Tài liệu: Khoa học vũ trụ thế kỷ XXI

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

KHOA HỌC VŨ TRỤ THẾ KỶ XXI Ngày 14 - 1 - 2004, tại tổng hành dinh của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ NASA ở Washington, Tổng thống Mỹ George Brush đ
Khoa học vũ trụ thế kỷ XXI

Nội dung

KHOA HỌC VŨ TRỤ THẾ KỶ XXI

 

Ngày 14 - 1 - 2004, tại tổng hành dinh của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ NASA ở Washington, Tổng thống Mỹ George Brush đã công bố kế hoạch ''Tầm nhìn cho công cuộc thám hiểm Vũ trụ'' (Vision for Space Exploration). Nội dung của kế hoạch này là sau khi kết thúc chương trình con thoi Vũ trụ (vào năm 2012), chương trình xây dựng và khai thác Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) vào khoảng năm 2017, Mỹ sẽ chuyển sang kế hoạch đưa người trở lại Mặt trăng (có thể vào năm 2020, 50 năm sau chuyển đổ bộ xuống Mặt trăng của Amstrong và Aldrin trên tàu Apollo 11 ngày 20 - 7 - 1969), xây dựng trên Mặt trăng một trạm khoa học thường trực để khai thác tài nguyên phục vụ Trái đất và dùng làm căn cứ để đưa người lên Sao Hoả, có thể là trong nửa đầu thế kỷ XXI.

Khi chương trình con thoi Vũ trụ bắt đầu vào tháng 4 - 1981, Mỹ đã chế tạo 5 con tàu, trong ấy hai tàu là Challenger đã bị cháy năm 1986 làm thiệt mạng toàn bộ phi hành đoàn gồm 7 người và Columbia bị cháy vào năm 2003. Mỹ dự kiến trong những năm tới sẽ tiếp tục phóng 3 tàu con thoi Vũ trụ còn lại là Discovery, Atlantis và Endeavour nhằm đưa các đoàn phi hành thuộc nhiều nước lên làm việc trên mang ISS, chuyên chở các môđun thí nghiệm của Mỹ, Nhật, Cộng đồng Châu Âu, Canada lên lắp nối với các môđun đã có sẵn của Nga và Mỹ nhằm hoàn thành việc xây dựng Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS.

Để xây dựng Trạm Vũ trụ Quốc tế, Nga dùng tên lửa Prôtôn đưa các môđun thí nghiệm lên quỹ đạo, đồng thời phóng các tàu Vũ trụ Liên hợp chở các nhà du hành Vũ trụ của Nga cũng như các nước khác lên làm việc trên trạm ISS.

Cách đây vừa đúng 2 năm, ngày 15 - 10 - 2003, vào hồi 9 giờ sáng (theo giờ Bắc Kinh, tức 8 giờ theo giờ Hà Nội), Trung Quốc đã phóng tàu Vũ trụ “Thần Châu” - V, chở Trung tá không quân 38 tuổi Dương Lợi Vĩ bay vào Vũ trụ. Sau khi bay quanh Trái đất 14 vòng trong 12giờ 30 phút trên chặng đường dài 600000 km, sáng 16 - 10 - 2003, nhà du hành Vũ trụ đầu tiên của Trung Quốc, Dương Lợi Vĩ đã trở về Trái đất an toàn, mạnh khoẻ tại địa điểm trên khu tự trị Nội Mông, miền Tây Bắc Trung Quốc. Như vậy là sau Liên Xô (trước đây) và Mỹ, Trung Quốc là nước thứ ba đã đưa người vào Vũ trụ bằng tên lửa và con tàu Vũ trụ do chính mình chế tạo.

Trung Quốc bắt đầu xây dựng ngành chế tạo tên lửa cách đây gần nửa thế kỷ, khi thành lập Viện nghiên cứu cơ học vào năm 1957, do tiến sĩ Tiền Học Sâm làm Viện trưởng đầu tiên. Ông sinh năm 1912 ở tỉnh Triết Giang, năm 1935 sang Mỹ nghiên cứu chế tạo tên lửa, được cấp bằng tiến sĩ; năm 1941 - 1945 làm cố vấn cho Bộ Quốc phòng Mỹ với quân hàm Đại tá; năm 1946 tham gia phái đoàn quân sự Mỹ sang khảo sát Trung tâm tên lửa Peenemunde của phát xít Đức; Năm 1955, Ông rời Mỹ trở về Trung Quốc, năm 1957 ông được kết nạp vào Đảng cộng sản Trung Quốc; năm 1959 được bầu vào ban chấp hành Trung ương Đảng và vào Quân uỷ Trung ương với quân hàm Trung tướng.

Năm 1957 là năm Liên Xô (trước đây) phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiền của Trái đất nặng 83kg bằng tên lửa R - 7 có khối lượng khi phóng lên là 270 tấn, do Tổng công trình sư, Viện sĩ Xécgây Côrôlep chế tạo. Năm 1958 Liên Xô cung cấp cho Trung Quốc tên lửa đạn đạo tầm trung R - 2. Dựa trên các tên lửa mà Liên Xô cung cấp, chỉ 4 năm sau, vào năm 1964, các chuyên gia tên lửa Trung Quốc đã nhanh chóng thí nghiệm thành công tên lửa tầm xa vượt đại Châu. Các cuộc thí nghiệm tên lửa này được tiến hành tại Sân bay Vũ trụ Tửu Tuyền trên Sa mạc Gôbi thuộc Nội Mông được xây dựng từ năm 1958. Chính từ sân bay Vũ trụ này, ngày 24-4-1970 Trung Quốc đã phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên mang tên ''Đông Phương Hồng'' nặng 173 kg bằng một tên lửa vượt đại Châu cải tiến mang tên ''Trường Chinh - 1'' và trở thành nước thứ 5 phóng vệ tinh nhân tạo bằng tên lửa của mình - sau Liên Xô (1957), Mỹ (1958), Pháp (1965) và Nhật Bản (11-2-1970, trước Trung Quốc hơn hai tháng).

Từ năm 1970 đến nay, trong hơn 30 năm, Trung Quốc đã phóng hơn 50 vệ tinh nhân tạo bằng 4 thế hệ tên lửa nối tiếp nhau: ''Trường Chinh - 1'' (1970, nặng 82 tấn, cao 30 mét); ''Trường Chinh 2” (1974, nặng 191 tấn, cao 32 mét); ''Trường Chinh - 3'' (1984, nặng 202 tấn, cao 40 mét) và ''Trường Chinh – 4”(1988, nặng 248 tấn, cao 45 mét). Những tên lửa này được phóng lên từ ba sân bay Vũ trụ: Jiuquan ở Nội Mông (hoạt động từ 1970), Xichang ở Tứ Xuyên (hoạt động từ 1984) và Taiyuan ở tỉnh Sơn Tây (hoạt động từ 1988).

Những vệ tinh nhân tạo đầu tiên của Trung Quốc được sử dụng chủ yếu vào mục đích chụp ảnh từ Vũ trụ phục vụ quốc phòng. Ngày 26-11-1975, một vệ tinh nhân tạo quân sự do tên lửa ''Trường Chinh 2” phóng lên đã được thu hồi trở về Trái đất cùng với các tấm phim chụp từ Vũ trụ. Cho đến nay Trung Quốc đã thu hồi 17 vệ tinh quân sự.

Ngày 8-4-1984, Trung Quốc lần đầu tiên phóng thành công vệ tinh địa tĩnh. Những vệ tinh này chủ yếu được dùng để truyền hình vô tuyến và liên lạc viễn thông. Ngoài các vệ tinh quân sự và vệ tinh viễn thông, Trung Quốc còn phóng vệ tinh khí tượng, vệ tinh viễn thám và các vệ tinh ứng dụng khác. Từ hơn mười năm nay, Tổng công ty ''Trưởng Thành'' của Trung Quốc đã phóng vệ tinh viễn thông và thăm dò tài nguyên cho nhiều nước như Pakixtan, Australia, các nước Ả rập, Braxin...

Tàu Vũ trụ “Thần Châu V” nặng 8 tấn, hơn rất nhiều lần vệ tinh nhân tạo ''Đông Phương Hồng'' chỉ nặng 173kg. Để phóng con tày này lên quỹ đạo quanh Trái đất, phải có tên lửa đủ mạnh. Tên lửa mạnh nhất của Trung Quốc hiện nay là tên lửa Trường Chinh CZ - 2F được cải tiến từ tên lửa Trường Chinh - 2, có khối lượng khi phóng là 460 tấn (gấp hơn 2 lần “Trường Chinh 2”). Tên lửa mà Liên Xô (trước đây) đã dùng để phóng tàu Vũ trụ “phương Đông 1” chở luri Gagarin ngày 12-4-1961 có khối lượng 500 tấn, nhưng tàu Vũ trụ chỉ nặng 5 tấn. So với tàu ''Phương Đông'', tàu Vũ trụ “Thần Châu V” có khoang chứa rộng hơn, điều kiện ăn ở tốt hơn, tương đương với tàu Vũ trụ ''Liên Hợp'' của Nga nhưng chưa điều khiển được linh hoạt để ghép nối như tàu ''Liên Hợp''.

Hai năm sau, ngày 12-10-2005, từ trung tâm Vũ trụ Tửu Huyền, Trung Quốc lại phóng tàu Vũ trụ ''Thần Châu - VI'' chở hai nhà du hành Vũ trụ là Trung tá Phỉ Tuấn Long, 40 tuổi và Trung tá Nhiếp Hải Sinh, 41 tuổi. Sau khi bay 76 vòng quanh Trái đất trong 115 giờ 32 phút trên quỹ đạo cách mặt đất 343 km, vào hồi 4 giờ 33 phút giờ Bắc Kinh, tức là 3 giờ 33 phút giờ Hà Nội, tàu Vũ trụ Thần Châu VI đã hạ cánh an toàn xuống khu tự trị Nội Mông, cách điểm dự kiến 1 km.

Bước tiếp theo của chương trình Vũ trụ của Trung Quốc là cho nhà du hành Vũ trụ đi ra ngoài không gian Vũ trụ, lắp ráp tàu Thần Châu với Trạm Vũ trụ Quốc tế, xa hơn nữa là đổ bộ nhà du hành Vũ trụ xuống bề mặt Mặt trăng, có thể là trong vài thập kỷ tới.

           




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/189-02-633390360548306250/Nhung-thanh-tuu-khoa-hoc-cua-loai-Nguoi--d...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận