu được gieo trồng trên quy mô lớn, thay thế kê, một loại nông sản kỳ cựu. Các loại đậu và tiêu đã được trồng ở nhiều nơi.
Khoảng 3.200 năm TCN: Tại nước Anh, người ta khởi công xây dựng đài kỷ niệm mà về sau được gọi là Stonehenge. Vào buổi đầu người ta không dùng nhiều đá, và chỉ là một “cụm tưởng niệm” (henge) – một nơi thiêng liêng được bao quanh bởi bờ đất và hào rãnh.
Khoảng 3.200 năm TCN: Những cư dân mới bắt đầu đến với vùng đất ở phía bắc vịnh Ba Tư. Họ dùng ngôn ngữ khác với ngôn ngữ của cư dân đã ở đây từ trước, nhưng họ đã cùng nhau hình thành nền văn minh Sumer.
Khoảng 3.000 năm TCN: Trên một nhóm đảo ở vùng biển Aegean, nền văn hóa Cycladic xuất hiện. Dù nền văn hóa này dựa vào việc đi biển và làm ra những tác phẩm nghệ thuật bằng kim loại, nhưng nó được nhớ đến nhờ những bức tượng phụ nữ đơn giản bằng cẩm thạch.
Khoảng 3.000 năm TCN: Bác sĩ thú y đầu tiên được xác nhận hành nghề tại vùng Lưỡng Hà (nay phần lớn thuộc Iraq). Tên ông ta là Urlugaledinna. Ông chữa trị cho mọi loài gia súc, và trong nhiều trường hợp, ông dùng nhiều loại thảo mộc làm thuốc để chữa cho chúng.
Khoảng 3.000 năm TCN: Người Ai Cập lập ra đơn vị đo chiều dài lần đầu được sử dụng rộng rãi, cubit. Nó là khoảng cách từ khuỷu tay đến đầu ngón tay giữa, thường dài khoảng 45cm nhưng có khi dài hơn.
Khoảng 3.000 năm TCN: Thương gia ở Babylon bắt đầu dùng cách thế chấp tàu thuyền, một hình thức bảo hiểm, để mượn tiền trang bị cho tàu. Mức lãi mà họ phải trả rất cao, nhưng nếu tàu bị đắm thì họ không phải trả tiền.
Khoảng 2.800 năm TCN: Những người sống tại Bắc Âu đã thay đổi từ cách chôn tập thể những người chết trong “nhà chôn cất” sang cách chôn riêng mỗi người trong một ngôi mộ. Không phải ai cũng có được ngôi mộ cho mình, mà chỉ những người có địa vị cao trong xã hội mới được hưởng đặc ân này.
Khoảng 2.800 năm TCN: Những khu vườn với lối đi rợp bóng cây cùng những hồ chứa nước có nhiều loại chim nước xuất hiện tại vùng Ai Cập cổ khi những nhà thiết kế vườn đầu tiên có mặt. Làm việc cho những thân chủ giàu có, họ rào khu vườn bằng tường rào vuông góc và có cả những nhà rạp nhỏ.
Khoảng 2.800 năm TCN: Cây gai dù đã được khởi trồng ở Trung Hoa. Nó được đánh giá cao vì có chứa dầu trong hạt và nguồn sợi trong thân cây được dùng để dệt vải và bện dây thừng hơn là chất gây nghiện được chiết ra từ nó. Phải nhiều thế kỷ sau loại cây này mới được trồng ở phương Tây.
Khoảng 2.700 năm TCN: Hình ảnh những nông dân Ai Cập nhảy múa để cầu mưa được vẽ lại trên những bức tranh trong các lăng mộ. Mục đích của những vũ điệu không chỉ để cầu cho mưa thuận gió hòa, mà còn đem lại sự khỏe mạnh và phát triển dân số cho cộng đồng.
Khoảng 2.700 năm TCN: Một cuốn sách viết về dược thảo của người Trung Hoa mô tả một trong những loại thuốc nhuận trường đầu tiên – đại hoàng. Loại thuốc này là bột của rễ cây đại hoàng. Ở các nước phương Tây, đại hoàng chỉ được trồng để dùng cho mục đích này từ sau thế kỷ XVIII sau CN.
Khoảng 2.500 năm TCN: Kim tự tháp khổng lồ được pharaoh Khufu xây dựng ở Ai Cập. Những thế hệ tương lai sẽ biết đến Đại Kim Tự Tháp Giza gần Cairo như là một trong những cấu trúc lạ lùng nhất của ngành kiến trúc.
Khoảng 2.500 năm TCN: Cư dân ở bắc Peru xây dựng hướng vào lòng đất và sống trong những cái hố dùng đá bao quanh. Họ không biết gì về đồ gốm, nhưng đã đan rổ để làm vật chứa. Họ cũng trồng bầu bí và dùng những trái khô rỗng để chứa đồ vật.
Khoảng 2.500 năm TCN: Nghệ thuật cắm hoa phát triển mạnh ở Ai Cập, hoa được dùng để trang hoàng cho những bữa tiệc lớn, và cho các tang lễ. Hoa sen là loài hoa được dùng rộng rãi nhất thời đó, nhưng vì chúng có những đài hoa quá nặng, nên người ta phải làm ra những chiếc bình đặc biệt để trưng bày chúng.
Khoảng 2.400 năm TCN: Trên đảo Malta, người ta đã phát triển “tục thờ cúng người chết”. Tập tục này khởi đầu với những ngôi mộ dành cho nhiều người được đục trong những vách đá gần Xagra và Zurrieq, và chấm dứt với những hốc kỳ lạ dùng để chôn người chết bên dưới lòng đất gần Rahal Gdid.
Khoảng 2.300 năm TCN: Đế chế Sumeria suy yếu vì những xung đột nội bộ, đã bị thống trị bởi một kẻ xâm lược, Sargon I, ông này thành lập một thành phố mới, Agade. Thành phố này trở nên giàu có nhất thế giới, và những người Sumer trở thành người Akkad.
Khoảng 2.000 năm TCN: Người Celt (một dân tộc cổ xưa ở Tây Âu) xây dựng những nhà “tổ ong” ở Scotland và Ireland. Những ngôi nhà này được xây dựng từ những khối đá thô có dạng hình tròn và nhọn dần khi lên cao giống như một tổ ong bằng rơm.
Khoảng 2.000 năm TCN: Loại ngôn ngữ có chữ viết đầu tiên của người Sumer không còn được dùng trong giao tiếp nữa, vì người Sumer (lúc này đã trở thành người Akkad) đã chuyển sang dùng ngôn ngữ của những kẻ xâm lược. Ngôn ngữ của người Sumer chỉ còn tồn tại ở dạng chữ viết qua 2.000 năm.
Khoảng 2.000 năm TCN: Quần đảo Aleutia ngoài khơi bờ biển Alaska thuộc Bắc Mỹ bị cư dân trong đất liền chiếm làm thuộc địa. Họ xây dựng những làng mạc trên bờ biển gần nơi có nước ngọt, đi lại trên những chiếc thuyền bọc da để săn hải cẩu và gấu.
Khoảng 2.000 năm TCN: Môn thi đấu tương tự như môn ném búa bắt đầu tại cuộc thi đấu thể thao Tailtea tổ chức tại Ireland, nhưng với bánh xe ngựa thay cho búa. Vị anh hùng người Celt nắm lấy trục bánh xe rồi ném nó đi với hết khả năng của mình.
Khoảng 1.900 năm TCN: Những nhà trang trí nội thất đã nỗ lực làm việc cho những người giàu có ở Ai Cập. Họ vẽ những hoa văn trên lớp vữa, treo những màn che bằng thảm thô, thêm những sọc màu đỏ, trắng và đen lên chân tường, và lắp đặt những tấm trần nhà bằng gỗ đã được sơn phết.
Khoảng 1.900 năm TCN: Thành Sodom và Gomorrah gần Biển Chết ở Israel bị phá hủy trong một trận động đất. Về sau, chương Sáng thế kỷ trong Kinh thánh nói rằng: Thượng đế phá hủy chúng vì cư dân của chúng mắc quá nhiều tội lỗi.
Khoảng 1.600 năm TCN: Một người chép thuê ở Ai Cập chuẩn bị cho bản chép tay mới của một cuốn sách về y học có từ 1.500 năm trước. Cuộn giấy cói này chỉ dẫn những cách thức khám bệnh với nhiều tình huống và điều trị chi tiết cho từng trường hợp.
Khoảng 1.400 năm TCN: Người Hy Lạp bắt đầu có chữ viết. Họ dùng loại chữ không mấy giống với bảng chữ cái mà họ phát triển sau này. 3.350 năm sau, một chuyên viên mật mã đã giải mã bản văn, và loại chữ này được gọi là chữ có đường kẻ hình chữ B.
Khoảng 1.100 năm TCN: Vòng tròn đá nay được gọi là Stonehenge vẫn còn được sử dụng. Nó được đổi mới với con đường đến cổng dài hơn, vươn về phía đông 2,8km và sau đó là đông-nam đến bờ sông Avon.
Khoảng 1.000 năm TCN: Một loại lịch mới của Ấn giáo được áp dụng tại Ấn Độ. Một năm của loại lịch này có 12 tháng, nhưng lại ngắn hơn một năm đủ, nên cứ mỗi 30 tháng người ta thêm vào một tháng. Loại lịch này vẫn còn được dùng đến 3.000 năm sau.
Khoảng 1.000 năm TCN: Giống chó xù châu Á to lớn có bộ lông màu trắng thường được gọi là giống chó vùng núi Pyrenees hay Pyrene to xác được mang đến châu Âu. Chúng được dùng để giữ cừu không bị sói và gấu, hai loại thú thường thấy trong vùng giết hại.
Khoảng 800 năm TCN: Dân chúng Trung Hoa đạt số dân 14.000.000 được coi là quốc gia tiếp tục tăng trưởng. Tám trăm năm sau, số dân này tăng gấp bốn, tức khoảng 60.000.000, và thêm 2.000 năm nữa, là một tỉ.
Khoảng 700 năm TCN: Cư dân Assyria (nay phần lớn nằm trong miền bắc Iraq) đi săn với diều hâu và chim cắt. Hoàng gia thường đi săn mọi loài thú. Vua của họ, Ashurbanipal đã cho khắc chân dung của mình trên đá với dòng chữ “Tôi đã giết được sư tử”.
Khoảng 650 năm TCN: Nhà tiên tri bi quan, yếm thế, nổi tiếng trong Kinh thánh, Jeremiah, chào đời tại Anathoth, một ngôi làng nằm gần Jerusalem. Ông kết tội dân chúng là đã lầm lạc thờ những lạc thần và công bố những thị kiến của mình về sự xâm lược khủng khiếp đến từ phương Bắc.
Khoảng 600 năm TCN: Các thủy thủ ở Phoenicia thường đến nước Anh bằng những chuyến hải hành theo lộ trình dài 6.000km để thu gom thiếc từ Cornwall. Để làm được như vậy, họ phải tìm ra những cách để định vị trên đại dương mênh mông.
Khoảng 500 năm TCN: Nai sừng tấm Ái Nhĩ Lan, một loại nai giống như nai sừng tấm Bắc Mỹ, đã tuyệt chủng. Cùng biến mất với chúng là những chiếc sừng tấm lớn nhất mọi thời đại. Những chiếc sừng này có thể rộng đến 4 mét, và có những điểm sắc nhọn bao quanh khắp rìa sừng.